Cyberbullying (Mối Đe Dọa Qua Mạng) Là Gì? Nguyên Nhân Và Ảnh Hưởng – Tạp chí Tâm lý học Việt Nam

Cyberbullying (đe dọa qua mạng) là thuật ngữ đề cập đến các hành vi đe dọa, bắt nạt lặp đi lặp lại được thực hiện thông qua các nền tảng mạng xã hội. Tình trạng này phổ biến ở trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi và có thể để lại những hậu quả nặng nề nếu không biết cách vượt qua.

Cyberbullying là gì?
Cyberbullying đề cập đến hành vi bắt nạt, đe dọa thông qua mạng xã hội

Cyberbullying (đe dọa qua mạng) là gì?

Internet bắt đầu xuất hiện vào năm 1974 nhưng chỉ mới thực sự bùng nổ vào thế kỷ 21. Cùng với sự xuất hiện của internet là sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, kết quả là tạo ra các nền tảng mạng xã hội gắn kết tất cả mọi người. Mạng xã hội ít khi bị giới hạn bởi lãnh thổ, vị trí địa lý và đề cao tính riêng tư của người dùng nên rất được ưa chuộng.

Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc này cũng đi kèm với nhiều hệ lụy bao gồm cả Cyberbullying (đe dọa qua mạng). Cyberbullying được hiểu là các hành vi đe dọa, bắt nạt qua các nền tảng mạng xã hội hoặc có thể qua tin nhắn điện thoại. Các hành vi tiêu cực này gây ra sự tổn thương nhất định về mặt tinh thần cho nạn nhân.

Theo số liệu thống kê, khoảng 40% trẻ vị thành niên từ 8 – 17 tuổi đang hoặc từng là nạn nhân của bắt nạt qua mạng. Trong đó, các hành vi này thường được thực hiện qua các nền tảng mạng xã hội bởi tốc độ lan truyền thông tin nhanh. Cũng chính vì điều này nên nhiều người dễ dàng tin vào những thông tin sai lệch, bịa đặt, từ đó có các bình luận gây tổn thương nạn nhân dù chưa biết sự việc có khách quan, chính xác hay không.

Hành vi đe dọa trên các nền tảng mạng xã hội có mức độ khá đa dạng. Với những hành vi có mức độ nhẹ, nạn nhân thường bị chán nản, căng thẳng, buồn bã và lo âu trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên đối với các hành vi đe dọa, lăng mạ và xúc phạm, bản thân nạn nhân có thể gặp phải các cảm xúc tiêu cực dai dẳng dẫn đến một loạt vấn đề về tâm lý.

Nguyên nhân dẫn đến Cyberbullying

Sự ra đời của internet và các nền tảng mạng xã hội chính là bước đột phá vĩ đại trong thế kỷ 20 – 21.Các nền tảng mạng xã hội chính là nơi để mọi người gắn kết với nhau và dễ dàng liên lạc mà không bị giới hạn bởi lãnh thổ hay vị trí địa lý. Ngoài ra, mạng xã hội còn giúp tiếp cận nhanh chóng với các tin tức mới, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kết bạn,…

Bên cạnh những lợi ích mang lại, sự phát triển vượt bậc của các nền tảng số cũng đi kèm với không ít vấn đề. Trong đó, Cyberbullying là tình trạng phổ biến nhất hiện nay. Trước khi đây internet chưa phát triển, các hành vi bắt nạt sẽ được thực hiện trực tiếp. Về sau, các hành vi đe dọa qua mạng có dấu hiệu gia tăng mạnh vì những nguyên nhân sau:

1. Do không sợ bị phát hiện

Các hành vi bắt nạt trực tiếp hoặc thực hiện các hành vi đe dọa ẩn danh sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao bị phát hiện. Tuy nhiên, các hành vi đe dọa qua mạng sẽ ít có nguy cơ bị phát hiện hơn. Do đó, các đối tượng xấu thường sử dụng số điện thoại hoặc tài khoản ảo để thực hiện các hành vi gây tổn thương người khác.

Cyberbullying nghĩa là gì
Bắt nạt qua mạng ít bị phát hiện hơn so với bắt nạt trực tiếp

Vì không sợ bị phát hiện nên bản thân kẻ thực hiện không cảm thấy sợ hãi mà ngược lại còn gia tăng mức độ nghiêm trọng của hành vi với mục đích hạ nhục danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Khi nhận được sự tung hô, kẻ thực hiện thường có xu hướng lặp đi lặp lại những hành vi này để nạn nhân phải sống trong đau khổ và sợ hãi.

