iPhone thế hệ đầu tiên (2007): Mini SIM
Cũng như bao chiếc điện thoại khác thời ấy, chiếc iPhone thế hệ đầu tiên sử dụng thẻ SIM truyền thống với kích thước lớn (hay còn được biết đến với tên Mini SIM). Mặc dù không sử dụng chuẩn thẻ SIM mới, tuy nhiên, iPhone vẫn tạo cho mình nét riêng so với các đối thủ.
Ở thời đó, tất cả những chiếc điện thoại ngoài iPhone đều mang thiết kế rời rạc, trong đó nắp lưng có thể tháo rời ra để người dùng tháo thẻ SIM và pin. iPhone được coi là chiếc smartphone “nguyên khối” đầu tiên, người dùng không thể tháo được nắp lưng của máy, và để lắp SIM thì họ sẽ cần dùng que chọc SIM để lấy khay SIM.
Thiết kế này ban đầu của iPhone bị chỉ trích dữ dội, tuy nhiên giờ đây, sau 11 năm thì nó đã trở thành tiêu chuẩn của mọi chiếc smartphone.
iPhone 4 (2010): Micro SIM
Ba năm sau khi ra mắt thế hệ iPhone đầu tiên, Apple ra mắt chiếc iPhone 4 vào năm 2010. iPhone 4 là một bước đột phá lớn của Apple, mang theo nhiều thay đổi như màn hình Retina, thiết kế vỏ kính, gọi điện video call FaceTime, quay phim HD… Ngoài ra, iPhone 4 cũng là thế hệ iPhone đầu tiên mà Apple chuyển sang sử dụng chuẩn Micro SIM mới.
Apple không giải thích lý do hãng chuyển qua sử dụng Micro SIM, tuy nhiên khi nhìn vào “nội tạng” của một chiếc iPhone 4 thì chúng ta cũng ngầm hiểu tại sao: Apple có quá nhiều thứ cần đặt bên trong chiếc máy này, và hãng buộc phải chuyển sang sử dụng một chuẩn thẻ SIM khác gọn hơn thì mới có thể giành đủ chỗ cho các linh kiện.
Mặc dù vậy, do người dùng đã quá quen với chuẩn thẻ SIM truyền thống trong suốt ~15 năm qua, việc chuyển sang một chuẩn thẻ SIM mới đã gây nhiều bỡ ngỡ cho cả nhà mạng di động, cửa hàng bán lẻ và người dùng.
Đối với nhà mạng, việc Apple bất ngờ đổi định dạng thẻ SIM đã khiến họ không thể “trở tay”. Họ buộc phải gấp rút phát triển và sản xuất Micro SIM mới để phục vụ người dùng iPhone. Các cửa hàng bán lẻ đều phải sắm cho mình một chiếc kìm bấm SIM để cắt nhỏ SIM cho khách hàng mua iPhone. Còn với người dùng, họ buộc phải tự tìm cách để có thể sử dụng SIM trên chiếc iPhone mới tậu: ra nhà mạng đổi SIM, ra cửa hàng nhờ cắt hoặc tự mày mò cầm kéo cắt SIM.
Do tạo ra nhiều trở ngại, việc Apple chuyển sang Micro SIM cũng không nhận được sự đồng tình từ nhiều người, trong đó có các nhà sản xuất Android. Lấy ví dụ là Samsung, mặc cho việc Apple chuyển sang Nano SIM, hãng này vẫn tiếp tục sử dụng thẻ SIM lớn trên tất cả các dòng sản phẩm của mình trong năm 2011 (bao gồm Galaxy S2 và Galaxy Note). Phải đến Galaxy S3 (ra mắt 3/2012), Samsung mới bắt đầu chuyển sang Micro SIM.
iPhone 5 (2012): Nano SIM
Vào thời điểm năm 2012, khi mà các nhà sản xuất Android mới bắt đầu “chập chững” chuyển sang Micro SIM, thì Apple lại một lần nữa chuyển sang dạng thẻ SIM mới là Nano SIM. So với Micro SIM, Nano SIM có kích thước nhỏ hơn khoảng 40%. Nano SIM cũng là chuẩn vẫn đang được sử dụng rộng rãi ngày nay.
Lại một lần nữa, Apple không công bố lý do chuyển sang Nano SIM, và lại một lần nữa, cả nhà mạng, cửa hàng bán lẻ và người dùng trở nên lúng túng trước quyết định của Apple. Các nhà mạng vừa triển khai Micro SIM chưa được bao lâu lại lao đầu vào thiết kế và sản xuất Nano SIM mới. Các cửa hàng lại phải sắm kìm cắt SIM khác để phục vụ khách hàng. Và, người dùng cũng lại phải chịu khổ khi phải “chạy tứ phía”, hết cửa hàng rồi lại đến nhà mạng để có được một chiếc SIM cắm vào iPhone 5.
