Đặc điểm hình dáng cơ thể người được phân loại như thế nào? – MyHocDaiCuong.com

Nghiên cứu đặc điểm hình sáng bên ngoài cơ thể người như thế nào? Khoa học nghiên cứu giữa hình dáng bên ngoài cơ thể người theo lứa tuổi, theo giới tính, hình dáng ngoài như thế ngoài?

Hình dáng bên ngoài của cơ thể người liên quan rất nhiều với phương pháp thiết kế và tạo dáng quần áo. Chúng ta đã biết, hình dạng và kích thước cơ thể người phụ thuộc vào hình dáng, và kích thước của hệ xương, độ lớn, và sự phân bố các bắp cơ và các lớp mỡ dưới da.

Cuối cùng là lớp mỡ dưới da, lớp da bao bọc bên ngoài thân người, che kín các đầu trồi lên của xương, và sự nổi cuộn của các cơ tạo cho thân hình, có một bề mặt cong đều.

1. Đặc điểm hình dáng bên ngoài của cơ thể người.

Nếu quan sát theo chiều dọc, cơ thể người được phân ra hai phần rõ rệt: phần trên và phần dưới cơ thể, ranh giới giữa hai phần là đường ngang eo.

Nếu nhìn chính diện, hình dạng cơ thể người đối xứng một cách tương đối qua mặt phẳng giữa, và cơ thể được chia làm hai nửa là trái và phải.

Khi xem xét hình dáng ngoài cơ thể, liên quan đến việc thiết kế quần áo, người ta chia thành các phần sau: đầu, cổ, vai, ngực, bụng, lưng, mông, tay và chân. Sau đây, chúng ta lần lượt xem xét hình dạng của từng phần.

Đầu. Phần đầu thường có dạng hình trứng. Hình dạng và kích thước của đầu phụ thuộc rất nhiều vào hình dạng và kích thước của hộp sọ. Khi thiết kế quần áo, người ta quan tâm nhiều đến các kích thước của phần đầu, như chu vi đầu, rộng đầu, dài đầu, rộng mặt, dài mặt.

Cổ. Phần cổ được tính từ dưới hộp sọ đến đốt sống cổ thứ 7. Hình dáng cổ gần như hình trụ nghiêng về phía trước, đường kính vòng cổ lớn nhất là trên đường chân cổ. Độ cao của cổ phụ thuộc vào độ dốc của vai, vai càng xuôi thì cổ càng cao và ngược lại.

Vai. Phần vai được tính là phần nằm phía trên ngực, từ chân cổ tới khớp mỏm cùng của xương bả vai. Nếu nhìn chính diện, đường vai của cơ thể có độ dốc từ điểm chân cổ xuôi xuống khoảng giữa của đường vai, đoạn còn lại ra tới mỏm cùng vai gần như nằm ngang. Khi nhìn từ trên xuống, đường vai có tư thế vươn về phía trước, ở cơ thể nam giới độ vươn này nhiều hơn cơ thể nữ.

Ngực. Hình dáng của ngực phụ thuộc vào xương lồng ngực và sự phát triển của các cơ trên đầu ngực. Ngoài ra, hình dáng của ngực còn phụ thuộc vào cả giới tính và lứa tuổi. Đối với cơ thể nữ, bên trên cơ ngực còn có bầu ngực. Trong đó, bầu ngực của nữ được chia làm 4 loại cơ bản: dạng hình chén, dạng bán cầu, dạng hình chóp, dạng chảy xệ. Ngực trẻ em thường lồi và tròn ngực hơn người lớn.

Bụng. Phần bụng được giới hạn phía trên bởi 2 cặp xương sườn tự do, và đầu dưới xương ức, phía dưới được giới hạn bởi hai xương cánh chậu. Hình dáng và kích thước phần bụng lại phụ thuộc rất nhiều vào giới tính, lứa tuổi, độ lớn lớp mỡ phần bụng và tỷ lệ giữa xương lồng ngực và xương chậu. Bụng nữ thường cong tròn và hơi lồi lên ở phía dưới, còn bụng nam giới thì dẹt hơn và hơi lồi lên ở phía trên. Bụng trẻ em thì tròn, lồi và đẩy về phía trước. Những người trung niên, do xuất hiện lớp mỡ dưới da, nên kích thước bụng tăng lên và phình to ra.

