Ngủ võng thường xuyên có tốt?

ThS.BS Lê Thị Thu Hương, phó trưởng khoa nội hô hấp, bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM:

Có thể nằm võng để giảm ngáy to

Trong điều trị ngáy, việc thay đổi lối sống như giảm cân nặng (nếu thừa cân – béo phì), ngưng thuốc lá, tránh chất gây nghiện… là một phần không thể thiếu, trong đó tư thế ngủ cũng góp phần trong điều trị như quay đầu giường lên cao 10cm, nằm nghiêng… có thể giảm bớt ngáy. Nên đi khám để xác định xem nguyên nhân ngáy là do béo phì hay còn những nguyên nhân nào khác không, và tìm giải pháp lâu dài để điều trị ngáy. Giảm cân có thể chữa hết ngáy nếu béo phì là nguyên nhân duy nhất gây ra ngáy.

Nếu ngủ võng cảm thấy dễ chịu, ít ngáy hơn khi ngủ giường thì có thể do ở tư thế nằm này, đầu đã được kê cao hơn, làm giảm ngáy. Nếu nằm võng tạo cảm giác thoải mái, giảm ngáy và không gây bất cứ khó chịu nào cho cơ thể thì vẫn có thể nằm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý tùy theo loại võng, độ cong của võng… việc nằm võng thường xuyên cũng có thể ảnh hưởng lên một số cơ quan của cơ thể, như sẽ hạn chế hô hấp nếu quá gập người ra phía trước.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, tổng thư ký hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM:

Chỉ nên ngủ võng với giấc ngủ ngắn

Có nhiều cách để chống ngáy nhiều khi ngủ như dùng dụng cụ chống ngáy đeo ở cổ. Mổ treo các cơ vùng hầu họng, nằm ngủ đầu cao (nằm ngủ trên võng là một cách), giảm cân nặng… nhưng không có một phương pháp nào có thể làm hết ngáy hoàn toàn. Việc nằm võng ngủ có thể bị bệnh tim mạch hay không thì cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào đề cập đến. Tuy nhiên nằm võng để ngủ thì chỉ nên sử dụng cho những giấc ngủ ngắn như ngủ trưa, còn ngủ dài như ngủ ban đêm thì rất không tốt vì tư thế nằm võng như vậy rất khó chịu, cơ thể bị bó hẹp ở tư thế nằm đầu cao, chân cao, ngực bị ép sẽ ảnh hưởng đến hô hấp, bệnh nhân dễ bị suy hô hấp, thiếu oxy não, làm giấc ngủ không có chất lượng.

PGS.TS.BS Võ Văn Thành, chủ tịch danh dự hội Cột sống Việt Nam:

Không làm tăng nguy cơ đau cột sống

Những nguyên nhân ngủ ngáy thường thấy nơi người mập quá mức lý tưởng là cổ họng nhiều ngấn mỡ, mỡ thừa chẳng những quanh vùng ngoài cổ họng mà còn phía trong cổ họng, gây hẹp đường hô hấp, khí lưu thông qua ngõ hẹp, gây ra tiếng ngáy. Những nguyên nhân khác có thể là: do hay uống rượu làm cơ vùng cổ họng nhão đi, khiến ngõ khí vào dễ hẹp lại; dùng thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc dãn cơ cũng khiến cơ vùng cổ họng bị nhão; cổ họng ngắn, nằm ngửa ngủ khiến lưỡi tụt vào cổ họng, gây hẹp đường thông khí; mô mềm phía trên đường thở va chạm nhau gây ra chấn động rung và âm thanh ngáy ngủ; các bệnh lý vùng mũi – họng gây tắc đường thông khí mũi – họng, cơ hàm căng và kéo lệch hàm dưới ra sau khi ngủ khiến đường thông khí hẹp lại; cổ họng yếu dễ khép lại khi ngủ; hút thuốc lá quá nhiều…

Nên khám bệnh để biết nguyên nhân cụ thể là gì, nhất là khi nghi ngờ có hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở. Nằm đầu cao như ngủ võng chỉ là một biện pháp bớt ngáy nhưng không đủ, phải biết nguyên nhân ngáy và áp dụng thêm các biện pháp điều trị khác. Ngủ võng không làm tăng nguy cơ viêm khớp hay đau cột sống.

Các biện pháp phòng trị ngáy to thường là nên tránh nằm ngửa (nằm đầu cao và nên nằm nghiêng mặt ngó thẳng. Nằm nghiêng bên nào nên có gối ôm bên đó, tránh vẹo cổ, xoay cổ sang bên). Cử bia rượu, nếu buộc phải uống thì uống xa giấc ngủ vài ba giờ. Không nên ăn vặt trước ngủ, tránh phân tiết nước bọt nhiều, trở ngại hô hấp. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, giữ cơ thể săn chắc, trọng lượng lý tưởng so với chiều cao, tránh tạo ngấn cổ hay mỡ thừa quanh nếp cổ hay phía trong vùng cổ họng. Tránh dùng thuốc an thần, thuốc ngủ và kháng chống dị ứng trước khi ngủ, khiến cơ bắp bị nhão quá mức, ống khí quản xẹp xuống và hẹp lại, dễ tạo ra tiếng ngáy. Nên tập thói quen ngủ đúng giờ, giữ độ ẩm trong phòng ngủ.

Theo SGTT