TOP 29 Cuốn Sách Triết Học Hay Giúp Thay Đổi Thế Giới Quan

Triết học thiên về việc nghiên cứu những vấn đề liên quan đến con người, về thế giới quan và thế giới nội tâm bên trong chúng ta. Hiểu về triết học giúp chúng ta nhìn nhận được phải trái đúng sai cũng như giải quyết vấn đề một cách tốt hơn. Nhằm tiết kiệm thời gian tìm kiếm của độc giả, Ghiền Sách xin giới thiệu TOP 29 Cuốn sách triết học hay nhất dưới đây.

Mời bạn đọc kéo xuống để tiếp tục nhé!

(Lưu ý: Dưới mỗi cuốn sách chúng mình có để link đến những nhà cung cấp sách uy tín hiện nay. Nếu có nhu cầu, bạn đọc có thể mua để ủng hộ bản quyền tác giả nhé!)

Những Cuốn Sách Triết Học Hay Nhất Dành Cho Độc Giả

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu? – Richard David Precht

Có rất nhiều cuốn sách về triết học, nhưng Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu? là một sự khác biệt. Trước nay chưa từng có một ai dẫn dắt người đọc đến với những câu hỏi lớn của triết học bằng một cách am tường chuyên môn, đồng thời nhẹ nhàng tinh tế như vậy.

Thông qua môn khoa học nghiên cứu não bộ, tâm lý học, lịch sử, và thậm chí văn hóa đại chúng (pop-culture), triết gia đương đại người Đức Richard David Precht đã khéo léo soi sáng những vấn đề ở tâm điểm của tồn tại con người như: Sự thật là gì? Cuộc sống có ý nghĩa gì? Tại sao tôi nên tốt? và trình bày chúng qua lối văn ngắn gọn, thông tuệ, uốn hút.

Kết quả là một chuyến du hành xuyên lịch sử triết học và một dẫn nhập sáng tỏ vào những nghiên cứu hiện thời về não bộ. Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu? đích thực là một cuốn sách xuất sắc để tiếp cận triết học.

Cuốn sách như một lăng kính vạn hoa của những vấn đề triết luận, những kiến thức thú vị và hài hước, các vấn đề thuộc môn thần kinh học và sinh vật học cũng như nghiên cứu tâm lý học.

Cuốn sách triết học này chia được chia làm ba phần:

1) Tôi có thể biết gì? – tập trung vào các mô tả não bộ, bản tính cũng như phạm vi của tri thức nhân loại, khởi đầu từ các câu hỏi được mổ xẻ bởi Kant, Descartes, Nietzsch, Freud, và các triết gia khác.

2) Tôi nên làm gì? – giải quyết các vấn đề đạo đức và luân lý, sử dụng các nghiên cứu thần kinh học và xã hội học để lý giải tại sao chúng ta có thiện cảm với người khác và buộc phải hành động có đạo đức. Các cuộc tranh luận về trợ tử, phá thai, nhân bản vô tính và những chủ đề gây tranh cãi khác.

3) Tôi có thể hy vọng gì? – xoay quanh những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc đời: Hạnh phúc là gì và tại sao chúng ta yêu? Có Chúa không và chúng ta có thể chứng minh sự tồn tại của Chúa như thế nào? Tự do là gì? Mục đích của cuộc sống là gì?

Với chủ đích dành cho giới trẻ, cuốn sách Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu? là chuyến khám phá hồi hộp, thông minh, hài hước và thú vị xuyên qua thế giới bộn bề kiến thức để đến với chính bản thể con người!

Trò Chuyện Với Vĩ Nhân – Osho

“Trò chuyện với vĩ nhân” tổng hợp những câu chuyện của thiền sư Osho về 20 triết gia, nhà tư tưởng, đạo sư lỗi lạc nhất lịch sử.

Danh sách những bậc vĩ nhân Osho bàn đến rất đa dạng: Ở phương Đông có Lão Tử, Trang Tử; phương Tây có Socrates, Pythagoras, J. Krishnamurtri, Heraclitus, những nhà lãnh đạo tôn giáo như Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Đề Đạt Ma, Jesus Christ…

Dưới ngòi bút sắc sảo của Osho, cuộc đời, tư tưởng và hành trình giác ngộ của những bậc vĩ nhân hiện lên đầy sống động. Ông kể về thời thơ ấu bất hạnh của Krishnamurti, cái chết của Socrates, cuộc gặp gỡ giữa Khổng Tử với Lão Tử hay khoảnh khắc chứng ngộ của ni sư Chiyono.

Osho bình luận về tư tưởng của những nhà tư tưởng, những triết gia bằng sự hiểu biết và trải nghiệm uyên bác, nhưng đồng thời, dưới một góc nhìn giàu cảm xúc và tuyệt đối cá nhân, ông hết lời tán thưởng tư tưởng của những vị triết gia ông yêu, viết về họ đầy hài hước và sự hoan hỉ.

Nhưng song song đó, Osho cũng thẳng thừng chê bai và chỉ ra những quan điểm ông không đồng tình ở những nhân vật được bàn đến. Chẳng hạn, Osho cho rằng những lời dạy của Krishnamurti là “quá nghiêm túc” và “chưa chạm đến trái tim con người”. Hoặc, ông bình luận về tư tưởng của Friedrich Nietzsche – triết gia người Đức: “Chúng là những ngôn từ chết; chúng không có hơi thở, không có nhịp đập của trái tim”.

Qua mỗi bài viết, Osho truyền tải đến bạn đọc những điều ông xem là “chân lý”, liên quan đến tôn giáo, thiền định, bản chất của niềm vui sống. Vị đạo sư đặc biệt ca ngợi sự hài hước trong tôn giáo, thái độ sống tự nhiên, nổi loạn hay sự hoà mình vào dòng chảy cuộc sống.

Triết Học – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn – DK

Vũ trụ khởi đầu như thế nào? Chân lý là gì? Làm thế nào để ta có thể sống một cuộc đời tốt đẹp?

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, loài người đã tự hỏi mình những điều này cùng những câu hỏi lớn lao khác về bản chất của đời sống và tồn tại và các tư tưởng gia vĩ đại đã đưa ra những lời giải đáp mà cho đến nay vẫn đang tiếp tục định hình thế giới của chúng ta.

Với văn phong dễ hiểu và sáng sủa, Triết học – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn là tập hợp những bài viết ngắn gọn hàm súc giải thích rõ những điều khó hiểu, những sơ đồ từng bước một giúp làm sáng tỏ những lí thuyết rối rắm, những trích dẫn kinh điển giúp triết học trở nên dễ nhớ và những hình ảnh minh họa dí dỏm giúp chúng ta chơi đùa với những tư tưởng của chính mình.

Suy Tưởng – Marcus Aurelius

Nghe nói Marcus Aurelius thích trích dẫn câu nói trên của Plato, và những ai đã từng viết về ông khó cưỡng lại vận nó vào bản thân Marcus. Và tất nhiên, nếu là đi tìm ông vua-triết gia của Plato bằng xương bằng thịt thì chúng ta cũng khó tìm được ai tốt hơn Marcus, người cai trị Đế quốc La Mã gần hai thập niên, và là tác giả cuốn Meditation (Suy tưởng) bất hủ.

Thế nhưng danh hiệu này chắc chắn bản thân Marcus sẽ bác bỏ. Ông không bao giờ nghĩ mình là một triết gia. Ông chỉ tự nhận là một học trò cần mẫn và người thực hành chưa hoàn hảo của một triết thuyết do những người khác lập ra. Còn về ngôi vua, nó đến một cách gần như tình cờ.

Khi Marcus Annius Verus sinh ra, năm 121 CN, những người có mặt đã tiên đoán một sự nghiệp sáng chói trong Viện Nguyên lão của bộ máy cầm quyền. Họ không thể nào đoán được số phận đã dành cho ông ngôi hoàng đế, và trong trí tưởng tượng của họ không thể nào có cảnh tượng người kỵ sĩ đồng cô độc giơ tay vẫy chào chúng ta từ trên đỉnh đồi Capitol La Mã qua hai nghìn năm.

Phải Trái Đúng Sai – Michael Sandel

Phải Trái Đúng Sai là quyển sách best-seller tại Mỹ của giáo sư Michael Sandel, đại học Harvard.

Sách bàn về vấn đề đạo đức dưới cái nhìn triết học. Tác giả đưa ra các vụ việc gây tranh cãi về vấn đề đạo đức để mổ xẻ dưới nhiều góc độ, theo quan điểm của các học thuyết triết học khác nhau, mỗi chương trình bày sâu về một học thuyết.

Nhờ vậy, tư tưởng của Aristotle, Jeremy Bentham, Immanuel Kant, John Stuart Mill, Robert Nozick, và John Rawl được trình bày với sự rõ ràng và gần gũi, mà theo New York Times là “hiếm khi được giải thích dễ hiểu đến như vậy”.

Đối Thoại Với Thượng Đế – Neale Donald Walsch

Cuốn sách triết học này đề cập hầu hết, nếu không phải tất cả, các câu hỏi mà chúng ta vẫn luôn đặt ra về cuộc sống và tình yêu, mục đích và chức năng, con người và các mối quan hệ, thiện và ác, mặc cảm và tội lỗi, tha thứ và cứu độ, đường đưa đến Thượng đế cũng như lối vào hỏa ngục… tất tần tật mọi thứ.

Nó cũng bàn đến các đề tài tính dục, quyền lực, tiền bạc, chuyện con cái, hôn nhân, ly dị, về sự nghiệp, sức khoẻ, về đời sau, đời trước… về mọi thứ. Nó phân tích chiến tranh và hòa bình, biết và không biết, cho và nhận, vui và buồn. Nó xem xét cái cụ thể và trừu tượng, hữu hình và vô hình, chân lý và phi chân lý.

Bạn có thể nói rằng cuốn sách triết học này là “những lời mới nhất của Thượng đế về mọi sự”, dù có một số người sẽ cảm thấy khó chịu vì điều này. Nhất là nếu họ cho rằng Thượng đế đã ngưng nói từ 2.000 năm trước đây, hoặc nếu Thượng đế còn tiếp thụ thông truyền, Người sẽ chỉ làm điều đó với những bậc thánh nhân, hoặc với những người đã cầu nguyện trong vòng 30 năm, hay 20 năm, hay ít ra là 10 năm.

Sự thật, Thượng đế nói với tất cả mọi người. Người tốt cũng như kẻ xấu. Thánh nhân và kẻ gian tà. Và chắc chắn, Người nói chuyện với tất cả chúng ta, những người nằm giữa hai loại trên. Cứ lấy chính bạn làm thí dụ. Trong đời bạn, Thượng đế đã đến với bạn bằng nhiều cách và cuốn sách này là một trong những cách ấy. Đã có khi nào bạn nghe câu châm ngôn này chưa: Hữu cầu vi sư? Cuốn sách triết học này là thầy của chúng ta đấy.

Thần Thoại Sisyphus – Albert Camus

Tập sách triết học này bao gồm các tiểu luận triết học kinh điển của triết gia Albert Camus, bàn về phi lý, sự tự sát và các yếu tố xoay quanh.

“Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời rọi vào cuộc đời mình.” – Nhà toán học Ngô Bảo Châu

Quân Vương – Niccolò Machiavelli

“Khiến cho người sợ mình hơn khiến cho người yêu mến mình” (Niccolò Machiavelli).

Ít có quyển sách triết học nào gây nhiều tranh cãi trong lần xuất bản đầu tiên như Quân vương, và số sách có thể duy trì những cuộc tranh cãi đó trong suốt hơn năm thế kỉ sau lại càng ít hơn.

Có nhiều luồng ý kiến về những mưu đồ chính trị xấu và và vô lương tâm được nêu trong tuyệt tác của Niccolò Machiavelli, nhưng những luận thuyết này lại rất thực dụng và sâu sắc.

Là một trong những tác phẩm có tầm ảnh hưởng nhất, Quân vương đến nay vẫn đang làm kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động của nhiều chính trị gia và doanh nhân trong thời hiện đại.

Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar – Thomas Cathcart & Daniel Klein

Sáng tạo thêm bên cạnh TRIẾT HỌC một khái niệm mới: TIẾU HỌC, Thomas Cathcart và Daniel Klein đã mở rộng cánh cửa để ánh sáng của rừng cười tràn vào ngôi đền triết học.

