Thuốc levofloxacin (Tavanic) là thuốc gì? – YouMed

Levofloxacin (Tavanic) là một kháng sinh đường uống được dùng để điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn của cơ thể. Vậy Levofloxacin (Tavanic) là thuốc gì, có thể điều trị các loại nhiễm khuẩn nào? Công dụng và cách dùng thuốc levofloxacin có gì lưu ý? Hãy cùng YouMed tìm hiểu về thuốc Levofloxacin thông qua bài biết sau đây.

Tên thành phần hoạt chất: Levofloxacin.

Tên biệt dược tương tự: Tavanic, LevoDHG, Levofloxacin Imex.

Levofloxacin là thuốc gì?

Thuốc Levofloxacin thuộc nhóm kháng sinh fluoroquinolone. Thuốc được dùng để điều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra ở người lớn:

  • Viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phổi, đợt cấp của viêm phế quản mãn tính;
  • Viêm tuyến tiền liệt, viêm bể thận, nhiễm trùng đường tiết niệu;
  • Các nhiễm trùng da và mô mềm, dịch hạch…

Bao bì thuốc Tavanic 500mg

Tavanic sẽ không hiệu quả cho virus (như cảm lạnh thông thường, cúm). Không nên lạm dụng kháng sinh có thể giảm hiệu quả của thuốc.

Levofloxacin 500mg giá bao nhiêu?

  • Dạng bào chế: Viên nén.
  • Quy cách đóng gói: 2 vỉ x 7 viên.
  • Giá thuốc Levofloxacin 500mg: 45.000 VNĐ/hộp.

Lưu ý: Mức giá chỉ mang tính chất tham khảo. Có thể thay đổi tùy thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp.

Tác dụng của thuốc Levofloxacin

Sử dụng thuốc Levofloxacin (Tavanic) như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất? Tác dụng của thuốc Levofloxacin dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Theo đó, để thuốc phát huy tốt công dụng bạn cần lưu ý về liều lượng và cách dùng như sau:

Liều lượng

Cách dùng và liều lượng tùy thuộc vào từng loại nhiễm khuẩn và mức độ nặng nhẹ. Liều dùng của thuốc Levofloxacin còn phụ thuộc vào chức năng thận của bệnh nhân.

Vì vậy, nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị, ngay cả khi các triệu chứng biến mất sau một vài ngày. Việc ngưng dùng thuốc quá sớm trước phác đồ thời gian chỉ định có thể dẫn đến sự tái phát triển của các vi khuẩn, gây tái nhiễm trùng.

Cách dùng

Nên uống thuốc vào một thời điểm nhất định mỗi ngày, trước hoặc ngay sau khi ăn. Tuy nhiên, đối với dạng hỗn dịch, uống trước bữa ăn 1 tiếng hoặc sau ăn 2 giờ.

Uống Tavanic cách các ion như sắt, kẽm, thuốc kháng axit chứa nhôm, magie hoặc sucralfate ít nhất 2 giờ.

Những trường hợp nào không được sử dụng thuốc Levofloxacin (Tavanic)?

  • Dị ứng với các thành phần có trong thuốc và các thuốc trong cùng nhóm fluoroquinolon.
  • Bệnh nhân động kinh.
  • Tiền sử đau cơ gân có liên quan đến sử dụng kháng sinh nhóm Fluoroquinolon.
  • Trẻ em hoặc thiếu niên.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú.

Những điều cần thận trọng khi sử dụng thuốc Levofloxacin (Tavanic)

  • Thận trọng khi dùng thuốc Levofloxacin cho người lớn tuổi (trên 65 tuổi).
  • Thận trọng người đang dùng corticoid (hoặc tên khác steroid).
  • Người có một cơn choáng hoặc ngất từ bệnh gây ra.
  • Người tổn thương não do đột quỵ hoặc các chấn thương não khác.
  • Thận trọng người mắc bệnh thận.
  • Mắc chứng thiếu glucose – 6 – phosphat dehydrogenase do nếu dùng Tavanic trên đối tượng này có nguy cơ mắc vấn đề nghiêm trọng về máu.
  • Đã từng rối loạn tâm thần.
  • Mắc bệnh tim.
  • Đái tháo đường.
  • Mắc bệnh gan.

