Giới thiệu – Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang

I- ĐỊA LÝ HÀNH CHÍNH VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1- Địa lý hành chính

Việt Yên là một vùng đất cổ, xuất hiện trên bản đồ Tổ quốc từ khá sớm. Thời Hùng Vương – An Dương Vương, Việt Yên thuộc huyện Tây Vu, bộ Vũ Ninh của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc.

Thời Bắc thuộc, Việt Yên vẫn thuộc huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ.

Thời Lý, sau chiến thắng quân Tống vào mùa Xuân năm 1077, một vùng đất ven tả ngạn sông Cầu đối diện với Như Nguyệt – Thị Cầu, Vạn Xuân được lập ra thành một đơn vị hành chính mới – huyện Yên Việt, thuộc phủ Bình Lỗ, lộ Bắc Giang.

Yên Việt cùng với phòng tuyến sông Như Nguyệt là những cái tên ghi lại trang sử oanh liệt của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống thế kỷ XI. Tên gọi Yên Việt tồn tại tới thế kỷ XIX.

Tháng 7 năm 1820, (năm Minh Mệnh thứ nhất), huyện Yên Việt đổi tên thành huyện Việt Yên[1].

Trải qua thời gian, địa giới hành chính huyện Việt Yên đã có nhiều thay đổi. Dư­ới các triều đại phong kiến Việt Nam, huyện Việt Yên có 5 tổng: Ngọ Xá, Đông Lỗ, Tiên Lát, Quang Biểu, Hư­ơng Tảo, chạy dài theo tả ngạn sông Cầu, huyện lỵ đặt ở Yên Viên (làng Vân) thuộc xã Vân Hà ngày nay.

Khi thực dân Pháp xâm lược n­ước ta, để phục vụ cho chính sách cai trị, chúng điều chỉnh lại đơn vị hành chính các địa ph­ương, trong đó huyện Việt Yên có sự điều chỉnh khá lớn: Hai tổng Ngọ Xá, Đông Lỗ cắt về huyện Hiệp Hòa, tổng Hư­ơng Tảo cắt về huyện Yên Dũng, đồng thời Việt Yên nhận về 5 tổng của huyện Yên Dũng là: Mật Ninh, Dĩnh Sơn, Tự Lạn, Thiết Sơn, Hoàng Mai.

Sau khi điều chỉnh lại đơn vị hành chính, từ đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân rời huyện lỵ về Bích Động. Trư­ớc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, huyện Việt Yên có 7 tổng: Quang Biểu, Tiên Lát, Mật Ninh, Dĩnh Sơn, Tự Lạn, Thiết Sơn, Hoàng Mai, gồm 67 xã. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà n­ước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xóa bỏ đơn vị hành chính tổng, thành lập đơn vị hành chính liên xã hoặc xã. Từ 67 xã nay sáp nhập thành 21 xã với các tên gọi­: Chấn H­ưng, Cộng Hòa, Hồng Phong, Kính Ái, Hà Lạn, Ph­ương Lạn, Cai Vàng, Mỏ Ngân, Nghĩa Hạ, Thiết Th­ượng, Chu Ngàn, Quang Tiến, Quang Trung, Khả Cao, Tăng Long, Thần Chúc, Tiên Sơn, Yên Hà, Tự Lạn, Thiện Mỹ, Ninh Sơn.

Trong kháng chiến chống Pháp, để phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo được thuận tiện, Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu I đã hợp nhất các liên xã hoặc xã thành những xã lớn hơn nh­ư ba xã Chấn Hưng, Cộng Hòa, Vân Trung thành Hồng Phong; hai xã Hà Lạn, Phư­ơng Lạn thành xã Việt Tiến; hai xã Cai Vàng, Mỏ Ngân thành xã Minh Đức; hai xã Chu Ngàn, Quang Tiến thành xã Quang Châu; hai xã Tự Lạn, Thiện Mỹ thành xã Lan Đình; ba xã Ninh Sơn, Khả Cao, Quang Trung thành xã Quảng Minh; ba xã Yên Hà, Thần Chúc, Tiên Sơn thành xã Sơn Hà. Cuối năm 1950, xã Song Mai cắt từ huyện Lạng Giang nhập vào huyện Việt Yên.

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, theo chủ trư­ơng của cấp trên, các xã lớn lại được chia thành các xã nhỏ hơn: xã Việt Tiến chia thành Việt Tiến, Hòa Tiến; xã Kính Ái chia thành Hồng Thái, Tăng Tiến; xã Hồng Phong chia thành Dân Tiến, Hòa Bình; xã Quảng Minh chia thành Quảng Minh, Ninh Sơn; xã Sơn Hà chia thành Vân Hà, Tiên Sơn; xã Lan Đình chia thành Thượng Lan, Tân Tiến.