PLATO VÀ CON THÚ MỎ VỊT BƯỚC VÀO QUÁN BAR… dẫn dắt người đọc vào cuộc du hành vui vẻ và hài hước, qua truyện cười để hiểu lịch sử triết học cổ kim, đưa ra những câu trả lời đơn giản đến bất ngờ cho những ai muốn đi sâu vào bản chất Các Câu Hỏi Lớn mà không bị chìm nghỉm trong lý luận hàn lâm.

Từ đây, các nhà tư tưởng lớn từ cổ chí kim như Aristotle, Plato, Descartes Kant, Hegel, Wittgenstein, Sartre… với ta không còn quá xa cách; siêu hình học, siêu triết học, nhận thức luận, triết học tôn giáo hay đạo đức học… với ta không còn nằm ngoài tầm hiểu.

Tự Do Đầu Tiên & Cuối Cùng – J.Krishnamurti

“Tự do đầu tiên và cuối cùng” tập hợp 20 bài nói chuyện và 38 lời giải đáp thắc mắc về nhiều chủ đề của triết gia Ấn Độ thế kỷ XX- Jiddu Krishnamurti (1895-1986). Đây cũng là một trong những tựa sách triết học đầu tiên đưa tên tuổi Krishnamurti trở thành một triết gia có ảnh hưởng lớn đối với thế giới.

Trong “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, Krishnamurti nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thoát khỏi mọi định kiến, quy định, thoát khỏi mạng lưới tư duy, mọi hệ thống, uy quyền, để có được sự tự do tuyệt đối.

Ông chỉ ra rất rõ những sai lầm, như tư duy đúng đắn không phải là kết quả của sự trau dồi trí năng đơn thuần hay tuân theo khuôn mẫu – dù khuôn mẫu ấy cao quý đến đâu đi nữa. Ông cũng nhấn mạnh tư duy đúng phải đi kèm với sự tự biết mình.

Khác với những cuốn sách khác về tinh thần, “Tự do đầu tiên và cuối cùng” sâu sắc ở chỗ Krishnamurti đã chỉ ra rằng thông qua sự lặp đi lặp lại, tâm trí có thể trở nên tĩnh lặng. Nhưng nếu mắc kẹt lại ở đây, việc lặp lại này sẽ trở thành hình thức thay thế cho việc tìm kiếm Sự Thật.

Hoặc, bằng việc tập trung tư tưởng tuyệt đối vào một thứ gì, bạn sẽ xây dựng một bức tường ngăn cách – nơi chỉ bồi dưỡng, vun đắp cho sự kháng cự và sự tập trung riêng vào một ý niệm ta lựa chọn.

“Tự do đầu tiên và cuối cùng” tập hợp những bài nói chuyện và giải đáp thắc mắc trực tiếp của chính Krishnamurti trong các buổi diễn thuyết. Mỗi một bài nói chuyện được chia thành những chủ đề đi thẳng vào phần nội tâm, bản ngã con người như niềm tin, ý niệm, tâm trí, sự thù hận, quyền lực, nhận thức… hay những chủ đề cụ thể như cầu nguyện, thiền, chiến tranh … Cuốn sách là tập hợp đồ sộ và bao quát tư tưởng, góc nhìn, nhận xét sâu sắc của Krishnamurti đối với các vấn đề của từng con người và toàn thể nhân loại.

Lược Sử Triết Học – Nigel Warburton

Triết học quan tâm tới vấn đề cốt lõi của nhân sinh: đó chính là bản chất của thực tại và cách sống mà chúng ta nên lựa chọn. Hình ảnh triết gia Socrates, người được xem là ông tổ của triết học phương Tây, ngày ngày lang thang khắp phố thị Athen, đặt ra những câu hỏi khiến người khác phải lúng túng để rồi vỡ lẽ ra rằng những điều họ thấu hiểu về thế giới, về cuộc đời và về chính mình quả thực rất ít ỏi, đã trở thành biểu tượng của một nhà triết học chân chính hàng nghìn năm qua.

Cuốn lược sử triết học hấp dẫn mà bạn đang cầm trên tay không chỉ giới thiệu những triết gia vĩ đại nhất của truyền thống triết học phương Tây mà còn khám phá những tư tưởng cuốn hút của họ về thế giới cũng như cách lý tưởng nhất để sống với thế giới. Gói gọn trong bốn mươi chương nội dung, Nigel Warburton đưa chúng ta lướt qua một loạt tư tưởng quan trọng trong lịch sử triết học.

Những mẩu chuyện thú vị xoay quanh cuộc sống cũng như cái chết của các triết gia “đa sự” được ông đề cập trong tác phẩm này – từ những triết gia cổ đại bàn luận về tự do hay linh hồn, cho đến Peter Singer, người khơi gợi suy ngẫm tới những vấn đề nhức nhối về triết lý cũng như luân lý đang ám ảnh thời đại mà chúng ta đang sống.

Qua sự dẫn dắt của ngòi bút Warburton, triết học không khô khan như ta tưởng mà có sự thú vị và cuốn hút đầy trí tuệ. Hơn thế, ông đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta cùng suy ngẫm, bàn thảo, biện luận và đặt ra thêm những câu hỏi mới.

Lược sử Triết học đã phác họa những nét khái quát nhất về công cuộc đốt đuốc đi tìm tri thức triết học suốt chiều dọc lịch sử nhân loại. Và nay, nó đang mời gọi chúng ta hãy bước tiếp cuộc hành trình đó.

Triết Học Nghệ Thuật Của Heidegger – Julian Young

“Nghệ thuật là gì?”, theo cách truyền thống, các triết gia đã trả lời câu hỏi này bằng cách tập trung vào kẻ sáng tạo nghệ thuật (như Nietzsche), hoặc vào kẻ tiếp nhận nghệ thuật (như Kant và Schopenhauer), và rồi từ các điểm nhìn đó họ suy ra bản chất của tác phẩm nghệ thuật.

Tuy nhiên, Heidegger không chọn hai cách tiếp cận trên vì theo đó bản chất của nghệ thuật hoá ra lại là một trạng thái tâm lý học và triết học nghệ thuật sẽ bị thoái triển thành “mỹ học”. Mà nền tảng tối hậu cho mỹ học, quan điểm thẩm mỹ về nghệ thuật chính là sự thống trị hoàn toàn của lý tính, sự chiến thắng chung cuộc của quan điểm rằng khoa học và chỉ khoa học mới có thể đạt tới chân lý.