Và cũng tương tự như trường hợp của Micro SIM, các nhà sản xuất Android phải mất đến gần 2 năm thì mới bắt đầu chuyển sang sử dụng chuẩn Nano SIM. Chính vì vậy, khoảng thời gian 2012-2014 được coi là thời điểm “loạn lạc” khi trên thị trường tồn tại nhiều sản phẩm với nhiều loại thẻ SIM khác nhau.
Có một ưu điểm rất lớn mà Nano SIM mang đến cho các máy Android là khả năng hỗ trợ 2 SIM vật lý. Trước đây, do kích thước của Micro SIM quá lớn, vậy nên rất khó có thể tìm được một chiếc smartphone hỗ trợ 2 SIM. Nano SIM và kích thước nhỏ gọn của mình đã biến điều này trở thành sự thật: khi Nano SIM trở nên dần phổ biến, trên thị trường xuất hiện ngày một nhiều smartphone Android hỗ trợ 2 SIM (có thể là 1 Nano SIM 1 Micro SIM hoặc 2 Nano SIM).
iPhone XS (2018): eSIM
Với Nano SIM, thẻ SIM đã đạt đến giới hạn về kích thước của mình và Apple không thể “gọt” thêm được nữa. Chính vì vậy, mặc dù đã 6 năm trôi qua kể từ khi Apple chuyển sang Nano SIM, chuẩn thẻ SIM này vẫn được giữ nguyên. Mức độ phổ biến của nó rõ ràng đã hơn nhiều: từ một chuẩn thẻ SIM chỉ có trên iPhone, nay nó đã trở thành chuẩn mặc định trên tất cả những chiếc smartphone đời mới.
Tuy nhiên, điều đó không khiến cho công nghệ thẻ SIM ngừng lại. Tương lai của thẻ SIM, hay người kế nhiệm của Nano SIM đã được ấn định, và đó là eSIM. eSIM là công nghệ SIM điện tử được tích hợp sẵn bên trong máy và có thể được tuỳ ý lập trình để hoạt động với mọi nhà mạng chứ không bị “bó buộc” như thẻ SIM vật lý trước kia. eSIM cũng không yêu cầu người dùng phải tháo lắp, hạn chế nguy cơ mất hay hỏng thẻ SIM. Nó cũng góp phần bảo vệ môi trường do không yêu cầu phải gắn trên khung nhựa.
eSIM là hướng phát triển tất yếu không chỉ vì không gian bên trong smartphone ngày càng “chật chội”, mà còn là do sự phát triển mạnh mẽ của smartwatch hay các thiết bị IoT – những thiết bị mà việc sử dụng thẻ SIM truyền thống là không khả thi.
Khác với trường hợp của Micro SIM hay Nano SIM, iPhone không phải dòng máy đầu tiên được trang bị công nghệ này. Năm 2016, phiên bản 3G của chiếc smartwatch Samsung Gear S2 là sản phẩm thương mại đầu tiên sử dụng eSIM. Năm 2017, Apple “nối gót” và cũng trang bị eSIM trên chiếc smartwatch Apple Watch Series 3. Cùng năm đó, Google cũng tích hợp công nghệ này trên chiếc Pixel 2 và Pixel 2 XL. Và phải đến năm 2018, eSIM mới có mặt trên iPhone XS và iPhone XS Max.
Mặc dù không phải đầu tiên, tuy nhiên Apple vẫn là nhân tố có tầm ảnh hưởng lớn nhất để thúc đẩy công nghệ eSIM. Không đâu xa, ngay tại Việt Nam, chỉ một thời gian ngắn sau khi Apple ra mắt iPhone XS, cả ba nhà mạng lớn tại Việt Nam đã đều tuyên bố thử nghiệm eSIM.
Thật khó có thể nói về tương lai, đặc biệt là về lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên với eSIM, có vẻ như công nghệ SIM đã đạt đến đỉnh cao và sẽ phải rất lâu nữa chúng ta mới lại được thấy một phiên bản cải tiến tiếp theo của nó.
Và để đạt đến cái đích này, chắc chắn chúng ta phải cảm ơn Apple. Có thể, Apple đã từng khiến cho không ít người phải bực mình sau mỗi lần hãng đổi chuẩn thẻ SIM trên iPhone. Nhưng rồi khi chúng ta nhìn lại, những thay đổi đó là hoàn toàn cần thiết để cho không chỉ riêng Apple, mà còn là tất cả các hãng smartphone khác có thể tạo ra những sản phẩm tốt và nhiều tính năng hơn dành cho người tiêu dùng.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!