TÁC DỤNG CỦA ĐIỀU TRỊ KÉO GIÃN CỘT SỐNG

I. Tác dụng của kéo giãn cột sống

1. Tác dụng cơ học:

– Làm giãn cơ tích cực: trong bệnh lý đau cột sống, sự kích thích rễ thần kinh và đau làm cơ co cứng phản xạ, sự co cứng co tác động trở lại làm cho đau càng trầm trọng hơn. Kéo giãn cột sống trước tiên lực sẽ tác động lên cơ gây giãn cơ thụ động, giảm co cứng cơ và cắt đứt vòng xoáy bệnh lý đau. Tuy nhiên nếu khi kéo nếu tăng giảm lực quá nhanh có thể gây kích thích làm tăng co cơ, do đó cần tăng giảm lực từ từ đặc biệt là trong bệnh lý đau cấp.

– Làm giảm áp lực nội đĩa đệm: lực kéo giãn dọc theo cột sống sẽ tác động vào nhiều điểm khác nhau của đoạn cột sống làm các khoang đốt được giãn rộng và có thể cao thêm trung bình 1,1mm, làm áp lực nội đĩa đệm giảm, và dẫn đến hệ quả là: + Làm tăng thẩm thấu nuôi dưỡng đĩa đệm, giúp nhân nhày và đĩa đệm căng phồng trở lại, tăng dinh dưỡng cho đĩa đệm do đó làm giảm quá trình thoái hóa của đĩa đệm. + Có thể giúp thu nhỏ thể tích đĩa đệm bị lồi hoặc thoát vị nếu khối thoát vị chưa bị xơ hóa. Tuy nhiên cần chú ý nếu kéo với lực quá lớn, thời gian quá dài làm áp lực nội đĩa đệm giảm quá nhiều dẫn đến tăng thẩm thấu dich vào đĩa đệm có thể gây phù nề đĩa đệm làm đau tăng. – Điều chỉnh sai lệch của khớp đốt sống và cột sống: trong thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm do chiều cao khoang gian đốt giảm làm di lệch diện khớp đốt sống. Sự di lệch này tuy nhỏ nhưng nó sẽ thúc đẩy quá trính thoái hóa và kích thích gây đau tăng lên. Kéo giãn cột sống làm điều chỉnh di lệch, tăng tính linh hoạt của khớp đốt sống và giải phóng sự khóa cứng của các khớp đốt sống. – Giải phóng sự chèn ép lên các rễ và dây thần kinh sống: do làm tăng kích thước lỗ tiếp hợp, giảm thể tích khối thoát vị… từ đó làm giảm kích thích rễ và giảm đau.

2. Tác dụng điều trị:

– Giảm đau: do làm giãn cơ, giảm áp lực nội đĩa đệm làm tăng cường nuôi dưỡng đĩa đệm, giải phóng chèn ép rễ thần kinh, tăng nuôi dưỡng cục bộ. – Tăng tầm vận động của đoạn cột sống bị hạn chế, khôi phục lại hình dáng giải phẫu bình thường của cột sống. – Tạo điều kiện thuận lợi cho đĩa đệm mới bị thoát ở mức độ nhẹ và vừa có thể trở lại vị trí cũ. II. Chỉ định và chống chỉ định. 1. Chỉ định:

– Thoái hóa đốt sống chèn ép thần kinh gây đau lưng, đau thần kinh tọa, đau cổ vai cánh tay. – Thoát vị đĩa đệm vừa và nhẹ. – Sai khớp đốt sống nhẹ. – Đau lưng do các nguyên nhân khác. – Vẹo cột sống. – Viêm cột sống dính khớp ở giai đoạn chưa dính khớp. 2. Chống chỉ định:

– Có tổn thương và chèn ép tủy, bệnh ống tủy. – Lao cột sống, u ác tính, viêm tấy áp xe vùng lưng. – Bệnh loãng xương, tăng huyết áp. – Chấn thương cột sống có gãy xương biến dạng. – Viêm đa khớp dạng thấp. – Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh nguyệt. – Hội chứng đuôi ngựa. – Thoái hóa cột sống, bệnh viêm cột sống dính khớp có các cầu xương nối các đốt sống. Hiện nay tại phòng khám 360 LÊ HOÀN đã đưa vào sử dụng hệ thống máy kéo giãn cột sống nhằm đạt được hiệu quả cao

cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.