Trong khi theo Heidegger, nghệ thuật đóng vai trò là một trong những thể điệu làm cho “chân lý xảy ra”, chân lý tự thiết lập, chân lý tự-thiết định-thành-tác phẩm. Từ đó, ông cho rằng nghệ thuật hiện đại đang thực sự hiện hữu trong một khí quyển lý thuyết tồi, có thể giết chết nó. Ông muốn hủy giải bầu không khí đó bằng cách tái trình bày lý thuyết xưa cũ hơn về nghệ thuật của những triết gia trước thời Socrates, nhằm đưa nghệ thuật lớn quay lại.

Chỉ khi nào nghệ thuật lớn quay lại, thì lúc đó “sự đối đầu chung quyết” với thời đại “suy mạt” – thời đại quy con người và vạn vật về “nguồn lực” – mới xảy ra. Chỉ riêng có nghệ thuật lớn mới cung cấp được thuốc giải cho thời đại ấy mà thôi.

Khắc Kỷ – Từ Zeno Đến Marcus Aurelius – Ryan Holiday, Stephen Hanselman

Lý do duy nhất cho việc học triết học là để trở thành một con người tốt hơn. Mọi lý do khác, như Nietzsche đã nói, chỉ là “những phê phán từ ngữ bằng những từ ngữ khác”.

Không có trường phái triết học nào lại tin vào luận điểm này – tức là việc thực quan trọng hơn ý tưởng – hơn là Trường phái Khắc kỷ, một trường phái triết học Hy Lạp cổ đại ra đời từ thế kỷ thứ III trước Công Nguyên.

Khác với những triết gia bàn giấy khác, trường phái Khắc kỷ quan tâm hơn tới việc ta sống ra sao. Họ quan tâm tới những quyết định bạn đưa ra, những nguyên nhân sau hành động và những quy luật bạn chọn khi đối đầu gian nguy. Họ quan tâm tới việc bạn làm gì chứ không phải việc bạn nói gì.

Triết lý Khắc kỷ giờ đây cần thiết hơn bao giờ hết. Họ không tập trung vào những ý tưởng phù du mà tập trung vào những hành động. Bốn phẩm hạnh cao quý nhất của họ vô cùng đơn giản và thẳng thắn: Thông thái, can đảm, chừng mực và công bằng.

Như Epictetus đã viết, “Có ai không mắc lỗi bao giờ không? Nhưng một người hoàn toàn có thể cố gắng để tránh mắc lỗi”.

Giống như các bạn, như Seneca, như Epictetus, như Posidonius đều đang cố gắng làm tốt nhất có thể. Tất cả đang cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Tất cả đang đọc và thực hành, cố gắng và thất bại, đứng lên và làm lại.

Cuốn sách triết học này đưa chúng ta đến với cuộc đời và sự nghiệp bất diệt của những triết gia Khắc kỷ vĩ đại nhất Từ Zeno đến Marcus Aurelius. Họ đã sống, cống hiến cuộc đời mình cho triết học khắc kỷ và cho hạnh phúc của nhân loại.

Như C.S. Lewis từng nói: “Tất cả những bạo chúa và những kẻ chinh phạt mới giống nhau một cách buồn tẻ làm sao, trong khi các vị thánh khác nhau một cách đầy vinh quang thế nào”. Mỗi Khắc kỷ gia đều vĩ đại theo cách riêng của mình.

Cửa Hiệu Triết Học – Peter Worley

Rất nhiều cuốn sách được viết ra với mục đích giới thiệu triết học đến người đọc đều mang tính truyền dạy. Hoặc đúng nghĩa truyền dạy ở chỗ những cuốn sách đó giải thích các vấn đề triết học, rồi đưa người đọc đi qua các cuộc tranh luận truyền thống, hoặc chúng truyền dạy dưới diện mạo của một khám phá.

Cửa hiệu triết học thì khác, nó hồi đáp vấn đề triết học đó trong tinh thần trao đổi kiểu triết học Plato. Những câu hỏi được nêu lên thông qua cuộc tranh luận xuất phát từ một câu chuyện hay một kịch bản, một bài thơ hay một hoạt động; nhưng cuộc đối thoại không chỉ được viết ra mà còn dùng để khiến cho người đọc hay lớp học tập trung vào vấn đề rồi tự họ động não suy nghĩ.

Cửa hiệu Triết học là một cửa hàng thực sự của những câu đố và thách thức triết học để phát triển tư duy trong và ngoài lớp học. Triết gia Socrates đã bày ra một kiểu trao đổi hoàn toàn khác, tiền của ông là các ý tưởng.

Cửa hiệu sẽ đóng vai trò như Socrates đang nói chuyện với người đọc: có lúc lôi cuốn, khôi hài và hứng khởi; có lúc chọc ngoáy như một kẻ ưa châm chích, khiến chúng ta không yên; cũng có lúc nói lòng vòng phát ngán hay bỏ lửng, nhưng luôn kích thích suy nghĩ của mọi người.

Cuốn sách triết học hay này chỉ đường cho bạn đi qua cửa hiệu đó bằng những hướng dẫn ngắn gọn dù bạn không nhất thiết phải biết bạn đang muốn món hàng gì. Phương cách làm được việc này là thông qua cấu trúc – hay địa hình học – của cuốn sách này. Nội dung chính được chia thành bốn “gian hàng”, mỗi gian hàng có những tiểu mục riêng:

1. Siêu hình học hay Cái hiện hữu

2. Tri thức luận hay Những gì có thể biết được về cái hiện hữu

3. Giá trị hay Điều quan trọng trong cái hiện hữu

4. Ngôn ngữ và ý nghĩa hay Có thể nói gì về cái hiện hữu

Cửa hiệu Triết học dành cho những ai thích chủ động đắm mình vào những ý tưởng hơn là thụ động đón nhận thông tin. Cuốn sách triết học này bao gồm những bài viết cho nhiều độ tuổi và độ tuổi có thể bắt đầu đọc được ghi ngay dưới tựa mỗi bài viết.

