Có nên học khoa quốc tế đại học ngoại thương

Những ngày này, sinh viên của Đại học Ngoại Thương chuẩn bị bước vào giai đoạn kiến tập. Cá nhân mình học ở một chuyên ngành đặc biệt của trường, chuyên ngành Kinh tế quốc tế. Đang khi mà hầu hết sinh viên trong ngành đều đang loay hoay không biết nên xin thực tập chỗ nào, mình có một vài suy nghĩ như sau.Chuyên ngành của mình đặc biệt bởi nhiều lý do. Thứ nhất, chương trình học có tới tận 3 môn lượng (chưa kể môn Tổ chức ngành, một nửa cũng là lượng). Thứ hai, là chuyên ngành duy nhất (ngoại trừ các chuyên ngành ngôn ngữ) trong trường không được học môn marketing và nghiệp vụ (như giao dịch, vận tải…). Thứ ba, toàn bộ chương trình học đều mang tính vĩ mô và không có tính nghiệp vụ như các khoa còn lại

Đầu vào, đầu ra, cách học của sinh viên, tất cả đều có vấn đề.Đầu tiên, hãy nhìn vào nguyên nhân khởi điểm: Đầu vào. Gần như toàn bộ học sinh khi thi vào Đại học đều không biết khoa mình đăng ký là gì, ngoài cái tên gọi. Mọi người thường không có khái niệm gì về khoa mình đăng ký, thậm chí không biết danh sách những môn học sẽ học gì, ra trường sẽ làm gì Học sinh đăng ký khoa kinh tế quốc tế cũng vậy. Một thực tế thú vị là không ít người đăng ký khoa này vì tên gọi nghe rất hay, nghe giống như một nơi đào tạo những con người cao cấp, làm những công việc mang tính quốc tế. (Mình thì đăng ký nhầm Quản trị kinh doanh thành Kinh tế quốc tế). Chỉ khi đến năm 2, sinh viên mới lần lượt thất vọng. Có người học sâu vào chuyên ngành mới biết mình thực ra thiên về nghệ thuật, có người nhận thấy mình không hợp với tư duy vĩ mô, không thích nghiên cứu các quốc gia và mối liên hệ kinh tế quốc tế, có người thấy mình không học nổi các môn lượng, có người hối hận vì muốn hoạt động ngoại giao, có người hối hận vì thực ra thích quản trị kinh doanh muôn vàn tình cảnh. Và khi phải học cái mà mình không thích, kết quả học tập sẽ không ra gì. (Trừ những người rất giỏi, điểm vẫn cao cho dù không thích cái mình học)

Điều này dẫn đến vấn đề thứ hai, đó là cách học của sinh viên. Chương trình học của khoa tóm lại có 2 mảng chính: Lượng và kiến thức kinh tế vĩ mô. Nhìn chung môn lượng khó hơn nhưng được sự quan tâm của sinh viên hơn các môn kinh tế vĩ mô kinh tế quốc tế. Vì điểm đầu vào của Ngoại Thương khá cao, sinh viên đa phần giỏi các môn logic và tính toán nên có thể nói đối với nhiều bạn, Lượng không thành vấn đề. Nhưng đáng nói là các môn kiến thức kinh tế vĩ mô không được mấy ai chú ý. Nhìn vào danh sách các môn học, có thể thấy các môn khoa học xã hội này chiếm gần hết tổng số môn học: Kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa, kinh tế phát triển, kinh tế môi trường, kinh tế khu vực, kinh tế chính trị quốc tế Sinh viên hầu hết không thích, không quan tâm và vì thấy các môn này dễ nên cũng không lo lắng nhiều. Không biết có nơi nào, sinh viên, học Kinh tế quốc tế mà lại không nắm được lịch sử kinh tế thế giới, không biết tóm tắt thế chiến 1 và 2, không quan tâm đến lịch sử kinh tế các nước lớn như Mỹ, Nhật thậm chí không quan tâm kinh tế đất nước mình đã phải trải qua những gì và đang đối mặt với những thử thách gì?