Lưng. Phần lưng từ đốt sống thắt lưng số 5, nằm ở phía sau cơ thể và được tính từ đốt sống cổ thứ 7 tới ngang thắt lưng. Hình dáng lưng phụ thuộc tư thế và hình dạng của cột sống, mức độ phát triển của các cơ phần lưng. Ở phần trên lưng rộng hơn phần đuôi. Khi nhìn nghiêng, lưng lồi ra ở phần ngang bả vai, lõm vào ở phần thắt lưng.

Mông. Phần mông nằm ở phía sau cơ thể, từ thắt lưng đến hết xương cùng. Hình dạng và kích thước của phần mông phụ thuộc vào hình dáng kích thước xương chậu, và sự phát triển của các cơ phần mông. Thông thường, mông phụ nữ lớn hơn và thấp hơn mông nam giới.

Tay. Phần tay được tính bắt đầu từ mỏm cùng xương bả vai đến hết đốt 3 của ngón giữa. Tư thế của tay thường hơi đưa về phía trước, và tạo thành một góc giữa phần cánh tay và phần cẳng tay.

Chân. Phần chân là phần tiếp phía dưới xương chậu. Hình dạng của phần chân phụ thuộc rất nhiều vào hình dạng của các xương chi dưới.

2. Sự khác biệt hình dáng bên ngoài cơ thể người theo lứa tuổi.

Hình dáng ngoài và kích thước của cơ thể người khác nhau rất nhiều theo lứa tuổi. Khi nghiên cứu hình dáng ngoài của cơ thể người theo lứa tuổi, để phục vụ thiết kế quần áo, người ta thường chia thành các giai đoạn sau:

Thiếu nhi bé. Thường được tính từ khi mới sinh ra cho đến khoảng 2 tuổi rưỡi. Trong giai đoạn này, cơ thể trẻ phát triển mạnh về chiều cao (sau 1 năm, chiều cao có thể tăng gấp rưỡi). Thân hìn tròn trĩnh, bụ bẫm, đầu to, chi ngắn, thân dài, ngực và bụng tròn, lưng thẳng, độ cong cột sống chưa rõ ràng.

Thiếu nhi trung bình. Thường là trẻ từ 2 tuổi rưỡi đến 7 tuổi. Tốc độ phát triển của cơ thể trẻ em chậm hơn giai đoạn trước. Tỷ lệ cơ thể theo chiều dài đã gần với cơ thể người lớn hơn. Đầu vẫn tương đối to, thân dài, chi ngắn.

Thiếu nhi lớn. Thường là trẻ từ 7 tuổi cho đến khoảng 10 đến 11 tuổi đối với trẻ em gái, và khoảng từ 12 tuổi đến 13 tuổi đối với trẻ em trai. Tức là cho đến khi bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì. Cơ thể trẻ có vẻ gầy đi, và phát triển nhiều về chiều cao, đặc biệt là phần chi dưới, ít phát triển về bề ngang. Kích thước đầu hầu như không tăng nữa. Ngực bắt đầu bề ngang, bụng bé lại, vai nở ra.

Thiếu niên. Tính từ lúc trẻ bắt đầu tuổi dậy thì đến hết dậy thì, khoảng từ 15 tuổi đến 16 tuổi đối với nữ, và 17 tuổi đến 18 tuổi đối với nam. Chiều cao cơ thể phát triển mạnh (mỗi năm chiều cao tăng lên 7cm đến 8cm), chủ yếu do chi dưới dài ra rất nhanh. Tỷ lệ cơ thể đã rất gần với cơ thể người lớn.

Thanh niên. Tính cho đến khi cơ thể hết tuổi trưởng thành (khoảng đến 35 tuổi). Tốc độ phát triển chiều cao giảm (mỗi năm chiều cao tăng không quá 1,2cm), cân nặng phát triển bình thường, chủ yếu phát triển về cơ. Từ khoảng 22 tuổi đến 25 tuổi, thì chiều cao cơ thể hầu như không tăng nữa. Hình thái cơ thể khá ổn định.

Trung niên. Tính cho đến khoảng 55 tuổi đối với nữ, và khoảng 60 tuổi đối với nam. Cơ thể không cao lên được nữa, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của tuổi già (tóc bạc, khớp sọ chặt). Một số cơ thể, do xuất hiện lớp mỡ dưới da đặc biệt là ở bụng, làm cho bụng to và phình ra phía trước.

Về già. Tính tuổi tiếp theo cho đến lúc chết. Cơ thể bắt đầu có sự thoái hóa: cột sống cong (lưng gù), tầm hoạt động của khớp giảm đi rõ rệt, da nhăn nheo, và kém độ đàn hồi, hoạt động sinh tâm lý kém nhanh nhạy,…

3. Sự khác biệt hình dáng bên ngoài cơ thể người theo giới tính.

Các đặc điểm quan sát. Tầm vóc cơ thể nữ giới thường thấp hơn nam giới khoảng 10 cm trong cùng một chủng tộc. Các đường cong trên cơ thể nữ giới mềm mại hơn so với cơ thể nam giới. Lớp mỡ dưới da cơ thể nữ giới phát triển hơn, và tập trung ở ngực, hông và đùi.

Kích thước và tỷ lệ các kích thước cơ thể. Chi dưới của cơ thể nữ giới tương đối ngắn hơn, thân dài hơn. Hông nữ bè ngang hơn. Vai xuôi và hẹp hơn. Do lớp mỡ dưới da cổ phát triển, nên cổ nữ có dạng tròn hơn so với cổ nam giới. Nếu nhìn nghiêng, đường viền chân cổ của nữ, có độ cong lõm vào và thể hiện rõ hơn so với cơ thể nam giới.

4. Phân loại hình dáng của cơ thể người.

Mục đích phân loại hình dáng cơ thể người là để nhận biết, và có phương pháp điều chỉnh phù hợp khi thiết kế quần áo. Thông thường, để phân loại hình dáng cơ thể người, thường dựa trên các đặc trưng sau:

4.1 Theo tỷ lệ kích thước dài của cơ thể.

Theo đặc trưng này, người ta chia hình dáng cơ thể người làm 3 dạng là dài, trung bình và ngắn.

Dạng dài. Được đặc trưng bởi các chi dài và thân ngắn.

Dạng ngắn. Các chi ngắn và thân dài.

Dạng trung bình. Dạng trung bình giữa dạng dài và dạng ngắn.

4.2 Theo tư thế của cơ thể.

Khi phân loại theo tư thế cơ thể, chúng ta căn cứ chủ yếu vào độ cong của cột sống và tương quan giữa đường viền phía trước và phía sau cơ thể. Chúng ta chia tư thế cơ thể thành 3 loại: cơ thể bình thường, cơ thể gù, và cơ thể ưỡn. Đặc điểm hình dạng của 3 dạng cơ thể như sau:

Cơ thể bình thường. Lưng thẳng dài từ trên xuống dưới.

Cơ thể gù. Ngực phẳng, lưng dài, rộng và cong, xương bả vai thường nhô cao, cơ bắp kém phát triển, vai và tay đưa về phía trước một chút, điểm đầu ngực (đầu núm vú) bị dịch chuyển xuống dưới. So với người tư thế bình thường, người gù có chiều dài phần lưng phía sau cơ thể lớn hơn, nhưng chiều dài phía trước cơ thể lại nhỏ hơn.

Cơ thể ưỡn. Ngực và vai rộng, nở nang, lưng phẳng hoặc hơi cong một chút về phía sau, bả vai không nhô lên, eo lõm vào, mông phát triển. Điểm đầu ngực được nâng lên phía trên. So với người có tư thế bình thường, chiều dài phía sau nhỏ hơn nhưng chiều dài phía trước lại lớn hơn.

4.3 Theo mức độ béo gầy (chiều dày của cơ thể).

Thường người ta chia mức độ béo, gầy của cơ thể người làm 3 dạng: béo, trung bình, và gầy. Có hai cách đơn giản để phân loại mức độ béo và gầy.

– Theo tương quan giữa chiều cao đứng và cân nặng: P=0,9(T-100). Trong đó, trọng lượng cơ thể tính theo đơn vị là kg (P), chiếm 90% hiệu số của chiều cao đứng tính theo đơn vị là cm (T) và 100. Công thức này, áp dụng cho người bình thường, còn nếu trọng lượng ít hơn thì đó là người gầy và ngược lại.

