Người đã thay van tim sống được bao lâu? | Vinmec

Người bệnh sau khi thay van, tuổi thọ của van tim, tuổi thọ của người bệnh sẽ phụ thuộc vào những yếu tố như: Loại van nào được sử dụng để thay thế, tình trạng sức khỏe người bệnh, những bệnh lý khác kèm theo, phương pháp điều trị,… Vì vậy, khó có thể đưa ra một khoảng thời gian chính xác cho câu hỏi này. Tuy nhiên, người bệnh thay van tim hoàn toàn có thể kéo dài tuổi thọ, sống khỏe mạnh như những người bình thường nếu người bệnh có phương pháp chăm sóc bản thân một cách khoa học và phù hợp.

3.1. Khám sức khỏe định kỳ đều đặn

Sau khi ra viện, người bệnh sẽ được hẹn khi nào thì tái khám ở các cơ sở chuyên khoa tim mạch. người bệnh cần tuân thủ đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ để các bác sĩ kiểm tra chế độ dùng thuốc của bạn và tìm ra liều phù hợp cho người bệnh. Trước khi đến khám có thể mang sổ khám bệnh, đơn thuốc bạn đang dùng để bác sĩ dễ dàng theo dõi hơn.

3.2. Chế độ ăn

Dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn rất quan trọng cho sự phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật van tim, người bệnh nên hạn chế ăn muối và các thực phẩm chứa nhiều muối ( cà muối, dưa muối cá khô, các loại đồ hộp, thức ăn nhanh,…), và cũng nên bổ sung các loại rau xanh trong bữa ăn của mình. Người bệnh nên cố gắng xây dựng thực đơn ăn uống với tỷ lệ cân đối các loại thịt, cá, rau củ quả cho mỗi bữa ăn. Nếu cần, người bệnh có thể gặp các chuyên gia tư vấn dinh dưỡng để biết thêm thông tin về chế độ ăn phù hợp với cơ thể bạn.

3.3. Chế độ tập luyện

Từ khi bạn đang còn nằm viện, bạn nên vận động như lăn trở tại giường, sau đó có thể đi bộ trong phòng hay ngoài hành lang tùy theo sức của mình. Hoạt động luyện tập của bạn cần chú ý đảm bảo rằng tim không phải làm việc quá sức. Thông qua vận động thể lực tăng dần từ từ qua mỗi ngày, sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn, tránh được nhiều biến chứng khi nằm lâu ( loét, huyết khối,…)

Trong vòng 6 đến 8 tuần sau phẫu thuật, bạn không nên mang vác hay dùng sức kéo đẩy bất kỳ vật nặng nào có trọng lượng trên 50kg. Điều đó sẽ giúp tránh gây áp lực lên vết mổ đang liền sẹo và đảm bảo cho xương ức có đủ thời gian để hồi phục.

Người bệnh mất trung bình khoảng 4 – 6 tuần để sức khỏe hồi phục về bình thường. Sau đó, xương ức của bạn sẽ liền hoàn toàn. Một số người có thể trở lại làm những công việc bàn giấy sau phẫu thuật khoảng 4 tuần. Còn với những người lao động với cường độ cao hơn thì cần nghỉ ngơi trong khoảng thời gian ít nhất 6 tuần trước khi trở lại với công việc. Bác sĩ điều trị sẽ cho bạn biết khi nào sức khoẻ của người bệnh đã hồi phục hoàn toàn.

Một vài trường hợp vẫn còn tình trạng suy tim sau cuộc phẫu thuật, người bệnh không thể trở lại làm công việc trước đây. Những người này cần được tư vấn hướng nghiệp để tìm ra được công việc phù hợp với sức khỏe hiện tại của mình.

3.4. Thuốc sử dụng sau phẫu thuật

Người bệnh chỉ nên uống thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị. Người bệnh không được tự ý dùng thêm bất cứ một loại thuốc nào, trừ khi được bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Một số thuốc thường dùng như:

Thuốc chống đông

Dùng thuốc chống đông đều đặn với mục đích phòng ngừa huyết khối do van tim nhân tạo. Các thuốc chống đông (coumarin/warfarin) cần được theo dõi đều đặn bằng xét nghiệm chỉ số PT và chỉ số chuẩn INR. Bác sĩ sẽ chỉ định liều thuốc hay điều chỉnh liều cho người bệnh để duy trì giá trị này trong giới hạn phù hợp.

Người bệnh cần tuân thủ những chỉ dẫn về việc sử dụng thuốc một cách cẩn thận, hãy uống thuốc đúng theo đơn. Thuốc cần uống đều đặn hàng ngày và vào cùng một thời điểm trong ngày để tránh quên liều thuốc. Nếu người bệnh quên một liều uống thuốc, hãy liên hệ cho bác sĩ điều trị của bạn để được hướng dẫn và không được tự ý tăng gấp đôi liều vào ngày hôm sau.

Ngoài ra, bác sĩ thực hiện thủ thuật hay nha sĩ của bạn cũng cần biết thuốc chống đông máu mà người bệnh đang sử dụng. Nếu bạn cần được làm thủ thuật hay phẫu thuật ngay, người bệnh cần phải tạm thời ngừng thuốc chống đông trong quá trình phẫu thuật hoặc trong khoảng thời gian bác sĩ yêu cầu để phòng tình trạng chảy máu trong phẫu thuật do giảm khả năng cầm máu.

Thuốc kháng sinh

Trước khi được làm các thủ thuật răng miệng (nhổ răng, lấy cao răng,…) hoặc các thăm dò hay thủ thuật nào khác có thể gây chảy máu, người bệnh cần được dùng kháng sinh trước và sau thủ thuật với mục đích dự phòng nhiễm khuẩn. Bởi vì trong quá trình thực hiện các thủ thuật thì vi khuẩn, nấm,… có thể từ bên ngoài xâm nhập vào máu, theo hệ tuần hoàn đến tim, bám vào các cấu trúc trong tim, đặc biệt là ở van tim và gây ra tình trạng nhiễm trùng rất nặng ở tim, chính là bệnh lý viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Sử dụng kháng sinh cũng chính là dự phòng tình trạng nhiễm khuẩn này.