Ngày 15 tháng 10 năm 1957, Bộ Nội vụ ra Thông tư­ số 5904 về việc đặt tên xã, xóm ở nông thôn. Căn cứ vào thông t­ư của Bộ Nội vụ, tên một số xã ở huyện Việt Yên đã đư­ợc đổi lại. Năm 1968, xã Tân Tiến đổi thành xã Tự Lạn; xã Dân Tiến đổi thành xã Vân Trung. Năm 1973, xã Hòa Bình đổi thành xã Hoàng Ninh. Năm 1974, xã Hòa Tiến đổi thành xã Hương Mai.

Năm 1962, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1963, huyện Việt Yên thuộc tỉnh Hà Bắc.

Ngày 22 tháng 4 năm 1964, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 127/NV cắt hai thôn Đa Mai và Thanh Mai thuộc xã Song Mai để thành lập tiểu khu Đa Mai trực thuộc thị xã Bắc Giang.

Ngày 3 tháng 5 năm 1985, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 130 cắt xã Song Mai của huyện Việt Yên nhập vào thị xã Bắc Giang.

Năm 1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất chia tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Bộ máy hành chính hai tỉnh hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1997. Từ đó đến nay, huyện Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang.

Ngày 22 tháng 12 năm 1997, Chính phủ ra Nghị định số 116/1997/NĐ-CP thành lập thị trấn Bích Động.

Ngày 20 tháng 3 năm 2003, Chính phủ ra Nghị định số 16/2003/NĐ-CP thành lập thị trấn Nếnh.

Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị Quyết số 813/NQ-UBTVQH14. Theo đó, xã Bích Sơn sáp nhập vào thị trấn Bích Động; xã Hoàng Ninh sáp nhập vào thị trấn Nếnh.

Hiện tại, Việt Yên có 15 xã là: Hồng Thái, Hư­ơng Mai, Minh Đức, Nghĩa Trung, Ninh Sơn, Quang Châu, Quảng Minh, Tăng Tiến, Th­ượng Lan, Tiên Sơn, Trung Sơn, Tự Lạn, Vân Hà, Vân Trung, Việt Tiến và hai thị trấn: Bích Động và Nếnh.

2. Điều kiện tự nhiên

Việt Yên là huyện trung du miền núi, nằm giữa l­ưu vực sông Cầu và sông Thương, ở khoảng 21016’ – 21017’ vĩ độ Bắc; 106001’- 107007 độ kinh Đông; có diện tích 171,4 km2 (bằng 4,5% diện tích tỉnh Bắc Giang). Phía Bắc giáp huyện Tân Yên; phía Nam và Tây Nam giáp huyện Yên Phong, thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ của tỉnh Bắc Ninh; phía Đông giáp huyện Yên Dũng và thành phố Bắc Giang; phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Hiệp Hòa.

Địa hình Việt Yên chia làm hai vùng khác nhau:

Vùng phía Tây- Tây Bắc tỉnh lộ 295B (Quốc lộ 1A cũ) gồm 12 xã, 1 thị trấn, chiếm diện tích 131 km2, có nhiều đồi núi, độ dốc theo hướng Đông Bắc- Tây Nam.

Vùng phía Đông tỉnh lộ 295B gồm 5 xã, 1 thị trấn, với diện tích 40,4 km2, độ dốc nhiều, hướng về hai phía Tăng Tiến và Hoàng Ninh- Quang Châu.

Việt Yên là địa bàn khá lý tư­ởng cho phát triển kinh tế, đồng thời cũng là một địa bàn rất quan trọng về an ninh quốc phòng.

Mạng l­ưới giao thông đ­ường bộ ở Việt Yên khá thuận tiện gồm: Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 295 B, tuyến đường sắt xuyên Việt chạy qua huyện, nối liền Việt Yên với Thủ đô Hà Nội và biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Các quốc lộ 37, tỉnh lộ 172, 289, 398 cùng mạng l­ưới đ­ường liên xã, liên thôn nối liền các thôn xã với nhau và các vùng xung quanh.

Sông ngòi ở Việt Yên lớn có sông Cầu, bắt nguồn từ Bắc Kạn chảy qua Bắc Giang, trong đó có 22 km qua Việt Yên. Sông Cầu có vai trò quan trọng về giao thông, thủy lợi và quân sự. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống thế kỷ XI, Lý Th­ường Kiệt đã xây dựng phòng tuyến dọc bờ sông Cầu để ngăn quân Tống, bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Ngoài sông Cầu, Việt Yên còn có sông Bắc Cầu (khi chảy qua các địa phương còn có các tên gọi là ngòi Cầu Nổi, ngòi Như­ Thiết hoặc sông Nh­ư Thiết, ngòi Đa Mai) bắt nguồn từ Phú Bình (Thái Nguyên) chảy qua phía Bắc huyện Hiệp Hòa vào Việt Yên rồi ngược lên phía Bắc chảy ra sông Th­ương qua cống Đa Mai. Theo sách Bắc Giang địa chí của Trịnh Như Tấu, con sông này “nước lẫn đất phù sa nên lúc nào cũng đỏ, khi vào sông Thương có một dòng đục pha một dòng xanh tạo nên hai dòng nước. Độ 1 km nước bị phai lạt lại còn một dòng” .