– Theo tương quan giữa chu vi vòng ngực lớn nhất và vòng bụng (Vn -Vb). Trong đó, nếu hiệu của hai kích thước này bằng 14cm, thì đó là cơ thể bình thường. Nếu lớn hơn 14cm thì đó là cơ thể gầy và ngược lại, nếu nhỏ hơn 14cm thì đó là cơ thể béo.

4.4 Phân loại theo hình dáng các phần trên cơ thể.

Vai. Căn cứ vào độ dốc của đường vai cơ thể, người ta chia thành 3 dạng vai là vai xuôi, vai trung bình và vai ngang. Để nhận biết độ dốc của vai, người ta thường dùng giá trị độ lệch chiều cao của điểm góc cổ vai, và điểm mỏm cùng vai (lượng xuôi vai – Xv).

Người vai trung bình có Xv = 4,2cm /4,8cm đối với nữ. Còn Xv = 5,2cm/ 5,8cm là đối với nam. Nếu người có giá trị Xv lớn hơn giá trị trung bình, thì đó là người vai xuôi, ngược lại là người vai ngang.

Căn cứ độ vươn về phía trước của đường vai, người ta chia thành 3 dáng vai là vai bình thường, vai cánh cung, và vai ngửa.

Người vai cánh cung thường có hai đầu vai khum về phía trước nhiều hơn, phía sau bả vai độ cong lớn, phía trước ngực phẳng, số đo rộng lưng lớn hơn và số đo rộng ngực nhỏ hơn người bình thường.

Người vai ngửa có hai đầu vai đưa về phía sau nhiều hơn, lưng gần như phẳng, số đo rộng lưng nhỏ hơn và số đo rộng ngực lớn hơn người bình thường.

Ngực. Khi quan sát lồng ngực ở mặt chính diện, có thể chia hình dáng của lồng ngực làm 3 loại là lồng ngực lớn, lồng ngực trung bình, và lồng ngực dẹt. Trong thực tế, 3 loại này thường tương ứng với cơ thể béo, trung bình và gầy.

Khi quan sát ở mặt chiếu cạnh, phần bầu ngực của cơ thể nữ giới được phân ra làm 3 dạng là dạng bán cầu (cơ thể trung bình), dạng ovan (cơ thể béo) và dạng hình chóp (cơ thể gầy).

Hông. Theo vị trí của điểm nhô ra ngoài nhất của hông khi nhìn chính diện, người ta chia thành 3 dạng là hông cao, hông trung bình, và hông thấp. Trong đó, cơ thể có vị trí điểm nhô ra ngoài nhất của hông, nằm ở vị trí giữa của đường ngang rốn và ngang háng là hông trung bình. Nếu vị trí điểm nhô ra ngoài nhất của hông, ở vị trí ngang rốn là hông cao, và ở vị trí ngang háng là hông thấp.

Chân. Căn cứ vào hướng đùi và cẳng chân, người ta chia thành 3 dạng là chân thẳng, chân vòng kiềng (chân chữ O) và chân khoèo (chân chữ X). Theo tư thế của bàn chân so với đùi, và cẳng chân khi di chuyển động. Ta có, chân bình thường, chân chữ bát ngoài và chân chữ bát trong.

Trần Thủy Bình

Xem thêm bài viết: Phương pháp đo kích thước cơ thể người để thiết kế quần áo

Bạn đang xem bài viết: Đặc điểm hình dáng cơ thể người được phân loại như thế nào? Link https://myhocdaicuong.com/thoi-trang/dac-diem-hinh-dang-co-the-nguoi-duoc-phan-loai-nhu-the-nao.html

Tìm kiếm có liên quan: 5 dáng người cơ bản; Dáng người chuẩn; Dáng người hình chữ nhật; Đặc điểm hình dáng cơ thể người; Đặc điểm hình thái cơ thể người bắt thường; Nghiên cứu đặc điểm hình thái cơ thể người; Số đo dáng đồng hồ cát; Sự ảnh hưởng của hình dáng cơ thể người đến quá trình thiết kế mẫu trang phục; Trắc nghiệm dáng người; Web xác định dáng người; Xác định dáng người quả số đo.