Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm từ người này sang người khác qua vết muỗi đốt mang virus Dengue gây ra. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và gây tử vong cho trẻ nếu không được chữa trị kịp thời. Vậy sốt xuất huyết là gì? Sốt xuất huyết ở trẻ em kéo dài bao lâu? Cách điều trị và phòng ngừa sốt xuất huyết cho trẻ như thế nào?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là gì?
Sốt xuất huyết (Dengue) là một căn bệnh phổ biến ở những khu vực có khí hậu nóng ẩm nhiệt đới. Bệnh được gây ra bởi 1 trong 4 chủng huyết thanh của virus Dengue, tương tự nhau, nhưng khác nhau về mặt kháng nguyên. Do đó, sau khi đã chữa khỏi sốt xuất huyết một lần thì cơ thể chỉ miễn dịch với chính chủng virus gây bệnh và vẫn có thể mắc sốt xuất huyết do chủng virus khác gây ra. (1)
Mặc dù sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm nhưng nó không lây lan từ người qua người một cách trực tiếp. Các nghiên cứu cho thấy, vật chủ trung gian lây truyền sốt xuất huyết chủ yếu là muỗi vằn (muỗi Aedes). Khi muỗi đốt người bị nhiễm virus Dengue, muỗi đã trở thành vật mang virus và khi chúng tiếp tục đốt người khác, virus Dengue sẽ lây truyền từ muỗi qua người thông qua vết đốt.
Sau khi đã nhiễm virus sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể bắt đầu xuất hiện các biểu hiện như sốt cao (có thể lên đến 40 độ C), nhức đầu, phát ban, đau nhức xương, chảy máu nhẹ (mũi hoặc nướu răng). Các triệu chứng này thường nhẹ hơn ở trẻ nhỏ và người mắc bệnh lần đầu. Tuy nhiên, bệnh cần được điều trị sớm và đúng cách để tránh các biến chứng nghiêm trọng do bệnh gây ra. .
Sốt xuất huyết ở trẻ em kéo dài bao lâu?
Sốt xuất huyết được chia làm 4 giai đoạn: ủ bệnh, bùng phát, nguy hiểm và hồi phục. Thời gian của mỗi giai đoạn sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, sức đề khác của mỗi bé.
1. Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là bao lâu
Ở trẻ em, thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết thường sẽ kéo dài trong khoảng 4-7 ngày, thậm chí là 14 ngày. Ở giai đoạn này, bé sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, nếu có thì các triệu chứng này cũng không rõ ràng, khó xác định bệnh. Chính vì vậy, sau khi đã bị muỗi mang virus sốt xuất huyết, bé sẽ không bị sốt hay có các biểu hiện của bệnh ngay mà thường xuất hiện sau đó 4-5 ngày.
2. Giai đoạn bùng phát bệnh
Sau giai đoạn ủ bệnh, cơ thể bé sẽ chuyển qua giai đoạn bùng phát bệnh (thường kéo dài từ 2-7 ngày) với các triệu chứng sau:
- Mệt mỏi;
- Đau nhức khắp người (cơ, xương, khớp);
- Sốt cao đột ngột, nhiệt độ cơ thể lên tới 39-40 độ C;
- Buồn nôn, nôn;
- Đa rát họng;
- Đau hốc mắt;
- Sổ mũi;
- Tiêu chảy;
- Sưng hạch bạch huyết…
Chính vì các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết giống với cảm cúm nên bố mẹ thường chủ quan và chỉ cho bé uống thuốc điều trị như cảm sốt thông thường khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
3. Giai đoạn nguy hiểm nhất
Giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết thường diễn ra sau khi bé đã hết sốt hoặc chỉ còn sốt nhẹ. Lúc này, hệ miễn dịch của bé đã bị suy yếu do virus tấn công, lượng bạch cầu và tiểu cầu trong máu giảm, do đó, bé cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận. Các triệu chứng của bệnh sẽ trở nên dữ dội hơn, bé có thể có các biểu hiện như phát ban, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, thậm chí là đi tiểu ra máu, người lạnh toát, huyết áp giảm nhanh, phù nề mi mắt, khó thở, mất nước nghiêm trọng. Bố mẹ lưu ý, khi xuất hiện các triệu chứng trên, bé cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra và bảo vệ tính mạng cho bé.
Một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở giai đoạn này bao gồm: xuất huyết nghiêm trọng (dạ dày, não), viêm gan, viêm cơ tim, viêm não, trụy tim, tổn thương các cơ quan nội tạng,…
4. Giai đoạn hồi phục
Giai đoạn hồi phục của bệnh sốt xuất huyết thường sẽ kéo dài trong khoảng 1-2 ngày. Lúc này, có thể của bé đã khỏe dần và bé thường sẽ thèm ăn hơn và muốn đi tiểu nhiều hơn.
Nhìn chung, sốt xuất huyết là một căn bệnh có diễn biến khá nhanh. Trẻ thường sẽ khỏi bệnh sau khoảng 7 đến 10 ngày kể từ thời điểm bé bắt đầu sốt cao. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn nên trang bị trước các kiến thức về sốt xuất huyết ở trẻ, cách điều trị và chăm sóc để bé nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Dấu hiệu nhận biết trẻ em đã khỏi sốt xuất huyết
Đối với bệnh sốt xuất huyết, bố mẹ lưu ý, không phải bé hết sốt là bé đã khỏi bệnh. Thông thường khi trẻ bắt đầu hết sốt, bệnh sẽ bước sang giai đoạn nguy hiểm nhất và đây cũng chính là khoảng thời gian bố mẹ cần phải theo dõi sức khỏe của bé và nên đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra, làm các xét nghiệm đánh giá lượng tiểu cầu hằng ngày. (2)
Bé sẽ được đánh giá là đã hết bệnh khi bé đã trải qua đủ 3 giai đoạn sốt xuất huyết (ủ bệnh, phát bệnh, nguy hiểm). Một số dấu hiệu khi trẻ đang dần khỏi bệnh như:
- Bé không còn quá mệt mỏi: Sốt xuất huyết bùng phát kèm theo những cơn sốt cao khiến trẻ vô cùng mệt mỏi. Tuy nhiên, sau khi trẻ chuyển sang giai đoạn hồi phục, bé sẽ cảm thấy đỡ mệt hơn, bắt đầu có cảm giác thèm ăn trở lại, cơ thể khỏe mạnh, bé ăn ngon miệng hơn;
- Trẻ đi tiểu nhiều hơn: Tình trạng sốt cao kèm theo tiêu chảy khiến bé bị mất nước nghiêm trọng nên khi bị bệnh, bé sẽ ít đi tiểu hone. Sau khi đã được điều trị tích cực, bé hết sốt, cơ thể bắt đầu hồi phục, bé sẽ thường xuyên đi tiểu hơn;
- Ngừng phát ban ở trẻ: Khi bệnh bùng phát và bước qua giai đoạn nguy hiểm, bé sẽ xuất hiện nhiều nốt ban đỏ dưới da gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho bé. Nhưng khi bệnh dần được chữa khỏi, những nốt ban này sẽ dần mờ đi và không mọc thêm nữa.
Khi nào cần đưa bé đến gặp bác sĩ?
Trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch còn non yếu, do đó, khi trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn chăm sóc đúng cách:
- Trẻ bị sốt;
- Mệt mỏi, đau nhức khắp người;
- Chán ăn, bỏ bữa, nôn mửa nhiều;
- Có các biểu hiện của cảm cúm.
Khi nào cần đưa bé đến bệnh viện?
Sốt xuất huyết ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến có biến chứng nguy hiểm như hội chứng sốc do sốt xuất huyết, sốt cao co giật, bại não, tổn thương tim, gan, phổi hoặc xuất hiện các cục máu đông. Do đó, trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà, bố mẹ nên chú ý theo dõi sự thay đổi của các triệu chứng và thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được cấp cứu khẩn cấp ngay khi trẻ có các biểu hiện sau:
- Sốt cao kéo dài;
- Xuất hiện cơn co giật;
- Các triệu chứng của bệnh không có dấu hiệu cải thiện mà ngày càng tồi tệ hơn;
- Trẻ có biểu hiện bị mất nước nghiêm trọng;
Điều trị sốt xuất huyết cho trẻ như thế nào?
Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc đặc trị. Các biện pháp điều trị hiện có đều hướng đến làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, ngăn chặn tình trạng mất nước và sự xuất hiện của các biến chứng. Để giúp bé nhanh khỏi bệnh hơn, mẹ có thể thực hiện một số cách điều trị sau:
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn;
- Cho trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn điều trị;
- Hỏi ý kiến bác sĩ về một số loại thuốc hạ sốt có thể sử dụng khi trẻ bị sốt xuất huyết. Lưu ý: Tránh sử dụng thuốc có chứa aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì chúng có thể khiến trẻ xuất huyết nhiều hơn, gây nguy hiểm cho trẻ;
- Nếu bệnh trở nặng, mẹ cần cho bé nhập viện ngay lập tức. Tại bệnh viện, bác sĩ có thể sẽ cho bé truyền dịch (IV), bổ sung chất điện giải qua đường tĩnh mạch để bù nước, bù điện giải, giảm nhẹ tình trạng bệnh. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể yêu cầu truyền tiểu cầu cho bé.
Trong khoảng thời gian điều trị sốt xuất huyết cho trẻ, mẹ không nên cho trẻ đi ra ngoài gió hay tắm bằng nước lạnh, chỉ nên lau người bằng nước ấm cho bé. Đồng thời, tránh để bé bị muỗi đốt vì điều này sẽ làm lây lan sốt xuất huyết cho người khác. (3)
Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho trẻ
Tháng 6/2016, vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới đã được cấp phép lưu hành và được nhiều quốc gia đưa vào sử dụng, trong đó có 3 nước Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Philippines). Tuy nhiên, hiện nay loại vacxin này vẫn chưa được đưa vào sử dụng tại Việt Nam vì tính miễn dịch, phòng ngừa sốt xuất huyết chưa cao nên vẫn còn nhiều lo ngại về độ an toàn, hiệu quả khi triển khai tiêm chủng cho người dân.
Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho trẻ, bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Mắc màn chống muỗi khi ngủ;
- Sử dụng các tấm chắn muỗi ở các cửa ra vào, cửa sổ;
- Cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay, giày tất khi ra ngoài;
- Sử dụng thuốc chống côn trùng an toàn cho trẻ;
- Hạn chế cho trẻ ra ngoài chơi vào khoảng thời gian bình minh và hoàng hôn vì đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh;
- Đậy nắp các chậu, vung, chai, lọ chứa nước;
- Phát quang các bụi rậm quanh nhà;
- Thoa kem đuổi muỗi cho trẻ.
Qua những chia sẻ trên, hy vọng bố mẹ đã hiểu rõ hơn về bệnh sốt xuất huyết và có câu trả lời cho mình về vấn đề “Sốt xuất huyết ở trẻ em kéo dài bao lâu?”. Điều quan trọng là bố mẹ nên chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết. Hơn nữa, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi bé có các biểu hiện hoặc nghi ngờ bị sốt xuất huyết để được hỗ trợ điều trị đúng cách và kịp thời.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!