đoàn thuyền đánh cá sáng tác năm nào

Để phân tích một bài thơ chúng ta phải hiểu nội dung bài thơ và hoàn cảnh sáng tác để từ đó hoàn thiện bài phân tích hay hơn và sâu sắc hơn. Dưới đây là tóm tắt nội dung bài thơ và Hoàn cảnh sáng tác Đoàn thuyền đánh cá các em tham khảo nhé.

Tác giả bài Đoàn thuyền đánh cá

Trước khi phân tích về Hoàn cảnh sáng tác Đoàn thuyền đánh cá hãy cùng tìm hiểu đôi chút về tác giả của bài thơ.

– Huy Cận (1919 – 2005) tên khai sinh là Cù Huy Cận quê ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn sau đó thuộc huyện Đức Thọ (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh.

– Ông lúc nhỏ học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp; rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông.

– Từ năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh, Huy Cận đã tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (tháng 8 năm 1945) và được bầu vào Ủy ban Giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó).

– Huy Cận yêu thích thơ ca Việt Nam, thơ Đường và chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp, ông là một trong những tác giả xuất sắc của phong trào Thơ mới. Mỗi bài thơ của Huy Cận đều mang một phong cách đáng chú ý và có một điểm chung là hàm súc, triết lý.

– Là người có năng lực cảm nhận cuộc sống thật đặc biệt, có thể nghe được từ những biểu hiện tinh vi của tạo vật đến những biến đổi lớn lao trong vũ trụ vô cùng vô tận. Hồn thơ Huy Cận luôn vận động giữa nhiều đối cực: Vũ trụ – cuộc đời, sự sống – cái chết, nỗi buồn – niềm vui, hiện thực – lãng mạn.

Hoàn cảnh sáng tác Đoàn thuyền đánh cá

Để phân tích được bài thơ ngoài thông tin về tác giả cần hiểu được Hoàn cảnh sáng tác Đoàn thuyền đánh cá.

– Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được viết vào giữa năm 1958, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới.

– Niềm vui dạt dào tin yêu trước cuộc sống mới đang hình thành, đang thay da đổi thịt đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của thơ ca lúc bấy giờ. Nhiều nhà thơ đã đi tới các miền đất xa xôi của Tổ quốc để sống và để viết: Miền núi, hải đảo, nhà máy, nông trường…

– Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi ấy, hồn thơ của ông mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.

– Bài Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng”(1958). Bài thơ có hai nguồn cảm hứng lớn, song hành, hài hòa và trộn lẫn vào nhau. Đó là cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về con người lao động trong cuộc sống mới. Sự thống nhất của hai nguồn cảm hứng ấy được thể hiện qua kết cấu và hệ thống thi ảnh trong bài.

– Về kết cấu, thời gian của bài thơ là nhịp tuần hoàn của vũ trụ ( từ lúc hoàng hôn đến lúc bình minh) cũng là thời gian hoạt động của đoàn thuyền đánh cá ( từ lúc ra khơi đến khi trở về). Không gian của bài thơ là một không gian lớn lao, kỳ vĩ với trời,biển, trăng, sao, sóng, gió cũng là không gian của cảnh lao động.

Ý nghĩa nhan đề Đoàn thuyền đánh cá

Ngoài Hoàn cảnh sáng tác Đoàn thuyền đánh cá thì một nội dung rất quan trọng cũng cần nắm được đó là ý nghĩa nhan đề.

Nhan đề thơ Đoàn thuyền đánh cá ngợi ca công việc xây dựng quê hương, là sự tự hào về mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Tên gọi ấy còn chỉ sự đồng lòng chung sức và tinh thần đoàn kết dân tộc của họ. Nhan đề thơ còn phản ánh không khí sôi nổi của nhân dân miền Bắc trong công cuộc xây dựng cuộc sống.

Tác giả sử dụng hình ảnh “đoàn thuyền” chứ không phải là “con thuyền”, nghĩa là không chỉ có một con thuyền mà rất nhiều những chiếc thuyền cùng nhau ra khơi đánh bắt. Điều đó cho thấy tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng trong lao động của nhân dân ta.

Bài thơ thể hiện sự tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống qua hình ảnh đoàn thuyền đánh cá. Đồng thời mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai gắn liền với quá trình lao động trên biển của đoàn thuyền, từ khi ra khơi cho đến lúc trở về.

Bố cục bài Đoàn thuyền đánh cá

Bố cục bài thơ Đoàn thuyền đánh cá gồm 3 phần.

– Phần 1 (2 khổ đầu): Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi lúc hoàng hôn buông xuống.

– Phần 2 (4 khổ tiếp theo): Cảnh đoàn thuyền đánh trên biển trong một đêm trăng rất đẹp.

– Phần 3 (khổ cuối): Hình ảnh đoàn thuyền trở về khi bình minh đã rạng ngời trên biển.

Nội dung bài Đoàn thuyền đánh cá

Huy Cận đã giúp người đọc phần nào hình dung được vẻ đẹp khỏe khoắn, tráng kiện của người thanh niên trai tráng trong hành trình chinh phục biển khơi. Những người dân lao động căng buồm ra khơi, đánh cá, không đơn thuần chỉ là công việc lao động chân tay nặng nhọc mà thấm đẫm lời ca tiếng hát reo vui, như một khúc hùng ca rạo rực.

Đoàn thuyền đánh cá ra đi khi vũ trụ đã vào thế nghỉ ngơi, trở về khi thiên nhiên đã bừng tỉnh giấc, con người, thiên nhiên cùng hát lên bài ca bất tận về công cuộc lao động, xây dựng, phát triển.

Tiếng hát hòa cùng điệu tâm hồn tươi vui, nhịp đập rộn ràng hối hả của con người, khiến cho bức tranh lao động vừa đẹp vừa hùng vĩ mà cũng mang đậm hơi thở của cuộc sống

Công cuộc lao động ấy không chỉ đòi hỏi sự miệt mài chăm chỉ mà còn đòi hỏi cả trí tuệ. Những người dân lao động không chỉ hăng say trong công việc mà còn đang hòa cùng vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên, biến cuộc hành trình của mình trở thành cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, chất thơ nơi đại dương sâu thẳm. Họ như đang tái hiện hình tượng cha ông ta ngày trước, chiến đấu, chinh phục tự nhiên, đào núi lấp biển.

Bài thơ đã khắc họa nhiều hình ảnh tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống. Bài thơ được bố cục theo hành trình một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá.