Đi hết Việt Nam qua những nơi “nhất”: Sapa chưa phải nơi lạnh nhất!

Miền Bắc nước ta đang bước vào một trong những đợt không khí lạnh mạnh nhất trong năm. Nhiệt độ giảm sâu, đôi lúc xuống dưới 10 độ C. Nhắc tới địa điểm có nhiệt độ thấp nhất, mùa đông lạnh nhất ở nước ta, chắc chắn nhiều người sẽ trả lời rằng, đó là Sapa, hay nóc nhà Đông Dương Fansipan.

Tuy nhiên trên thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Nơi lạnh nhất Việt Nam là một địa điểm khác. Bên cạnh nơi lạnh nhất, cùng tìm hiểu và khám phá thêm cả nơi nóng nhất, cao nhất, hòn đảo lớn nhất hay hồ nước lớn nhất nước ta là nằm ở đâu.

Nơi lạnh nhất Việt Nam

Khác xa với suy nghĩ của nhiều người, nơi lạnh nhất Việt Nam là đỉnh Mẫu Sơn – Lạng Sơn, dù cho đây không phải là nóc nhà của Việt Nam.

Đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn là nơi lạnh nhất Việt Nam. (Ảnh VOV)

Đỉnh Mẫu Sơn là vùng núi cao, chếch theo hướng Đông – Tây, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lạng Sơn. Đỉnh thuộc địa phận chính của 3 xã, là Mẫu Sơn, Công Sơn (huyện Cao Lộc) và xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình). Từ trung tâm thành phố Lạng Sơn, quãng đường di chuyển tới đỉnh Mẫu Sơn dài khoảng 30km về phía Đông, hướng lên biên giới Việt Trung.

Theo phân tích khoa học, đỉnh núi Mẫu Sơn của tỉnh Lạng Sơn có nhiều đặc điểm để trở thành nơi lạnh nhất cả nước.

Yếu tố quan trọng nhất chính là do cấu tạo địa hình. Núi Mẫu Sơn nằm ở vị trí cánh cung phía Bắc, là cửa ngõ đón gió mùa. Theo ghi nhận, gió thổi trên đỉnh núi có thời điểm đạt tới cấp 5, cấp 6, gió giật cấp 10. Mức gió này là mức gió tương đương với cấp gió áp thấp nhiệt đới và bão.

Đỉnh Mẫu Sơn từng đạt mức nhiệt kỷ lục dưới 0 độ C, xuất hiện gió mạnh và băng giá. (Ảnh Báo NLĐ)

Chính vì đặc điểm trên, nên thời tiết trên đỉnh Mẫu Sơn được đánh giá là rất khắc nghiệt. Gió mạnh cùng với mây mù quanh năm bao phủ, tạo nên cảm giác rét buốt.

Theo thông tin trên Tuổi trẻ Thủ Đô, trong đợt không khí lạnh mạnh nhất đầu năm 2019, nhiệt độ đo được trên đỉnh Mẫu Sơn là -2 độ C, xuất hiện nhiều băng giá, trong khi con số ở Sapa (Lào Cai) vẫn lớn hơn 3 độ C và không có hiện tượng đóng băng.

Thống kê của Đài Khí tượng Thủy văn Lạng Sơn, cùng các đánh giá, so sánh của các chuyên gia cũng cho thấy, mùa đông ở Mẫu Sơn là khắc nghiệt hơn cả và đang giữ kỷ lục nơi lạnh nhất Việt Nam.

Vì vậy, đến du lịch Lạng Sơn hay Mẫu Sơn vào mùa đông, bạn cần chuẩn bị cho mình những chiếc áo dày và ấm. Thêm vào đó cũng là khả năng chịu lạnh tốt. Có như vậy mới có thể khám phá được đỉnh Mẫu Sơn trong truyền thuyết, hay những địa điểm du lịch văn hóa tâm linh khác như Linh địa cổ hay Núi Phật Chỉ…

Khi du lịch Mẫu Sơn vào mùa đông, du khách nên chuẩn bị thật kỹ những chiếc áo ấm.

Nơi nóng nhất Việt Nam

Theo tờ Washington Post, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh từng chạm mốc nhiệt độ 110 độ F (tương đương với 43,4 độ C) vào tháng 4 năm 2019. Theo thông tin trên báo Hà Tĩnh, đây cũng là mức nhiệt cao nhất mọi thời đại được ghi nhận tại nước ta.

