Viêm đại tràng co thắt uống thuốc gì

Các thuốc chữa co thắt đại tràng được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

2.1. Thuốc ức chế cơ trơn

Các thuốc ức chế cơ trơn được sử dụng để làm giảm các cơn đau co thắt đại tràng có thể kể đến như Phloroglucinol và spasmaverin. Trong đó:

  • Phloroglucinol với tác dụng chống co thắt trực tiếp trên cơ trơn nên được sử dụng trong điều trị co thắt đại tràng. Phloroglucinol được sử dụng với liều lượng: dạng viên nén 80mg, uống 2 viên/lần khi đau, ngày uống không quá 6 viên. Dạng dung dịch tiêm, từ 1-3 ống/ngày, tiêm tại tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Thuốc đạn liều sử dụng 150mg, ngày uống tối đa 3 viên, mỗi lần cách nhau tối thiểu 2 giờ. Khi sử dụng Phloroglucinol có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như: dị ứng nổi mề đay, phát ban, phù Quincke, đối với dạng tiêm đôi khi có thể gây hạ huyết áp.
  • Spasmaverine là loại thuốc được chỉ định trong điều trị chống co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, tiết niệu, giảm đau do co thắt. Liều sử dụng của Spasmaverine từ 60-120mg, ngày uống từ 1-3 lần. Lưu ý không sử dụng Spasmaverine cho phụ nữ đang mang thai, cho con bú cũng như người bị huyết áp thấp. Ngoài ra trong quá trình uống thuốc, người bệnh có thể xuất hiện một số tác dụng không mong muốn như: dị ứng nổi mề đay, đau đầu, chóng mặt, phù thanh quản, nặng hơn có thể dẫn đến sốc khi bị dị ứng nặng.

2.2. Các thuốc dùng cho đầy hơi, trướng bụng

Đối với triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, các loại thuốc được sử dụng bao gồm: Trimebutine, domperidon.

  • Trong đó thuốc Trimebutine có tác dụng điều hòa nhu động ruột ở dạ dày cũng như chống co thắt đại tràng nhờ vào cơ chế tác dụng lên hệ thống thần kinh với chức năng điều hòa hoạt động đường tiêu hóa trên niêm mạc của dạ dày. Liều dùng thông thường đối với người lớn là 300mg/ngày, ngày uống 3 lần mỗi lần 100mg, thời gian sử dụng từ 3 đến 7 ngày. Đối với trẻ em liều thường dùng là 5ml/5kg/ngày. Trong thời gian sử dụng Trimebutine, người bệnh có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như hôi và khô miệng, tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, hay chóng mặt, buồn ngủ, dị ứng mẩn ngứa, phù,…
  • Đối với Domperidon, tuy là một thuốc hay được sử dụng trong điều trị đại tràng co thắt nhưng tại Pháp và một số nước châu Âu đã ngưng sử dụng khi thuốc xuất hiện nhiều tác dụng phụ như làm tăng nguy cơ loạn nhịp thất và cao hơn nữa là đột tử. Liều dùng của thuốc domperidon dành cho người lớn từ 10-20mg x 3 lần/ngày.

Ngoài ra, một số men tiêu hóa, đặc biệt là các loại lấy từ dịch tụy của lợn, bò hoặc các thuốc có chứa than hoạt tính như Carbophos, Sorbitol, Motilium-M,… cũng có thể giúp làm giảm triệu chứng đầy hơi chướng bụng.

2.3. Các thuốc điều trị chứng phân lỏng, nát…

Có 2 loại thuốc thường được sử dụng để điều trị triệu chứng đi ngoài phân lỏng nát trong bệnh viêm đại tràng co thắt bao gồm: Loperamid và smectite intergrade

  • Thuốc Loperamid có tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch và tăng trương lực co thắt tại hậu môn. Ngoài ra loperamide còn làm chậm sự di chuyển của thức ăn qua ruột, giúp cơ thể hấp thụ nhiều chất lỏng hơn. Khi sử dụng Loperamid, người bệnh cần chú ý một số tác dụng phụ có thể xuất hiện như táo bón, khô miệng kèm theo cảm giác buồn nôn. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng, người bị táo bón cũng không nên sử dụng loại thuốc này.
  • Cũng giống như Loperamid, Smectite intergrade được sử dụng trong điều trị đại tràng co thắt với triệu chứng đi ngoài phân lỏng, với công dụng giúp làm tăng sức chịu đựng của phần gel trên lớp niêm mạc tiêu hóa từ đó giúp bao phủ phần niêm mạc. Khi sử dụng smectite intergrade có thể gây ra một số tác dụng phụ như đây hơi, táo bón, nôn và buồn nôn.