Những cuốn sách đổi đời của trung nguyên

Dù là ngày sương mù dày đặc hay lúc nắng khô cháy bụi mù mịt, đoàn xe của Hành trình vẫn nối đuôi nhau lội đèo, đi qua những cung đường hiểm trở nhất Việt Nam để trao sách và thắp lên ánh sáng tri thức, khát vọng làm giàu.

Tháng 6 này, giữa những ngày hè nắng đổ lửa, Hành trình Từ Trái Tim tiếp tục rẽ sóng, vượt biển đến các vùng hải đảo. Ngày 20/6, Hành trình đã trao tặng hàng nghìn cuốn sách quý tới người dân, chiến sĩ đảo Cát Bà, Cát Hải… Đây cũng là điểm đến cuối của hành trình trên Vịnh Bắc Bộ. Trước đó, đoàn đã đi qua các đảo Vân Đồn, Cô Tô, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bạch Long Vĩ, với tổng quãng đường trên biển dài hơn 300 km chưa kể thời gian di chuyển đường bộ.

Có lẽ trong tất cả các dự án làm công tác xã hội hiện nay, chưa có một doanh nghiệp nào tâm huyết và có cách làm khác lạ như Tập đoàn Trung Nguyên Legend. Đây là nhận xét chung của tất cả những người truyền cảm hứng – từ cựu bộ trưởng đến các nhà kinh tế, nghệ sĩ…

Lập doanh nghiệp 24 năm, một nửa thời gian đi tặng sách khắp cả nước

Chia sẻ trong buổi lễ phát động chương trình Hành trình Từ Trái Tim đến với vùng biển đảo tại ĐH Hàng Hải, TS Lê Doãn Hợp (nguyên Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông) cho hay, những gì Tập đoàn Trung Nguyên đang làm thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đặng Lê Nguyên Vũ.

“Trung Nguyên thành lập 24 năm thì đã dành tới một nửa thời gian đi tặng sách. Cách đây 10 năm, họ đã ý thức rõ ràng về việc phải nâng cao tri thức cho người dân và truyền cảm hứng khởi nghiệp đến thanh niên Việt. Đó là điều rất đáng trân quý”.

Từng là một người lính, tuy rời quân ngũ đã lâu nhưng TS Lê Doãn Hợp luôn coi đó là tổ ấm thiêng liêng và cố gắng làm tất cả những gì tốt nhất cho lực lượng vũ trang. Ông tham gia, khởi xướng các dự án xây nhà tình nghĩa, giúp gia đình đưa hài cốt liệt sĩ về mai táng, thực hiện 14 tập ký ức người lính, làm 65 cuốn sổ tiết kiệm cho đồng đội có con em bị chất độc màu da cam…

Vì thế, không hề lạ khi ông cùng Trung Nguyên tặng sách cho giới trẻ và đồng bào nói chung, lực lượng vũ trang nói riêng.

Trong tất cả các loại từ thiện cho thì từ thiện tặng sách, trao tri thức là quan trọng nhất. Nếu làm tốt điều này, dân tộc nhất định sẽ thăng hoa” – TS Lê Doãn Hợp nói.

Đánh giá về ý nghĩa của chương trình khi chọn vùng hải đảo là điểm đến tiếp theo (sau vùng núi cao), nguyên Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Vương Duy Biên, cho rằng: “Chương trình của Trung Nguyên rất ý nghĩa. Nó sẽ giúp thế hệ trẻ có thêm kiến thức, bản lĩnh để làm chủ tương lai của chính mình và tương lai đất nước”.

Ca sĩ Mỹ Linh thán phục: “Những gì anh Đặng Lê Nguyên Vũ đang làm rất đáng quý trọng. Nếu như 30 triệu thanh niên Việt ai cũng đọc sách thì đó là sự thay đổi rất to lớn“. Mỹ Linh tin rằng, nếu doanh nghiệp khác cũng lo lắng cho vận mệnh dân tộc như Tập đoàn Trung Nguyên, cùng chung tay đưa sách đến các bạn trẻ thì chắc chắn, tương lai đất nước sẽ thay đổi.

Trong số người nhận sách quý đổi đời, biết đâu sẽ lại có thêm rất nhiều người giống như Đặng Lê Nguyên Vũ – những người luôn trăn trở với việc thay đổi số phận của chính mình, giúp đỡ gia đình và giúp đỡ cả xã hội”.

Diễn viên Lương Thanh cũng tâm sự, cô rất thích câu danh ngôn trong cuốn Khuyến Học của tác giả Fukuzawa Yukichi (một trong 5 cuốn sách mà Hành trình Từ Trái Tim đem tặng) rằng: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người. Kể từ khi tạo hóa làm ra con người thì tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, địa vị như nhau, không biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo… Nếu có khác biệt thì chỉ khác biệt ở tri thức”.

Theo cô, câu danh ngôn ấy mang ý nghĩa động viên rất lớn giúp Thanh chú ý nhiều hơn vào việc đọc sách, mở rộng hiểu biết. “Con người việt Nam hay Nhật Bản tuy có khác nhau, người miền xuôi, hải đảo, biên giới có điều kiện khác biệt nhưng tất cả đều hướng đến việc trau dồi tri thức và đều có cơ hội, địa vị ngang nhau. Chỉ cần có tri thức, chúng ta đều có thể thay đổi cuộc đời”.

Á hậu Hoàng My cũng cho rằng, Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ là người trí tuệ, có gu đọc sách rất hay và là người luôn trăn trở, lo nghĩ cho quốc gia. “Những cuốn sách hay đang được Hành trình Từ Trái Tim trao tặng do một người trí tuệ, lo lắng cho quốc gia như vậy cẩn trọng lựa chọn thì My nghĩ, mọi người hãy nên trân trọng. My tin đây chính là bộ sách thứ hai, sau sách giáo khoa, mà thanh niên nào cũng cần có”.

Người dân miền biển xa nói gì về những cuốn sách nhận từ Hành trình từ Trái Tim?

Nhận những cuốn sách hay từ tay đoàn Hành trình đi cả một chặng đường dài đến trao tặng bằng thái độ trân quý, những người dân miền biển không khỏi xúc động. Nhiều chiến sĩ ở đồn biên phòng, trạm ra-đa, trinh sát tại Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Quan Lạn… tâm sự rằng, khi nghe tin có đoàn ghé thăm trao sách, họ đã thao thức cả đêm không ngủ nổi vì háo hức.

Chia sẻ về ý nghĩa những cuốn sách của chương trình, anh Đỗ Đức Đạt – Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Ngọc Vừng, nói rằng: “Tôi mong học sinh sẽ đọc và lĩnh hội được thật nhiều kiến thức trong những cuốn sách này bởi mỗi cuốn là một bài học khác nhau, có giá trị giúp học sinh hoàn thiện bản thân”.

Hành trình Từ Trái Tim mang bộ sách truyền cảm hứng đến đảo xa nhất Vịnh Bắc Bộ

Ở đồn biên phòng Cô Tô, tại góc đọc sách, các chiến sĩ canh giữ biên giới vùng hải đảo còn treo băng rôn ghi rõ câu khẩu quyết: “Đọc sách là cách học tốt nhất”. Với tinh thần quý trọng tri thức nên khi Hành trình đem sách đến tặng, các chiến sĩ nhận bằng hai tay, nâng niu, vuốt ve cẩn thận trước khi mở ra xem. Ai cũng háo hức và tin rằng, những cuốn sách thơm mùi giấy mới này chính là một món quà tinh thần quý giá mà không dễ gì họ nhận được.

Ông Lâm Văn Thủy – Bí thư Đoàn huyện đảo Bạch Long Vĩ chia sẻ: “Những cuốn sách mà Tập đoàn Trung Nguyên trao tặng rất phù hợp với thanh niên biển đảo, giúp thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp, đam mê cống hiến cho xã hội”.

Tại đảo Cát Hải, ông Lê Hồng Sơn, Chính trị viên Đồn biên phòng Cát Hải cũng cho rằng: “Những cuốn sách mà Hành trình Từ Trái Tim trao tặng không chỉ là ánh sáng tri thức mà còn giúp truyền cảm hứng để người lính có thêm niềm tin vượt qua khó khăn, vững tay súng bảo vệ biên giới hải đảo”.

Trả lời câu hỏi, sách có liên quan gì đến khởi nghiệp và vì sao Hành trình Từ Trái Tim lại lựa chọn vùng hải đảo làm điểm đến tiếp theo trong năm 2019, TS Trần Hữu Đức chia sẻ câu chuyện của Đặng Lê Nguyên Vũ, từ một cậu bé chăn bò thuê, nhờ đọc sách đã biết ước mơ lớn để từ đó vươn lên làm giàu, thay đổi số phận.

Đặng Lê Nguyên Vũ khi xưa cũng rất nghèo, phải kiếm ăn từng ngày, đi chăn bò thuê, làm tất cả những gì có thể để có cái ăn, cái mặc. Gia đình ông Vũ nghèo, quê hương cũng nghèo, không có hình mẫu để ông noi theo nhưng từ nhỏ, ông Vũ luôn trăn trở với ước mơ làm việc lớn nhờ những cuốn sách kiếm hiệp.

Lúc nhỏ, ông Vũ rất ham đọc truyện kiếm hiệp và trong truyện thường nhắc đến việc ai làm minh chủ võ lâm Trung Nguyên, người đó sẽ là bá chủ thiên hạ. Ông Vũ lúc đó luôn mơ, ngày nào đó mình sẽ phải làm bá chủ Trung Nguyên và khi ông tạo ra thương hiệu cafe Trung Nguyên, ông cũng muốn mình đứng số một trong lĩnh vực kinh doanh này.

Kể câu chuyện này vì tôi muốn nói đến ý nghĩa của sách đối với khởi nghiệp. Nhờ có những cuốn sách mà ông Vũ biết mơ lớn, có động lực để bước qua khó khăn, gây dựng sự nghiệp. Vì thế, ông cũng muốn tặng sách để đánh thức khát vọng này trong lòng thế hệ trẻ, trao truyền mật mã thành công để mọi người có thể thành công nhanh, lớn hơn ông.

Và vì xuất thân trong gia đình khó khăn nên ông Vũ luôn tin, càng ở vạch mốc khó khăn, con người ta càng có nhiều ước mơ lớn lao. Thậm chí, họ khao khát đổi đời, làm chủ số phận đến cháy bỏng. Đó cũng là lý do vì sao Hành trình Từ Trái Tim luôn đem sách đến những nơi xa xôi, khó khăn nhất để tặng với mong ước thắp lên ánh sáng của niềm tin, khát vọng và tri thức“.

Ý chí vĩ đại tạo nên dân tộc vĩ đại! KHI CÙNG NHAU, KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ!