Trường bình thường chưa chắc đã tệ, trường &quotđiểm&quot chưa hẳn đã hay | VOV.VN

Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi khi học các trường công bình thường không phải là bị cô giáo phạt, bị áp lực học, bị điểm kém, thầy dạy dở… mà là sợ “bị bắt nạt”.

Lớp học trường công luôn có những cậu/cô bé được gọi là “trùm lớp” hoặc “trùm trường”.

Chúng thường học không giỏi/chăm, bố mẹ cũng không quan tâm nhiều, bẩm sinh lại to lớn hoặc liều lĩnh, có tính “lãnh đạo” cao (từ này sau này tôi mới biết và hiểu). Do vậy chúng luôn chứng tỏ quyền lực bằng cách bắt nạt, sai bảo và đánh đập những đứa khác một cách tuỳ hứng. Bọn trẻ khác sợ bị “trùm” đánh, nên thường a dua đánh đập và trêu trọc những đứa mà trùm chỉ định sẽ bị trêu trọc.

Tôi sinh ra là một đứa trẻ yếu ớt và nhỏ bé nên đây là nỗi sợ và ám ảnh lớn nhất thời đi học của tôi. Tôi cũng không thể lúc nào cũng mách bố mẹ được. Một phần vì thấy bố mẹ cũng bận rộn, nhưng lý do chính là càng mách thì càng dễ bị ăn đòn trả thù.

Nói như thế không có nghĩa là tôi thường xuyên bị bắt nạt hồi đó. Tôi đã phải học cách để “sinh tồn” và “tránh bị bắt nạt” khá hiệu quả. Việc đầu tiên để không bị “trùm” bắt nạt là phải “chơi với trùm”.

Chơi với trùm nhưng bạn phải: a) không thể là làm đàn em của trùm vì đàn em sẽ bị sai bảo làm việc xấu và cũng hay bị đánh đập; b) cũng không thể a-dua theo “trùm” làm việc xấu được.

Trùm thì thường học kém nên tôi hay gà bài và kiếm cách dạy “trùm” học. “Trùm” cũng sợ bị bố mẹ đánh nên chuyện học cũng rất lo. Bài tập mà giải được, có điểm cao thì “trùm” cũng rất phấn khích và cảm ơn mình.

Tuy nhiên, chơi với trùm phải luôn nhớ là không được làm “đàn em” của chúng. Vì nếu là đàn em thì sẽ suốt ngày bị sai vặt và bị làm bài hộ. Do vậy, ngoài việc “gà bài” thì chính mình cũng phải được tôn trọng bởi các bạn khác trùm mới “nể”. Tôi cũng luôn cố gắng để các bạn trong lớp tôn trọng và yêu quý, vì trùm không thể dễ dàng bắt nạt được “thủ lĩnh” của một nhóm/lớp cả.

Và cũng phải “liều mạng” nện lại “trùm” khi bị bắt nạt quá. Có lúc nhịn không được tôi đã dùng cả thân gỗ lớn phang cả một nhóm hay bắt nạt anh em tôi; đẩy một “trùm” xuống mương tí đuối nước; và cũng từng bị “treo khăn” và đuổi học mấy ngày vì đánh một “trùm” suýt trọng thương.

Tôi sợ bị bắt nạt đến nỗi khi vào trường Hà Nội Amsterdam, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi không phải là uy tín của trường Amsterdam hay sự tự hào của cha mẹ, mà là thoát khỏi cảnh “bị bắt nạt”.

Tôi chưa bao giờ bị bắt nạt khi học ở trường Amsterdam cả. Những năm tháng ở trường Amsterdam là những năm tháng yên ổn nhất đời học sinh của tôi.

Nói thế thì học trường bình thường có lợi gì không? Điều lớn nhất của việc học trường bình thường lại là điều mà ít phụ huynh ngờ nhất. Học sinh giỏi ở trường “thường” sẽ tự tin hơn rất nhiều so với học sinh giỏi ở trường “tinh hoa”.

Trong xã hội học có một khái niệm rất nổi tiếng tên là “relative deprivation” (sự thiếu hụt có tính tương đối). Người ta so sánh bản thân mình với những người trong cùng bối cảnh với mình. Ví dụ, một học sinh sẽ đánh giá mình giỏi hay không khi đối chiếu mình với những bạn học cùng lớp. Một học sinh học lớp chuyên sẽ đánh giá năng lực của mình với những bạn cùng học lớp chuyên, chứ không phải với những bạn cùng tuổi mình.

Theo nhà tâm lý học Herbert Marsh và nhà báo nổi tiếng Malcom Gladwell, hiện tượng này được gọi là “Hiệu ứng Cá lớn trong Ao nhỏ” (Big fish in a small pond), (ở Việt Nam ta gọi một cách miệt thị là “thằng chột làm vua xứ mù”). Có nghĩa là sự tự đánh giá của học sinh về chính mình có quan hệ tỷ lệ nghịch với sự nổi tiếng của trường.

Những học sinh giỏi có thể (cảm thấy) rất bình thường tại một môi trường toàn những học sinh xuất sắc, và ngược lại, bạn sẽ thấy mình rất giỏi nếu bạn ở trong một môi trường “bình thường”

Vấn đề quan trọng là việc “cảm thấy về mình” thế nào so với những người khác lại quyết định đáng kể đến động lực học tập và động lực phấn đấu trong cuộc sống của con người. Bạn sẽ cảm thấy nản lòng và chán nếu mình luôn cảm thấy thấp kém so với bạn cùng trang lứa ở môi trường mình học.

Một môi trường có quá nhiều người giỏi sẽ rất khó để cảm thấy mình là người giỏi. Lòng tự tôn của những học sinh xếp hạng dưới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng ra trở thành học sinh đầu lớp tại một môi trường có những học sinh học vừa phải, những học sinh giỏi này lại có thể đứng cuối lớp tại một ngôi trường toàn những học sinh xuất sắc.

Động lực học sẽ mất đi và nhường chỗ cho áp lực và căng thẳng. Nhiều khi chính những áp lực đấy sẽ giết chết sự sáng tạo, đam mê và niềm vui học tập của một đứa trẻ.

Người ta ước tính rằng chỉ có khoảng 30% những học sinh đứng đầu khóa học sẽ thực sự thành công, số 30% cuối cùng thường sẽ cảm thấy mình yếu kém so với bạn cùng lớp và do đó có áp lực nặng nề lên chính mình.

Hồi còn học ở trường chuyên ở HN, mặc dù trong top ở lớp, nhưng bản thân tôi cũng luôn cảm thấy áp lực phấn đấu. Nỗi sợ bị bắt nạt đã thay thế bằng nỗi sợ thất bại. Khi mà kỳ vọng của rất nhiều người đặt lên vai mình, từ bạn bè, cha mẹ và chính mình, khi mà cuộc sống của đứa trẻ chỉ xoay quanh học mà không còn điều gì khác lớn hơn, điều này có thể làm sụp đổ một đứa trẻ.

Việc tìm cách bằng mọi giá đẩy con mình vào một ngôi trường toàn những người xuất sắc, với hy vọng và niềm tự hào lớn lao, nhiều phụ huynh đã vô tình biến con mình trở thành “tầm thường” hay chậm chí “ngu ngốc” và tước đoạt đi của cháu ước mơ lớn. Đáng ra con có thể trở thành kỹ sư/nhà khoa học/chính trị gia, cháu lại trở thành một người tuyệt vọng, mất niềm tin vào chính mình.

Nếu lựa chọn, tôi sẽ cho con mình một môi trường vừa phải mà cháu có thể trở thành một trong học sinh đứng đầu lớp (một cách toàn diện), thay vì khuyến khích hay ép cháu vào một môi trường đầy áp lực và toàn những học sinh quá xuất sắc. Con tôi sẽ có một sự tự tin cần thiết để tạo động lực lớn trong học tập và cuộc sống sau này./.