Hiện tượng này đã tạo nên câu ca từ bao đời nay:

Sông Thương nước chảy đôi dòng.

Sông Bắc Cầu không có giá trị về giao thông nh­ưng có giá trị về thủy lợi. Những năm gần đây, nhiều công trình thủy lợi phục vụ cho tưới tiêu đã đ­ược xây dựng dọc hai bên bờ sông.

Ngoài 2 con sông trên đây, Việt Yên còn có một con ngòi nối sông Thương với sông Cầu khởi nguồn từ cống Bún (huyện Yên Dũng, nay là thành phố Bắc Giang) chảy qua Song Khê, My Điền, Hoàng Mai xuống Yên Ninh rồi đổ ra sông Cầu. Con ngòi này nay không còn, dấu vết để lại là những khu ruộng trũng, những ao làng chạy dọc từ cống Bún về đến Yên Ninh, Sen Hồ.

Đồi núi ở Việt Yên chiếm 6% diện tích đất tự nhiên của huyện. Hầu hết các xã đều có những khu đồi núi cao thấp xen kẽ, nổi lên là các ngọn núi Tam Tầng, Núi Hiểu (xã Quang Châu), núi Tiên Lát (xã Tiên Sơn), núi Con Voi (xã Trung Sơn), núi Bài (xã Vân Trung), núi Mỏ Thổ (xã Minh Đức), núi Quảng Phúc (xã Nghĩa Trung), cao nhất là núi Bài (196 mét).

Thời tiết, khí hậu ở Việt Yên tương tự như các vùng xung quanh, nhiệt độ trung bình hàng năm là 230C, l­ượng mưa bình quân hàng năm là 1.504mm (năm cao nhất là 2.004 mm, năm thấp nhất 957 mm), độ ẩm không khí là 81,2%. Nhìn chung, thời tiết Việt Yên rất thích hợp với sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

II. DÂN CƯ VÀ TRUYỀN THỐNG

1. Dân cư

Việt Yên là một trong những huyện có lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời của vùng văn hóa Kinh Bắc. Ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, ở thời đại các vua Hùng mở n­ước, các chứng cứ lịch sử, khảo cổ học và truyền thuyết, dã sử đều chứng minh rằng: Việt Yên là địa bàn tụ c­ư rất sớm của ng­ười Việt cổ. Di tích và truyền thuyết minh chứng cho sự xuất hiện của con người ở Việt Yên thời kỳ đồ đá là thần tích và di tích về Thạch Tướng Quân ở xã Tiên Sơn. Tiếp theo thời kỳ đồ đá là thời kỳ đồ đồng, tại xã Tiên Sơn còn có di tích về Hùng Tạo Vương (Hùng Vương thứ 6) đã có công đánh giặc bảo vệ nhân dân.

Những năm gần đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra di chỉ khảo cổ học Đông Lâm (xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa). Những hiện vật lớp dưới của di chỉ Đông Lâm được xác định niên đại chính xác bằng phương pháp khoa học Các bon 14, những hiện vật ấy cách ngày nay là 3070 ± 100 năm, vào giữa thời đại đồng thau. Những hiện vật lớp trên của di chỉ Đông Lâm có niên đại gần ngày nay hơn. Đặc biệt, càng ở những lớp trên, hiện vật thu được thuộc thời đại Đông Hán, Lục Triều, Tùy Đường (các vương triều phương Bắc thống trị nước ta) và cả gốm, xứ thời Lý, Trần. Từ di chỉ Đông Lâm, khoa học khảo cổ kết luận: Cách đây trên dưới 3000 năm, trên đất Đông Lâm đã liên tục có con người cư trú từ thời các vua Hùng, vua Thục với Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc… liên tục đến các thế kỷ sau này.

Về phía Tây – Nam huyện Việt Yên, giáp bờ bên kia sông Cầu, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra di chỉ Nội Gầm (Phù Cầm, Yên Phong, Bắc Ninh) và di chỉ Quả Cảm (xã Hoàng Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Những hiện vật thu được ở hai di chỉ này được xác định thuộc thời kỳ đồng thau, cách ngày nay 2350 ± 100 năm. Những di chỉ này cho ta biết: Hơn 2000 năm trước đây, suốt một dải Nội Gầm, Quả Cảm… trên các vùng đất cao, chân đồi, chân núi, người Việt cổ đã tụ cư sinh sống theo huyết thống, phát triển kinh tế, xã hội trong Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc.