2. Thể hiện bản thân

Thống kê cho thấy, đa số thủ phạm và nạn nhân của Cyberbullying đều là trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi. Ở lứa tuổi này, các hành vi bắt nạt người khác được xem là cách thể hiện bản thân. Ngoài ra, khi thấy những người khác tung hô hành vi bắt nạt và có lời lẽ nhục mạ danh dự của nạn nhân, bản thân kẻ thực hiện sẽ có cảm giác thỏa mãn và dần yêu thích những hành vi này.

3. Đạt được lợi ích, mục đích của bản thân

Ngoài mục đích thể hiện bản thân, các hành vi đe dọa qua mạng còn được thực hiện với mục đích hạ nhục đối phương do thù ghét cá nhân, ganh tị hoặc đôi khi được thực hiện với mục đích tiền bạc (thường là đe dọa tung clip, ảnh nóng và yêu cầu nạn nhân phải đưa một khoản tiền lớn).

Nhận biết nạn nhân của bắt nạt qua mạng (Cyberbullying)

Các hành vi bắt nạt lặp đi lặp lại để lại những cảm xúc tiêu cực cho chính nạn nhân. Biểu hiện của nạn nhân sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Thậm chí, một số trường hợp có thể phải đối mặt với những ảnh hưởng tâm lý do Cyberbullying gây ra.

Cách nhận biết Cyberbullying
Nạn nhân của Cyberbullying không tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực như bi quan, buồn bã, chán nản,…

Các dấu hiệu nhận biết nạn nhân của bắt nạt qua mạng:

  • Tâm trạng khó chịu, bực dọc, chán nản, tức giận,… Với những hành vi đe dọa nặng nề, nạn nhân thường có phản ứng chung là sợ hãi, bi quan và buồn bã. Tuy nhiên cũng có những trường hợp trở nên hoảng loạn và mất kiểm soát.
  • Các hành vi đe dọa thường lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Do đó, nạn nhân có thể phải đối mặt với các cảm xúc tiêu cực dai dẳng dẫn đến tình trạng giảm năng lượng, uể oải, stress và suy nhược.
  • Một số người sẽ có sự thay đổi trong cách sinh hoạt, ăn uống như không hoạt bát, vui vẻ như trước, hay buồn rầu, chán ăn hoặc ăn uống quá mức.
  • Dành nhiều thời gian cho các nền tảng mạng xã hội để theo dõi hành vi đe dọa, công kích vì lo sợ danh dự của bản thân sẽ bị bôi nhọ. Tuy nhiên, cũng có những người quá sợ hãi và từ bỏ mạng xã hội để không phải chứng kiến những bài đăng, bình luận ác ý về bản thân.

Ban đầu, các cảm xúc tiêu cực từ những hành vi đe dọa chỉ ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên về lâu dài, các hành vi này có thể làm giảm hiệu suất lao động – học tập và dẫn đến vô số hệ lụy khác.

Ảnh hưởng của Cyberbullying (đe dọa qua mạng)

Cyberbullying (đe dọa qua mạng) đang là vấn đề gây nhức nhối trong những năm gần đây. Nhất là khi đối tượng chính của vấn đề này chủ yếu là trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi. Đây là nhóm đối tượng chưa có nhiều kinh nghiệm sống và thiếu kỹ năng nên không biết cách kiểm soát, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Thay vì tìm cách giải quyết, nạn nhân của Cyberbullying thường tự mình chịu đựng những cảm xúc tiêu cực. Dần dần, những cảm xúc này làm mất đi tâm lý lạc quan, thoải mái, vui vẻ và thay vào đó là sự chán chường, bi quan. Nếu không được cải thiện, nạn nhân của Cyberbullying có thể bị stress, rối loạn lo âu, hoảng loạn và thậm chí là trầm cảm.

tác hại của Cyberbullying
Cyberbullying ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và kết quả học tập

Ngoài ra, các hành vi bắt nạt trên mạng cũng khiến cho danh dự, nhân phẩm của nạn nhân bị bôi nhọ. Bên cạnh đó, các tin nhắn mạo danh, hình ảnh giả mạo cũng khiến cho nạn nhân vướng vào nhiều rắc rối và thậm chí có thể phải liên quan đến luật pháp.

