Phương pháp nuôi chim cu gáy bổi

Chim Cu gáy bổi là loại chim lớn sống hoang dã ở ngoài trời, ta bắt được đem về nuôi hoặc ăn thịt.

Từ trước đến nay, các nghệ nhân nuôi Cu gáy thường thích nuôi Cu bổi hơn là Cu con, mặc dầu ai cũng biết loại Cu bổi rất nhát lại khó nuôi, trong khi Cu gáy con lại dễ nuôi và muốn bắt mà nuôi cũng không hiếm.

Cu gáy cũng như Sáo, Cường, Se sẻ thích sống gần người, gần xóm làng, nên chúng làm tổ ở trong các vườn tược, lùm bụi, vì vậy đến mùa sinh sản của chúng, việc bắt chim con về nuôi đâu có gì khó khăn đối với đa số người mình, nhất là những ai đang cư ngụ ở vùng nông thông rẫy bái…

Người ta thích nuôi Cu gáy bổi vì chúng tuy quá nhát nhưng lại mau thuần thuộc, mà khi con chim đã thuần thì sẵn sàng cho ta nghe giọng gáy “rừng” của nó tuyệt hay. Trong khi đó nuôi chim con lên, ít ra phải mất hơn năm trường chúng mớigáy hay được!

Với chim Cu bổi thì nước ta không hiếm, tư Bắc chí Nam trong suốt bốn mùa trong năm lúc nào cũng có thể đánh bẫy bắt được dễ dàng. Do đó, giá chim Cu bổi không cao, dù vào thời điểm nào cũng vậy, chỉ bằng phân nửa giá tiền mua Sáo, Cưỡng mà thôi. Vào vụ mùa (trùng với mùa sinh sản của chim) giá chim bổi thường rất hạ, vì được bán với giá chim thịt, đôi khi nó chỉ có giá bằng một phần ba chim Sáo, một phần tư giá chim Cưỡng!

Nhiều độc giả viết thư về hỏi chúng tôi là liệu những con Cu gáy bổi đang nhốt trong lồng, bán theo giá thịt rẻ mạt kia liệu mua về có nuôi tốt không? Xin trả lời là cứ bình tĩnh mua về nuôi, miễn là phải biết cách chọn lựa.

Cách chọn lựa mà chúng tôi nói ở đây là cách chọn lựa vóc dáng và sức khỏe của con chim, và chọn lựa trống mái, chứ ít ai để đủ tài chọn lựa được con chim có giọng gáy hay mà nuôi. Con chim gáy hay nó bộc lộ ra vòng cườm trên cổ, ở vân nổi trên cánh…và điều này chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn ở đoạn sau.

Chúng ta nên lựa chọn những con chim khỏe mạnh, thấy người lạ đến gần thì nhớn nhác bay nhảy loạn xạ trong lồng. Tất nhiên, những chú chàng có dáng lừ đừ xin đừng lầm là chim dạn mà chính là chim suy, mua về nuôi mười con chết hết chín! Cũng nên chọn những chim lông lá liền lặn, đầu không bị xước máu, trụi lông, cánh không xệ, chân đứng vững vàng… Với con chim bổi khỏe mạnh như vậy, mà lại chính mắt thấy nó đứng cạnh máng thức ăn để ăn mồi thì bạn nên chọn mua ngay mà thôi.

Từ xưa đến nay, phần đông nghệ nhân nuôi Cu gáy chuyên nghiệp, thường có ý thích tự mình đi “đánh” chim bổi về nuôi, như vậy mới có hy vọng chọn được những con chim hay, chim quí mà nuôi. Cái thú nuôi Cu lại gắn liền với cái thú “gác” Cu, nên gần như tuần nào các nghệ nhân nuôi chim Cu gáy cũng thường rủ nhau từng nhóm năm ba người đến một vùng nào đó ở ngoại ô, ở vùng bìa rừng hay một thôn trang nào đó để đánh Cu bổi về nuôi. Nhờ đó mà họ mới có cơ hội tốt chọn lựa ra được những con chim vừa ý để thuần dưỡng, nuôi riêng cho mình. Còn những chim dở, tầm thường thi..coi như chim thịt.

Cu gáy tuy sống gần người, suốt đời chỉ lẩn quẩn trong làng mạc, thế nhưng chúng rất nhát người. Sống ngoài trời dù đang đi kiếm ăn dưới đất hay đậu trên cây cao, nhưng thấy bóng dáng người lại gần là chúng vội tung cánh bay xa. Ít ra khoảng cách an toàn giữa người với chúng từ năm bảy chục thước trở lên chúng mới bớt lo sợ.

Do tính chim quá nhát nên khi bắt Cu gáy bổi ra khỏi lục, khỏi lưới, khỏi bẫy dò, muốn cho chim khỏi bị thương, ta phải rất cẩn thận từng thao tác một. Nếu không có nghệ thuật bắt Cu bổi thì chúng sẽ giẫy giụa đến nỗi bị nhiều thương tật trên mình, nhất là phần đầu, phần cánh, phân chân, và tệ hại nhất là bị trần trụi lông vũ trên mình, chẳng khác gì hình dáng con gà nòi phơi thịt ra ngoài vậy.

Ta nên lựa dịp con chim đang đứng yên, nhanh tay chụp mạnh từ trên xuống, sao cho bàn tay nắm gọn phần đầu và cả phần thân chim, mà đầu phải hướng về phía cổ tay mình. Phải bắt theo cách đó thì chim mới hết phương vùng vẫy để thoát thân. Ngược lại, cũng chụp từ trên xuống dưới, nhưng đầu chim hướng ra ngoài khẩu tay thì nó sẽ vùng vẫy để thoát thân cho bằng được.

Khi nắm bắt được con con chim bổi trong tay thì nên tức thời đút vào miệng nó chừng mười hột lúa hoặc đậu xanh, cho uống thêm chút nước rồi mới nhốt tạm vào lồng, chờ đánh thêm chim khác.

Thường một chuyến đi “gác”chim như vậy phải mất cả ngày, đôi khi đến vài ngày, do đó nếu không biết cách “lót lòng” trước cho chim bổi thì làm sao chúng đủ sức sống nổi cho đến lúc về tận nhà? Chim được ăn trước mười hột lúa và uống vài ngụm nước như vậy sẽ no được cả ngày, khỏi sợ chết đói chết khát dọc đường…

Khi về tới nhà. trước khi sang chim “rộng” qua lồng lớn mà nuôi, ta cũng nên chịu khó bắt ra từng con để đút mồi và cho uống nước như lần mới bắt được để chim bổi khỏi mất sức trong mấy ngày đầu. Vì như quí vị đã biết , chim Cu gáy bổi mới bẫy về trong mấy ngày đầu nhiều con không chịu ăn uống, do chúng quá sợ hãi. Mà chim không ăn uống trong một vài ngày là chúng đã suy yếu, mười con chỉ sống được hai ba mà thôi.

Vì vậy, nuôi Cu bổi phải có cách nuôi riêng, như vậy mới hy vọng ít hao hụt. Ý muốn của ta là phải nuôi cách nào cho con chim chịu ăn mồi để sống được. Chim có sống ta mới tính đến chuyện thuần hóa cho chúng dạn dần.

Muốn cho chim bổi sớm chịu ăn uống, tức là phải làm cách nào cho chim bớt nhát, mau hoàn hồn lại vía, mau thích nghi được với môi trường sống mới chật hẹp, tù túng và … đáng sợ mà chúng đang gặp phải. Đó là những vấn đề khó khăn đối với những ai chưa có kinh nghiệm nuôi chim bổi, nhưng là chuyện quá dễ đối với nghệ nhân chuyên nghiệp

Cách tốt nhất là ta nên nhốt tất cả chim bổi vào một cái lồng lớn, mà trong đó đã có sẵn những con Cu gáy bổi khác đã tương đối thuần thuộc, nghĩa là chúng đã được bẫy về trước đó vài ba tuần trở lên,và tất nhiên đã biết ăn mồi.

Chim nhát được nhốt chung với chim dạn sẽ giúp chúng bớt sốc hơn. Giống chim Cu gáy tuy háu đá nhưng khi bị nhốt chung chuồng thì con nào cũng tỏ ra hiền hậu, rất ít trường hợp cắn mổ lẫn nhau. Nếu có con nào quá hung hăng, mổ một con đứng gần mà con đó lánh đi thì nó cũng không hề rượt đuổi.

Những con bổi cũ vốn đã chịu ăn mồi, nên khi đói thì chúng đến cóng đựng lúa mà ăn, khi khát mà đến cóng đựng nước mà uống. Chim bổi thấy vậy cũng bắt chước ăn uống theo. Và, khi chim bổi đã chịu ăn uống là chim đã có nhiều cơ hội “sống” được, và lần hồi sẽ bớt tính nhát.

Mặt khác, trong những ngày đầu nhốt chim bổi vào lồng để thuần dưỡng, ta nên đặt trước vào lồng nhiều cóng thức ăn và nước uống, để chim đủ mồi mà sống được bốn, năm ngày liền. Vì trong thời gian mấy ngày đầu đó, ta nên để chim bổi sống được yên tĩnh, không nên lân la đến gần, cũng nên tránh cho chúng sợ hãi vì chó, mèo hay chuột bọ đến phá quấy… Chim bắt về đã quá sợ hãi, bây giờ lại tạo cho nó nhiều cơ hội để hoảng hốt thêm thì chúng làm sao sống nổi. Đó là điều sơ đẳng chắc chắn ai nuôi chim cũng phải biết để ngăn ngừa.

Khi chim bổi đã chịu ăn uống bình thường thì nó là con chim… dễ nuôi rồi, lúc này ta mới lựa những con chim thật tốt như ý mà nuôi.

Thật ra, những con chim gọi là ưng ý thì lúc còn ở ngoài rừng ta đã “chấm” trước rồi. Chẳng hạn những con chim quá khôn, dụ mãi mà chúng vẫn không chịu vào lục để đá với chim mồi (nhiều khi chỉ vì bắt một con chim khôn mà nghệ nhân này phải đi bẫy nhiều lần, đôi ba tháng trường mới bắt được), hay những chim có giọng gáy thật hay…Những con chim quí này khi bắt được, nghệ nhân thường làm dấu riêng như hớt cụt chút lông đuôi hoặc cắt ngắn một bên cánh, để sau này dễ nhận diện khi chọn lựa. Tất nhiên, những chim dở, bị thương tật hay chim mái thì gạt ra làm chim thịt!

Trong trường hợp nhà không sẵn chim bổi cũ, thì quí vị cứ bình tĩnh nhốt chung bổi mới với nhau chung một lồng, dĩ nhiên trong đó phải có đầy đủ cóng lúa và nước, rồi trùm áo lồng bên ngoài để chim được sống yên tĩnh trong vài ba ngày đầu . Và dĩ nhiên, trước khi bắt từng con thả vào lồng ta cũng nên nhớ đến việc đút lúa và nước cho chim để chúng được no bụng trong khi còn quá sợ hãi…

Quí vị mua một chim bổi mới từ chợ chim về nuôi cũng nên áp dụng theo phương pháp đó: cũng tự đút mồi cho chim ăn uống no nê, rồi trùm kín áo lồng, sau đó treo lồng vào nơi thật sự yên tĩnh…

Chỉ khi nào biết chắc được bắt nuôi riêng mà chim vẫn chịu ăn uống thì mới bắt chim sang lồng nuôi riêng mỗi con một lồng.

Đang sống tập thể cả bầy đàn, bây giờ bắt ra nuôi riêng, tất nhiên không thể tránh khói chim bị nhát trở lại. Thế nhưng, nhờ vào việc đã từng thích nghi với môi trường sống mới, đã chịu ăn uống trong lồng, nên việc tiếp tục thuần dưỡng cũng không gặp mấy khó khăn. Có điều, trong thời gian vài tháng đầu ta nên tìm mọi cách để cho chim bổi được sống yên tĩnh, chỉ trong trường hợp cho ăn uống ta mới gần gũi chúng mà thôi.

