Cỏ lúa mì: Công dụng, liều dùng, điều cần thận trọng • Hello Bacsi

Mức độ an toàn của cỏ lúa mì như thế nào?

Cỏ lúa mì an toàn khi dùng với lượng thường có trong thức ăn. Cỏ lúa mì có thể an toàn đối với hầu hết người lớn khi uống với lượng thuốc lên đến 18 tháng hoặc khi được bôi lên da như một loại kem cho đến 6 tuần. Không đủ thông tin về sự an toàn của việc sử dụng lâu dài lúa mỳ như là một loại thuốc.

Phụ nữ mang thai cần cân nhắc khi sử dụng

Dùng cỏ lúa mì trong thời gian mang thai có an toàn không?

Với nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, dùng cỏ lúa mì trong thời gian mang thai có thể đem đến một số lợi ích nhất định. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng, nếu lạm dụng thì có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả bạn và thai nhi. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý rằng loại cỏ này có chứa rất nhiều vi khuẩn và nấm nên việc chế biến cần phải hết sức cẩn thận để tránh ngộ độc.

Có nên uống nước ép cỏ lúa mì trong thời gian mang thai không?

Với một số chất dinh dưỡng giúp thanh lọc máu, nước ép cỏ lúa mì có thể là một thức uống tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu như bạn chưa từng uống nước ép cỏ lúa mì thì các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng bạn không nên thử trong thời gian mang thai.

Lợi ích sức khỏe của cỏ lúa mì đối với phụ nữ mang thai

Các chất dinh dưỡng phong phú có thể đem đến cho cơ thể một số lợi ích về sức khỏe như:

1. Giúp da khỏe mạnh và trắng sáng

Trong thời gian mang thai, da của bạn có thể trở nên xỉn màu và thâm nám do sự thay đổi của nội tiết tố và do rất nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể được sử dụng để giúp thai nhi phát triển. Cỏ lúa mì có tác dụng làm sạch da và loại bỏ các tế bào chết, do đó sử dụng loại thảo dược này trong thời gian mang thai có thể giúp làn da của bạn trắng sáng trở lại.

2. Ngăn ngừa bức xạ

Cỏ lúa mì được thu hoạch khi cây lúa mì còn non và thường được dùng để ăn sống, do đó chất diệp lục trong cỏ lúa mì sẽ trực tiếp xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Chất diệp lục đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại các bức xạ mà cơ thể chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Ngoài ra, chất diệp lục còn có tác động tích cực đối với sức khỏe răng miệng và sự chắc khỏe của của tóc.

cỏ lúa mì

3. Cải thiện lưu thông máu

Các phân tử diệp lục trong cỏ lúa mì tương tự như phân tử hemoglobin có trong máu. Vì thế, khi dùng cỏ lúa mì, các phân tử này sẽ nhanh chóng hấp thu vào cơ thể và chuyển hóa thành tế bào hemoglobin, làm tăng lượng tế bào máu cũng như tăng khả năng vận chuyển oxy đến các tế bào của cơ thể.

4. Giúp các vết thương mau lành

Cỏ lúa mì có thể tác động lên các tế bào máu, giúp cho vết thương nhanh lành nhanh hơn. Vết cắt, vết thương hở, vết loét có thể lành lại nhanh chóng nếu bạn dùng cỏ lúa mì.

5. Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Các vấn đề liên quan đến tiêu hóa như táo bón, đầy hơi, tiêu chảy… gần như là một nỗi ám ảnh đối với phụ nữ mang thai. Việc sử dụng cỏ lúa mì có thể giúp giảm các triệu chứng này bởi cellulose có trong cỏ sẽ giúp làm sạch đường ruột. Ngoài ra, cỏ lúa mì còn có chứa rất nhiều chất xơ, giúp hạn chế táo bón.

6. Giải độc cơ thể

Cỏ lúa mì rất giàu chất chống oxy hóa. Những chất này khi được hấp thu vào cơ thể sẽ tác động lên các gốc tự do gây tổn thương cho tế bào và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể.

7. Giàu khoáng chất và vitamin

Sự phát triển của thai nhi phụ thuộc rất nhiều vào các vitamin và khoáng chất. Cỏ lúa mì là một nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất rất phong phú như kali, canxi, vitamin C…

8. Cải thiện hệ miễn dịch

Cỏ lúa mì đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch. Lợi ích này giúp bạn ngăn ngừa các dạng nhiễm trùng và các bệnh thường gặp.

Tác dụng phụ của cỏ lúa mì đối với phụ nữ mang thai

Mặc dù có chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng loại cỏ này cũng chứa rất nhiều nguy cơ. Đối với phụ nữ mang thai, cỏ lúa mì có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

1. Kích thích các phản ứng dị ứng

Cỏ lúa mì thường phát triển trong điều kiện ẩm ướt, do đó nó có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc. Nếu ăn phải cỏ lúa mì sống có chứa các loại vi khuẩn này, bạn có thể bị đau đầu, buồn nôn. Những phụ nữ bị dị ứng với gluten hoặc celiac sẽ có nguy cơ mắc phải các triệu chứng này cao hơn.

2. Tiềm ẩn nguy cơ sẩy thai

Các chất chống oxy hóa mạnh có trong cỏ lúa mì có thể giúp cơ thể loại bỏ độc tố nhưng nó cũng có thể tác động trực tiếp đến thai nhi, gây dị tật bẩm sinh hoặc thậm chí sẩy thai.

3. Mất cân bằng dinh dưỡng

Sử dụng quá nhiều cỏ lúa mì có thể dẫn đến tiêu chảy và nôn mửa. Điều này sẽ gây ra sự mất cân bằng giữa các chất dinh dưỡng quan trọng trong thai kỳ.

4. Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Các loại bột cỏ lúa mì có sẵn trên thị trường thường được chế biến trực tiếp mà chưa qua sơ chế. Do đó, các loại cỏ này sẽ có nguy cơ chứa vi khuẩn rất cao. Nếu bạn dùng phải những loại cỏ có chứa vi khuẩn gây bệnh thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho bạn và thai nhi.

Một số lưu ý khi dùng cỏ lúa mì trong thời gian mang thai

Dưới đây là một vài lưu ý mà bạn cần nhớ nếu muốn dùng cỏ lúa mì trong thời gian mang thai:

  • Tránh ăn cỏ lúa mì sống
  • Nói chuyện với bác sĩ trước khi thêm cỏ lúa mì vào chế độ ăn

Mặc dù có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng trong thời gian mang thai, thì đây có thể không phải là một lựa chọn tốt. Những chất dinh dưỡng có trong cỏ lúa mì có thể được bổ sung qua các loại thực phẩm khác an toàn hơn. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn dùng thực phẩm này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ và chú ý chế biến kỹ trước khi ăn nhé.

Tương tác

Cỏ lúa mì có thể tương tác với những gì?

Thảo dược này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng cỏ lúa mì.