Đấu thầu quốc tế là gì? Khái quát các quy định về đấu thầu quốc tế?

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với đường lối đối ngoại mở rộng theo phương châm Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới thì Việt nam đã và đang mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó một lĩnh vực rất quan trọng phải nói tới là hợp tác trong lĩnh vực đấu thầu. Trên cơ sở hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, sự hiện diện của nhà thầu nước ngoài trong hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nói chung và trong hoạt động thầu các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước nói riêng là yếu tố khách quan, tạo nên nét đặc thù trong hoạt động đấu thầu, là cơ sở hình thành các quy định riêng của luật đấu thầu về đấu thầu quốc tế.

Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

1. Đấu thầu quốc tế là gì?

Khái niệm đấu thầu: Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và có hiệu quả kinh tế ( Khoản 12, Điều 4, Luật Đấu thầu năm 2013).

Đấu thầu quốc tế là đấu thầu mà nhà thầu, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được tham dự thầu (Khoản14, Điều 4, Luật Đấu thầu năm 2013).

2. Đặc điểm của đấu thầu quốc tế:

– Đấu thầu quốc tế là một phương thức giao dịch đặc biệt, điều đó thể hiện ở các khía cạnh:

+ Trên thị trường chỉ có một người mua và nhiều người bán

+ Đấu thầu quốc tế tiến hành theo những điều kiện quy định trước

+ Thời gian và địa điểm mở thầu xác định

– Hàng hóa đấu thầu là hàng hóa vô hình hoặc hữu hình, thường có khối lượng lớn, quy cách, phẩm chất phức tạp và có giá trị cao.

– Tiến hành trên cơ sở tự do cạnh tranh trong điều kiện tuân thủ các quy định của đấu thầu.

Xem thêm: Cách xử lý các tình huống thường gặp trong đấu thầu mới nhất năm 2022

– Bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện về mặt pháp lý, việc vay và sử dụng vốn.

3. Các trường hợp tổ chức đấu thầu quốc tế:

Theo quy định tại Điều 15, Luật Đấu thầu năm 2013 thì việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

– Nhà tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế

– Gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá cả. Trường hợp hàng hóa thông dụng, đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không tổ chức đấu thầu quốc tế

– Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp , hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.

– Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất, trừ trường hợp hạn chế đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Như vậy có thể thấy rằng đấu thầu quốc tế chỉ được tổ chức trong một số trường hợp mà thường là chỉ khi nhà thầu Việt Nam không thể thực hiện được gói thầu thì mới tổ chức đấu thầu quốc tế.

– Ở trường hợp thứ nhất sẽ tổ chức đấu thầu khi nhà tài trợ cho đấu thầu yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế. Khi một nhà tài trợ họ bỏ vốn ra để đầu tư cho một dự án họ mong muốn đạt được kết quả cao nhất, muốn tìm được đươc một nhà thầu có đủ năng lực để hoàn thành tốt dự án. Khi xét thấy cần tổ chức đấu thầu quốc tế họ muốn mở rộng phạm không chỉ những dành cơ hội cho những nhà thầu trong nước mà còn cả các nhà thầu nước ngoài.

Xem thêm: Chuyên gia tư vấn đấu thầu và tư vấn pháp luật đấu thầu uy tín

– Ở các trường hợp khác đấu thầu quốc tế chỉ tổ chức khi các nhà thầu không có đủ năng lực, không đáp ứng được yêu cầu về tài chính hoặc hàng hóa sản xuất ra không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu. Như vậy có thể thấy các trường hợp đấu thầu quốc tế rất hạn chế. Luật đấu thầu với ý nghĩa là công cụ mua sắm công của nhà nước sẽ dành sân chơi cho các nhà thầu trong nước nhiều hơn, Nhà thầu quốc tế chỉ được tham dự khi các nhà thầu trong nước không có đủ khả năng thực hiện gói thầu. Xuất phát từ yếu tố khả năng cạnh trạnh của các nhà thầu trong nước còn thấp hơn các nhà thầu nước ngoài, nhằm mục đích tạo cơ hội cho các nhà thầu trong nước và bảo vệ thị trường trong nước Luật đấu thầu chỉ quy định tổ chức đấu thấu quốc tế trong một số trường hợp đặc biệt.