Cũng có thể có những độc giả cụ thể hơn quan tâm đến cuốn sách này như: Giáo viên và lớp học; Các khóa học triết, các nhóm hội thảo chuyên đề ở đại học và trợ giảng; Các nhóm đọc triết hay nhóm thảo luận; các nhóm trẻ và các nhóm ở nhà thờ; Cha mẹ với con cái và các câu lạc bộ triết học ngoài trường lớp; hoặc những cá nhân quan tâm và yêu thích triết học.

Hạnh Phúc Tại Tâm – Osho

Một trong các bậc thầy tâm linh được nhắc tới nhiều nhất và gây ra nhiều tranh luận nhất trong thời hiện đại chính là Osho. Người ta gọi ông là đạo sư, nhà triết học và kể cả là kẻ nổi loạn, ma quỷ.

Hạnh phúc tại tâm là cuốn sách nằm trong số lượng đồ sộ các tác phẩm của Osho được học trò ghi lại. Những mẩu chuyện hài hước, những ngụ ngôn triết học, những tâm sự đầy trải nghiệm cá nhân, những đúc kết hiền về hạnh phúc chân thật là tất cả những gì mà Osho dành cho người lắng nghe ông.

Toàn bộ các chương mục trong cuốn sách triết học kinh điển này tập trung vào bản chất của đời sống và khả năng hạnh phúc của con người, sẽ cho bạn một cái nhìn sâu sắc về con đường tìm kiếm hạnh phúc của Osho.

Hạnh phúc tại tâm – quyển sách sẽ giúp bạn hiểu rằng hạnh phúc không ở đâu xa mà ở ngay bên trong con người bạn. Với những lý giải tinh tế của, Osho sẽ giúp bạn đọc có những trải nghiệm thật thú vị khi đọc quyển sách triết học này, hệt như bạn đang được nói chuyện với chính mình – một cách thông minh nhất.

Đông Phương Triết Học Cương Yếu – Lý Minh Tuấn

Sách Đông phương Triết học cương yếu của tác giả Lý Minh Tuấn trình bày những vấn đề cơ bản và đầy đủ nhất của hệ thống triết học Phương Đông cổ như: Nho, Phật, Lão, Ấn, Dịch kinh.

Với cách trình bày sáng sủa và ngôn ngữ cô đọng, cuốn sách triết học này giúp người đọc dễ dàng tiếp cận những khái niệm trừu tượng, phức tạp của triết học phương Đông cổ, bổ sung vào kho tàng sách nghiên cứu và tìm hiểu triết Đông của đông đảo độc giả.

Triết Học Cho Người Không Chuyên – Phan Thanh Lưu

Như tựa đề của nó, quyển sách triết học này được viết chỉ với mục đích là đem lại một sự tiếp cận triết học ban đầu, qua các thời kỳ, trong một ngôn ngữ dễ hiểu đối với mọi người, nhất là đối với những người chưa bao giờ làm quen với triết học. Trong chừng mực có thể, quyển sách tránh dùng những từ ngữ bác học hoặc quá chuyên môn, và dành ưu tiên cho ngôn ngữ bình thường.

Triết học không gì khác hơn là tư tưởng của con người. Cùng với các môn học khác, học tư tưởng của các bậc minh triết của nhân loại, học về cách tư duy, lý luận của họ là một điều hết sức cần thiết.

Cần thiết vì điều đó giúp giới trẻ không những biết được các thế hệ nhân loại đi trước đã nghĩ thế nào về những vấn đề cốt lõi của cuộc sống, mà qua đó giới trẻ có thể tự tạo cho mình một lối suy nghĩ, một cách lý luận hợp lý, chặt chẽ, và có thể có một nhận thức đúng đắn hơn về những vấn đề hiện tại của cuộc sống. Từ đó mở ra hy vọng có một thái độ ứng xử và những hành động phù hợp với chuẩn mực văn minh của cộng đồng nhân loại.

Một xã hội không có triết học thì xem như bị cắt đứt với cội rễ của nó và sẽ mò mẫm đi vào một tương lai vô định. Con người trong xã hội như thế, nhất là giới trẻ, sẽ ít có cơ hội tìm hiểu bản thân và lựa chọn các giá trị cho mình và cho xã hội, và sẽ dễ bị lung lạc bởi các thế lực có chủ đích riêng và đi ngược lại sự tiến bộ tích cực.

Tìm hiểu loài người của chúng ta đã nghĩ gì, nghĩ như thế nào là vô cùng quan trọng. Làm thế nào nhân loại từ hoang sơ đã đi đến những hình thức xã hội như ngày nay: có bàn tay khéo léo đã đành, nhưng bộ óc phải đóng vai trò chủ yếu. Những bộ óc đó đã đưa loài người đến những thành quả tuyệt vời mà cha ông chúng ta, và cả chúng ta nữa, đã không bao giờ ngờ đến. Bên trong những bộ óc ấy những tư tưởng đã hình thành.

Thiết tưởng bao lâu còn nhân loại thì bấy lâu vẫn còn vai trò cho triết học, bởi vì, nói cho cùng, triết học không gì khác hơn là suy nghĩ về những vấn đề của con người. Học triết học là học sống, sống với người.

Đuổi Triết Học, Bắt Triết Lý – “Mỗi Lần Tôi Tìm Ra Ý Nghĩa Cuộc Đời, Người Ta Lại Thay Đổi Nó” – Daniel Klein

Một chuyến du hành tìm ý nghĩa cuộc đời giàu suy tưởng và đầy hài hước, khiến bạn không thể dừng bước, cùng Daniel Klein – tác giả best- seller của New York Times.

Khi còn là một sinh viên chuyên ngành Triết học, “chàng thanh niên” Klein đã ghi chép vào cuốn sổ tay những trích dẫn ngắn của các triết gia vĩ đại trên thế giới, với hy vọng tìm ra cách sống một cuộc đời bằng cách nào đó ý nghĩa nhất.

Sau sáu thập kỷ, “ông lão” Klein tình cờ đọc lại cuốn sổ, bật cười với những ngây thơ của tuổi trẻ, rồi đặt bút chiêm nghiệm lại những triết lý ấy, với tất cả vốn sống của gần 80 năm cuộc đời. Mỗi chương sẽ bắt đầu với một trích dẫn xuất sắc, rồi tác giả lý giải, bình luận và hướng dẫn áp dụng một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Từ Epicurus đến Emerson, từ Camus đến nhà thần học Reinhold Niebuhr, những tư tưởng có vẻ cao siêu, xa vời lại trở nên dung dị, khôi hài dưới ngòi bút “tưng tửng” của Klein. “Đuổi triết học, bắt triết lý” là cuốn sách triết học thú vị và đáng suy ngẫm mà bạn chắc chắn sẽ đọc lại nhiều lần nữa.

Nỗi Lo Âu Về Địa Vị – Alain de Botton

Trong đời sống hẳn ai cũng từng có nỗi lo lắng về địa vị, có thể là nỗi tự ti ngấm ngầm hay cảm giác thua thiệt; có thể là sự ghen tị hay mối lo bị thiên hạ coi như một kẻ thất bại.

Dù xét trên bình diện nào, nỗi lo âu về địa vị vẫn luôn là chủ đề tươi mới, khi con người hoài mong và tìm kiếm cho mình một chỗ đứng giữa đồng loại. Con người dường như ngày càng nhiều nỗi lo âu hơn, khó thỏa mãn hơn, bất chấp sự phát triển nhanh chóng của nền kỹ nghệ và của xã hội tiêu dùng.

Để truy tìm căn nguyên, de Botton sử dụng lập luận dựa trên bốn địa hạt chính là Triết học, Tôn giáo, Chính trị và Nghệ thuật, nhưng không vì thế mà Nỗi lo âu về địa vị sa vào kinh viện.

Có thể không phải là một chuyên luận chuẩn mực và thấu đáo về triết học hay xã hội học làm vừa lòng các bậc thức giả đạo mạo, nhưng cuốn sách vẫn có thể khiến độc giả choáng ngợp với lượng kiến thức đồ sộ được chuyển tải bằng văn phong lúc trang nhã cổ kính lúc thời thượng khôi hài.

Bằng một lối nhàn đàm đậm chất de Botton, Nỗi lo âu về địa vị là một cuốn sách triết học mở ra nhiều cuốn sách khác.

Thuyết Khắc Kỷ – John Sellars

Đâu là tốt đâu là xấu? Đầu là quý đâu là tiện? Sinh mệnh này của ta có ý nghĩa gì? Hạnh phúc của ta nằm ở đâu?

Đã có ai đến với cuộc đời này mà không từng băn khoăn trăn trở trước những câu hỏi như vậy. Hãy thử một lần cùng các nhà khắc kỷ bước vào hành trình suy tư chiêm nghiệm, để tìm cho mình các câu trả lời. Để thấy rằng trong cõi thể nhân sinh, bản thể, tri giác, thể tạng, linh hồn cũng như số mệnh ta chỉ là một dòng sông huyễn mộng.

Sinh mệnh của ta, đời sống của ta chỉ là một hành trình nơi đất lạ, rồi cuối cùng sẽ chìm vào lãng quên. Để thấy rằng hầu như mọi bất hạnh trên đời đều bắt nguồn từ việc ta nghĩ rằng mình có thể kiểm soát được mọi thứ, trong khi thực ra ta đã đặt lầm hạnh phúc của mình vào những thứ ở ngoài ta, những thứ ta không thể kiểm soát được.

Vậy nên chiếc chìa khóa cho hạnh phúc không nằm ở đâu khác mà nằm trong chính tư tưởng của ta, chỉ cần ta có thể phân biệt đúng đắn những gì “thuộc về ta” và “không thuộc về ta”.

Giáo Trình Triết Học Phương Tây Hiện Đại – Nhiều Tác Giả

Triết học phương Tây hiện đại (hiểu theo nghĩa ngoài mácxít) là sự phát triển tư tưởng triết học phương Tây trong điều kiện mới, theo tinh thần mới, tinh thần “phi cổ điển”, rà soát lại những vấn đề truyền thống, bắt đầu từ Hy Lạp cổ đại.

Quá trình này diễn ra cùng với xu thế phi cổ điển hóa trong văn hóa châu Âu, thông qua văn chương, nghệ thuật, âm nhạc và các hoạt động sáng tạo khác, phản ánh sự tái bố trí lực lượng chính trị – xã hội tại châu Âu, được nhen nhóm ngay từ thời Phục hưng (thế kỷ XIV-XVI), được tiếp sức bởi các cuộc cách mạng tư sản và sự ra đời nhà nước kiểu mới tại một số nước Tây Âu, thay thế chế độ quân chủ phong kiến ngự trị hàng ngàn năm.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói, giáo trình này góp phần hệ thống hóa và đưa ra luận giải mới về sự ra đời và phát triển, đặc trưng và vai trò của lịch sử triết học phương Tây hiện đại; về những tư tưởng, quan niệm mà các trường phái kế thừa của quá khứ và của thời đại thể hiện đồng tâm dưới các phạm trù, nguyên lý, nguyên tắc.

Đặc biệt, những người biên soạn đã tổng hợp bức tranh tư tưởng triết học phương Tây hiện đại thành nhóm bốn khuynh hướng chủ đạo: phi duy lý – nhân bản, thực chứng – khoa học, tôn giáo, chính trị – xã hội.

Triết Học Và Vấn Đề Xã Hội – Will Durant

Mục đích của luận văn này là cho thấy: thứ nhất, vấn đề xã hội là mối quan tâm căn bản của nhiều triết gia vĩ đại; thứ nhì, cách tiếp cận vấn đề xã hội thông qua triết học là điều kiện đầu tiên cho một cách xử lý thành công vấn đề này dù chỉ ở mức độ khiêm tốn; và thứ ba, một hướng tiếp cận triết học thông qua vấn đề xã hội thì rất cần thiết cho sự phục sinh của triết học.

Thuật ngữ “triết học” ở đây chúng ta nên hiểu đó là một nghiên cứu về kinh nghiệm nói chung, hoặc về một bộ phận kinh nghiệm trong mối tương quan với tổng thể.

Như thế, mỗi chương trình bày theo lịch sử của cuốn sách triết học này sẽ là một dẫn nhập và một triển khai hơn là một tổng lược. Mục đích sẽ không phải là viết ra một tác phẩm lịch sử hoặc phê bình, mà là một cách lý giải qua đại diện.

