Phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội

Dưới đây là những hướng dẫn của Nhà giáo Trần Hinh, khoa Văn học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội – ĐH QGHN về cách làm một bài văn nghị luận xã hội.

Nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống. Đề tài của dạng bài nghị luận xã hội cũng hết sức rộng mở. Nó gồm tất cả những vấn đề về tư tưởng, đạo lí, một lối sống đẹp, một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày, vấn đề thiên nhiên môi trường, vấn đề hội nhập, toàn cầu hoá…Nghĩa là, ngoài những tác phẩm nghị luận văn học (lấy tác phẩm văn học, nhà văn làm đối tượng), tất cả các dạng văn bản viết khác đều có khả năng được xếp vào dạng nghị luận xã hội, chính trị.

Thí sinh cần phải nắm vững các vấn đề sau:

+ Phát huy mọi loại kiến thức, trong nhà trường cũng như trong cuộc sống để so sánh, phát triển, vận dụng vào bài viết sao cho phong phú, sâu sắc, đầy đủ, cô đúc nhất.

+ Phải chủ động, mạnh dạn trong khi viết bài, vì không giống với nghị luận văn học, nói chung người viết có thể dựa vào bài học có sẵn, hoặc được thầy cô giáo hướng dẫn, bài nghị luận xã hội hoàn toàn buộc người viết phải chủ động đề xuất chính kiến của mình, có thể đúng hay chưa đúng, được số đông chấp nhận hay không chấp nhận, miễn là nó thuyết phục được người đọc bằng những lí lẽ xác đáng.

+ Dạng câu hỏi nghị luận xã hội chỉ được cho tối đa 3 điểm, nên dung lượng bài viết cũng không nên quá dài. Trong yêu cầu cụ thể, đề thi có thể ghi rõ bài viết không vượt quá 600 từ, nghĩa là với khổ giấy thi được sử dụng chính thức như hiện nay, chỉ cần không quá 2 trang, viết ngắn quả là khó hơn viết dài, thí sinh cần phải chú ý thời gian để không bị phân tán tư tưởng, tránh ảnh hưởng đến phần bài làm khác. Để giúp học sinh làm quen với dạng đề thi này, chúng tôi xin dẫn dưới đây một số câu hỏi tiêu biểu (mặc dù với dạng đề thi này, ở trường, học sinh đã được dành thời gian và luyện tập nhiều).

Cấu trúc của bài nghị luận

Một bài nghị luận xã hội dù dung lượng không dài cũng vẫn phải đảm bảo cấu trúc của một bài làm văn, nghĩa là vẫn phải có mở đầu, thân bài và kết luận. Phần mở bài cần phải nêu được vấn đề trọng tâm mà đề ra yêu cầu. Phần thân bài, phải triển khai tiếp các luận điểm đã được nêu ra ở phần một, và cuối cùng, phần kết luận, người viết phải đưa ra tổng kết của cá nhân mình về vấn đề đã nêu, đúng hay sai? Bài học nào được rút ra cho cá nhân người viết? Tóm lại, với một bài nghị luận xã hội, bố cục chung của bài làm nên lần lượt triển khai theo các bước sau đây:

• Ý 1: Nêu và giải thích ý kiến câu hỏi đề thi.

• Ý 2: Bàn luận mở rộng về ý kiến câu hỏi đề thi.

• Ý 3: Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân và cho mọi người.

Ví dụ sau đây sẽ giúp các bạn hình dung rõ hơn về cách làm bài nghị luận xã hội

Đề bài:Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu (đề thi ĐH, khối C, 2012).

Đáp án sơ lược:

1. Giải thích ý kiến

– Kẻ cơ hội là người lợi dụng thời cơ để mưu cầu lợi ích trước mắt, bất kể việc làm đúng hay sai; người chân chính là người luôn biết sống đúng với thực chất và phù hợp với những giá trị xã hội; thành tích là những kết quả được đánh giá tốt; thành tựu là những thành quả có ý nghĩa lớn, thường chỉ đạt được sau một thời kì phấn đấu lâu dài.

– Về nội dung, đây là ý kiến chỉ ra sự đối lập về lối sống và cách hành xử trong công việc giữa loại người cơ hội và chân chính.

2. Bàn luận về ý kiến

* Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích

– Do thói vụ lợi, bất chấp đúng sai nên trong công việc, kẻ cơ hội không cầu kết quả tốt, mà chỉ cầu được đánh giá tốt. Kẻ nào càng vụ lợi thì lại càng nôn nóng có được thành tích. Bởi thế, loại người này thường chỉ tạo ra những thành tích giả.

– Về thực chất, cách hành xử ấy là lối sống giả dối khiến cho thật giả bất phân, làm băng hoại các giá trị về đạo đức; lối sống cơ hội này đã khiến bệnh thành tích lan tràn như hiện nay.

* Người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu

– Coi trọng chất lượng thật, kết quả thật là đức tính của người chân chính. Bởi thế loại người này thường kiên nhẫn trong mọi công việc để tạo nên những kết quả thực sự, những thành quả có ý nghĩa lớn. Đối với họ chỉ có những thành quả thực sự mới tạo nên giá trị thực của con người, dù có khi phải trả giá đắt.

– Về thực chất, cách hành xử ấy thuộc về lối sống chân thực, biểu hiện của những phẩm chất cao quý; giúp tạo nên những thành quả thực, những giá trị đích thực cho mình và cộng đồng, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên.

3. Bài học về nhận thức và hành động

– Cần nhận thức rõ đây là hai kiểu người đối lập nhau về nhân cách: một loại người tiêu cực thấp hèn cần phê phán, một mẫu người tích cực cao cả cần trân trọng.

– Cần noi theo lối sống của những người chân chính, luôn coi trọng những kết quả thật và kiên nhẫn phấn đấu để lập nên những thành tựu; đồng thời lên án lối sống cơ hội, nôn nóng chạy theo thành tích giả.

Nhà giáo Trần Hinh, khoa Văn học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội