Rối Loạn Hoang Tưởng (Delusional Disorder) Là Gì?

Rối Loạn Hoang Tưởng Là Gì?

Rối loạn hoang tưởng (Delusional Disorder), trước đó được gọi là rối loạn nhân cách hoang tưởng (paranoid disorder) là một loại bệnh tâm thần nghiêm trọng- được gọi là “rối loạn tâm thần” – trong đó một người không thể phân biệt được đâu là thật và đâu là tưởng tượng. Đặc điểm chính của rối loạn này là sự hiện diện của những ảo giác, những niềm tin không thể lay chuyển vào một điều gì đó không có thật. Những người bị rối loạn hoang tưởng trải qua những ảo tưởng liên quan đến các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống thực, như là bị theo dõi, đầu độc, lừa dối, bị âm mưu chống lại, hoặc được yêu thầm. Những ảo tưởng này thường liên quan đến việc hiểu sai các nhận thức hoặc kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong thực tế, các tình huống ấy là không hề đúng hoặc bị phóng đại quá mức.

Những người mắc rối loạn hoang tưởng tưởng thường có thể tiếp tục hòa nhập với xã hội và hoạt động khá bình thường, ngoại trừ chủ đề ảo tưởng của họ, và nhìn chung không cư xử theo cách khác lạ hay kỳ quái rõ ràng. Điều này không giống với những người mắc các rối loạn tâm thần khác, những người mà triệu chứng rối loạn của họ cũng có thể là ảo tưởng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những người mắc rối loạn hoang tưởng có thể trở nên quá lo lắng với những ảo tưởng của họ tới mức cuộc sống của bản thân bị gián đoạn.

Mặc dù ảo tưởng có thể là một triệu chứng của những rối loạn phổ biến hơn, như là tâm thần phân liệt, nhưng bản thân rối loạn hoang tưởng lại khá hiếm. Rối loạn này thường xảy ra nhất trong giai đoạn từ giữa đến cuối đời.

Các Loại Của Rối Loạn Hoang Tưởng

Có nhiều loại rối loạn hoang tưởng khác nhau dựa trên chủ đề chính của những ảo tưởng từng trải qua. Các loại của rối loạn hoang tưởng bao gồm:

  • Ảo tưởng tình yêu (Erotomanic). Một số người mắc loại rối loạn hoang tưởng này tin rằng một người khác, thường là một người quan trọng hoặc nổi tiếng, đang yêu họ. Người này có thể cố gắng liên lạc với đối tượng của sự ảo tưởng, và hành vi theo dõi không phải là hiếm.

  • Vĩ cuồng (Grandiose). Người mắc loại rối loạn hoang tưởng này có cảm giác phóng đại quá mức về giá trị, quyền lực, sự hiểu biết, hoặc danh tính. Người này có thể tin rằng mình có một tài năng tuyệt vời hay đã có một khám phá quan trọng.

  • Ghen tuông (Jealous). Người mắc loại rối loạn hoang tưởng này tin rằng vợ/ chồng hoặc bạn tình của họ không chung thủy.

  • Thuyết phục (Persecutory). Những người mắc loại rối loạn ảo tưởng này tin rằng họ (hoặc người quen của họ) đang bị ngược đãi, hoặc ai đó đang theo dõi họ hay lên kế hoạch để làm hại họ. Việc những người mắc rối loạn hoang tưởng này liên tục khiếu nại tới các cơ quan pháp luật là điều không hề hiếm.

  • Thân thể (Somatic). Người mắc loại rối loạn hoang tưởng này tin rằng họ bị khiếm khuyết về vấn đề thể chất hoặc y tế.

  • Trộn lẫn (Mixed). Người mắc loại rối loạn hoang tưởng này có hai hoặc nhiều hơn những loại ảo tưởng được liệt kê ở trên.

Nguyên Nhân và Triệu Chứng

Nguyên Nhân Nào Gây Ra Rối Loạn Hoang Tưởng?

Cũng như nhiều rối loạn tâm thần khác, nguyên nhân chính xác của rối loạn hoang tưởng vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang xem xét vai trò của các yếu tố di truyền, sinh học và môi trường hoặc tâm lý khác nhau.

  • Di truyền. Rối loạn hoang tưởng trên thực tế phổ biến hơn ở những người có thành viên gia đình mắc rối loạn hoang tưởng hoặc tâm thần phân liệt, điều này cho thấy đây có thể là một yếu tố di truyền liên quan. Người ta tin rằng, cũng như những rối loạn tâm thần khác, xu hướng phát triển rối loạn hoang tưởng có thể được truyền từ cha mẹ sang con cái của họ.

  • Sinh học. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu cách mà sự bất thường ở một số vùng của não bộ có thể liên quan tới sự phát triển của các rối loạn hoang tưởng. Sự mất cân bằng của một số hóa chất trong não, được gọi là chất dẫn truyền thần kinh cũng có liên quan tới việc hình thành những triệu chứng ảo tưởng. Các chất dẫn truyền thần kinh là những chất giúp các tế bào thần kinh trong não bộ gửi thông điệp cho nhau. Sự mất cân bằng trong các hóa chất này có thể cản trở việc truyền đi những thông điệp, dẫn tới các triệu chứng.

  • Môi trường/ tâm lý. Bằng chứng cho thấy rằng rối loạn hoang tưởng có thể được kích hoạt bởi căng thẳng. Lạm dụng rượu và ma túy cũng có thể góp phần vào tình trạng này. Những người có xu hướng bị cô lập, như là người nhập cư hoặc những người có thị giác và thính giác kém, dường như dễ bị mắc rối loạn hoang tưởng hơn.

Các Triệu Chứng Của Rối Loạn Hoang Tưởng Là Gì?

Sự hiện diện của những ảo tưởng không kì lạ là triệu chứng rõ ràng nhất của rối loạn này. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm:

  • Tâm trạng cáu kỉnh, tức giận hoặc tâm trạng kém

  • Ảo giác (nhìn, nghe hoặc cảm thấy những thứ không thực sự ở đó) có liên quan đến ảo tưởng (Ví dụ như một người tin rằng mình có vấn đề về mùi cơ thể có thể ngửi thấy mùi hôi.)

Xét Nghiệm Và Chẩn Đoán

Rối Loạn Ảo Tưởng Được Chẩn Đoán Như Thế Nào?

Nếu các triệu chứng xuất hiện, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra bệnh sử và khám sức khỏe toàn diện. Mặc dù không có xét nghiệm nào trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán cụ thể rối loạn hoang tưởng, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán khác nhau- chẳng hạn như chụp X- quang hay xét nghiệm máu- để loại trừ bệnh thực thể là nguyên nhân gây nên những triệu chứng của người đó.

Nếu bác sĩ không tìm thấy lí do thực thể cho những triệu chứng, họ có thể giới thiệu người này tới nhà tâm thần học hoặc nhà tâm lý học, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe được đào tạo đặc biệt để chẩn đoán và điều trị các bệnh tâm thần. Bác sĩ và nhà tâm lý học sử dụng những công cụ phỏng vấn và đánh giá được thiết kế đặc biệt để đánh giá một người với rối loạn tâm thần. Bác sĩ hoặc nhà trị liệu dựa trên chẩn đoán của họ thông qua báo cáo của một người về các triệu chứng, và những quan sát của họ về thái độ và hành vi của người này.

Quản Lý và Điều Trị

Rối Loạn Hoang Tưởng Được Điều Trị Như Thế Nào?

Điều trị rối loạn hoang tưởng thường bao gồm thuốc và liệu pháp tâm lý (một loại tư vấn); tuy nhiên, rối loạn hoang tưởng có khả năng kháng cao với việc chỉ điều trị bằng thuốc. Những người có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc có nguy cơ làm tổn thương bản thân hay những người khác có thể cần phải ở trong bệnh viện cho tới khi tình trạng được ổn định.

Trị liệu tâm lý là phương pháp điều trị chính cho rối loạn hoang tưởng. Nó cung cấp một môi trường an toàn cho bệnh nhân để nói về các triệu chứng của họ, đồng thời khuyến khích những thái độ, hành vi lành mạnh và có chức năng hơn.

Điều trị tâm lý xã hội. Các phương pháp điều trị tâm lý xã hội khác nhau có thể giúp giải quyết các vấn đề về hành vi và tâm lý liên quan đến rối loạn hoang tưởng. Thông qua liệu pháp, bệnh nhân cũng có thể học cách kiểm soát những triệu chứng của mình, xác định các dấu hiệu cảnh báo sớm về việc tái phát bệnh, và xây dựng kế hoạch phòng ngừa tái phát. Các liệu pháp tâm lý xã hội bao gồm:

  • Liệu pháp tâm lý cá nhân có thể giúp người này nhận ra và sửa chữa những suy nghĩ tiềm ẩn đã trở nên biến dạng.

  • Liệu pháp nhận thức- hành vi (CBT) giúp người này học cách nhận biết và thay đổi các kiểu suy nghĩ và hành vi dẫn tới những cảm xúc gây ra khó khăn.

  • Liệu pháp gia đình có thể giúp gia đình đối phó hiệu quả hơn với người thân mắc rối loạn hoang tưởng, giúp họ có thể góp phần mang lại kết quả tốt hơn cho người này.

Thuốc: Các loại thuốc chính được sử dụng để cố gắng điều trị rối loạn hoang tưởng được gọi là thuốc chống loạn thần. Các loại thuốc bao gồm:

  • Thuốc chống loạn thần tiêu chuẩn, còn được gọi là thuốc an thần, đã được sử dụng để điều trị các rối loạn tâm thần từ giữa những năm 1950. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn các thụ thể dopamin trong não. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh được cho là có liên quan đến sự phát triển của những ảo tưởng. Thuốc chống loạn thần thông thường bao gồm chlorpromazine (Thorazine), fluphenazine (Prolixin), haloperidol (Haldol), thiothixene (Navane), trifluoperazine (Stelazine), perphenazine (Trilafon) và thioridazine (Mellaril).

  • Các loại thuốc mới hơn- được gọi là thuốc chống loạn thần không điển hình – được xem là hiệu quả hơn trong việc điều trị các triệu chứng của rối loạn hoang tưởng. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn các thụ thể dopamine và serotonin trong não bộ. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh khác được cho là có liên quan đến rối loạn hoang tưởng. Những loại thuốc này bao gồm risperidone (Risperdal), clozapine (Clozaril), quetiapine (Seroquel), ziprasidone (Geodon) và olanzapine (Zyprexa).

  • Các loại thuốc khác có thể được sử dụng để điều trị rối loạn hoang tưởng bao gồm thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm. Thuốc an thần có thể được sử dụng nếu người này có mức độ lo lắng rất cao và/ hoặc gặp những vấn đề về giấc ngủ. Thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng để điều trị trầm cảm, thường xảy ra ở những người mắc rối loạn hoang tưởng.

Phòng Ngừa

Có Thể Phòng Tránh Hay Không?

Không có cách nào được biết để phòng tránh rối loạn hoang tưởng. Tuy nhiên, chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm thiểu sự gián đoạn tới cuộc sống của người này, gia đình và bạn bè của họ.

Tiên Lượng/Đề Xuất

Tiên Lượng Của Những Người Mắc Chứng Rối Loạn Hoang Tưởng Là Gì?

Triển vọng của những người mắc rối loạn hoang tưởng là khác nhau tùy thuộc vào từng người, loại rối loạn hoang tưởng và hoàn cảnh cuộc sống của người đó, bao gồm cả sự trợ giúp sẵn có và sự sẵn sàng để tiếp tục điều trị.

Rối loạn hoang tưởng thường là một tình trạng mãn tính (liên tục), nhưng khi được điều trị đúng cách, nhiều người mắc rối loạn này có thể thuyên giảm các triệu chứng của họ. Một số người hồi phục hoàn toàn và những người khác trải qua những giai đoạn thuyên giảm của niềm tin ảo tưởng (mất đi các triệu chứng).

Không may rằng, nhiều người mắc rối loạn này không tìm kiếm sự hỗ trợ. Những người mắc rối loạn tâm thần thường khó nhận ra rằng họ đang không khỏe. Họ cũng có thể quá xấu hổ hay sợ hãi khi tìm kiếm trị liệu. Nếu không được điều trị, rối loạn hoang tưởng có thể là một căn bệnh kéo dài suốt đời.

Các Biến Chứng

Những người mắc rối loạn hoang tưởng có thể bị trầm cảm, thường là kết quả của những khó khăn liên quan đến những ảo tưởng. Hành động theo ảo tưởng cũng có thể dẫn đến bạo lực hoặc các vấn đề pháp lý; ví dụ, một người mắc chứng hoang tưởng erotomanic có thể theo dõi hoặc quấy rối đối tượng trong sự ảo tưởng của họ, điều này có thể dẫn tới việc họ sẽ bị bắt giữ. Hơn nữa, những người mắc chứng rối loạn này cuối cùng có thể bị những người khác xa lánh, đặc biệt là nếu những ảo tưởng của bản thân cản trở hoặc làm tổn hại đến các mối quan hệ của họ.

Nguồn bài: Delusional Disorder- Cleveland Clinic.