Cách học của sinh viên cộng với chương trình học, tạo ra một thảm họa lớn. Chương trình học của khoa không mang tính nghiệp vụ. Không phải sinh viên không có khả năng học, nhưng nếu đến trường phải học các môn của khoa, lại không được học các môn mang tính nghiệp vụ, sẽ không thể trách được nếu sinh viên khoa này không biết gì về thuế quan, xuất nhập khẩu, tín dụng, tài chính, lập dự án đầu tư những điều cơ bản được dạy trong một trường kinh tế.

Cuối cùng, đầu ra: Đã không có nghiệp vụ cụ thể, chuyên ngành của mình cũng không tốt, vậy thì không hiểu ra trường sinh viên sẽ làm gì? Đúng ra, học kinh tế quốc tế ra trường thì chạy mô hình lượng, làm ở viện nghiên cứu, làm ở bộ phận dự báo của UNDP Nhưng mấy ai giỏi đủ để được vào những vị trí đó? Số sinh viên làm đúng ngành đếm trên đầu ngón tay, chưa kể cũng phải có ô dù mới xin được. Đã không có cơ hội làm đúng ngành của mình, lại còn không có nghiệp vụ gì trong tay các bạn sẽ thua kém các sinh viên chuyên ngành khác khi xin vào ngân hàng, công ty marketing, doanh nghiệp tư nhân,.. Ra trường với tấm bằng Kinh tế quốc tế, một mớ kiến thức lượng 1,2,3 không thành hình trong đầu, một tập hợp kiến thức kinh tế không đầy đủ sinh viên khoa Kinh tế quốc tế rút cục sẽ làm nghề gì?

Kinh tế quốc tế thực sự là một chuyên ngành rất hay. Đứng từ góc độ nhà nước, đây là cái lò đào tạo những nhà hoạch định chính sách kinh tế cho đất nước, những người có bộ óc vĩ mô và thực sự phải nói là tài giỏi.Các môn học của khoa rất thú vị. Lượng là lõi, làm công cụ đắc lực cho việc nghiên cứu và dự báo, kiến thức kinh tế là vỏ, giúp nhà hoạch định chính sách có cái nhìn tổng quát thậm chí là chuyên sâu, để đưa ra quyết định. Tuy nhiên với cách lựa chọn đầu vào như hiện nay, tất cả mọi người đang làm mất thời gian của nhau. Sinh viên mất 4 năm để học cái mình không thích, mất ít nhất 1 năm để học lại cái mình thích hoặc làm một ngành trái nghề và thích nghi với ngành mới. Nhà nước không có được những nhà kinh tế lượng mong muốn. Công sức giảng bài của giảng viên thành ra vô ích. Chưa kể thiệt hại kinh tế của các gia đình cho con ăn học, phí tổn để học lại một ngành mới, chi phí cơ hội bị mất đi khi làm trái ngành Chung quy lại vẫn là vấn đề hướng nghiệp. Nếu từ đầu, học sinh được biết rõ đây là ngành gì, học gì và ra trường làm gì, các em sẽ có quyết định đúng đắn. Nhà trường cũng sẽ tuyển được sinh viên chất lượng, có tố chất và định hướng rõ ràng, hiểu việc mình đang làmChứ không phải như hiện giờ: Sinh viên năm 2 bắt đầu thất vọng và năm 3, một số tìm cho mình một lối thoái khác, một số không biết phải làm gì, năm 4 bắt đầu làm trái ngành. Thực sự không chỉ ngành này mà rất nhiều ngành khác, rất nhiều trường khác, sinh viên cũng cần được hướng nghiệp từ đầu lắm. Hy vọng trong tương lai sẽ có thay đổi, để ít ra học sinh được học cái mình thích và có khả năng, và để sau khi vật vã thi vào đại học, ra trường với tấm bằng giỏi trong tay, apply học bổng thạc sỹ sẽ không bị các nước phát triển khác từ chối không công nhận cái bằng Đại học của Việt Nam!”

Nguồn: FTU Confessions