Việt nam gia nhập internet vào năm nào

Với gần 70 triệu người dùng Internet, Việt Nam hiện có 7 tuyến cáp quang biển, tức trung bình khoảng 10 triệu người hoạt động trên một tuyến cáp. Trong khi đó, con số này ở Singapore là 0,16 triệu, Malaysia là 0,78 triệu, theo thống kê năm 2021. Hiện tượng đứt cáp vẫn xảy ra khoảng 10 lần mỗi năm.

Công nghệ 5G dù được triển khai thử nghiệm gần hai năm qua, vẫn chưa hoạt động chính thức. Hiện còn khoảng 69 “điểm lõm sóng”, là nơi người dân chưa được tiếp xúc với sóng điện thoại và Internet.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

Người Việt hiện phải đối mặt với những nguy cơ từ việc quá phụ thuộc Internet, nghiện mạng xã hội, bị lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân.

Hơn 25 năm sử dụng Internet, ông Khoa đã trải qua những vấn đề phức tạp của cuộc sống trên mạng, từ việc bị mạo danh đến việc nhận tin nhắn, email giả danh bạn bè để vay tiền… “Lần đầu chạm tới Internet, tôi đã hình dung nó như một thế giới. Vì vậy, những vấn đề của thế giới thực cũng sẽ xuất hiện trên Internet, thậm chí nguy hiểm hơn vì tính ẩn danh”, ông Khoa nhận định.

Còn trong hình dung của những người thuộc thế hệ Trần Dinh, Internet Việt Nam 25 năm qua phát triển theo hình trôn ốc – một vòng tròn lặp lại. Vẫn chung một nỗi lo, niềm hân hoan, chỉ là khác hoàn cảnh và thế hệ.

“Trước đây chúng tôi phải ‘đấu tranh’ để được lên mạng, giờ lại phải tìm cách thoát khỏi Internet bằng các thử thách không kết nối, chọn lọc thông tin, làm sao để tự bảo mật, tránh bị đánh cắp dữ liệu”, Dinh nói.

Từng có thời gian sử dụng Internet cho mục đích xấu và phải trả giá bằng nhiều năm tù tại Mỹ, Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) giờ trở thành một trong những người đi đầu trong việc nâng cao nhận thức tự bảo vệ trên không gian mạng tại Việt Nam.

Trở về từ thế giới “đen” trên Internet, Hiếu tận dụng chính các nền tảng mạng xã hội để xây dựng cộng đồng về an toàn thông tin, giúp người Việt nâng cao kiến thức tự bảo vệ mình trên mạng. Sau hơn một năm hoạt động, mạng lưới Chống lừa đảo của Hiếu đã phát hiện, tổng hợp hơn 12 nghìn tên miền lừa đảo tại Việt Nam, trong đó, hơn 80% là các tên miền lừa tiền, chiếm đoạt thông tin.

“Internet là một công nghệ tuyệt vời và mạnh mẽ, nhưng sự mạnh mẽ đó được chia đều cho cả người tốt và kẻ xấu. Vào tay kẻ xấu, chúng có thể bị lạm dụng để gây hại cho cộng đồng”, Hiếu nói.

Tương lai

25 năm sau ngày Internet vào Việt Nam, ông Khoa không còn thường xuyên ngồi trước màn hình cập nhật tình hình thế giới, thay vào đó là những chuyến di chuyển khắp các tỉnh thành ở Việt Nam để triển khai chuyển đổi số. Nhờ chuyển đổi số, cuộc sống người Việt đã quen dần với dịch vụ công trực tuyến, học online, mua hàng qua kênh thương mại điện tử… và thụ hưởng những giá trị mà Internet mang lại. Theo ông Khoa, tương lai của các dịch vụ trên Internet sẽ phục vụ nhu cầu “cá thể hoá” của mỗi con người.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng Dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; kinh tế số chiếm 20% GDP; 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, 80% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng.

Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google đánh giá nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD. Mua hàng online, hay thương mại điện tử, trở thành thói quen của người dùng Việt, với 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì và gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong tương lai.

Còn theo Trần Dinh, kỷ nguyên Internet của thông tin đã đi qua và con người đang bước tới kỷ nguyên Internet chia sẻ giá trị. Đây là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới, thậm chí dẫn dắt một số trào lưu mới như blockchain, GameFi, metaverse, Web3… Người Việt trẻ tạo ấn tượng với cộng đồng quốc tế nhờ khả năng sáng tạo, tiếp cận tin tức nhanh và chọn lọc.

Tại lễ khánh thành một trung tâm dữ liệu của Việt Nam vào tháng 8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định “giấc mơ mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại đã thành hiện thực” và “gần như 100% người trưởng thành Việt Nam đã phổ cập Internet”. Đó là những mục tiêu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba mà Việt Nam đã đạt được.

Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo Bộ trưởng Hùng, trong công cuộc đó, hạ tầng thông tin liên lạc sẽ trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. Đó không chỉ là hạ tầng viễn thông băng rộng, mà còn là hạ tầng điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số.

Lưu Quý – An Thu