TOD- một kiểu tư duy trong quy hoạch xây dựng đô thị

Đồng hành với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là quá trình phát triểm các đô thị. Các thành phố cũ được mở rộng, nâng cấp và hiện đại hoá, nhiều thành phố được xây dựng mới, kéo theo đó là sự gia tăng dân số đô thị và sự tăng vọt các phương tiện giao thông công cộng và cá nhân. Điều đó đã gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các đô thị lớn. Hiện tượng tắc nghẽn giao thông đã trở thành nỗi bức xúc không chỉ đối với người dân khi hàng ngày phải đi lại, mà còn tốn thêm nhiều công sức, thời gian của các cơ quan quản lý Nhà nước phải để họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ… Trong thời gian qua, để giảm sốt vấn đề nóng này, Nhà nước đã mở thêm đường cao tốc, phố lớn, mở rộng các nút giao thông trọng điểm, xây dựng các khu chung cư ra ngoại thành, nhưng hầu như tình trạng trên vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu, vả lại đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Phương án xây dựng các tuyến tàu điện chạy trên cao và metro…thì do điều kiện kinh tế và những khó khăn về kỹ thuật khác, không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được, ngay cả dự án tàu điện ngầm cho TP. Hồ Chí Minh, một thành phố năng động, có tiềm lực kinh tế dồi dào, cũng phải năm tới mới có thể triển khai thực hiện.

Giữa thế kỷ XIX, tình trạng giao thông ở Châu Âu cũng tương tự như ở nước ta bây giờ. Để khắc phục vấn đề khó khăn về sự ách tắc giao thông, nhiều nước đã giải quyết theo hướng xây dựng thêm những thành phố mới thành phố vệ tinh. Tuy nhiên phương pháp mở rộng dần đất đai ra ngoài thành phố sẽ khiến cho sự quản lý bị phân tán và khó kiểm soát. Ở Mỹ họ giải quyết vấn đề này theo một cách khác, đó là mở rộng mạng lưới giao thông bằng cách xây dựng thêm những con đường từ trung tâm ra ngoại ô thành phố nhằm dãn dân cư ra vùng ngoại thành, nhờ vậy mà đã giảm bớt được mật độ dân số nội đô. Tuy nhiên, do việc sử dụng nhiều phương tiện giao thông cá nhân và sự chồng chéo của hệ thống đường sá, đã làm ảnh hưởng đến sự an toàn giao thông, đến lợi ích kinh tế và chất lượng sống của người dân.

Bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ XX, một hướng đi mới trong quy hoạch xây dựng đô thị đã được hình thành gọi tắt là TOD. Đó là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông làm nền tảng cho việc quy hoạch và quá trình phát triển đô thị. Việc giải quyết vấn đề mật độ dân cư bằng cách khuyếch tán người dân ra khỏi thành phố, đã mở ra một diện rộng, tạo điều kiện để nâng cấp và phát triển hệ thống giao thông công cộng khu vực như: hệ thống xe buýt, hệ thống tàu điện ngầm và tàu điện trên cao…Có rất nhiều thành phố sau chiến tranh thế giới thứ hai đã phát triển theo hướng này như các thành phố ở Nhật, Thuỵ Điển, Pháp và cả Hà Lan, Đan Mạch…

Vậy TOD là gì? Tại sao chúng ta cần quan tâm tới TOD?

