Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã làm xáo trộn mọi “ngõ ngách” của nền kinh tế, kết quả kinh doanh của ngành F&B bị ảnh hưởng tiêu cực là điều khó tránh khỏi. Doanh thu của tất các các chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam đều chứng kiến sự sụt giảm. Giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng kéo dài trong nhiều năm qua đã đột ngột chấm dứt.
Chuỗi cà phê The Coffee House cũng không nằm ngoài xu hướng này khi nguồn thu bị sụt giảm nhanh chóng, đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm cách thích nghi với tình hình mới.
Việc mới đây The Coffee House đóng cửa hàng Signature tại góc đắc địa Phạm Ngọc Thạch (Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh) đã cho thấy những áp lực tài chính mà doanh nghiệp này đang gặp phải, nhưng đồng thời đây cũng là động thái trong kế hoạch đóngcác cửa hàng hoạt động không hiệu quả của The Coffee House và hướng đến những mục tiêu mới hơn.
* Doanh thu “khủng” nhưng lỗ nặng
The Coffee House là thương hiệu cà phê do Công ty CP Seedcom quản lý. Đây là một trong những startup được rót vốn bởi Quỹ đầu tư Seedcom thuộc sở hữu của ông Đinh Anh Huân, người đồng sáng lập Thế Giới Di Động.
Chính thức có cửa hàng đầu tiên từ năm 2014, The Coffee House nhanh chóng phát triển và mở rộng tại TP.Hồ Chí Minh. Chỉ một năm sau, The Coffee House chính thức Bắc tiến với cửa hàng đầu tiên được đặt tại Hà Nội. Tính đến năm 2020, sau 6 năm hoạt động, The Coffee House đã có 175 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tốc độ mở chuỗi cửa hàng của The Coffee House được giới kinh doanh F&B đánh giá là thần tốc, đặc biệt trong giai đoạn 2017-2018. Theo số liệu của Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), đến cuối năm 2018, chuỗi cà phê The Coffee House có doanh thu gần 669 tỷ đồng.
Thời điểm đó, số lượng cửa hàng và doanh thu của The Coffee House đứng thứ hai thị trường sau 5 năm hoạt động, số lượng cửa hàng chỉ đứng sau Highlands Coffee. Cũng năm 2018, lợi nhuận gộp của The Coffee House đạt 462 tỷ. Mặc dù vậy, sau khi trừ chi phí vận hành và quản lý doanh nghiệp, The Coffee House chỉ lãi vài tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là kết quả kinh doanh năm 2019, khi doanh thu The Coffee House tăng mạnh so với năm trước đó nhưng lại lỗ “khủng”. Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019, chuỗi đạt doanh thu 863 tỷ đồng, tăng gần 30%, tương đương tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2018.
Doanh thu năm 2019 của The Coffee House chỉ đứng sau Highlands Coffee, vượt mặt Starbucks Việt Nam và Phúc Long. Tuy nhiên, đây lại là năm đầu tiên The Coffee House ghi nhận mức lỗ lên tới hơn 80 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh trên của The Coffee House thực sự gây nhiều bất ngờ khi trong 3 năm liền trước đó, dù không đạt được mức lợi nhuận cao nhưng chuỗi cà phê này vẫn luôn có lãi. Chưa kể việc The Coffee House vẫn luôn được xem là một hình mẫu tiêu biểu trong kinh doanh chuỗi cà phê tại Việt Nam với tập khách hàng riêng và chiến lược kinh doanh đặc biệt.
* “Oằn mình” trong đại dịch
Sang đến các năm 2020 và 2021, tình hình tiếp tục diễn biến khó khăn hơn khi The Coffee House nằm trong số chuỗi cà phê thiệt hại nặng nhất trong đại dịch. Theo ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch HĐQT Seedcom kiêm Chủ tịch HĐQT The Coffee House, xấp xỉ 2/3 trong số gần 180 cửa hàng của chuỗi phải hạn chế số lượng khách vào cửa hàng trong mỗi đợt dịch để đảm bảo khoảng cách tối thiểu. Điều này đồng nghĩa doanh thu sụt giảm đáng kể.
The Coffee House có tập khách hàng riêng là những người trẻ với thu nhập ổn định, thích tận hưởng không chỉ đơn thuần là uống cà phê. Chuỗi F&B này cũng có chiến lược rõ ràng nhắm vào việc tạo không gian quán đẹp, độc cùng chất lượng sản phẩm đảm bảo. Đây cũng là chuỗi cà phê duy nhất trong số các thương hiệu lớn không đưa cửa hàng lên các ứng dụng giao nhận đồ ăn, thay vào đó sử dụng dịch vụ giao hàng của riêng mình thông qua ứng dụng riêng là The Coffee House trên Google App Store. Trên thực tế, lượt tải ứng dụng The Coffee House đã vượt 100.000 lượt, bỏ rất xa so với các chuỗi cà phê khác trên thị trường.
Tuy nhiên, việc phải duy trì một nền tảng ứng dụng riêng đã buộc The Coffee House phải bỏ ra lượng chi phí lớn hơn các đối thủ rất nhiều. Do vậy, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, thương hiệu đã cởi mở hơn với bên thứ ba khi quyết định kết hợp với Momo và Loship và đến tháng 5/2021, The Coffee House cũng đã đưa sản phẩm lên kệ Baemin.
