Giới thiệu khái quát thành phố Mỹ Tho

Thành phố Mỹ Tho là một trong những vùng đất được khai phá sớm và là một trong hai đại phố hình thành đầu tiên của các tỉnh Nam Bộ, với lịch sử hơn 330 năm hình thành và phát triển.

Từ năm 1623, một bộ phận người Việt từ Miền Bắc và Miền Trung vào lập nghiệp ở vùng tả ngạn sông Bảo Định (Phường 2, 3, 8 và xã Mỹ Phong, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh, hiện nay còn di tích lưu lại), chủ yếu sống bằng nghề nông và buôn bán. Vào cuối thế kỷ 17, Nam Bộ có hai trung tâm mua bán lớn là Mỹ Tho và Biên Hòa. Thế mạnh của phố chợ Mỹ Tho là mua bán, đặc biệt là hàng nông thủy sản rất dồi dào, chiếm ưu thế cả vùng. Từ đó đến nay, Mỹ Tho đã không ngừng phát triển, mặc dù đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nhất là đối với ngành thương mại, đã hơn 300 năm giữ vai trò chợ đầu mối điều phối hàng hóa cho các nơi trong tỉnh cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh.

Trong chiến tranh, để bảo đảm cho sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương với chiến trường trọng điểm Mỹ Tho ngày càng ác liệt, theo đề nghị của Khu 8, năm 1967 – Trung ương Cục Miền Nam đã chuẩn y nâng thị xã Mỹ Tho lên cấp thành phố ngang với cấp tỉnh và trực thuộc Khu 8. Về phía địch, Mỹ Tho cũng là thành phố.

Từ ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Mỹ Tho trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Tiền Giang (được nhập lại từ tỉnh Mỹ Tho – tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho).

Do có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, sau ngày giải phóng, Nhà nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng cho nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Mỹ Tho.

Ngày nay tp Mỹ Tho là đô thị loại I trực thuộc tỉnh tiền Giang (được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào ngày 05 tháng 02 năm 2016), giữ vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh, đồng thời là trung tâm giao lưu kinh tế với các huyện, thị trong tỉnh và khu vực Bắc sông Tiền, là một trong những đô thị đặc trưng vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Di tích – Danh lam thắng cảnh Mỹ Tho

1. Tượng đài Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân

Trong số những sĩ phu yêu nước trong tỉnh đứng ra chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa trong thời kỳ Pháp chiếm Mỹ Tho và tỉnh Định Tường thì tiêu biểu và ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân dân thành phố Mỹ Tho là Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, Đảng bộ và nhân dân thành phố Mỹ Tho dựng tượng Thủ Khoa Huân tại ngã ba Vàm Sông Tiền – Bảo Định. Tượng nặng 80 tấn, cao 11 mét, được nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Hải sáng tác trên chất liệu đá hoa cương.

2. Tượng Đài Tết Mậu Thân

Là công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa trong quần thể công viên giếng nước (phía đường Ấp Bắc – Tết Mậu Thân). Tượng cao gần 13 mét với phối trúc không gian ba chiều, khắc ghi hình ảnh các chiến sĩ biệt động nội thành, bộ đội giải phóng quân tiến công đánh chiếm thành phố Mỹ Tho trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968.

3. Nhà Bia ghi danh liệt sĩ

Trong quần thể kiến trúc của công viên giếng nước, đối diện tượng Đài Tết Mậu Thân là Nhà bia ghi danh 1.442 người con của thành phố đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Đây là công trình văn hóa – chính trị có ý nghĩa giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho mai sau.

4. Bia lưu niệm căn cứ Thành ủy Mỹ Tho

Được dựng tại ấp 3A – xã Đạo Thạnh, nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ, Thành ủy đã bám trụ xây dựng cơ sở chỉ đạo các lực lượng vũ trang “bám thắt lưng địch mà đánh” và cũng chính tại nơi đây, các vị lãnh đạo cách mạng khu 8, Trung ương Cục lưu lại chỉ đạo các chiến dịch có ý nghĩa bước ngoặt về quân sự. Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nơi đây là xuất phát điểm tiến công giải phóng thành phố Mỹ Tho.

5. Bia lưu niệm căn cứ Thành Đội Mỹ Tho

Được xây dựng tại ấp 5 – xã Đạo Thạnh, Ban chỉ huy Thành Đội Mỹ Tho xây dựng căn cứ “trong lòng dân” được nhân dân đùm bọc, che chở và đã lập nên những chiến công vang dội, góp phần xây dựng đội du kích xã Đạo Thạnh và quân dân tp Mỹ Tho được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.