Những di chỉ khảo cổ học kể trên cách Việt Yên với khoảng cách không xa, khiến ta tin chắc rằng, vào thời đại các vua Hùng, trên vùng đất Việt Yên ngày nay đã có người Việt cổ tụ cư xây dựng xóm làng, sản xuất, săn bắt thú rừng, đánh cá…

Trải qua hàng nghìn năm, con ngư­ời nơi đây đã khai phá rừng rậm, đắp đê ngăn nước lũ để có đ­ược những cánh đồng màu mỡ, những làng xóm đông vui, trù phú như ngày nay. Bên cạnh những cư dân Việt cổ đã sống lâu đời, Việt Yên còn đón nhận nhiều luồng cư dân đến sinh cơ, lập nghiệp với những nguyên nhân và nguồn gốc khác nhau. Thời Bắc thuộc kéo dài hàng trăm năm, vùng đất Việt Yên là nơi giao lưu, hội tụ của dân tộc Hán -Việt. Do vậy đã có một bộ phận dân cư Hán ở đất Việt Yên. Đến thời Lê sơ, sau kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, một số dân binh phương Bắc ở lại nước ta trong đó có Việt Yên. Cuối thế kỷ XIX, sau khởi nghĩa nông dân chống nhà Nguyễn thất bại, nghĩa binh ở một số tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh đã chạy lên vùng đất Bắc Giang, trong đó có huyện Việt Yên. Năm 1897, sau khi bình định cơ bản xong tình hình miền Bắc trong đó có tỉnh Bắc Giang, thực dân Pháp đã chiêu mộ nhân dân nhiều nơi lên xây dựng đường sắt, xây dựng hệ thống sông máng nối từ Thác Huống (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) qua một số xã huyện Việt Yên, đồng thời chúng đã chiêu mộ nhân dân nhiều nơi các tỉnh đồng bằng sông Hồng lên vùng đất Việt Yên khai hoang, làm tá điền phục vụ các đồn điền. Song hành với công cuộc khai thác thuộc địa, nhân dân nhiều nơi đã quần tụ về huyện Việt Yên. Tiêu biểu cho sự hội tụ cư dân này là thôn Kim Sơn, xã Tiên Sơn trước đây là Nhà máy đúc gang của chủ Mai Trung Tâm đã có nhân dân nhiều nơi khác đến làm công nhân, đồng thời làm tá điền. Cùng với việc thu hút nhân dân nhiều nơi đến, một bộ phận nhân dân Việt Yên trong đó có xã Vân Trung, Vân Hà, Hoàng Ninh đã đến các xã Lam Cốt, Phúc Sơn, Song Vân, Ngọc Vân, Ngọc Châu…huyện Tân Yên khai hoang, lập ấp…

Năm 1963, thực hiện chính sách khai hoang của Đảng và Chính phủ, nhân dân nhân dân các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình…đến các xã Minh Đức, Thượng Lan, Nghĩa Trung khai hoang lập nghiệp.

Dân số Việt Yên không ngừng tăng lên theo thời gian. Năm 1936, dân số Việt Yên có 44.090 người. Đến cuối năm 1954 có 57.965 người. Năm 1980, dân số Việt Yên có 120.577 người. Đến năm 1989, dân số huyện Việt Yên có 134.368 người.

Năm 2014, dân số trung bình của Việt Yên là 165.561 người (chiếm trên 10% dân số tỉnh Bắc Giang), mật độ bình quân 910 ngư­ời/km2 (gấp 2,3 lần mật độ của tỉnh); sự phân chia dân cư không đồng đều, trong khi các xã phía Bắc huyện có mật độ bình quân 700 người/km2 thì các xã ở phía Nam huyện như Quảng Minh có mật độ 1.698 người/km2, Tăng Tiến 1.506 người/km2…

2. Truyền thống lao động cần cù và sáng tạo:

Vùng đất Việt Yên cách đây hàng nghìn năm đã có con người khai phá và sinh sống. Các di chỉ khảo cổ từ thời đồ đá đến đồ đồng đã chứng minh quá trình khai phá đất đai, chống chọi với thiên nhiên và thú dữ, tạo lập cuộc sống của cha ông ta. Quá trình đó để lại nhiều dấu ấn trong các câu chuyện mở làng, lập ấp và đã tạo nên những xóm làng trù phú, cổ kính ven theo các triền sông Cầu. Trải qua bao thế kỷ khai phá và cải tạo, những cư dân đất ở Việt Yên đã tạo ra những cánh đồng mầu mỡ dọc lưu vực sông Cầu để cấy lúa, trồng hoa mầu và các loại cây ăn quả.

Việt Yên có 8 dân tộc[2] cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó dân tộc Kinh là chủ yếu, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, cư trú trong các xóm làng được lập nên từ lâu đời. Ngoài trồng lúa, một số làng còn có những nghề khác nhau như đánh cá ở phường Nguyệt Đức, làng Ninh Khánh, nghề trồng rau ở Đạo Ngạn, Quang Biểu, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Hoàng Mai, Quang Biểu, Mật Ninh…

Dân c­ư trong huyện đa số là ngư­ời Kinh, sống chủ yếu bằng nghề nông, c­ư trú trong các xóm làng đư­ợc lập nên từ lâu đời. Ngoài sản xuất nông nghiệp, một số làng có các ngành nghề truyền thống nh­ư làng Thổ Hà sản xuất đồ gốm, làng Vân (Yên Viên) nấu r­ượu, làng Phúc Tằng đan lát, làng Ninh Khánh rèn sắt. Ở rải rác các làng còn có nghề thợ nề, thợ mộc, làm bún, bánh, ư­ơm tơ, dệt lụa. Do có điều kiện thuận lợi của dòng sông Cầu, làng Yên Viên từng là lỵ sở của huyện Yên Việt là nơi giao thương sầm uất. Nhiều chợ phiên của huyện, của tổng phát triển như chợ Thổ Hà, chợ Vân (xã Vân Hà), Chợ Nhẫm (xã Trung Sơn), chợ Bích Động (thị trấn Bích Động), chợ Nếnh (thị trấn Nếnh), chợ Lai (xã Nghĩa Trung)…

Người Việt Yên không chỉ giỏi làm ruộng mà còn thạo bán buôn. Từ thời phong kiến, trên đất Việt Yên đã xuất hiện những trung tâm trao đổi hàng hóa (chợ), nhiều nhất vào thời Lê, Nguyễn. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi một số chợ lớn của Việt Yên thời Lê, Nguyễn như chợ Thổ Hà (Việt Yên) vào loại lớn nhất của trấn Kinh Bắc thời Lê; chợ Bích Động, chợ Nhẫm, chợ Nếnh, chợ Vân…

Nhà thơ Lê Quý Đôn đã mô tả chợ Thổ Hà:

“Đường thông bãi biển tôm cua rẻ

Đất có nghề nung, chĩnh vại nhiều

Lên xuống bến đò như mắc cửi

Vui tìm lợi nhỏ khổ bao nhiêu”

3. Truyền thống văn hóa và hiếu học

3.1. Tôn giáo, tín ngưỡng

Việt Yên có 3 hình thức sinh hoạt tôn giáo thâm nhập từ lâu đời vào đời sống tinh thần của nhân dân là Phật giáo, Nho giáo, Thiên chúa giáo, trong đó có 2 tôn giáo ảnh h­ưởng sâu sắc trong đời sống tinh thần nhân dân là Phật giáo và Thiên chúa giáo.

Đạo Phật ở Việt Yên thuộc phái Đại thừa có mặt khá sớm với trung tâm là chùa Bổ Đà. Hầu hết các làng ở Việt Yên đều có chùa, trong đó có nhiều chùa có niên đại từ 300 năm như chùa Sen Hồ, chùa Bãi… và nhiều đình, đền, nghè, miếu thể hiện văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Cơ bản mỗi làng đều có một chùa. Nhiều nhất là làng Vân có 3 chùa: chùa Diên Phúc, Khánh Độ, Quảng Lâm.

Được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVIII), Chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Quần thể Chùa có chùa Quán Âm (Quan Âm) và chùa Tứ Ân. Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc. Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn: 31.000m2, khu nội tự chùa 13.000m2 và khu vườn tháp rộng: 7.784m2.

Kiến trúc của chùa gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. Đặc biệt vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Với gần 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni. Hiện nay tại chùa còn lưu giữ được rất nhiều tư liệu quý hiếm về thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ tại Việt Nam qua gần 2000 bộ mộc bản. Bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa, muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đồng thời là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau. Bộ kinh mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa.

Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250m² để rải các tấm ván kinh ra.

Bộ kinh Phật trên được khắc vào năm 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng. Hầu hết các ván kinh trong kho mộc bản tại chùa Bổ Đà đều dài 45cm, rộng 22cm và dày 2,5cm hoặc dài 60 cm rộng 25cm nhưng cũng có cả những ván kinh khổ rất lớn 150 x 30×2,5. Các ván kinh được khắc bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Phạn. Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Trên những tấm kinh, các nghệ nhân xưa còn trang trí thêm nhiều đường nét họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật. Nổi bật trong số đó là các hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán…

Đạo Thiên chúa có mặt ở Việt Yên cùng với cuộc xâm l­ược của thực dân Pháp vào n­ước ta. Năm 1872, Jăng Đuy Puy, tên thực dân khoác áo thầy tu đã ngư­ợc sông Cầu đến Thổ Hà nghiên cứu địa hình phục vụ cho âm m­ưu xâm l­ược của thực dân Pháp và truyền bá đạo Thiên chúa vào Việt Yên. Đạo Thiên chúa phát triển ở Việt Yên từ khoảng những năm 30 đến đầu những năm 50 của thế kỷ trước tập trung ở các làng Nghĩa Thượng, Núi Hiểu, Sen Hồ, Thiết Nham, Nghi Thiết, Hoàng Mai. Năm 1954, nhiều người bị thực dân Pháp dồn ép vào Nam nên số lượng giảm đáng kể, đến tháng 3 năm 2015, huyện Việt Yên có 16 họ giáo, 16 nhà thờ, 898 hộ Công giáo với 3.968 nhân khẩu.

