Ngày nay, “ngáo đá” không còn là hiện tượng xa lạ với chúng ta bởi đã có rất nhiều vụ án thương tâm đã xảy ra do người nghiện ma túy đá không khống chế được hành vi của mình. Vậy nếu gặp được người bị ngáo đá, chúng ta nên xử lý thế nào?
Tác động của ma túy đá đến hệ thần kinh
Ma túy đá là một loại ma túy tổng hợp rất nguy hiểm có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương và gây ảo giác cho người sử dụng, làm thay đổi cách cư xử, thái độ của người nghiện. Đặc biệt nguy hiểm hơn là các chất kích thích của ma túy đá có độc tính cao đối với não, nếu sử dụng lâu dài người nghiện dễ bị các bệnh tâm thần, trầm cảm, hoảng loạn
Ngoài những nguy hiểm đối với bản thân nạn nhân, ma túy đá còn gây nguy hại lớn cho xã hội trong trường hợp người nghiện bị phê thuốc, hay còn gọi là “ngáo đá”. Khi bị “ngáo đá”, người nghiện sẽ không thể tự khống chế được hành vi của mình, trở thành một mối đe dọa đối với xã hội. Bên cạnh mối nguy hiểm từ ma túy đá thì sự tò mò, thiếu hiểu biết cũng gây ra mối nguy hiểm không nhỏ cho chính những người dân xung quanh.
Trên thực tế đã có rất nhiều vụ việc nguy hiểm do người “ngáo đá” gây ra như: trèo lên cột điện, nhảy múa trên nóc nhà, nhảy lầu, tự dìm mình đến chết, giết người, gây tai nạn giao thông, khống chế người khác…
Nhận biết người nghiện ma túy đá và “ngáo đá”
Để tránh bị đối tượng “ngáo đá” tấn công, khống chế, chúng ta cần phải nhận biết được các dấu hiệu của người nghiện ma túy đá và tình trạng “ngáo đá”.
Dấu hiệu người nghiện ma túy đá:
- Đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục.
- Đi vệ sinh, rửa tay liên tục.
- Liên tục uống nước.
- Mồ hôi có mùi khai.
- Quầng thâm mắt rất rõ.
- Da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá, lở loét trên cơ thể.
- Men răng mỏng, miệng hôi, hơi thở có mùi nặng.
- Hay bị chảy máu cam.
Dấu hiệu người bị “ngáo đá”:
- Biểu hiện sự hoang tưởng, trong đó đặc biệt là những hoang tưởng thấy mình bị hại, bị giết…
- Thân nhiệt tăng cao (sốt 40 – 41 độ)
- Có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như: nói lảm nhảm; la hét; đập phá; leo trèo; hung hãn…
Ngáo đá được chia làm 2 trạng thái chính:
- Trạng thái 1: Người bị ngáo đá có thể bị trầm cảm, luôn ở trong trạng thái lo âu, buồn chán ở một mình và có thể dẫn đến tự sát.
- Trạng thái 2: Người ngáo đá bị lâm vào ảo giác, hoang tưởng, tâm thần, thần kinh bị kích động mạnh, đối tượng thường gào thét, leo trèo, đánh người vô cớ thậm chí là giết người…
Cách xử lý an toàn khi gặp người bị “ngáo đá”
Đối tượng bị “ngáo đá” có thể là người thân trong gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp hoặc những người không quen biết, có thể xuất hiện ở nhà hay bất kỳ đâu. Nếu gặp phải người ngáo đá, chúng ta cần phải phòng ngừa cẩn thận, không để bản thân và người nhà rơi vào tình huống bị đối tượng “ngáo đá” khống chế.
Cách xử lý chung khi gặp người bị “ngáo đá”
- Gọi điện thoại ngay cho cơ quan chức năng.
- Tránh xa đối tượng càng xa càng tốt.
- Khóa cửa nếu đối tượng ở trong nhà và cần đề phòng đối tượng có những hành vi nguy hiểm vì lúc này họ không thể nhận thức được ai kể cả người thân của mình.
- Cất giấu những đồ vật, dụng cụ có thể gây nguy hiểm ra xa đối tượng này vì rất có thể họ sẽ sẽ sử dụng những đồ vật làm hung khí tấn công người xung quanh.