Được biết, mức nhiệt 43,4 độ C đủ để làm mềm bút sáp màu, tan chảy sô cô la và đẩy nhiệt độ bên trong một chiếc ô tô đang đậu ngoài trời vượt quá 60 độ C. Thêm vào đó, ở thời điểm đo lường mới chỉ là tháng 4, một tháng chưa nóng cao điểm. Nhiều khả năng vào tháng 6 hay tháng 7, mức nhiệt sẽ cao hơn.

Hương Khê là một huyện miền núi nằm ở phía tây nam tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam, với diện tích 1.278,0909 km². Dân số bên cạnh người Kinh chiếm chủ yếu còn có những dân tộc khác như Thổ, Thái, Kinh, Chứt. Địa hình của huyện có nhiều đồi núi, phía Tây giáp trực tiếp lãnh thổ Lào.

Hương Khê, Hà Tĩnh là địa phương từng ghi nhận nhiệt độ cao nhất cả nước. (Ảnh Hương Khê 24h)

Vì vị trí địa lí cũng như địa điểm địa hình khiến Hương Khê – Hà Tĩnh trở thành nơi nóng nhất Việt Nam.

Không chỉ riêng gì Hương Khê – Hà Tĩnh, các tỉnh lân cận ở khu vực miền Trung cũng là những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước. Bên cạnh nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao kỉ lục dẫn đến khô cằn, ảnh hưởng mùa màng, các vùng này còn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những cơn bão, lũ lụt nhiều nhất cả nước.

Đến với Hương Khê – Hà Tĩnh, du khách có thể ghé những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như Di tích Rộc Cồn, Đền Đức Đại Vương ngàn Trụ, Đền Trạng…

Nơi cao nhất Việt Nam

Câu trả lời về địa điểm cao nhất Việt Nam thì chắc chắn người Việt nào cũng có thể đưa ra đáp án chinh xác. Đó chính là đỉnh Fansipan. Không chỉ cao nhất Việt Nam, đây cũng là đỉnh cao nhất trong các nước Đông Dương. Chính vì vậy, nó còn có cái tên khác là “Nóc nhà Đông Dương”.

Đỉnh Fansipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn cách thị trấn Sapa khoảng 9km về phía Tây Nam, nằm giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Đỉnh Fansipan là nơi cao nhất Việt Nam hay còn được gọi với cái tên là “Nóc nhà Đông Dương”.

Chiều cao của đỉnh núi đo đạc năm 1909 là 3.143 m. Tuy nhiên theo số liệu mới nhất của Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam đưa ra vào cuối tháng 6 năm 2019, độ cao của đỉnh núi là 3.147,3m. Tức là sau hơn 100 năm, đỉnh núi đã cao thêm 4,3m và có thể trong tương lai sẽ còn tiếp tục tăng.

Vì vậy, vị trí nơi cao nhất Việt Nam sẽ khó có địa điểm nào có thể “đánh bại” được đỉnh Fansipan.

Hiện nay, với sự phát triển của ngành du lịch Sa Pa nói riêng cũng như của cả tỉnh Lào Cai nói chung, đỉnh Fansipan được biết đến là một địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút sự chinh phục, khám phá của hàng chục nghìn du khách mỗi năm.

Du khách tới đây có thể trải qua những hành trình leo núi kỳ thú, hoặc trải nghiệm cáp treo và ga tàu xe lửa để lên được đến đỉnh nóc nhà Đông Dương.

Hòn đảo lớn nhất Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia sở hữu tài nguyên biển đảo phong phú. Tính trên cả nước, có tới hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau. Trong số tất cả những hòn đảo ấy, hòn đảo lớn nhất chính là đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang.

Với diện tích khoảng 589 km², đảo Phú Quốc hiện nay có 2 thị trấn lớn là Dương Đông và An Thới cùng với 8 thị xã nhỏ nằm rải rác khắp hòn đảo.

Với những bãi biển tuyệt đẹp, làn nước trong xanh cùng bờ cát trắng tinh đã giúp nơi đây thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Không ít lần, hòn đảo được các tổ chức danh tiếng quốc tế vinh danh là một trong những hòn đảo đẹp nhất hành tinh, hay điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới.

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, từng được vinh danh là một trong những hòn đảo đẹp nhất hành tinh.

Những địa điểm hay trải nghiệm du lịch nổi tiếng hàng đầu tại đảo ngọc có thể kể tới như ngắm hoàng hôn trên bờ biển, lặn đại dương ngắm san hô, tắm biển, thư giãn tại bãi Dài, bãi Sao, bãi Khem, vui chơi tại những khu tổ hợp giải trí hiện đại hay ghé thăm những ngôi chùa trăm tuổi như chùa Sùng Hưng, Sùng Đức, Sư Muôn…

Huyện đảo nhỏ nhất Việt Nam

Số huyện đảo hiện nay ở nước ta là 12 huyện đảo. Trong đó, huyện đảo nhỏ nhất có diện tích chỉ khoảng 2,2km2. Đó chính là huyện đảo Cồn Cỏ, thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị. Huyện đảo được thành lập vào ngày 1 tháng 10 năm 2004 trên cơ sở đảo Cồn Cỏ thuộc xã Vĩnh Quang.

Tuy nhỏ bé, nhưng ở Cồn Cỏ cũng có những thứ thú vị mà du khách đến đây có thể trải nghiệm, khám phá. Nổi bật là hệ sinh thái rừng ba tầng trên đảo Cồn Cỏ. Nó được coi là hiếm ở Việt Nam bởi hòn đảo được kiến tạo từ núi lửa hàng triệu năm giữa biển khơi.

Trải qua lịch sử hình thành, qua chiến tranh và sau hơn bảy năm thành lập huyện đảo, Cồn Cỏ vẫn giữ được vẻ hoang sơ hiếm có. Với hơn 70% diện tích là rừng, Cồn Cỏ cũng là nơi có nhiều loài thảo mộc quý hiếm.

Huyện đảo Cồn Cỏ nhỏ nhất Việt Nam nhưng có hệ sinh thái tự nhiên quý hiếm.(Ảnh Sài Gòn tiếp thị)

Ngoài ra, du khách đến đây cũng rất yêu thích trải nghiệm lặn biển ngắm san hô nói chung hay san hô đỏ nói riêng. Từ lâu, san hô đỏ đã được coi là “báu vật”, là sản vật quý của huyện đảo nhỏ này. Những dải san hô bao quanh huyện đảo, có độ sâu từ 4m trở lên. Những vị trí có mật độ san hô dày sẽ tạo nên hình khối rất đẹp mắt, đem tới trải nghiệm thú vị cho du khách khi khám phá.

Hồ nước lớn nhất Việt Nam

Bên cạnh số lượng đảo lớn lên tới hàng nghìn hòn đảo, đất nước ta cũng được biết đến với mạng lưới sông ngòi, ao hồ dày đặc. Không tính những hồ nước nhân tạo, hồ nước tự nhiên lớn nhất Việt Nam chính là hồ Ba Bể ở Bắc Kạn với diện tích mặt nước là 650ha. Với diện tích này, hồ còn nằm trong danh sách 100 hồ nước tự nhiên lớn nhất thế giới.

Theo nhiều tài liệu ghi lại, hồ Ba Bể đã tồn tại khoảng hơn 200 triệu năm. Ý nghĩa của cái tên hồ Ba Bể để chỉ ba nhánh của hồ thông nhau, được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

Hồ có vị trí nằm lọt thỏm giữa những vách núi đá vôi sừng sững cùng hệ thống hang động dày đặc, khu rừng nhiệt đới bao bọc xung quanh.

Hồ Ba Bể là hồ nước tự nhiên lớn nhất Việt Nam, nằm giữa những dãy núi đá vôi ở Bắc Kạn. (Ảnh VietnamPlus)

Ngày nay, hồ Ba Bể là điểm đến du lịch gần gũi với thiên nhiên được nhiều người yêu thích. Vào buổi sớm mai, du khách có thể chiêm ngưỡng làn sương mờ huyền ảo trên mặt hồ.

Ngoài ra. còn có những trải nghiệm khác như đi thuyền dạo lòng hồ, chụp vài bức ảnh kỷ niệm, chèo thuyền độc mộc, tắm trên hồ, thăm thác Bản Giốc… Đặc biệt, du khách có thể chọn lưu trú tại những homestay ở bản làng quanh hồ để cùng trải nghiệm cuộc sống với cư dân bản địa, tận hưởng một nhịp sống thực sự bình yên, thư thái.