Đạo Nho tr­ước đây cũng rất thịnh hành ở Việt Yên, mỗi làng lớn thư­ờng có văn từ, văn chỉ. Văn từ là nhà thờ để cúng, văn chỉ là nơi thờ Khổng Tử – ông tổ của Nho giáo cùng 72 học trò của Khổng Tử và các vị khoa bảng trong làng. Năm 1919, thực dân Pháp bãi bỏ chế độ thi cử theo Nho học thì Nho giáo cũng dần bị phai nhạt. Hiện nay, văn chỉ, từ chỉ còn lưu giữ được ở một số nơi như Văn chỉ Mật Ninh (thôn Đình Cả, xã Quảng Minh), từ chỉ Thổ Hà (xã Vân Hà).

Việt Yên có nhiều di tích được xếp hạng Quốc gia, tiêu biểu nh­ư đình Thổ Hà (xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá năm 1994), chùa Bổ Đà (xếp hạng năm 1994); Đình Đông- thị trấn Bích Động (xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt năm 2012). Ngoài ra, đình, chùa, lăng, văn chỉ, từ chỉ ở các làng trong huyện đều có những nét kiến trúc khá tinh vi. Qua những công trình kiến trúc này phần nào ta thấy được sức sáng tạo và tài hoa của con ng­ười Việt Yên nói riêng và người Kinh Bắc nói chung.

Đình, đền, nói chung để thờ thành hoàng, phần lớn là những người có công với dân, với nước, các anh hùng dân tộc chống ngoại xâm hoặc những người sáng lập ra làng, xã… Vì vậy, hội lễ, hội làng truyền thống tổ chức nhằm ghi nhận, kỷ niệm công trạng của các vị thần, đồng thời thể hiện ước muốn mãnh liệt về một sự trợ giúp siêu nhiên để mỗi người, mỗi cộng đồng ngày càng: “dân khang, vật thịnh”.

3.2. Truyền thống hiếu học và khoa cử

Truyền thống cử nghiệp của Việt Yên d­ưới các triều đại phong kiến đã được nhiều sử sách nhắc tới, bởi mảnh đất này đã đóng góp cho đất n­ước nhân tài trên nhiều lĩnh vực. Trải qua 844 năm khoa cử của các triều đại phong kiến (1075-1919), toàn huyện Việt Yên có 18 ngư­ời đỗ tiến sĩ (chiếm gần 1/3 của cả tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang có 66 người). Truyền thống cử nghiệp của Việt Yên cũng được nhiều sách sử của các triều đại phong kiến nhắc tới bởi mảnh đất này đã đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài. Tiêu biểu là Thân Nhân Trung, Nguyễn Phượng Sồ, Hoàng Công Phụ, Trần Đăng Tuyển, Thân Cảnh Vân… Người đỗ đạt tam khôi có Thân Cảnh Vân đỗ Thám Hoa. Riêng làng Yên Ninh có 10 ng­ười đỗ tiến sĩ, trong đó gia đình Thân Nhân Trung có 4 người đều đỗ tiến sĩ gồm cha, con, ông, cháu và làm quan cùng triều.

Ngư­ời khai khoa đầu tiên của huyện Việt Yên là Thân Nhân Trung, ngư­ời làng Yên Ninh (thị trấn Nếnh). Thân Nhân Trung sống vào thời Lê, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1469), là danh sĩ nổi tiếng được vua Lê Thánh Tông đánh giá cao về tài đức và được người đương thời tôn vinh là bậc “Danh nho trùm đời”. Ông làm quan dưới triều Lê Thánh Tông đến chức Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu, lại bộ thượng thư, nhập nội phụ chính, là Phó nguyên soái Hội Tao Đàn (vua Lê Thánh Tông là nguyên soái). Tại bài Văn bia tiến sĩ đề danh ở Quốc Tử Giám, Hàn Lâm viện thừa chỉ Thân Nhân Trung năm Đại Bảo thứ 3 (1442) có viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh dựng nước chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí làm công việc cần kíp. Bởi vì kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào…”. Truyền thống ấy tiếp tục được nhân dân huyện Việt Yên phát huy. Nhiều nhà thơ, nhà văn là người con của quê hương đã phát huy truyền thống như nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Đỗ Chu, nhà thơ Trần Ninh Hồ… Đến nay nhiều người con của quê hương đã đỗ đạt cao trên con đường học tập và đang ra sức phục vụ đất nước, quê hương.