- Hạn chế những tác động làm kích động tinh thần người ngáo đá và không tụ tập đông người xung quanh để xem.
Xử lý trong từng trường hợp cụ thể
* Trường hợp đối tượng “ngáo đá” là người thân trong gia đình
Trong trường hợp đối tượng ngáo đá là người thân trong gia đình, bạn cần cẩn thận xem xét đối tượng còn kiểm soát được hành vi của mình hay không.
* Trường hợp người ngáo đá còn khống chế được hành vi
Đầu tiên, người thân cần phải thật bình tĩnh để trợ giúp, trấn an bệnh nhân. Lúc này bệnh nhân đang trong cơn hoang tưởng, vì vậy người thân cần phải cuốn theo dòng hoang tưởng của họ. Nghĩa là nếu nạn nhân nói “đang có người đuổi theo truy sát họ…” thì người nhà cần có thái độ rất ân cần, đồng cảm rồi nhẹ nhàng khuyên bảo.
Tiếp đó, hãy cho bệnh nhân uống nhiều nước để làm giảm tác dụng gây ảo giác của ma túy đá, đồng thời lấy đá lạnh chườm lên khắp người nạn nhân và chườm lên trán họ để giúp họ hạ thân nhiệt.
Khi thân nhiệt bệnh nhân dần hạ xuống, người nhà cần liên tục nói nhẹ nhàng “hãy yên tâm” và có những hành động xoa dịu họ. Sau khoảng 1 tiếng, thân nhiệt bệnh nhân lúc này đã hạ xuống và họ sẽ khát nước, thèm ăn, cường độ hoang tưởng giảm dần và họ sẽ thấy buồn ngủ.
Lúc này, bệnh nhân đã thoát khỏi cơn ngáo đá, gia đình hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến trung tâm cai nghiện để giúp họ phục hồi và lấy lại tinh thần.
* Trường hợp người ngáo đá không khống chế được hành vi
Nếu nhận thấy người ngáo đá có biểu hiện bất thường, hành vi hung hãn cần phải sơ tán ngay người già, trẻ em ra khỏi nhà, đến nơi an toàn. Sau đó bạn hãy nhờ hàng xóm hoặc gọi cho lực lượng chức năng đến khống chế để kịp thời ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm của đối tượng.
* Trường hợp đối tượng “ngáo đá” là người lạ
Khi bạn đang đi trên đường mà gặp phải người bị ngáo đá, bạn sẽ xử lý trường hợp này như thế nào? Chúng ta hãy cùng phân tích các trường hợp có thể gặp phải và có cách giải quyết tốt nhất nhé.
– Nếu bạn di chuyển bằng xe máy:
- Khi đang đi xe máy mà bạn nhận thấy có đối tượng ngáo đá đi đến gần thì hãy chạy xe tránh xa đối tượng, tránh hiếu kỳ dừng lại xem.
- Trong trường hợp không thể tránh khỏi đối tượng hoặc khó có cơ hội tránh, bạn cần phải lập tức tấp xe vào lề, rút chìa khóa, di chuyển ra xa đối tượng đến địa điểm an toàn.
– Nếu bạn di chuyển bằng ô tô:
- Nếu đối tượng ngáo đá di chuyển đến gần xe ô tô của bạn mà bạn không thể tránh được thì đầu tiên bạn cần kiểm tra bấm khóa cửa xe để đảm bảo mình được an toàn.
- Nếu đối tượng đập phá xe, không nên vội vàng mở cửa xe ra xem hoặc xung đột với đối tượng mà cần bình tĩnh ngồi trong xe rồi quan sát đặc điểm nhân dạng đối tượng, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của đối tượng.
- Nếu bạn nhận thấy mình đủ khả năng không chế đối tượng thì hãy rời khỏi xe để khống chế đối tượng, hô hào người dân trợ giúp. Còn nếu đối tượng quá hung hãn thì hãy cố thủ trong xe, sau đó gọi người đi đường và lực lượng chức năng đến trợ giúp.
– Trong trường hợp đi bộ: Khi đang đi bộ, nếu bạn gặp phải người ngáo đá thì hãy tránh sang đường khác và cách xa đối tượng. Nếu có trẻ em đi cùng thì hãy lo an toàn cho trẻ em trước, tìm cách chạy khỏi phạm vi đối tượng đang đứng, tuyệt đối tránh hiếu kỳ đứng xem hành vi của đối tượng hoặc mạo hiểm đến gần đối tượng.
