[Review sách] NHỮNG THÀNH PHỐ GIẤY – John Green – Flowers And Books

Những thành phố giấy(NON-SPOIL)

Tác giả: John GreenDịch giả: Nguyễn Thị Cẩm LanNăm xuất bản: 2015 (2008 ở Mỹ)Nhà xuất bản: NXB TrẻCông ty phát hành: NXB TrẻSố trang: 400Genre: Fiction, Young Adult, ContemporaryRating: 4/5Xem cách mình cho rating tại đây để dễ hình dung hơn nhé!

“Những thành phố giấy” kể về những cô cậu học trò năm cuối cấp phổ thông. Nhân vật được khắc hoạ có cá tính nhất và cũng bí ẩn nhất có lẽ là Margo, một cô gái ưa thích phiêu lưu, nổi tiếng với các cuộc đột nhập về đêm, hay đôi khi biến mất khỏi thành phố dăm ba ngày để theo đuổi một điều gì đó thu hút cô; một cô gái hoạt bát, cá tính hoang dã và có phần du lãng, có cách nhìn sâu sắc hơn hẳn các bạn đồng trang lứa…, rồi một ngày cô bổng dưng biến mất. Xoay quanh sự việc đó là hành trình cậu bạn hàng xóm Quentin cùng những người bạn chiến hữu đi theo các dấu hiệu cô để lại để tìm cô.

Và trong hành trình đó cậu dần nhận ra Margo không phải là Margo mà cậu đã từng mơ về nữa. Chúng ta rất hay như vậy đúng không? Ta ít khi xem người khác cũng là con người như chính mình, ta hoặc là thần thánh hoá họ hoặc là đưa họ xuống hàng động vật. Lỗi lớn nhất của Quentin là cậu đã quên mất rằng, Margo cũng là một cô gái.

“-Chẳng có gì giống như ta tưởng tượng cả.

-Ừ, đúng vậy. Nhưng nếu không tưởng tượng, chẳng điều gì có thể xảy ra cả.”

Thành phố giấy – nơi không có thật hay có ở khắp nơi?

Trong câu truyện, những thành phố giấy mang nhiều tầng nghĩa. Đó có thể là một nơi không có thật, một cái bẫy bản quyền trong ngành công nghiệp chế tác bản đồ.

Những thành phố giấy còn có nghĩa là những khu đô thị ma, những công trình bị bỏ hoang không có sự sống của con người, một nơi hoàn hảo để… tự vẫn.

Nhưng có khác gì đâu với một thành phố đầy ấp người, những người bị cuốn vào guồng quay cuộc sống, không phải ai cũng may mắn được sống với đam mê của mình, đôi khi lại tự thấy bơ vơ và cô độc vì chưa tìm được đam mê hay mục tiêu sống. Chúng ta sống mà không biết được mình sống vì điều gì, chúng ta làm đi làm lại những công việc khiến bản thân chán nản hàng ngày như đã được lập trình sẵn từ năm này qua tháng nọ, nhưng chúng ta lại sợ phải thoát ra. Chúng ta sống nhưng không thật sự đang sống.

Có những người chọn tự vẫn, không phải vì họ có lí do để chết, mà là vì họ không còn lí do để sống nữa.

“Đây là một thành phố giấy. Cậu nhìn mà xem, Q: hãy nhìn tất cả những phố cụt ấy, những con phố rẽ vòng vào chính mình, tất cả những ngôi nhà được xây lên để rồi bị kéo sập. Tất cả những con người giấy sống trong những ngôi nhà giấy đó, đốt tương lai để sưởi ấm… Ai cũng như phát điên trong cơn cuồng sở hữu tài sản. Tất cả những tài sản mỏng manh và dễ rách như giấy. Và tất cả những con người đó cũng như giấy vậy. Tớ đã sống ở đây mười tám năm, và tớ chưa từng một lần trong đời gặp được ai đó quan tâm đến những điều thực sự có ý nghĩa.”-Margo

review sách những thành phố giấy của john green flowersandbooks.com

Người dịch: Nguyễn Thị Cẩm Linh, 400 trang

Sau đây là 2 điều đến với mình sau khi đọc:

1. Lắng nghe, hiểu và thương

Một câu chuyện đề cập khá nhiều về từ khoá “lắng nghe”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết, để thương được thì phải hiểu, vì khi hiểu ta không thể làm gì khác được ngoài thương. Nhưng để hiểu được thì trước hết phải lắng nghe. Và một điều thú vị là khi chúng ta càng lắng nghe người khác, chính chúng ta sẽ càng được phơi bày.

Trong bài còn đề cập đến “Tự khúc” của Whitman rằng sau tất cả thời gian lắng nghe và phiêu du cùng họ, ông dần trở thành người khác, “Ta không hỏi người mang vết thương rằng anh có thấy đau không… Chính ta trở thành người mang vết thương.” Nhưng ta có thể thật sự trở thành người khác hay không? Ta có thể cảm nhận chính xác nỗi đau đó như người mang vết thương hay không khi mỗi chúng ta mang những đôi giày khác nhau đi trên những cung đường quá khứ khác nhau?

Tất cả chúng ta đều nứt mẻ, bởi những tổn thương, đau lòng, thất bại, người ta thương rời bỏ ta, ta rời bỏ người ta thương,… nhưng chính những tổn thương đó giúp chúng ta hiểu nhau, bởi “một khi những vết nứt đã rạn mở, ánh sáng có thể lọt vào trong. Ánh sáng có thể lọt ra ngoài.”, ta nhìn thấy ta, ta nhìn thấy họ, và họ nhìn thấy ta, chúng ta nhìn thấy nhau, qua những tổn thương của chính mình.

2. Hiện tại – thứ ta hay bỏ quên để rồi phải dành cả đời để hồi tưởng lại và nhớ về

Ngay từ tác phẩm “Khi lỗi thuộc về các vì sao” mình đã thật sự bị chinh phục bởi cách kể chuyện của John Green. Dù là một mẫu chuyện tẻ nhạt qua ngòi bút của John Green cũng khiến mình bật cười thành tiếng.

Nhịp điệu chậm rãi nên có thể hơi chán với các bạn ưa gây cấn, nhưng với mình đây là một quyển sách vừa đáng yêu vừa sâu sắc, vừa tạo cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu. Quyển sách khơi lại cảm giác những ngày cuối cùng năm cuối cấp phổ thông sau ngần ấy thời gian mình đã quên mất. Cảm giác ta biết rằng “đây sẽ là lần cuối cùng”, sự việc này, sự hiện diện này, hành động này, và nhiều điều đến thế, sẽ không bao giờ diễn ra nữa…

Khoảnh khắc đã qua, dù có đánh đổi tất cả cũng không thể khiến nó quay trở lại.

Hầu hết chúng ta đều sống trong quá khứ và tương lai, chúng ta bỏ quên mất hiện tại, để rồi khi nhìn lại ta lại thấy nhớ và tiếc nuối cái khoảnh khắc hiện tại đó mà giờ đây đã trở thành quá khứ.

Mình luôn thầm cảm ơn những sự vật, sự việc kéo tâm trí mình trở về với hiện tại, vì khoảnh khắc đó nhắc nhở mình rằng: mình đang sống!

“Because you are alive,everything is possible.”,even the impossible.