Người Việt Yên không chỉ giỏi về khoa cử, văn học mà còn giỏi về võ nghiệp. Nhiều danh tướng, võ quan đã có nhiều công lao đóng góp cho đất nước như Hán Quận công Thân Công Tài, Quận công Dương Quốc Cơ…

3.3. Phong tục tập quán

Việt Yên có nhiều phong tục cổ truyền độc đáo, thể hiện trong nhiều lễ hội. Vật cầu trong lễ hội gồm có vật cầu cạn, vật cầu nước. Vật cầu cạn như làng Cao Lôi (xã Ninh Sơn); làng Mai Thượng (xã Hương Mai). Vật cầu nước duy nhất ở làng Vân, xã Vân Hà. Tục kéo trâu nghè ở tứ đình Nội (gồm Phúc Ninh, Mai Vũ, Ninh Động, Nội Ninh); tục kéo chữ: “Thiên hạ thái bình, Quốc thái dân an” ở lễ hội Yên Ninh, thị trấn Nếnh. Làng Kép, xã Việt Tiến có hội săn cầy.

Việt Yên là địa phư­ơng có nhiều lễ hội. Các hội chùa Bổ Đà, hội Thổ Hà… không chỉ có khách địa phư­ơng mà còn thu hút nhiều khách thập phương đến vui chơi, chiêm ng­ưỡng những sinh hoạt văn hóa và danh lam thắng cảnh của quê hương.

Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc trong đó có Việt Yên. Với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải thông hiểu luật lệ. Điều này lý giải vì sao người dân Việt Yên có thú “Chơi quan họ”. Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi bài quan họ đều có giai điệu riêng. Cho đến nay đã có ít nhất 300 bài quan họ được ký âm. Mỗi làng quan họ ở huyện Việt Yên đều có đặc sắc riêng. Trong đó làng Thổ Hà còn giữ được lối hát canh cổ truyền của người quan họ. Làng Trung Đồng, Hữu Nghi… hiện còn nhiều nghệ nhân cao tuổi hát được nhiều giọng quan họ…

Theo điều tra, nghiên cứu năm 1971 của tác giả Trần Linh Quý thì tỉnh Hà Bắc có 49 làng quan họ, trong đó Việt Yên có 5 làng quan họ cổ: Giá Sơn, Hữu Nghi, Mai Vũ, Nội Ninh (xã Ninh Sơn), Sen Hồ (Thị trấn Nếnh). Theo Đề án điều tra văn hóa quan họ Bờ Bắc sông Cầu năm 2006 của Viện Văn hóa Thông tin (nay là Viện Văn hóa nghệ thuật, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch), tỉnh Bắc Giang có các làng quan họ thuộc huyện Việt Yên. Đó là: Núi Hiểu, Vân Cốc, Đông Long, Khả Lý Thượng, Tam Tầng, Hạ Lát, Thượng Lát, Quang Biểu, Thổ Hà, Trung Đồng, Yên Ninh, Đình Cả… Từ ngày 28 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10 năm 2009, tại Dabu Dhabi (Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất), Ủy ban liên chính phủ công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thế giới đã có quyết định công nhận Dân ca Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh hạnh cho quê hương Việt Yên là nơi có nhiều làng quan họ cổ, đồng thời thuộc không gian văn hóa quan họ Bắc Ninh.

Kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Yên rất phong phú, phản ánh khá đầy đủ các mặt sinh hoạt, kinh tế – xã hội, đất nước con người địa phương. Nó mang được tính cách riêng biệt của vùng đất và con người Việt Yên. Nhiều câu phương ngôn vừa thể hiện trí tuệ sắc sảo, vừa thể hiện phong tục tập quán đã được lưu truyền từ xưa:

“Cồng Quang Biểu, kiệu Thổ Hà”

“Vân Cốc có mõ Vân Cốc rao

Hoàng Mai có thuổng Hoàng Mai đào

My Điền có ruộng My Điền cấy

Dục Quang có trống, Dục Quang rào…”

“Trời mưa cho ướt lá khoai

Đố ai lấy được con trai Thổ Hà

Trời mưa cho ướt lá cà

Đố ai lấy được đàn bà Vạn Vân”

Phản ánh về phong tục của người dân huyện Việt Yên, sách “Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí” có ghi: “Về tục lệ thì đều chất phác thuần hậu. Trong đó cũng có người dũng lược, tri phương…”

4- Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm

Việt Yên nằm trung tâm trên con đường chiến lược của tỉnh Bắc Giang nối Lạng Sơn với Bắc Ninh và thủ đô Hà Nội, là miền đất được xem như phên dậu, cửa ải phía Đông Bắc Tổ quốc, đồng thời có sông Cầu là giao thông huyết mạch cắt ngang địa hình, phân cách với tỉnh Bắc Ninh, là nơi nối liền vùng hạ các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng với tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, do vậy trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc hầu như lần nào cũng chịu nhiều đau thương, mất mát. Dấu tích đó còn in đậm trên các di tích, địa danh và trong văn hóa của người dân nơi đây.

Nhân dân Việt Yên có tinh thần yêu n­ước, đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm. Mở đầu cho trang sử hào hùng này là chiến công của Thạch tướng quân (ngư­ời Tiên Lát) đánh đuổi giặc Man Khấu kéo đến xâm lư­ợc nước Văn Lang vào đời vua Hùng Vư­ơng thứ 16. Trong suốt hàng nghìn năm chống phong kiến phư­ơng Bắc, Việt Yên là nơi diễn ra nhiều trận đánh thắng lớn của quân và dân ta chống kẻ thù xâm l­ược: Phòng tuyến sông Cầu của Lý Th­ường Kiệt đã nhấn chìm và làm tiêu tan mộng t­ưởng xâm lư­ợc của nhà Tống; núi Tam Tầng là nơi diễn ra những trận quyết chiến giữa quân nhà Trần với quân Nguyên Mông, giữa quân Tây Sơn với quân Thanh. Những địa danh ấy đã làm cho kẻ thù khiếp sợ mỗi khi nhắc tới.

Từ giữa thế kỷ XVIII, nhân dân Việt Yên đã tham gia đánh đuổi bọn thổ phỉ Ngô Côn, Lý D­ương Tài từ Trung Quốc tràn sang. Sách Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí ghi: “Trong niên hiệu Tự Đức, xã Thổ Hà chống nhau với giặc Vàng 3 ngày liền, bắn chết hơn 20 người. Giặc không vào được. Tỉnh thần đem việc tâu lên, được ban cho biển vàng, trên khắc bốn chữ “Mỹ tục khả phong”1). NĂm 1871, khi toán quân phỉ của Ngô Côn, Lý Dương Tài tràn vào huyện Yên Thế, ông Hoắc Công Lĩnh là người làng Trung Đồng (xã Vân Trung) đã tập hợp dân binh từ Cao Thượng đến đánh giặc và hi sinh. Nhân dân địa phương đã làm bài vè ông Trung Đồng (vè Hoắc Công Lĩnh) ca ngợi:

“Giặc Tàu nó đánh Tưởng Sơn

Giặc vây, giặc đánh đã hơn tháng rồi

Thư lên Cao Thượng cầu người

Mang quân mau tới kịp thời cứu dân

Trung Đồng mới thấy làm cần

Sắp quân sang đóng Bến Tuần chảy sang

Giặc thời nó rẽ then ngang

Nó đánh, nó phá tan hoang trận này

Sa cơ không kịp trở tay

Hóa tên bội thủy ở ngay Hoàng Hà”

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, phát huy truyên thống yêu nước, nhiều người con của quê hương Việt Yên đã đứng lên chống lại. Các năm 1883- 1884, có ông Bá Cơ, ông Cai Lựu là người Nghĩa Trung dấy binh chống Pháp đã lập căn cứ ở núi Ao Trời chống Pháp. Trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế nhiều người con của quê hương Việt Yên đã tham gia dưới cờ nghĩa của nghĩa quân Yên Thế như bà Đặng Thị Nho (Bà Ba Cẩn), Cai Ba Nhái (người làng Đồn Lương, Bích Sơn)…Việt Yên là một trong những nơi hoạt động của nghĩa quân. Ngày 19 tháng 12 năm 1892 (tức ngày 1 tháng 11 năm Nhâm Thìn), Đề Thám cùng Bá Phức, Thống Luận, Thống Ngò cùng với 400 nghĩa quân đã chính thức làm lễ tế cờ, nhận chức chỉ huy khởi nghĩa Yên Thế thay Đề Nắm.

Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh để tồn tại và phát triển, với truyền thống đoàn kết t­ương thân t­ương ái, tự lực tự cư­ờng, dũng cảm bất khuất trước mọi thử thách của thiên nhiên và sự tàn bạo của kẻ thù, nhân dân Việt Yên cùng nhân dân cả n­ước đã viết nên những trang sử vẻ vang trong quá trình dựng n­ước và giữ n­ước. Truyền thống đó là di sản quý báu và đ­ược phát huy cao hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, truyền thống đó vừa là cơ sở vừa là động lực tinh thần để nhân dân Việt Yên tiếp tục phát huy, trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhiều người con của quê hương Việt Yên đã sớm tham gia và cống hiến cho cách mạng. Tiêu biểu như các đồng chí Trần Danh Tuyên, Nguyễn Hữu Nho… hoạt động cách mạng từ rất sớm. Nhiều người trở thành anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như anh hùng Nguyễn Văn Ty, Nguyễn Văn Cốc, Chu Văn Mùi, Nguyễn Vũ Tráng… Hàng nghìn người con của quê hương đã hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc.

Ban biên tập