Người độc thân ngày càng nghèo – VnExpress Đời sống

Dữ liệu gần nhất vào năm 2019 từ Ngân hàng dự trữ liên bang St.Louis, tài sản ròng của các cặp đôi đã cưới trong độ tuổi 25-34, cao gấp 9 lần so với các hộ gia đình một người. Vào năm 2010, tỷ lệ này chỉ gấp 4 lần.

“Độ tuổi 25-34 là thời kỳ chuyển giao, giai đoạn lập gia đình và tài chính của một người có thể gộp chung với những người khác”, Lowell Ricketts, nhà khoa học dữ liệu ở Viện Kinh tế Fed St.Louis, nhận định.

Số liệu của tập đoàn cho vay thế chấp hàng đầu Mỹ Freddie Mac chỉ ra, trong vòng bốn thập kỷ qua số hộ gia đình chỉ có một người tăng gần gấp đôi. Và khi nhiều người có xu hướng kết hôn muộn hơn, số các cá nhân phải tự mình giải quyết các thách thức tài chính gia tăng, họ gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn đạt được các cột mốc tiền bạc ở cùng độ tuổi so với các thế hệ trước. Đặc biệt, nữ giới độc thân còn phải đối mặt với những trở ngại bởi giới tính.

Phân tích của các chuyên gia tài chính cho thấy khoảng cách tiền lương theo giới bắt đầu tăng lên sau ba năm tốt nghiệp đại học. Tuổi đời của nữ cũng cao hơn nam, điều này gây thêm áp lực cho họ trong việc lo cho cuộc sống nếu nghỉ hưu một mình.

“Dịch bệnh và lạm phát là thời điểm đáng sợ nhất với bất kỳ ai, nhưng sẽ khó khăn hơn với những phụ nữ độc thân”, nhà hoạch định tài chính Jill Gianola, nhận định.

Alyssa Cruz, người phải hiến huyết tương mỗi tuần để trang trải sinh hoạt phí. Ảnh: MADDIE MCGARVEY/WSJ

Năm ngoái, Alyssa Cruz, nhân viên thư viện 27 tuổi sống ở Columbus, bang Ohio, được tăng lương và khiến cô hy vọng có một khoản tích lũy cùng quỹ đầu tư cho riêng mình.

Nhưng khi giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, hàng tạp hóa tăng, số lương Cruz nhận được chỉ như “muối đổ bể”. Thời gian gần đây, cô thường bán máu hai lần mỗi tuần, kiếm được 50-60 USD mỗi lần, để trang trải phí sinh hoạt đắt đỏ.

“Mọi người xung quanh tôi đều kết hôn, mua nhà, còn tôi vẫn đang mắc kẹt ở đâu đó. Tôi cảm thấy ổn với cuộc sống hiện tại, nhưng không chắc chắn về tương lai”, Cruz nói và thừa nhận mơ ước sở hữu nhà hay các tài sản lớn quá xa vời.

Cô gái 27 tuổi cho biết đang tìm cách kiếm tiền để học lên thạc sĩ. Cô cũng muốn chuyển về gần gia đình để tiêu tốn ít tiền lái xe và vé máy bay khi muốn thăm bố mẹ.

Nhưng ước mơ đó của Cruz cũng ngày càng khó thực hiện. Theo dữ liệu từ công ty môi giới bất động sản Redfin Corp, khả năng chi trả nhà ở vào tháng 6/2022 đạt mức thấp nhất kể từ năm 1989, khi giá nhà đã tăng 44% trong hai năm qua.

Tất nhiên các cặp đôi kết hôn cũng đau đầu khi trải qua bão giá, lạm phát, nhưng điểm khác biệt duy nhất của họ với người độc thân là có hai khoản thu nhập và các tài sản gộp lại. Nói cách khác, sự tập trung của cải dồn vào những cặp đôi nhiều hơn.

Những người kết hôn có nhiều lợi thế hơn khi được đăng ký thế chấp, cùng nhau làm việc và tích lũy tiền. Việc kết hợp tài sản trở nên hữu ích trong thập kỷ qua vì sự giàu có của các hộ gia đình được hình thành khi giá nhà đất tăng và thị trường nhà chứng khoán phát triển mạnh mẽ.

Gabie Kur-Oliva và chồng cô, Pablo Oliva, đã trả xong khoản nợ thẻ tín dụng của mình sau khi kết hôn.

Gabie Kur-Oliva, ở New York, nói rằng đã thấy sức mạnh của việc kết nối tài chính trong cuộc hôn nhân của chính mình. Cô và Pablo Oliva là kết hôn vào mùa xuân năm 2020, trước đó chồng của Oliva đang mang khoản nợ thẻ tín dụng gần 10.000 USD (237 triệu đồng).

“Tôi luôn nghĩ về chuyện lập gia đình, nhưng khoản nợ chưa trả khiến tôi bị áp lực. Rất may gặp gỡ Olivia đã mở cho tôi hướng đi mới”, anh Pablo nói.

Ban đầu, cô lấy sổ tiết kiệm cá nhân để trả hết khoản nợ tín dụng lãi suất cao cho chồng. Sau sẽ bàn tính phương án để chồng trả dần số tiền nợ cho mình mà không bị tính lãi.

“Tôi gọi nó là “khoản vay từ ngân hàng mang tên vợ”, Olivia hài hước nói và cho biết mối quan hệ giữa hai vợ chồng là sự hỗ trợ hai chiều.

Người phụ nữ làm trong lĩnh vực quan hệ công chúng sẽ đảm nhận việc kiếm tiền chính, còn chồng chấp nhận lùi về sau, xử lý các công việc gia đình, giúp chăm sóc con trai một tuổi. Việc phân chia rõ về chức năng của từng người thứ giúp cặp đôi cân bằng cuộc sống và vẫn phát triển công việc.

“Bạn sẽ luôn có một người cùng nhau xoay xở tình huống trong lúc khó khăn nếu kết hôn. Đây là điểm khác biệt rõ nhất so với những người chỉ sống một mình”, Isabel Sawhill, chuyên gia cao cấp về nghiên cứu gia đình tại Viện Viện Brookings nói.

Phương Minh (Theo WSJ)