TOD Transit Oriented Development là lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Hay nói cách khác, sự phát triển đô thị theo thuyết TOD là dựa trên định hướng phát triển của hệ thống giao thông công cộng. TOD như một cách tiếp cận, nhằm giải quyết những vấn đề liên quan tới sự tắc nghẽn giao thông và bảo vệ môi trường. Sự tắc nghẽn giao thông, sự gia tăng nhu cầu đi bộ và nhu cầu về chất lượng cuộc sống đô thị, chính sách hỗ trợ của Nhà nước…tất cả những yếu tố đó đã tác động tới xu hướng phát triển của TOD. Khi không có một bộ khung cơ bản về định hướng phát triển giao thông, chúng ta sẽ phải luôn đối phó với những vấn đề nảy sinh ngoài ý muốn, không kiểm soát được trong quá trình phát triển đô thị.. Đô thị phát triển dựa theo sách lược TOD là đô thị có chức năng sử dụng hỗn hợp giữa khu ở và khu tài chính, nó được thiết kế để tận dụng một cách tối đa các phương tiện giao thông công cộng, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thành phố, đồng thời vẫn cân bằng được lợi ích của cộng đồng. Trung tâm của những khu vực này thường có: ga tàu điện, trạm xe buýt… và hệ thống các dịch vụ thương mại, công nghiệp, văn phòng… sẽ được thiết lập xung quanh gọi là các điểm TOD. Đây là một hệ thống hạ tầng tiên tiến, hoàn thiện, đáp ứng được cho nhu cầu sinh hoạt của con người. Khu vực này thường có bán kính từ 0,4km- 0,8km để phù hợp với người đi bộ. Càng gần trung tâm mật độ dân cư càng lớn và lợi ích kinh tế càng nhiều nhưng mật độ cho thuê nhà thấp. Ngược lại, càng xa trung tâm mật độ dân cư càng giảm dựa trên nguyên tắc cơ bản giao thông xa gần, ở khu vực này, lợi ích kinh tế giảm nhưng mật độ cho thuê nhà tăng.

Nhằm phát triển một cách hài hoà và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, mục tiêu của TOD và TDM Transportation Demand Management- quản lý giao thông khá giống nhau, bằng cách tăng số lượng hành trình đi bộ, xe đạp, xe buýt, phà…để giảm số lượng phương tiện giao thông cá nhân. Mục tiêu của TOD là phải sao cho đạt được sự thuận tiện với khách bộ hành, người đi làm hàng ngày, khách du lịch… Với ý tưởng đó, để tới một ga tàu điện, mọi người có thể đi bộ, đi xe đap xe máy hoặc sử dụng phương tiện xe buýt. Khi rời tàu, họ có thể đi bộ, đi xe đạp, thậm chí bằng thuyền nếu có. Đó chính là sự phân nhánh quan trọng của TOD. Khi thiết kế và xây dựng nhà ga, bãi đỗ xe và những phương tiện hỗ trợ TOD, cần thiết lập chương trình quản lý, nhu cầu vận chuyển, xác định hệ thống bán hàng, lượng chi phí của những người được hưởng lợi từ TOD. Điều quan trọng khác khi thiết kế TOD là phải đáp ứng được các yếu tố cơ bản sau: thiết kế hệ thống cho người đi bộ phải được ưu tiên nhất, điểm TOD là sự tổng hợp các chức năng công sở, dịch vụ bán hàng, dân cư; ga tàu là đặc điểm nổi bật của trung tâm khu vực, thiết kế phải đảm bảo dễ dàng cho hệ thống hỗ trợ vận chuyển giao thông, giảm thiểu và quản lý hệ thống đỗ xe trong một chu trình 10 phút đi bộ tại khu trung tâm, ga tàu

Lợi ích mà TOD đã mang lại là hiển nhiên, TOD thiết kế tổ hợp các cơ quan, hệ thống bán hàng hoặc vui chơi giải trí, nó mang đến cho con người nhiều cơ hội lựa chọn đi bộ hơn tới điểm đến cuối cùng của họ, làm tăng sự thân thiện giữa con người đối với môi trường tự nhiên. Hơn nữa nó giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, giảm thiểu được sự tiêu thụ một lượng lớn xăng dầu của phương tiện giao thông cá nhân. Ngoài ra, TOD còn tác dụng cải thiện sức khoẻ cộng đồng, do việc đi bộ nhiều hơn làm giảm stress, tăng tính năng dộng và sự thoải mái của con người khi di chuyển, tăng chất lượng sống. Một lợi ích khác mà TOD đem lại đó là nâng cao năng lực cạnh tranh về kinh tế và thương mại, tăng số lượng người đi bộ và khách hàng ra vào các khu vực thương mại, kinh doanh, nhà hàng…từ đó nâng cao và cân bằng hơn giá trị bất động sản.

Từ nhiều năm nay TOD đã trở thành hướng đi mới trong tư duy thiết kế quy hoạch đô thị của các kiến trúc sư ở các nước phát triển. Đối với nước ta, việc vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị không chỉ mang lại những lợi ích và hiệu quả thuyết phục kể trên mà còn giải toả được những điểm nóng về giao thông, đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Nó góp phần tạo nên một thói quen vận hành giao thông hiện đại cho từng cá thể và cả cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu của những người công dân trong thời công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 28/2007