Đây là một phương pháp vốn có những khuyết điểm của nó: Ví dụ, nó hy sinh tính thấu đáo về học thuật để trình bày tính khả dụng, và sẽ đòi hỏi việc thu nhặt đi thu nhặt lại những mạch ý tưởng khi sau này chúng tôi đi đến mục tiêu riêng tư hơn.

Nhưng như một khoản đền bù phần nào cho điều này, chúng tôi sẽ tránh không xem xét quá khứ ngoài khía cạnh như nó thực sự là hiện tại, ngoài khía cạnh như nó còn sống và có ý nghĩa bổ ích ở ngày nay. Và từ mỗi nghiên cứu có lẽ chúng tôi sẽ thực hiện được bước tiến nào đó về phía nỗ lực sau cùng của chúng tôi – việc làm sáng tỏ chung cho vấn đề xã hội và triết học.

Tư Duy Hậu Socrates – Edward de Bono

Tam đại triết gia Hy Lạp – Socrates, Plato và Aristotle – đã tạo lập nên tư duy phương Tây truyền thống. Phong cách tư duy này có nhiều mặt nổi trội và hữu ích, nhưng đang dần trở nên thất thế trong một thế giới đầy biến động.

Nó cũng không đưa đến nguồn lực sáng tạo, không xây dựng điều gì mới mẻ. Nó thất bại vì đưa ra các phán xét và phân biệt nguy hiểm, thứ có khuynh hướng làm mọi việc tệ đi. Và nó quá tự mãn để tự nhìn ra sự thất bại đó.

Là một triết gia và có hiểu biết sâu sắc về tư duy phương Tây, Edward De Bono đã sử dụng chính những thói tục vốn có trong hệ thống này để giới thiệu một hệ thống tư duy hoàn toàn khác biệt, được ông đặt tên là “Tư duy hậu Socrates”. Hệ thống tư duy mới vừa kế thừa những đúc kết của các triết gia cổ xưa vừa có tính ứng dụng cao trong bối cảnh hiện nay.

Theo cách tư duy truyền thống, nếu hai người bất đồng với nhau thì ắt hẳn sẽ diễn ra một cuộc tranh luận nảy lửa, trong đó mỗi bên đều cố biện hộ cho quan điểm của mình và tìm mọi cách để chứng minh bên kia sai. Còn trong lối tư duy song song, hai quan điểm bất kỳ đối chọi với nhau như thế nào đều được đặt cạnh nhau.

Nếu sau đó cần phải chọn lựa một trong hai (hay nhiều) quan điểm thì ta sẽ cố gắng chọn cái có ý nghĩa nhất, phù hợp nhất. Nếu không thể đưa ra một sự lựa chọn nào thì cần phải thiết kế ra một giải pháp bao trùm lên cả hai (hay nhiều) phương án này.

Cuốn sách “Tư duy hậu Socrates” vén màn những phương pháp brainstorm độc nhất và tìm đến bản chất đích thực của sự sáng tạo. Đây là cuốn sách triết học thực hành tư duy cần thiết để bạn không chỉ biết nghĩ, mà còn biết hành động – để tồn tại trong một thế giới hối hả, không ngừng tiến về phía trước.

Ơn Giời, Nietzsche Trả Lời: Lời Khuyên Từ Những Triết Gia Hàng Đầu – Marcus Weeks

  • Tôi sợ chết. Như thế có bình thường không?
  • Vì sao tôi có cảm giác tội lỗi khi bước qua một người ăn xin?
  • Người yêu của bạn tôi đang cặp kè người khác sau lưng cô ấy, tôi có nên nói cho cô ấy biết?
  • Bạn trai tôi suốt ngày chỉ biết dán mắt vào trò chơi điện tử hoặc mạng xã hội.
  • Ca sĩ yêu thích của tôi bị kết tội bạo hành gia đình. Tôi có nên xóa hết nhạc của anh ta?

Rất nhiều vấn đề nan giải bạn thường xuyên gặp phải, sẽ được giải đáp bởi các triết gia vĩ đại trong cuốn sách “Ơn giời, Nietzsche trả lời”.

Cuốn sách triết học này mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc của nhiều nhà tư tưởng vĩ đại trong lịch sử (Friedrich Nietzsche, Aristotle, Hobbes, Schopenhauer…) về những vấn đề cấp thiết thường ngày của bạn, bao gồm các mối quan hệ, công việc, phong cách sống và quan điểm chính trị.

Những vấn đề dù dễ dàng hay đáng lo ngại, thì cũng đều gây ra đau khổ hiện sinh. Cuốn sách cũng cung cấp cái nhìn tổng quan, dễ hiểu và hấp dẫn về nhiều nhánh của ngành triết học.

Không có phương án giải quyết duy nhất nào cho một vấn đề, các triết gia khác nhau sẽ đưa ra lời khuyên khác nhau, có thể còn mâu thuẫn gay gắt. Nhưng chính điều đó phản ánh bản chất thú vị của triết học, đồng thời cho bạn nhiều lựa chọn để suy ngẫm, và học được cách sống một cuộc sống đích thực.

Cuộc sống luôn có nhiều thách thức về đạo đức, mà chúng ta thường không biết nên giải quyết bằng lý trí hay tình cảm. Cuốn sách “Ơn giời, Nietzsche trả lời” sẽ giúp bạn với lời khuyên của những triết gia lỗi lạc nhất mọi thời đại.

Triết Học – Tất Cả Những Điều Cần Biết Để Thông Thạo Bộ Môn Này – Peter Gibson

Một cuốn sách nhập môn đầy đủ và toàn diện, cung cấp cho bạn tất cả những khái niệm và chủ đề cần thiết, quan trọng để hiểu các vấn đề nền tảng của triết học!

Bằng những sơ đồ rõ ràng cùng những diễn giải sáng rõ, cuốn sách dẫn dắt bạn đào sâu, khám phá tư tưởng chủ đạo của các triết gia từ Aristotle, Zeno tới Descartes, Kant, Sartre, rồi Frege, Wittgenstein. Bạn sẽ thấy việc học và hiểu bộ môn này chưa bao giờ dễ dàng và thú vị đến thế!

Hy vọng khi đọc xong cuốn sách triết học này, bạn có thể trả lời những câu hỏi lớn của triết học, và cũng là của đời người như:

– Hiện hữu là gì? Tồn tại là gì ? Hiện hữu khác Tồn tại như thế nào ?

– Chân lý là gì? Có cái gọi là chân lý của riêng tôi? Còn chân lý của những người xung quanh tôi thì sao?

– Rốt cuộc, điều mà tôi có thể nhận thức là gì? Điều tôi nhận thức được có khác điều bạn nhận thức được không?

– Tôi có ý chí tự do không? Ý chí tự do của tôi có mâu thuẫn với ý chí tự do của tha nhân không?

– Đạo đức là gì? Làm thế nào để tôi có thể sống một cuộc đời đạo đức?

Những Tiểu Luận Triết Học – Bertrand Russell

Được xuất bản lần đầu vào năm 1910, Những tiểu luận triết học của Bertrand Russell đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc cách mạng tư tưởng của ông. Quyển sách là tập hợp 7 tiểu luận triết học được trình bày một cách rõ ràng về các vấn đề đạo đức và chân lý. Các tiểu luận này đều là những bài in lại, có chút ít chỉnh sửa, đã được đăng trên nhiều tạp chí.

Qua 7 tiểu luận trong tác phẩm, Bertrand Russell đã tiếp cận vấn đề một cách hợp lý từ đạo đức đến chủ nghĩa thực dụng với phong thái tự kiềm chế, phát biểu sáng sủa và lập luận chặt chẽ.

Theo tác giả, tất cả các tiểu luận, có lẽ ngoại trừ tiểu luận về “Lý thuyết nhất nguyên về chân lý” được trình bày sao cho thu hút được những độc giả quan tâm đến những câu hỏi triết học nhưng chưa được thụ huấn chuyên nghiệp về triết học.

Bởi vì, với ông, “Khoa triết học, từ những thời kỳ xa xưa nhất, đã tuyên bố nhiều điều lớn lao, và đạt được thành quả ít ỏi, hơn bất kỳ ngành học nào khác… Nay đã đến thời có thể đặt dấu chấm hết cho tình trạng chưa lấy gì làm mãn lòng đó”.

Đây là một tác phẩm giá trị không chỉ ở những luận điểm Russell đưa ra mà còn vì “Hy hữu lắm mới có một nhân vật thạc học cao viễn chịu hạ cố bước xuống đấu trường triết học và luận chiến minh bạch nhường ấy, và nhất là với lòng cảm thông nhường ấy, đối với những lập trường ông phê bình – The Oxford Magazine”.

Đi Tìm Hạnh Phúc – Một Hành Trình Triết Học – Frédéric Lenoir

Frédéric Lenoir là nhà nghiên cứu triết học, nhà xã hội học, nhà văn. Ông là tác giả của hơn 50 cuốn sách bàn về lịch sử tôn giáo, tiểu luận triết học, xã hội học, và cả sách hư cấu.

Nhiều tác phẩm của ông là cầu nối giữa nghiên cứu học thuật với tính đại chúng, được in với số lượng lớn và dịch ra nhiều thứ tiếng. Đi tìm hạnh phúc là tác phẩm tiêu biểu cho lối viết của tác giả Frédéric Lenoir.

Bằng lối viết hấp dẫn của một nhà văn, Frédéric Lenoir đưa độc giả đi vào cuộc du hành phi tuyến tính, xuyên qua lịch sử triết học, tôn giáo, tâm lý học để cho thấy suy tư, truy vấn, nhận thức về hạnh phúc là vấn đề muôn thuở của nhân loại.

“Cần phải suy tư về những gì mang đến hạnh phúc, bởi, khi có hạnh phúc là ta có tất cả, còn khi không có, ta sẽ làm tất cả để có được hạnh phúc”_ Épicure

Sẽ không có một công thức chung nào về hạnh phúc. Nhưng đọc cuốn sách triết học này, độc giả sẽ nhận thấy bản thân việc tư duy lại hạnh phúc cũng có thể mang về một niềm hạnh phúc lớn lao.

Sự An Ủi Của Triết Học – Alain de Botton

Chúng ta sống ngày này qua ngày khác cùng những nỗi bận tâm: không tiền, thất tinh, thiếu thốn vật chất và tinh thần, lo lắng, sợ thất bại và áp lực phải hành xử theo chuẩn mực bận tâm nhỏ khiến ta dằn vặt. Nỗi bận tâm lớn có thể hủy hoại cả đời người.

Alain de Botton viết về cách mà bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử triết học bàn về những nỗi bận tâm, niềm đau khổ trong cuộc sống thường ngày ấy. Khi không được ưa thích, khi chịu áp lực phải hành xử theo chuẩn mực, ta có thể tìm đến Socrates. Khi không có tiền, ta có thể hỏi ý kiến Epicurus. Còn khi thất tình, ta hoàn toàn có thể chia sẻ với Schopenhauer.

Qua tư tưởng của sáu triết gia vĩ đại, de Botton đã đưa triết học trở lại với mục đích giản dị và quan trọng nhất của nó: Giúp chúng ta sống cuộc đời của mình.

50 Ý Tưởng Triết Học – Ben Dupré

Bàn về 50 chủ đề triết học thú vị, cuốn sách là một minh chứng cho thấy triết học không hề khô khan, sách vở. Dù là những ý tưởng xưa cũ nhất hay hiện đại nhất, chúng đều rất gần gũi, có tầm ảnh hưởng, giúp chúng ta hiểu cách thế giới này tồn tại và cách chúng ta tri nhận về nó.

Tác giả Ben Dupre là người phụ trách mảng sách tham khảo cho trẻ em của NXB Đại học Oxford và có hơn 20 năm kinh nghiệm đưa những khái niệm đầy thách thức đến đông đảo độc giả.

Kết Luận

Trên đây là TOP 29 Cuốn sách triết học hay nhất mà chúng mình đã tìm kiếm và tổng hợp được. Hy vọng qua những gợi ý phía trên, độc giả sẽ sớm tìm được những cuốn sách hay về triết học cho bản thân.

Chúc bạn đọc sức khỏe và thành công.

Hẹn gặp lại bạn ở bài viết tiếp theo!