Bất cứ vị nào nuôi Cu gáy bổi cũng mong muốn cho con chim mau dạn, vì chim có dạn mới chịu gáy. Muốn cho chim dạn thì có nhiều cách như cắt bớt một bên cánh và một phần đuôi, như lại gần bên lồng rồi búng ngón tay tróc tróc (dùng ngón cái và ngón tay giữa chập vào nhau rồi bật mạnh sẽ tạo ra tiếng tróc tróc…), như dùng ngón trỏ nhịp lên nhịp xuống trước mặt chim, như tập chim đứng trên đầu một cái gậy ngắn, hoặc thả cho đi tự do trong một gian phòng…

♦Khi cắt bớt bên cánh và một phần đuôi con chim bị mất thăng bằng, cho nên nó muốn đứng yên một chỗ hơn là bay nhảy tứ tung. Nhờ đó mà khi gặp người đến gần chim quí nhớn nhác lo sợ, chứ không tìm cách bay nhảy tứ tung muốn trổ lồng mà đi như khi chúng còn đuôi và cánh nguyên vẹn. Phần đuôi và cánh bị hớt ngắn này sẽ ra trở lại trong mùa thaylông sau. Xin lưu ý là nên hớt ngắn bớt một bên cánh mà thôi, chứ không được nhổ, mặc dù hễ nhổ thì lông ở đó mau mọc ra trở lại.

Cách búng ngón tay tróc tróc lúc đầu cũng làm cho Cu gáy bổi sợ, nhưng thấy chủ làm nhiều lần như vậy mà vô hại cho nó, nên những lần sau nó đứng yên để theo dõi như có ý tò mò… Hễ đã áp dụng theo búng ngón tay thì mỗi lần lại gần lồng chim ta nhớ thực hiện đúng như vậy. Mỗi lần chỉ cần búng năm bảy lần là đủ. Nếu mỗi ngày thực hiện được cách búng ngón tay năm bảy lần thì con chim bổi mau dạn người hơn.

♦Cách dùng ngón trỏ nhịp lên nhịp xuống trước mặt chim cũng có tác dụng như búng ngón tay kêu tróc tróc. Khi con chim đã quen dần với cách “biểu diễn” này của chủ nuôi rồi, thì mỗi lần chủ chim đưa tay ra hiệu có thể là chim có thể gục gặc đầu gù theo…trông rất thích thú…

Khi chim bổi nuôi nhốt đã tương đối dạn người, và phần bên cánh của nó bị hớt ngắn trước đây chưa mọc ra được, ta có thể tập cho chim đứng trên đầu gậy và đưa nó ra khỏi lồng. Mặc dầu được thoát ra khỏi ngăn lồng chật hẹp, nhưng chim vẫn chịu đứng yên ở đầu chiếc gậy hàng giờ mà không tính đến chuyện cất cánh bay đi. Có lẽ sự mất thăng bằng trong thế đứng đã làm cho nó an phận, vì hễ bay cũng bị rơi xuống đất. Con chim đứng trước mặt chủ trên cái gậy do chủ nuôi cầm, trong lần đầu có thể nó lo sợ, nhưng nếu khéo léo giữ cho nó được yên tĩnh thì chim mau dạn dĩ hơn. Việc này nên ngày nào cũng làm, và chỉ thực hiện một lần cũng đủ.

♦Chim bổi đã chịu đứng trên đầu gậy thì thỉnh thoảng nuôi thả tự do trong một căn phòng hay trong một khuôn viên có tường bao bọc chung quanh trong một vài giờ cũng là chuyện tốt. Điều cần là ta không nên tìm dịp đến gần chúng để bắt bớ thô bạo, hoặc làm cho chúng sợ hãi bằng tiếng động, bằng cách cho chó mèo lai vảng đến gần…

Nếu biết cách thuần dưỡng thì Cu gáy bổi tuy tính nhát cũng nuôi mau dạn. Nhiều con bắt về chỉ độ vài tháng là gáy rất siêng. Và khi chim cảnh đã chịu thuần thuộc rồi thì dù đem lồng đặt lên bàn làm việc nó cũng gáy, và tất nhiên ta có thể cho tay vào lồng để vuốt ve trên đầu trên lưng nó cũng được. Luyện được con chim như vậy thường phải mất ba bốn mùa mới được. Tuy vậy nếu sơ sẩy để chim bay ra khỏi lồng thì dù đã nuôi thuần thuộc đến đâu Cu gáy cũng cắm đầu cắm cổ một mạch bay luôn…Người ta coi giống Cu gáy chim có tính bạc bẽo là vậy.