Tiên trách kỷ hậu trách nhân là gì

Đắm đò! Tin dữ từ Chôm Lôm (Nghệ An), còn đang nhói trong lòng, bỗng sáng 25-1 (30 Tết Kỷ Sửu) gần 80 người dân Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình) lại chen chúc lên chiếc đò xuềnh xoàng (lẽ ra chỉ chở được đôi ba chục là cùng). 42 sinh mạng đều là nông dân chất phác đã chết chìm, nhiều người còn đang đun dở nồi bánh chưng chào xuân mới.

Cướp gà! Khoảng 1.200/1.500 con đã bị cướp về làm thịt. Số đó là gà nhập lậu, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đã được cơ quan chức năng tẩm hóa chất chuẩn bị tiêu hủy. Chuyện thêm phần bi hài khi nó xảy ra ngay trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Trên các dòng sông, kênh rạch, ruộng đồng từ Bắc chí Nam không khó khăn lắm để tìm ra xác gia súc chết nổi lềnh bềnh, bốc mùi, phân hủy. Đây là nguồn phát tán dịch bệnh cực kỳ nguy hại, để rồi đến hôm nay cả nước đã có 7 tỉnh, thành phố có dịch cúm gia cầm, thiệt hại và nguy cơ thiệt hại chưa kể hết. Nguyên nhân quan trọng được xác định là nhân dân quá chủ quan, coi thường dịch bệnh, nhiều người vì lợi ích riêng, coi thường phép nước.

Sau mỗi vụ việc, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt và nghiêm túc: Cách chức, đình chỉ công tác người có trách nhiệm, khởi tố, phạt tiền và nhiều hình thức thích đáng khác đối với người vi phạm. Tiếc thay, nhiều vụ việc vẫn xảy ra, vì nhiều người dân thiếu ý thức tự bảo vệ mình. Trước mỗi sự việc đáng tiếc xảy ra, cần có thái độ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy tự trách mình trước khi trách người khác. Đừng vội đổ lỗi cho cơ quan quản lý mà không nghiêm túc với chính mình. Xung quanh chuyện đắm đò, từ thuở còn nằm trên nôi, ông bà ta đã dạy: “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”. Câu này có cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tiền nhân đã khuyên nhủ ta hãy luôn luôn biết đắn đo suy nghĩ để có quyết định đúng trước những con sông và chuyến đò trong cuộc đời. Tiền nhân cũng khuyên trong mọi hoàn cảnh nên bình tĩnh, ung dung tự tại, khoan hòa, nhường nhịn: “Đi đâu mà vội mà vàng/mà vấp phải đá, mà quàng phải dây”. Nếu ai (nhất là các bạn trẻ) cũng bình tĩnh, chủ động thời gian và công việc thì chắc rằng những chuyện đau lòng hằng ngày vì “nhanh một phút, chậm cả đời” sẽ bớt đi nhiều lắm. Và nếu ai cũng yêu cuộc sống tha thiết, có trách nhiệm với cuộc sống, với gia đình, với đất nước và nhân dân mình, biết kiềm chế lòng tham, biết tôn trọng pháp luật, thì chẳng ai nhảy xuống cái hố chôn gà mà hồn nhiên ôm về dăm bảy con một lúc. Cái hố chôn gà đó, coi chừng, còn sâu hơn cả khúc sông Gianh kia!

Tiết kiệm, chi ly nhặt nhạnh để gom góp từ miếng cơm manh áo là đức hạnh, là bản sắc của dân tộc ta. Nhưng phẩm chất đó trong thời đại ngày nay phải cộng thêm tinh thần khoa học và tập rèn thói quen văn hóa mới: “Thượng đế” không thể để nhà xe, nhà đò tùy ý nhồi nhét bao nhiêu khách. Quyết nói không với sản phẩm không rõ nguồn gốc nhãn mác, dù giảm giá. Cũng không vội vàng chi mà lạng lách vút qua đèn đỏ, dù cho thời gian quý hơn vàng… Có như thế những con sông mới không hòa nước mắt, những chuyến đò chở đầy ắp ước mơ, khát vọng, và cuộc sống sẽ bớt đi bao lo sợ, bất an./.(Theo: Đoàn Xuân Bộ/QĐND)