Giám đốc điều hành (CEO) The Coffee House Lê Bá Nam Anh cho biết trong đợt COVID-19 lần thứ 4 này, hầu hết các cửa hàng The Coffee House buộc phải tạm đóng cửa để tuân thủ quy định chống dịch – đồng nghĩa với việc doanh thu sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian giãn cách.
Trong khi chi phí vận hành rất cao, ngoài chi phí cho mặt bằng, nhân viên… The Coffee House còn phải chi trả nguyên vật liệu cho nhà cung cấp dù không sử dụng vì mọi thứ đã được đặt mua lên kế hoạch trước hai quý. Do đo, việc mất cân đối dòng tiền là thử thách lớn cho cả hệ thống.
Trong bối cảnh trên, doanh nghiệp đã phải nỗ lực để tồn tại và vượt qua khó khăn. Đơn cử, quý II và III/2021, The Coffee House đã cho ra mắt các sản phẩm cà phê hòa tan 3in1, cà phê lon uống liền được bán tại các cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử.
“Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của The Coffee House. Những kế hoạch mở thêm cửa hàng, phát triển các sản phẩm mới theo kế hoạch đáng lẽ sẽ được thực hiện từ tháng 6 thì hiện tại chúng tôi đã lùi đến cuối năm 2021. Kể cả các kế hoạch mở mới, chúng tôi cũng sẽ thực hiện cẩn trọng và chọn lọc hơn, không mạnh mẽ được như xưa. Vì ngân sách dành cho hoạt động đầu tư đã phải dùng để duy trì hệ thống trong giai đoạn không tạo doanh thu vừa rồi”, ông Nam Anh bày tỏ.
* Thay đổi chiến lược thích ứng với tình hình
Tính đến thời điểm hiện tại, The Coffee House đã mở cửa trở lại hoạt động 40% số cửa hàng thuộc các tỉnh thành lớn như Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh… Nhưng, tất cả các tỉnh thành phố vẫn chưa hoạt động được như công suất trước dịch do vẫn còn các hình thức giãn cách khác nhau. Vị CEO trẻ nhấn mạnh The Coffee House luôn đặt mình trong cảnh sống chung với dịch, ít nhất đến hết quý I/2022.
Về kế hoạch kinh doanh thời gian tới, ban lãnh đạo đặt mục tiêu ít nhất từ nay đến cuối năm, The Coffee House sẽ mở lại toàn bộ số cửa hàng trên toàn quốc và thực hiện các dự định chuyển đổi mô hình phù hợp với tình hình COVID-19.
Trong đó, công ty cho biết sẽ xây dựng thêm mô hình cửa hàng mới chuyên phục vụ Mua mang đi và Giao tận nơi ở Tp. Hồ Chí Minh, đến gần các nơi sinh sống, làm việc, mua sắm của khách hàng. Theo kế hoạch năm 2022, mô hình này sẽ được nhân rộng hơn ở các tỉnh thành khác trên cả nước.
Ở hướng ngược lại, The Coffee House vẫn tiếp tục đàm phán với chủ cho thuê mặt bằng nhằm hỗ trợ giá thuê, đề xuất ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ trong mùa dịch. Các cửa hàng hiện có sẽ phải thực hiện chuyển đổi mô hình, công năng để kiểm soát chi phí và phù hợp với các yêu cầu mới như “3 tại chỗ”, giao hàng online là chủ yếu.
“Chưa biết trước mô hình sẽ thành công hay không, nhưng chúng tôi đã và đang thử nghiệm. Chúng tôi cũng chào đón các đối tác sẵn sàng hợp tác để mở rộng mô hình này, nhằm tạo ra trải nghiệm mới cho khách hàng tại The Coffee House”, ông Nam Anh nói.
Đặc biệt, những mô hình giao hàng, bán mang đi, phục vụ tại nhà và văn phòng sẽ lên ngôi trong tình hình mới, đi kèm với đó là sản phẩm, kênh bán và thiết kế chuỗi cung ứng phù hợp với mô hình mới này. Theo ông Nam Anh, đây là nguyên nhân khiến The Coffee House sẽ tư duy lại toàn bộ các cấu thành của mô hình kinh doanh để đáp ứng được sự dịch chuyển này.
Chưa kể, trải nghiệm khách hàng cũng bước sang một giai đoạn đặc biệt, các yếu tố về tính linh hoạt, tiện lợi, an toàn được đề cao. Làm thế nào để chất lượng sản phẩm được duy trì, giúp khách hàng vẫn có trải nghiệm kết nối và tương tác lẫn nhau với ly cà phê và vẫn muốn “cà phê nhé” dù trên không gian mạng, là những thách thức để The Coffee House sáng tạo hơn nữa, ông Nam Anh cho hay.
Việc đóng cửa của một vài cửa hàng F&B thời gian gần đây, đại diện The Coffee House nhận định nếu chỉ đóng và nghỉ hoàn toàn, đó là tiêu cực. Tuy nhiên, đây cũng là một tín hiệu để ngành dịch chuyển và The Coffee House sẽ là một thương hiệu lựa chọn dịch chuyển, doanh nghiệp sẽ cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn nguồn lực cho các đổi mới.
Trong ngắn hạn, sẽ có nhiều đau thương, nhưng dài hạn, chúng ta sẽ có nguồn tăng trưởng mới cùng với sự trở lại của nguồn thu cũ, CEO của The Coffee House chia sẻ./.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!