Tổng hợp 10 trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non hấp dẫn nhất – Trường mầm non The Gold Beehive | The Gold Beehive Multi-Intelligences Preschool & Kindergarten | Tp.Ho Chi Minh

Trong quá trình học tập và vui chơi, việc tổ chức các hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng. Bởi đây không chỉ là hoạt động giáo dục tình cảm đạo đức, thẩm mỹ mà thông qua các hoạt động âm nhạc như học hát, nghe hát, vận động theo nhạc,…sẽ hình thành cho bé sự phát triển toàn diện, hài hòa các yếu tố “Đức-Trí-Thể-Mỹ”.

Trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ

Trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ

1. Định nghĩa âm nhạc và cảm thụ âm nhạc ở trẻ

Hiện nay, có nhiều ba mẹ vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc giáo dục trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non, ý nghĩa âm nhạc đối với sự phát triển toàn diện của trẻ… Vậy trước tiên, ba mẹ cần hiểu định nghĩa âm nhạc và cảm thụ âm nhạc ở trẻ là như thế nào?

  • Định nghĩa âm nhạc: Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh (chất giọng) để diễn đạt tình cảm, cảm xúc của con người. Đối với trẻ mầm non, âm nhạc chính là thế giới mà ở đó trẻ được tự tin thể hiện năng khiếu, cá tính, hoàn thiện trí tuệ, đạo đức, khả năng thẩm mỹ của mình.

  • Cảm thụ âm nhạc ở trẻ: Cảm thụ âm nhạc của trẻ chính là việc ba mẹ giúp trẻ tiếp cận với âm nhạc thông qua những hoạt động khác nhau như: kể những câu chuyện, tổ chức trò chơi liên quan đến âm nhạc,… Mục đích cuối cùng là để trẻ lớn lên cùng với âm nhạc.

Âm nhạc chính là thế giới mà ở đó trẻ được tự tin thể hiện bản thân mình

Âm nhạc chính là thế giới mà ở đó trẻ được tự tin thể hiện bản thân mình

2. Lợi ích của âm nhạc đối với trẻ nhỏ

Những hoạt động tổ chức trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non luôn được các bé hào hứng tham gia, bởi vì trẻ ở độ tuổi mầm non rất nhạy cảm với âm nhạc, rất thích nghe nhạc. Do đó, từ nhiều góc độ có thể thấy lợi ích mà âm nhạc mang đến cho các bé:

  • Âm nhạc kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ: khoa học đã chứng minh, trẻ biết hát trước khi biết nói. Nếu ba mẹ để ý kỹ sẽ nghe thấy những giai điệu các bé yêu “ê a” theo giai điệu của bài hát các bé nghe được nhưng không rõ ràng thành từng câu từng từ.

  • Âm nhạc nâng cao kỹ năng vận động cho trẻ: Thông qua các hoạt động hát, nhảy, múa,.. các bé được vận động giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai hơn.

  • Âm nhạc giúp bé tự tin thể hiện bản thân và kỹ năng giao tiếp: các bé được tham gia vào một nhóm nhạc nào đó sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng sống: làm thế nào để kết nối với mọi người, làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo…

Âm nhạc mang đến nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ

Âm nhạc mang đến nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ​

3. 10 trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non

Từ những lợi ích mà âm nhạc mang lại cho bé, ba mẹ ngoài việc cho các bé học tập kiến thức cũng nên tổ chức các hoạt động âm nhạc để bé vừa học vừa chơi. Dưới đây là 10 trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non dành cho ba mẹ tham khảo.

3.1. Trò chơi Nghe giai điệu đoán tên bài hát

Trò chơi Nghe giai điệu đoán tên bài hát là một trong những trò chơi quen thuộc trong hệ thống các trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non.

  • Chuẩn bị: Các bài hát cho trẻ mầm non và xắc xô để báo tín hiệu trả lời.

  • Tác dụng: giúp trẻ rèn luyện trí nhớ và khả năng nhanh nhạy của thính giác.

  • Luật chơi: Nghe một đoạn giai điệu bài hát và trả lời. Trả lời đúng được quà, trả lời chưa đúng sẽ nhường câu trả lời cho người khác.

  • Cách chơi: Các bé và ba mẹ chia thành 2 đội chơi. Khi nhạc bật lên, ai biết là bài hát nào sẽ dùng xắc xô lắc trước để giành quyền trả lời. Người nào trả lời đúng sẽ là người chiến thắng.

  • Lưu ý khi chơi: Ba mẹ phải phổ biến rõ luật chơi cho các bé. Các bài hát phải phù hợp với lứa tuổi của bé.

3.2. Trò chơi Tiếng hát ở đâu

  • Chuẩn bị: Khăn bịt mắt, không gian rộng rãi

  • Tác dụng: Phát triển thính giác, khả năng tập trung và định hướng trong không gian của trẻ.

  • Cách chơi: Người hát đứng xung quanh người bịt mắt. Một hoặc hai người hát trước.Người bịt mắt chỉ về hướng có tiếng hát và nói tên người hát. Nếu người bịt mắt chỉ tay đúng về phía người hát và nói tên người hát là người thắng cuộc, nếu nói sai sẽ bị nhảy lò cò hoặc phải hát một bài hát.

3.3. Trò chơi Ai tai tinh

Nhắc đến trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non, ba mẹ sẽ rất quen thuộc đối với trò chơi Ai tai tinh này.

  • Chuẩn bị: Kèn, xắc xô, trống, mõ

  • Tác dụng: phản xạ nhanh nhẹn, tăng khả năng thính giác và nhận biết âm thanh nhạc cụ của bé

  • Cách chơi: Ba mẹ giới thiệu cho trẻ các loại dụng cụ phát ra âm thanh như thế nào: xắc xô, trống, mõ. Sau đó sẽ cho bé ngoảnh đi chỗ khác rồi ba mẹ gõ một trong những loại nhạc cụ trên và để bé đoán xem ba mẹ vừa gõ dụng cụ gì.

Các bé luôn cảm thấy thích thú trước các nhạc cụ âm nhạc

Các bé luôn cảm thấy thích thú trước các nhạc cụ âm nhạc

3.4. Trò chơi Hóa đá (nhảy theo nhạc)

  • Tác dụng: Rèn luyện thính giác và khả năng phản xạ nhanh nhẹn

  • Cách chơi: Ba mẹ và các bé nhảy theo nhạc, tự tạo cho mình những vũ điệu độc đáo nhất và khi nhạc dừng mọi người cũng phải dừng, đồng thời giữ nguyên tư thế như lúc đang nhảy, đến khi nhạc nổi lên lại nhảy tiếp. Và cứ thế, trò chơi tiếp tục, nếu nhạc dừng mà ai vẫn còn nhảy thì xem như thua cuộc.

3.5. Trò chơi Nhảy theo nhạc và tranh ghế

Trò chơi Nhảy theo nhạc và tranh ghế là một trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non vô cùng thú vị. Trò chơi này cũng được phổ biến đối với cả người lớn trong các bữa tiệc, các chuyến du lịch teamwork…

  • Chuẩn bị: Ghế (tùy theo số lượng thành viên tham gia sẽ chuẩn bị ít hơn 1-2 cái ghế)

  • Tác dụng: Rèn luyện khả năng phản xạ nhanh cho bé

  • Cách chơi: Ba mẹ sắp xếp một lượng ghế nhất định thành một vòng tròn (3 cái ghế) với 4 người tham gia. Mọi người vừa vỗ tay theo nhạc vừa đi thành vòng tròn xung quanh những chiếc ghế. Khi tiếng nhạc kết thúc sẽ nhanh chóng ngồi vào ghế, người nào chưa giành được ghế thì sẽ thua, không được chơi nữa, và một chiếc ghế sẽ được rút ra ngoài. Cứ thế các lượt chơi cứ lặp đi lặp lại cho đến khi tìm được người chiến thắng.

  • Lưu ý khi chơi: Chọn ghế cao vừa phải, tránh cao hơn bé gây khó khăn và nguy hiểm cho bé khi trèo lên để ngồi.

3.6. Trò chơi Hát đúng từ trong bài hát

  • Tác dụng: Rèn luyện khả năng ghi nhớ và phản xạ não bộ của bé.

  • Luật chơi: Trong thời gian quy định bé phải hát đúng câu hát có từ đã chọn nếu không sẽ thua cuộc

  • Cách chơi: Ba mẹ chọn những từ ngữ gần gũi với trẻ, trong các bài hát mầm non. Sau đó để trẻ nhớ lại xem từ đó có trong bài hát nào thì hát bài hát đó lên. Ví dụ: từ “con chim” có trong câu hát “con chim non trên cành tre, hót líu lo, hót líu lo…”. Nếu trong thời gian quy định ai không hát được sẽ bị loại, nhường cơ hội cho người khác.

3.7. Trò chơi Hát theo hình vẽ

Đây là trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non rất phù hợp để ba mẹ tham khảo cùng bé chơi ơ nhà.

  • Chuẩn bị: Tranh vẽ nội dung các bài hát.

  • Tác dụng: Tăng cường khả năng ghi nhớ và phản xạ của bé.

  • Cách chơi: Ba mẹ để bé rút tranh, sau đó nói tên bài hát, và hát bài hát đó cho mọi người cùng nghe. Khi bé không nhận ra được bài hát, ba mẹ sẽ gợi ý hoặc nói ra tên bài hát cho bé và cổ vũ bé hát bài hát đó.

  • Lưu ý khi chơi: Ba mẹ nên có những hành động tán thưởng cổ vũ bé khi bé trả lời đúng, nếu chưa đúng cũng không nên trách mắng bé sẽ khiến bé tự ti về khả năng của mình.

3.8. Trò chơi Nhảy với giấy

Trò chơi Nhảy với giấy là một trò chơi khá khó đối với bé trong các hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non vì cần đến sự khéo léo, bình tĩnh của trẻ.

  • Chuẩn bị: Hộp khăn giấy

  • Tác dụng: Giúp bé học và rèn khả năng giữ thăng bằng, sự linh hoạt của cơ thể.

  • Luật chơi: Không được để khăn giấy rơi xuống đất khi đang di chuyển và nhảy.

  • Cách chơi: Phát cho mỗi người 1 tờ khăn giấy và đặt lên đầu. Khi nhạc vang lên, mọi người sẽ bắt đầu di chuyển và nhảy sao cho tờ khăn giấy không rơi xuống. Trong khi nhảy bé làm rơi khăn giấy nhưng vẫn bắt được kịp thì sẽ được chơi tiếp. Nếu khăn giấy rơi xuống đất sẽ bị loại. Người cuối cùng là người thắng cuộc.

  • Lưu ý khi chơi: Địa điểm chơi bằng phẳng, không có chướng ngại vật hoặc tồn tại những yếu tố nguy hiểm.

3.9. Trò chơi Động vật nhảy múa

Trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non không thể thiếu đi hình ảnh ngộ nghĩnh của các bé khi hóa thân để diễn tả hành động, dáng vẻ của những loài động vật quen thuộc trong trò chơi Động vật nhảy múa.

  • Tác dụng: Tăng cường khả năng sáng tạo cho bé, khả năng vận động của trẻ.

  • Cách chơi: Ba mẹ sẽ đọc bài thơ hoặc hát những câu hát có nhắc đến tên của các con vật thì bé sẽ làm động tác của những con vật đó. Ví dụ: “Kìa chú là chú ếch con có hai là hai mắt tròn…” lúc này bé sẽ làm động tác của chú ếch,…

Trò chơi này giúp các bé tăng khả năng sáng tạo và vận động

Trò chơi này giúp các bé tăng khả năng sáng tạo và vận động

3.10. Trò chơi Chiếc hộp bí mật

Chiếc hộp bí mật là một trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non rất đơn giản nhưng lại tạo ra nhiều sự tò mò cho bé.

  • Chuẩn bị: 4 chiếc hộp màu đỏ, xanh, vàng, tím

  • Luật chơi: Trong thời gian quy định người chơi không hát được hoặc hát không đúng sẽ thua cuộc.

  • Cách chơi: Bé sẽ lựa chọn một chiếc hộp, ba mẹ mở và lấy hình ảnh trong chiếc hộp ra (hình tương ứng với mỗi bài hát). Ví dụ: hình con mèo thì bé sẽ hát bài “Rửa mặt như mèo”, hình ảnh chú cá vàng bé sẽ hát bài “Cá Vàng bơi”…

Trên đây là 10 trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non hay nhất mà TGB Preschool gửi đến gia đình mình. Hi vọng rằng thông qua các trò chơi bổ ích này, bé sẽ dần được làm quen với âm nhạc và luyện tập khả năng cảm thụ âm nhạc của chính mình.

Hiện nay, TGB Preschool đang xây dựng chương trình đào tạo áp dụng phương pháp dạy học theo dự án – phương pháp giáo dục sớm và dựa trên Thuyết Trí thông minh đa dạng của Tiến sĩ Howard Gardner. Các bé có thể khám phá bản thân mình bằng những trải nghiệm thực tế, tìm hiểu các chủ đề về cuộc sống từ nhiều góc độ qua các hoạt động “góc trí thông minh đa dạng”. Để tham gia trải nghiệm, ba mẹ có thể điền form đăng ký cho bé hoặc liên hệ TGB để được tư vấn cụ thể.