Tên đệm (hay tên lót) phổ biến nhất của người Việt là “Văn” (文), “Hữu” (有) dùng cho nam giới và “Thị” (氏) dùng cho nữ giới, luôn nằm giữa họ và tên chính. Trong khi họ là để phân biệt huyết thống và tên chính dùng để phân biệt người này với người khác thì một số tên đệm thường dùng để phân biệt giới tính (nam, nữ). Ví dụ, những cái tên nổi tiếng như Thị Kính, Thị Mầu trong Quan Âm Thị Kính, Thị Nở trong Chí Phèo hay “Thị” trong tác phẩm Ngày xưa Hoàng Thị của nhạc sĩ Phạm Duy…
Tuy nhiên ngày nay, những tên lót phổ biến này lại không được người Việt ưa thích vì chúng được cho rằng không hay bằng những tên lót khác, đặc biệt là “Thị”. Chữ 氏 (thị) này đồng âm với chữ 侍 (thị) trong “thị nữ” (侍女) có nghĩa là ” hầu hạ”, “hầu gái”, khiến người phụ nữ như bị đánh giá thấp kém. Do đó một số lượng không nhỏ phụ nữ Việt Nam hiện nay có tên đệm là “Thị” hay bỏ chữ này khi viết hay xưng đầy đủ họ tên.
Do việc tên chính được sử dụng nhiều thay cho họ, hiện nay rất nhiều người tưởng lầm rằng phần tên đệm là thuộc phần họ, nhưng theo đúng lý thì tên đệm là phần gắn với tên chính, vì tên đệm bổ sung ý nghĩa cho tên chính. Ví dụ như một người tên “Nguyễn Thành Công” tự ghi trong một đơn từ hay hồ sơ với phần họ (Surname hay Family name hoặc Last name) và tên (First Name hoặc Given Name) được tách riêng, người này ghi “Họ: Nguyễn Thành“, “Tên: Công” là không chính xác, mà chính xác phải ghi là “Họ: Nguyễn“, “Tên: Thành Công“. Trường hợp ngoại lệ là người có họ kép vốn sẵn như “Âu Dương Lâm” (họ Âu Dương), “Tôn Thất Lâm” (họ Tôn Thất) hoặc người có họ kép do từ họ mẹ kèm sau họ bố như “Nguyễn Trần Lâm”, “Phạm Vũ Lâm”,… thì phải ghi chính xác là “Họ: Âu Dương | Tôn Thất | Nguyễn Trần | Phạm Vũ” và “Tên: Lâm“.
Hình thức và mối liên kết
Xét về hình thức, tên đệm có thể là một từ: Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương.
Xét về mặt liên kết với các thành phần khác trong tên, tên đệm có thể là thành phần độc lập, cũng có thể liên kết với tên họ hoặc với tên chính. Cũng có người chỉ có họ và tên mà không có tên đệm. Ví dụ như: Lê Lợi, Trần Lực…
- Tên đệm đứng độc lập: là loại tên đệm không phối hợp được với tên họ hay tên chính để làm thành từ kép. Ví dụ với Nguyễn Đình Chiểu và Lê Văn Sơn thì từ “Đình” hay “Văn” không thể phối hợp với tên họ hoặc tên chính để làm thành từ kép có một ý nghĩa khác.
- Tên đệm phối hợp với tên chính: Hầu hết tên chính người Việt Nam xuất phát từ nguồn gốc Hán-Việt. Trong văn chương, các từ này được coi là hay hơn các từ Nôm nên khi đặt tên người ta cố gắng lựa tên đệm nào có thể đi chung với tên chính để có ý nghĩa rộng hơn, tốt đẹp hơn như Nguyễn Văn Quang Minh, Trần Hùng Dũng, Lê Phú Quý, Nguyễn Trọng Thành Công,…
- Tên đệm phối hợp với tên họ: Rất ít tên người Việt có tên đệm phối hợp được với tên họ để làm thành từ kép có ý nghĩa, ngoại trừ: Hoàng Kim Vui, Võ Văn Trung,…
- Tên đệm có thể có một hoặc hai chữ. Nếu là hai chữ, thì một chữ độc lập, một phối hợp với tên chính. Ví dụ, Đỗ Văn Quang Minh: tên đệm “Văn” đứng độc lập, tên đệm “Quang” đi với tên chính là “Minh” để thành “Quang Minh” (nghĩa là sáng sủa) hay Nguyễn Hoàng “Anh Dũng” (mạnh mẽ, có chí khí), Trần Thị “Tố Nga” (người con gái đẹp)…
Chức năng tên đệm
Tên đệm có thể có nhưng cũng có thể không có nên chức năng của nó đôi khi cũng không rõ ràng. Một số tên đệm có chức năng tương đối rõ:
- Phân biệt giới tính: nữ giới thường có tên đệm là “Thị”, “Diệu”; nam giới là “Văn”, “Bá”, “Mạnh”…
- Phân biệt chi, ngành trong một dòng họ lớn: Ngô Thì, Ngô Vai; Nguyễn Đức, Nguyễn Mậu,…
- Phân biệt thứ bậc trong gia đình: một số người dùng từ đệm Bá để chỉ con cả dòng họ trưởng, Mạnh để chỉ con cả dòng họ thứ, Gia chỉ con trưởng, Trọng chỉ con thứ hai,…
- Thẩm mỹ: một số tên đệm chỉ có chức năng thẩm mỹ và nam nữ đều có thể dùng.
Tên đệm thường dùng
- Dùng từ Hán-Việt có ý nghĩa tốt như các từ chỉ vật quý, mùa đẹp, màu đẹp, từ chỉ phẩm hạnh, tài năng: Xuân, Thu, Cẩm, Châu, Hồng, Hoàng, Đức, Hạnh, Đình, Đại,…
- Lấy họ mẹ làm tên đệm hoặc lấy họ cha làm tên đệm mà không phải theo chế độ mẫu hệ.
- Lấy tên đệm của cha làm tên đệm hoặc một phần tên đệm cho con trai và có thể con gái. Lấy tên đệm của mẹ làm tên đệm hoặc một phần tên đệm cho con gái hoặc trai.
- Lấy tên chính của cha làm tên đệm cho con trai, lấy tên chính của mẹ làm tên đệm cho con gái.
- Lấy tên đệm và tên chính của cha làm tên đệm cho con trai và gái: Trần Thành Đăng (cha), Trần Thành Đăng Chân Tín (con trai), Trần Thành Đăng Chân Mỹ (con gái), Nguyễn Cao Kỳ (cha), Nguyễn Cao Kỳ Duyên (con gái)…
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!