– Nếu gặp ở nơi công cộng: Trong trường hợp gặp đối tượng ngáo đá ở nơi công cộng như nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, bạn cần ngay lập tức di chuyển đến nơi an toàn, tránh xa đối tượng. Tuyệt đối không hiếu kỳ đứng xem đối tượng, cũng không nên đứng xen vào đám đông hiếu kỳ.
* Trường hợp bị đối tượng “ngáo đá” khống chế
Nếu bất ngờ bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, không kịp chạy thoát, bạn không nên chống trả mà cần phải nương theo, làm theo yêu cầu của đối tượng. Lúc này bạn cần phải trấn tĩnh, tuyệt đối không được la hét, gào khóc bởi vì điều này sẽ chỉ càng làm cho đối tượng bị kích động dễ có hành vi gây thương tích cho bạn.
Nếu nhận thấy đối tượng bình tĩnh hơn, hãy nhẹ nhàng hỏi han xem đối tượng có nhu cầu gì, cần trợ giúp gì hoặc nhẹ nhàng an ủi cảm xúc, trấn an đối tượng. Tuyệt đối không nên cầu xin đối tượng tha cho mình, mà cần hỏi han về đối tượng, để đối tượng tâm sự, làm cho đối tượng bình tĩnh trở lại, sau đó chờ cơ hội chạy thoát hoặc chờ lực lượng chức năng ứng cứu.
Nếu bạn nhận thấy có cơ hội có thể chắc chắn chạy thoát được mà không gặp nguy hiểm thì hãy chống trả để thoát thân hoặc khống chế đối tượng. Và ngược lại nếu cảm thấy không an toàn, bạn tuyệt đối không nên có hành vi chống trả hoặc bỏ chạy.
* Trường hợp người thân là trẻ em bị đối tượng “ngáo đá” khống chế
Nếu người thân bị đối tượng “ngáo đá” khống chế là trẻ em thì thông thường trẻ nhỏ sẽ khóc thét, vùng vẫy dần đến đối tượng càng trở nên mất bình tĩnh, dễ có hành vi manh động. Lúc này, người lớn cần phải bình tĩnh, một mặt năn nỉ đối tượng đừng làm hại trẻ, mặt khác sẵn sàng làm con tin thay cho trẻ.
Tiếp đó, bạn cần phải trấn an cảm xúc của trẻ nhỏ bằng cách an ủi chúng để tạo niềm tin cho trẻ, làm cho trẻ bình tĩnh lại, rồi nhanh chóng báo cho lực lượng chức năng hoặc lực lượng bảo vệ nơi gần nhất.
Bạn cần tranh thủ thời gian thuyết phục đối tượng. Nếu nhận thấy đối tượng lơi lỏng, có khả năng giải thoát cho trẻ thì mới ra tay. Còn nếu nhận thấy không an toàn thì tuyệt đối không nên manh động để tránh kích thích đối tượng.
Nếu lực lượng chức năng đến, cần yêu cầu họ nhanh chóng phong tỏa hiện trường, tránh đám đông tụ tập, hiếu kỳ kích thích làm cho đối tượng càng manh động. Sau đó hãy tìm người thương thuyết với đối tượng, nên chọn người thương thuyết là nữ giới hoặc người lớn tuổi, có kinh nghiệm thương thuyết. Nếu là cán bộ, chiến sỹ công an cần mặc thường phục để thương thuyết.
Trong thời gian thương thuyết, cần kín đáo bố trí lực lượng ứng cứu, bắt giữ hung thủ trong thường hợp hung thủ manh động hoặc mất cảnh giác.
Nếu trong trường hợp mà người “ngáo đá” là người thân, sau khi xử trí lúc họ bị ngáo xong, sau khi họ tỉnh táo lại bạn cần sử dụng ngay thuốc giải độc ma túy cho họ, vừa hỗ trợ cai nghiện vừa đào thải ma túy trong cơ thể cho người bệnh. Tránh trường hợp lên cơn lại và tiếp tục sử dụng ma túy rồi lại bị “ngáo đá”. Cứ mỗi nặng hơn là rất khó kiểm soát người bệnh.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!