Những thông tin giả mạo, sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội có thể khiến nạn nhân có nguy cơ bị đuổi học, mất việc nếu không được giải quyết một cách rõ ràng. Ngày nay, sự lan truyền thông tin nhanh chóng trên mạng xã hội đã khiến cho nhiều người phải đối mặt với vấn đề rắc rối do các hành vi của đối tượng xấu. Nặng nề nhất, nạn nhân có thể thực hiện hành vi tự hại, tự sát để chứng minh bản thân trong sạch và giải thoát bản thân khỏi những lời bàn tán của tất cả mọi người.

Cách vượt qua Cyberbullying – đe dọa qua mạng

Khác với đe dọa trực tiếp, nạn nhân bị đe dọa qua mạng có thể không chia sẻ với mọi người vấn đề mà mình đang gặp phải. Hơn nữa vì không có tổn thương về mặt thể chất nên những người xung quanh cũng rất khó phát hiện.

Tự mình đối mặt với vấn đề này thực sự không phải là cách hay. Thay vào đó, bạn có thể vượt qua Cyberbullying thông qua một số biện pháp sau:

1. Thông báo với gia đình, nhà trường

Nếu là nạn nhân của Cyberbullying, nên thông báo với gia đình để được chia sẻ và động viên. Khi có chỗ dựa tinh thần, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và có đủ sức mạnh để đương đầu với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, những người có kinh nghiệm trong gia đình như bố mẹ, anh chị sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích để bạn có thể vượt qua tình trạng này.

Trong trường hợp bị đe dọa từ các confession của trường hoặc nhận biết đối tượng bắt nạt mình là học sinh, sinh viên cùng trường, bạn nên làm đơn trình bày lên GVCN, trưởng khoa hoặc ban giám hiệu. Trước khi làm đơn, nên lưu lại các bằng chứng cho thấy đối tượng xấu chủ đích thực hiện những hành vi nhằm công kích, bôi nhọ danh dự của bạn.

cyberbullying ở việt nam
Nếu là nạn nhân của bắt nạt qua mạng, nên chia sẻ với gia đình để tìm kiếm sự giúp đỡ

Với kẻ xấu, việc thỏa hiệp không phải là lựa chọn thông minh. Bởi đây sẽ là cơ hội để những hành vi này xảy ra tương tự với người khác. Để tránh những hành vi đe dọa bị đẩy đi quá xa, bạn nên chia sẻ với gia đình và thông báo với nhà trường trong thời gian sớm nhất.

2. Chặn tài khoản, báo cáo bài viết

Nếu không rõ đối tượng thực hiện các hành vi đe dọa trên mạng, bạn có thể báo cáo bài viết và chặn tài khoản của đối tượng này. Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt để giữ môi trường mạng văn minh. Các bài đăng với nội dung sai lệch, đe dọa, xúc phạm người khác sẽ bị xóa hoặc yêu cầu chỉnh sửa sau khi bị báo cáo.

Để tránh đối tượng xấu sử dụng hình ảnh, thông tin của bản thân, bạn nên chỉnh lại quyền riêng tư của các bài đăng hoặc ẩn hoàn toàn các nội dung này. Rất nhiều đối tượng cố tình ghép ảnh, clip để bôi nhọ danh dự của người khác. Sau đó, yêu cầu một khoản tiền hoặc yêu cầu nạn nhân thực hiện hành vi theo ý muốn.

3. Trình báo cơ quan chức năng khi bị Cyberbullying

Trong trường hợp đối tượng này có các hành vi với tính chất nghiêm trọng, bạn nên làm đơn trình báo lên cơ quan chức năng. Khi làm đơn, nên thu thập những bằng chứng cho thấy các hành vi đe dọa của đối phương. Ngoài ra, bạn cũng nên cung cấp thông tin về tài khoản của đối tượng xấu để các cơ quan chức năng tìm kiếm được thông tin cá nhân, vị trí của đối tượng.

Trình báo với cơ quan chức năng là cách để bạn tự bảo vệ chính mình và ngăn chặn các hành vi này tiếp diễn tương tự với người khác. Ngay khi có tin nhắn đe dọa từ đối tượng xấu, bạn nên trình báo ngay với công an để tránh đối tượng tiếp tục có những hành vi nghiêm trọng hơn.

Cyberbullying (đe dọa qua mạng) gây ra nhiều ảnh hưởng về tâm lý, thể chất và làm giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, khi tham gia các nền tảng mạng xã hội, bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để tránh khỏi những phiền toái này. Ngoài ra, gia đình cũng cần có sự quan tâm để kịp thời phát hiện con trẻ là nạn nhân của Cyberbullying.

Tham khảo thêm:

  • Thực trạng Stress học đường: Nguyên nhân và cách giải quyết
  • Thực trạng áp lực học tập hiện nay và những hậu quả khôn lường