– Trong trường hợp đối với các dự án đầu tư theo hình thức công tư, được hiểu là có sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân. Trong trường hợp này Nhà nước kêu gọi sự đầu tư từ các nhà đầu tư, họ có đủ vốn, đủ năng lực để thực hiện những gói thầu, những dự án này thường mang lại lợi ích cao bởi các chủ đầu tư là tư nhân họ bỏ vốn của mình ra để thực hiện dự án sau đó khai thác một thời gian bàn giao lại cho nhà nước. Nhà nước vừa không phải bỏ vốn đầu tư vừa mang lại được lợi ích cho nhân dân. Vì vậy trong trường hợp này có thể tổ chức đấu thầu quốc tế.

– Nhà thầu nước ngoài khi trúng thầu thực hiện gói thầu tại Việt Nam phải tuân thủ theo các quy định của Chính phủ Việt Nam về quản lý nhà thầu nước ngoài như các quy định về đăng ký hoạt động tại địa phương nơi thực hiện gói thầu; phải bảo đảm việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, đăng kí tạm trú, nộp thuế và các hoạt động khác thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.

– Đây có thể xem như là những quy định hạn chế của pháp luật Việt Nam đối với nhà thầu nước ngoài và cũng là quy định cần thiết xuất phát từ lợi ích quốc gia, bảo hộ các nhà thầu trong nước vốn yếu thế hơn so với nhà thầu nước ngoài, đồng thời có tính đến khả năng tranh thủ trình độ, kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến của nước ngoài ứng dụng vào hoạt động triển khai thực hiện các gói thầu.

4. Đánh giá chung về đấu thầu quốc tế tại Việt Nam hiện nay:

Có thể nói Luật Đấu thầu 2013 ra đời đã khắc phục được nhiều hạn chế của Luật đấu thầu năm 2005 về nhiều mặt, hình thức, phương pháp đấu thầu… đơn giản hóa các thủ tục, các quy định này góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự việc thu hút, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch, cạnh tranh; xây dựng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên các quy định của Luật đấu thầu năm 2013 về đấu thầu quốc tế cũng còn tồn tại nhiều điểm hạn chế:

Thứ nhất, tính công khai minh bạch trong hoạt động đấu thầu quốc tế còn nhiều hạn chế, chưa linh hoạt để các nhà thầu nước ngoài có thể tiếp cận thông tin đấu thầu một cách nhanh chóng

Thứ hai, vẫn tồn tại trường hợp nhà thầu nước ngoài trúng thầu nhưng không đảm bảo đúng năng lực thực hiện gói thầu.

Thứ ba, tình trạng giá đề nghị trúng thầu của nhà thầu vượt giá dự toán được phê duyệt phát sinh ngày càng nhiều.

Xem thêm: Hướng dẫn đấu thầu qua mạng, quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng

Hiện nay, việc đánh giá và thẩm định kết quả hồ sơ dự thầu chủ yếu dựa trên những tiêu chí trong hồ sơ mời thầu. Dù các tiêu chí này đã được xây dựng trên cơ sở các quy định yêu cầu tối thiểu về năng lực nhà thầu, nhưng việc áp dụng vào thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế có trường hợp giá đề nghị trúng thầu của nhà thầu vượt giá dự toán được duyệt, sau khi đánh giá và thẩm định, bên mời thầu đã báo cáo nhà tài trợ và được chấp thuận, nhưng theo quy định của Luật đấu thầu, việc này lại không phù hợp và sau đó, khi kiểm tra, kiểm toán, sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó giải trình.

Giải pháp hoàn thiện:

Thứ nhất, cần ban hành văn bản hướng dân tổng hợp các quy định về đấu thầu quốc tế giúp cho các nhà thầu nước ngoài có thể yên tâm đấu thầu tại Việt Nam, đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước giảm bớt gánh nặng khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy đinh pháp luật liên quan đến các tiêu chuẩn, phân cấp quản lý đầu tư.

Thứ ba, thắt chặt và quản lý chặt chẽ về chứng chỉ hành nghề, giấy phép…

Thứ tư, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đấu thầu.