Đặc điểm cơn đau đẻ và diễn biến cuộc chuyển dạ | Vinmec

2.1 Quá trình chuyển dạ

Cuộc chuyển dạ là một quá trình sinh lý làm cho thai và các phần phụ của thai được đẩy ra khỏi tử cung và đường sinh dục của người mẹ. Dấu hiệu chuyển dạ là diễn biến của nhiều hiện tượng, và quan trọng nhất là những cơn co tử cung mà kết quả là thai nhi được chào đời.

Thời gian chuyển dạ ở người con so trung bình từ 16 – 20 giờ. Ở người con rạ, thời gian chuyển dạ đẻ ngắn hơn, trung bình từ 8 – 12 giờ. Chuyển dạ kéo dài là các cuộc chuyển dạ đẻ quá 24 giờ.

Quá trình chuyển dạ được trải qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn thứ nhất: cổ tử cung giãn rộng ra
  • Giai đoạn thứ hai: bắt đầu khi bé được đẩy ra khỏi tử cung, sẽ đi qua cổ tử cung, qua âm đạo và ra ngoài
  • Giai đoạn thứ ba: sổ nhau thai.

Mỗi giai đoạn là một dấu ấn quan trọng cho tiến trình của một thai nhi chuẩn bị chào đời. Dấu hiệu chuyển dạ sớm là một quá trình mang thai của mẹ đã đến ngày em bé chuẩn bị chào đời. Các dấu hiệu có thể nhận thấy:

  • Đau vùng bụng dưới: xuất hiện bởi cơn đau bụng đột ngột, đau bụng từng cơn đều đặn, cơn đau bụng kéo dài khoảng 15 – 20 giây sau đó nghỉ hết đau khoảng 3 – 5 phút, sau đó cơn đau lặp lại. Cơn đau bụng là do cơn co tử cung tạo ra. Đó là dấu hiệu chính thức bước vào chuyển dạ sinh, cơn đau bụng sau đó xuất hiện trở lại và cứ đều đặn như vậy, thời gian về sau cơn đau bụng nhiều hơn và thời gian nghỉ ngắn hơn. Cơn co tử cung giúp cho đoạn dưới tử cung thành lập tốt và sự tiến triển của ngôi thai được thuận lợi.
  • Dấu hiệu ra nhớt hồng âm đạo: Trong thời gian mang thai, cổ tử cung luôn luôn đóng kín và được bịt kín bởi một nút nhầy cổ tử cung. Chính nút nhầy cổ tử cung là hàng rào vững chắc ngăn cản không cho mọi tác nhân từ âm đạo xâm nhập vào buồng tử cung. Khi có chuyển dạ sớm, dưới tác dụng của cơn co tử cung, nút nhầy được thoát ra, hòa lẫn ít máu bởi sự vỡ một số các mao mạch trên cổ tử cung, tạo ra dịch nhầy màu hồng.
  • Dấu hiệu ra nước ối: dấu hiệu này hoàn toàn đột ngột và thường xảy ra vào ban đêm, khi mẹ đang ngủ, có cảm giác ra nước ướt quần và có mùi tanh nồng của dịch ối. Đây là triệu chứng của ối vỡ sớm, báo hiệu dấu hiệu chuyển dạ sớm. Bình thường ối vỡ đúng lúc khi cổ tử cung mở trọn 10 cm, đầu thai nhi lọt thấp, dưới tác dụng tử cung co bóp màng ối vỡ để giúp cho thai sổ ra ngoài.

Hiếm có cơn chuyển dạ nào mà không gây đau đớn cho mẹ. Tuy nhiên cơn đau đẻ khi chuyển dạ xảy ra trong mỗi mẹ đều có sự khác nhau, do sự cảm nhận và mức độ chịu đựng của mỗi người mẹ cao hay thấp. Khi người mẹ bước vào giai đoạn chuyển dạ thật sự, cơn đau đẻ tạo ra cho các bà mẹ có cảm giác đau đớn cao độ, có người khả năng chịu đựng tốt thì chỉ có tiếng kêu nhẹ và xuýt xoa. Nhưng ngược lại nếu khả năng chịu đựng của người mẹ kém, khi cơn đau đẻ đến, họ thường la hét, khóc thét và hốt hoảng.

Tất cả những hiện tượng trên đều do cơn đau đẻ mà ra, biểu hiện sự co cơ tử cung tạo thành một cơn co mạnh để giúp thai nhi lọt xuống tiểu khung, đồng thời sẽ giúp cho thai nhi trong quá trình quay và sổ ra khỏi khung chậu của mẹ để chào đời. Khi xuất hiện co cơ tử cung làm co thắt các dây thần kinh vùng chậu, điều này sẽ tạo ra cơn đau cho mẹ mỗi khi cơn co tử cung xuất hiện.

2.2 Những thay đổi về phía người mẹ và thai nhi trong cuộc chuyển dạ