Job offer là gì mà nhiều người hay nhắc đến như vậy? Sau quá trình phỏng vấn, nếu bạn là người được chọn bởi nhà tuyển dụng, họ sẽ gửi job offer (lời mời làm việc) để bạn đưa ra quyết định. Song, nhiều lời mời làm việc đến cùng một lúc là “cơn đau đầu êm ái” của bất kỳ ứng viên nào.
Không có nơi làm việc tốt nhất, chỉ có nơi phù hợp nhất. Vậy cách để lựa chọn lời mời làm việc (job offer) phù hợp nhất với bản thân là gì? Dưới đây là những yếu tố khiến sự lựa chọn của bạn trở nên dễ dàng hơn.
Trước hết, hãy tìm hiểu qua job offer là gì?
Job offer là một lời mời nhà tuyển dụng gửi đến các ứng cử viên tiềm năng nhất để đảm nhiệm một vị trí cụ thể nào đấy. Thư mời làm việc thường bao hàm các thông tin liên quan đến tuyển dụng, bao gồm như sau: mức lương, chức danh, đãi ngộ, ngày làm việc, số ngày làm việc,…
Khi nhận được job offer, điều bạn cần làm là đọc kỹ lại những thông tin ấy. Bởi một khi xác nhận những thông tin ấy, chúng sẽ theo bạn đến khi bạn nghỉ việc tại công ty đó. Hãy xem xét thật kỹ, thậm chí tái thỏa thuận hoặc làm rõ những điều khoản bạn chưa rõ.
Thông thường, 3 ngày là thời gian vừa đủ để đưa ra phản hồi nếu bạn cần thời gian để xử lý chi tiết hoặc lập kế hoạch bổ sung.
Bí quyết lựa chọn job offer “sang, xịn, mịn” phù hợp với bản thân nhất
1. Xem xét mục tiêu nghề nghiệp dài hạn của bản thân
Điều đầu tiên cần xác nhận là liệu job offer này có đang phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp dài hạn của bạn hay chưa? Có thể bạn vẫn có mục tiêu đó trong lúc nộp đơn, nhưng đến khi nhận được lời mời làm việc thì mục tiêu ấy đã không còn nữa.
Chính vì thế, bạn cần phải xác định thật kỹ càng về điều này. Bằng không, những ngày tháng đi làm sắp tới sẽ không khiến bạn cảm thấy vui vẻ gì. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc và tâm thế đi làm của chính bạn. Hãy công bằng với cả chính mình và nhà tuyển dụng.
2. Cân nhắc về chế độ lương thưởng
Điều mà các ứng viên thường xuyên quan tâm nhiều hơn cả trước khi chấp nhận job offer chính là mức lương. Tuy nhiên, lời khuyên đầu tiên là đừng tự động nhận lời đề nghị với mức lương cao nhất.
Hãy nhìn vào các khía cạnh khác, như chế độ đãi ngộ, mức lương cơ bản, các trợ cấp đi kèm, thưởng hoa hồng, thuế thu nhập cá nhân, các chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm sức khỏe, cũng như các khoản đóng quỹ của công ty.
Bạn có thể làm việc rõ với công ty một lần nữa để biết chắc chắn về số tiền thực nhận sau khi trừ thuế và các khoản phụ thu khác. Từ đó bạn sẽ thấy, đôi khi mức lương đưa ra giữa các công ty có thể khác nhau, nhưng chênh lệch về khoản thực nhận hàng tháng lại không quá khác biệt.
Đọc thêm: Cách deal lương sau khi nhận Offer
3. Đừng bỏ quên những phúc lợi đi kèm
Bên cạnh mức lương thì những phúc lợi, đãi ngộ đi kèm cũng là một yếu tố khá quan trọng trong việc xác nhận có nên chấp nhận job offer hay không. Mức lương có thể chưa được như mong đợi, nhưng nếu những phúc lợi đi kèm rất tốt, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc job offer này đấy.
Một số phúc lợi có thể kể đến như: được cấp máy tính cá nhân; tiền ăn uống, gửi xe; khám sức khỏe miễn phí 1 năm 1 lần; môi trường công sở có những cơ sở vật chất như phòng gym, hồ bơi, thư viện, chế độ nghỉ phép hấp dẫn, cho phép làm remote/mô hình làm việc hybrid, v.v….
4. Địa điểm làm việc có thuận tiện?
Địa điểm làm việc cũng nên là một yếu tố mà bạn nên cân nhắc khi quyết định có nhận job offer hay không. Địa điểm làm việc gần nhà, gần trung tâm sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận với các hoạt động sau giờ làm.
Nếu địa điểm đi làm quá xa, liệu công ty có xe đưa đón hay không? Hay chí ít bạn có được công ty cấp thẻ để thanh toán các dịch vụ vận chuyển
5. Sự tương thích với văn hóa công ty
Văn hóa của công ty là rất quan trọng khi quyết định chấp nhận job offer, vì bạn cần chắc chắn rằng mình sẽ yêu thích và có động lực làm việc mỗi ngày. Điều tạo nên một văn hóa công ty tốt phụ thuộc phần lớn vào từng cá nhân trong đó và cách mà họ tương tác với nhau.
Hãy tìm hiểu về môi trường làm việc tại công ty. Hệ thống quản lý tại đó được phân chia theo cấp bậc, hay được xây dựng theo mô hình văn hóa phẳng. Các nhân viên có thói quen hỗ trợ nhau cùng làm việc hay cạnh tranh cho các mục tiêu cá nhân? Điều quan trọng là dù văn hóa công ty đó là gì, nó phải phù hợp với tính cách và mục tiêu nghề nghiệp của bạn.
Các cộng đồng trực tuyến hoặc mạng xã hội là những công cụ hữu ích để bạn tìm hiểu những điều trên. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm từ bạn bè và người thân xung quanh, xin họ những lời khuyên để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Đọc thêm: Cách Tự Xác Định Môi Trường Làm Việc Lý Tưởng Cho Bản Thân Trước Khi Tìm Việc
6. Ấn tượng trong những cuộc phỏng vấn
Quá trình phỏng vấn cũng có thể là một đặc điểm quan trọng bạn cần để tâm khi lựa chọn và chấp nhận lời mời làm việc.
Khi có nhiều sự lựa chọn được đặt lên bàn cân thì đồng nghiệp cũng trở thành một yếu tố cần xem xét. Điều này có vẻ khá chủ quan và thiên về cảm xúc cá nhân. Tuy nhiên, được làm việc với những người mình có thể dễ dàng hòa nhập là một lợi thế không hề nhỏ khi đi làm.
Những buổi phỏng vấn chính là cơ hội để bạn gặp gỡ và làm quen với những đồng nghiệp tương lai của mình. Vì vậy, những ấn tượng ban đầu là rất quan trọng trong việc quyết định bạn có hợp với những cộng sự đó hay không. Trong hoàn cảnh này, những người mang lại cảm giác thân thiện, dễ gần và dễ hợp tác hơn thông qua những cuộc nói chuyện đó
7. Liệt kê ra trách nhiệm công việc cần làm
Nhìn vào bảng mô tả công việc trong job offer, hãy liệt kê tất cả các công việc hàng ngày và mường tượng qua khối lượng công việc, nhiệm vụ bạn cần thực hiện trong một ngày là gì? Liệu gói công việc ấy có đang quá tải hay không?
Nếu trực giác mách bảo rằng trách nhiệm công việc hiện tại đang “hơi nhiều” so với mức lương thực nhận hay những đãi ngộ bạn có, hãy cân nhắc đến việc đưa ra những thỏa thuận hợp lý hơn đối với nhà tuyển dụng. Song, một lưu ý quan trọng là tránh trở nên yêu sách và đòi hỏi quá lố những lợi ích dành cho mình.
8. So sánh phía quản lý tuyển dụng của đôi bên
Nếu nhận được từ hai job offer trở nên, bạn nên so sánh từng người quản lý mà bạn sẽ làm việc cùng trong tương lai. Liệt kê những ưu, nhược điểm của họ là gì để khám phá xem công ty nào, quản lý nào sẽ phù hợp với phong cách làm việc của mình nhất; từ đó, đưa ra lựa chọn job offer tương ứng.
Xem xét các kỹ năng mà mỗi người quản lý sở hữu và liệu họ có thể truyền những kỹ năng ấy cho bạn được hay không. Một người quản lý uy tín có thể tăng cơ hội thành công cho bạn dựa trên kiến thức và kỹ năng mà họ mang đến trong quá trình cộng tác.
9. Cơ hội thăng tiến, phát triển của bạn
Trước khi chấp nhận job offer tại một công ty nào đó, việc xác định cơ hội phát triển tại đây là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới động lực làm việc của bạn sau này.
Liệu phòng ban mà bạn được nhận vào có hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng hay không? Liệu vị trí của bạn có nhiều cơ hội để thăng tiến về cấp bậc, hay bạn đã được định sẵn sẽ chỉ làm ở vị trí này trong một khoản thời gian dài?
Bạn cũng cần cân nhắc việc công ty của bạn có thường xuyên cập nhật những công cụ, phần mềm làm việc tối tân nhất, điều cho phép bạn được học thêm những kỹ năng mới. Hay họ chỉ muốn gắn bó với những công cụ lạc hậu và không có ý định cải tiến nó.
Khi chấp nhận lời mời làm việc, chắc chắn những cơ hội thăng tiến, phát triển về cả chức vụ và kinh nghiệm chuyên môn luôn cần được đặt lên hàng đầu. Hãy nghĩ xem bạn có thể sẽ cảm thấy buồn chán như thế nào sau một vài năm nữa khi công việc chỉ lặp đi lặp lại sau từng ấy năm?
10. Tin tưởng vào giác quan chính mình
Đôi khi, những quyết định lý tính nghe có vẻ ổn thỏa, nhưng tận sâu trong đáy lòng bạn lại cảm thấy có chút lấn cấn. Trong những trường hợp như thế, hãy tin vào trực giác và giác quan của chính mình.
Hãy thật sự cân nhắc cả những lợi ích lý tính (kỹ năng, kiến thức, cơ hội thăng tiến) và lợi ích cảm tính (niềm vui, cân bằng cuộc sống – công việc, văn hóa công ty) để đưa ra quyết định liệu xem bạn có thật sự hào hứng với job offer này không, vị trí công việc mà bạn thật sự yêu thích là gì?
Hãy tự tin thương lượng và thỏa thuận nếu bạn thấy chưa phù hợp
Nếu chưa cảm thấy phù hợp với mức lương, đãi ngộ, gói công việc, thời gian làm việc,… hãy mạnh dạn thương lượng và thỏa thuận điều đó. Nhà tuyển dụng muốn tốt cho công ty, bạn muốn tốt cho bản thân. Chính vì thế, sẽ thật tuyệt vời nếu như cả hai tìm thấy điểm giao nhau.
Khi quyết định từ chối 1 job offer nào đấy, hãy tránh những câu từ mang tính thô lỗ, thiếu tinh tế về tổ chức. Bạn sẽ không bao giờ biết được rằng bạn có quay trở về nơi này hay không. Thế nên hãy cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói để không tạo ấn tượng xấu trong mắt nhà tuyển dụng.
Bạn cũng chớ nên làm mất quá nhiều thời gian của đôi bên. Thời gian trả lời chấp nhận hoặc từ chối job offer rơi vào khoảng 3 ngày. Nếu cảm thấy không phù hợp, hãy đưa ra quyết định sớm nhất có thể nhé!
Đọc thêm: Cách Viết Thư Từ Chối Nhận Việc Khéo Léo
Đừng quá vội vàng chấp nhận Job Offer
Dù chỉ nhận được 1 job offer duy nhất, bạn cũng đừng quên rằng sẽ còn rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức phù hợp với bạn. Đừng chỉ vì sợ rằng mình không có việc làm mà chọn lựa những điều bạn thân không cảm thấy hạnh phúc.
Bạn không cần phải vội vã chấp nhận lời mời làm việc nếu như bạn cảm thấy mình không thật sự phù hợp. Không có gì là sai khi từ chối job offer cả.
Hãy thử đặt suy nghĩ theo hướng này: việc bạn từ chối lời mời làm việc biết đâu lại giúp bạn có nhiều thời gian để tìm những tổ chức phù hợp hơn; còn doanh nghiệp sẽ tìm được một ứng viên phù hợp với vị trí đó hơn bạn.
Tác Giả
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!