LCĐT – Người ta kháo nhau rằng, ở trên núi Tổng Mo, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên có một ngôi làng người Mông mà người già, trẻ nhỏ ít khi bị ốm đau, thanh niên khỏe như trâu rừng. Có được điều kỳ diệu ấy là vì họ có một bí mật phòng thân từ chân gà. Câu chuyện cứ thế kéo dài, có lẽ không trừ những hư cấu lẫn thêm thắt tầm phào.
Người Mông tin bùa chân gà giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Đỉnh núi Ò ó o
Để tận mắt thấy, chúng tôi quyết định ngược núi lên Tổng Mo tìm hiểu sự thật. Con đường nhỏ đã được đổ bê tông xi măng dẫn lên bản Mo 3 mùa này sương trắng phủ kín. Bản Mo 3 là nơi cư trú của vài dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm đa phần. Bản trên đỉnh núi có độ cao hơn 1.000 m, chính nơi đây đã sản sinh ra một giống gà rừng quý gắn liền với cuộc sống tâm linh của họ.
Phải mất một chặng đường khá xa từ trung tâm xã Xuân Hòa để đến được bản Mo 3 và mất thêm đoạn cuốc bộ, mồ hôi nhễ nhại, chúng tôi mới đến được nhà trưởng bản. Ngôi nhà nhỏ của Trưởng bản Ma Văn Khoa ở ngay sườn núi, anh là trưởng bản trẻ tuổi và giữ chức này từ khi mới 19 tuổi.
Sau cuộc gặp gỡ, hàn huyên và uống với nhau vài bát rượu ngô, anh Ma Văn Khoa đưa chúng tôi lên núi. Ngọn núi cao nhất ở bản Mo 3 sừng sững như một tháp canh lâu đài, từ đây phóng tầm mắt ra xa thấy toàn cảnh vùng lân cận của Tổng Mo, gồm Mo 1, Mo 2 và Mo 3 của xã Xuân Hòa.
Anh Khoa bảo rằng: Ngày xưa khi di cư, người Mông chúng tôi thường chọn những vùng đất đẹp và cao để làm bản, dựng nhà. Nơi chúng tôi đang ở chính là đỉnh núi con gà. Vùng đất này hợp với chúng tôi lắm nên cuộc sống mới được khấm khá như bây giờ. Lợn đầy chuồng, trâu đầy đồi, còn ngô ăn không hết phải đem nấu rượu để kín bếp.
Người Mo 3 gọi nơi đây là đỉnh núi con gà, còn người ở Mo 1 và Mo 2 thì gọi là đỉnh núi Ò ó o. Truyện kể rằng, đỉnh núi cao của bản là nơi gà thần ngự trị bởi từ xa xưa khi chưa có bước chân người tới đây, người ta đã nghe thấy tiếng gà đánh thức vào mỗi buổi sớm mai. Một con gà gáy 3 bản mở mắt là ở cái lẽ đó. Nay đất trời ưu ái cho người Mông được thừa hưởng vinh dự sống nơi đất gà thần ngự trị.
Bùa phòng thân từ chân gà rừng
Sau bữa cơm trưa với trưởng bản và các già làng ở bản Mo 3, anh Khoa dẫn tôi gặp một vị già làng rồi giới thiệu: Già làng Ma Seo Tòng là một cao nhân làm bùa bằng chân gà rừng đấy!
Thấy trưởng bản ca ngợi, ông Tòng tủm tỉm cười rồi đưa tay móc túi áo lôi ra gói giấy nhỏ màu đỏ. Từ từ mở từng lớp giấy, ông Tòng lấy ra chiếc chân gà màu đen với những ngón chân quắp chặt một hòn sỏi cũng màu đen, nhẵn nhụi.
Trịnh trọng đặt chiếc chân gà đen vào chiếc đĩa giữa nhà, vị già làng lên tiếng: Đây chính là “Ngài”, giúp che chở, phù hộ, mang may mắn cho người Mông chúng tôi!
“Ngài” ở đây chính là chiếc chân gà rừng đen khô kia. Đó là báu vật linh thiêng của người Mông ở bản Mo 3, tượng trưng cho một loại bùa xua đuổi tà ma, đem lại may mắn, ấm no. Nhưng trên tất cả, “Ngài” là hiện thân gợi nhớ đến sự tích gà thần từng ngự trị ở trên đỉnh núi Ò ó o kia.
Theo anh Khoa và các già làng, bùa chân gà có từ rất lâu, khi người Mông di cư đến bản Mo 3 đã thấy nhà nào cũng có vài cái chân gà như vậy treo ở gác bếp. Thường thì mỗi người có một bùa chân gà luôn mang theo bên người để phòng thân.
Ông Tòng bảo: Bùa chân gà rất linh nghiệm. Mỗi gia đình một năm chỉ được phép làm thêm một bùa chân gà để dành cho người trong nhà hoặc làm quà tặng những người mình yêu mến. Cũng vì thế, mỗi gia đình phải tìm bằng được một con gà rừng hoặc gà đen để lấy chân làm lễ phù phép thì mới linh nghiệm. Ngoài gà rừng và gà đen, các loại gà khác không làm được bùa. Chân trái làm bùa cho đàn ông, còn chân phải thì làm bùa dành cho phụ nữ.
Bí ẩn bùa chân gà
Ông Ma Seo Tòng, già làng ở bản Mo 3 bảo rằng: Xưa kia, chúng tôi phải lên rừng đặt bẫy bắt sống gà rừng, nhưng phải là những con gà mái già thì làm bùa mới linh nghiệm. Khi bắt được, trước tiên phải mang về làm lễ cúng rồi mới được mổ gà để lấy “Ngài”. Tuy nhiên, ngày nay gà rừng rất hiếm và ít gặp nên mỗi khi vào rừng thì để ý có gà mái đen của nhà ai bị lạc vào thì mới được phép bắt.
Theo lời kể của các già làng nơi đây, để bùa chân gà có tác dụng xua đuổi tà ma, đem lại sự may mắn thì các bước làm ra “Ngài” rất kỳ công. Sau khi lấy được chân gà, thầy cúng làm lễ, còn gia chủ đem chân gà rửa sạch, ngâm nước muối rồi đem treo gác bếp cho khô và liên tục uốn các ngón chân gà sao cho quắp lại. Hơn một tháng sau, đem chân gà ủ với một loại lá rừng và đến đúng 100 ngày, đem chân gà đặt trên bàn thờ, mời thầy cúng đến làm lễ. Trong nghi lễ này, gia chủ phải tìm được viên sỏi tròn đặt bên cạnh chân gà. Sau khi lễ cúng kết thúc, người được trao bùa sẽ đặt viên sỏi vào lòng bàn chân gà, viên sỏi được giữ chặt bởi các ngón chân đã quắp.
Với quan niệm viên sỏi tròn tượng trưng cho trời tròn, trời sẽ bảo vệ, phù hộ người giữ bùa luôn khỏe mạnh, tránh được tà ma, đem lại bình an, may mắn. Vì được sấy khô và ủ kỹ, bùa chân gà sẽ không bị phân hủy. Trong cuộc đời của mỗi người Mông ở bản Mo 3 cũng chỉ một lần được làm bùa chân gà nên họ giữ gìn rất cẩn thận. Nếu chẳng may làm mất bùa thì phải báo cho thầy cúng làm lễ xin thần để không bị trừng phạt.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!