Tác dụng phụ của Levofloxacin

Sử dụng thuốc Levofloxacin (Tavanic) gặp phải những tác dụng phụ nào? Bạn có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn bao gồm:

  • Buồn nôn và tiêu chảy.
  • Tăng men gan.

Tác dụng không mong muốn hiếm gặp cần thông báo cho bác sĩ khi gặp triệu chứng sau:

  • Cảm giác kim chân ở bàn tay hoặc bàn chân, dị cảm hoặc run
  • Cảm giác căng thẳng, lo lắng, bứt rứt, lẫn lộn, trầm cảm
  • Tim đập nhanh bất thường, đổ mồ hôi nhiều, thở ngắn và chóng mặt hoặc hạ huyết áp.
  • Sốt, suy nhược, da tái, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.
  • Có dấu hiệu phát ban da.
  • Ngứa âm đạo hoặc tiết dịch âm đạo.

Ngoài ra, sử dụng Tavanic còn có thể làm cho bạn dễ bắt nắng hơn, da bệnh nhân dễ đỏ, cháy nắng, nóng phừng khi tiếp xúc lâu với ánh nắng. Nên sử dụng kem chống nắng (thấp nhất là SPF30) để phòng cháy nắng.

thuốc Levofloxacin
Tiền sử đau cơ gân không nên dùng thuốc Tavanic

Tương tác thuốc khi dùng chung với thuốc Levofloxacin (Tavanic)

Khi dùng chung với một số thuốc có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng trị liệu của thuốc Levofloxacin. Cần thông tin cho bác sĩ điều trị tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng để bác sĩ đưa ra điều trị hợp lý nhất, ví dụ:

  • Thuốc kháng axit chứa Magie, nhôm (Maalox, Mylanta), thuốc điều trị loét dạ dày (Sucralfate).
  • Các loại vitamin và khoáng chất chứa ion sắt, kẽm, magie, nhôm.
  • Theophylin.
  • Digoxin.
  • Diltiazem.
  • Insulin và các thuốc tiểu đường đường uống khác (Glucophage, Diamicron).
  • Thuốc kháng viêm steroid (prednisolon).
  • Thuốc kháng viêm không steroid (aspirin, ibuprofen, celecoxib).

Đối tượng đặc biệt

Đối với phụ nữ mang thai

Levofloxacin (Tavanic) có ảnh hưởng đến phụ nữ có thai và cho con bú không? Chưa có bằng chứng lâm sàng nào trên người về ảnh hưởng của Levofloxacin đến phụ nữ mang thai. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy độc tính của thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi, gây độc bào thai và quái thai (thường là biến dạng xương). Vì vậy, chỉ dùng Levofloxacin cho phụ nữ mang thai khi thật sự cần thiết.

Đối với phụ nữ cho con bú

Levofloxacin có trong sữa mẹ ở nồng độ cao. Do đó, phụ nữ đang cho con bú không được sử dụng thuốc hoặc nếu người phụ nữ dùng thuốc thì phải ngừng cho con bú.

Bảo quản thuốc levofloxacin (Tavanic) như thế nào?

  • Bảo quản ở nhiệt độ phòng (dưới 30oC) trong hộp nguyên viên, lọ đậy kín nút.
  • Tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
  • Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.
  • Không dùng thuốc có dấu hiệu bất thường, ẩm mốc, thay đổi màu sắc…

Levofloxacin là thuốc kháng sinh mới với khả năng điều trị nhiều nhiễm khuẩn khác nhau. Tuy YouMed đã cung cấp những thông tin Levofloxacin là thuốc gì, nhưng cần lưu ý rằng thuốc Levofloxacin có nhiều tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng. Do đó, cần có chỉ định của bác sĩ, tránh việc lạm dụng tự ý mua thuốc. Trong quá trình sử dụng nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.Thuốc levofloxacin

Dược sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân