ĐỌC VUI VÀ SUY NGHĨ

(Trích từ bài báo “Sudoku và Sức khoẻ Tâm thần” đăng trên bán tuần báo Việt Luận, số 2294, ngày Thứ Ba 02/09/2008)

Bộ não, cũng như thân thể con người, cần phải được luyện tập thường xuyên để luôn luôn được khỏe mạnh và linh hoạt. Một điều lo lắng thường xuyên của những người lớn tuổi là khi tuổi đời càng cao thì trí nhớ càng sút kém, sự suy luận càng thiếu linh hoạt và nhạy bén. Còn các thanh thiến niên thì sao? Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Tích cực thì mọi người đều thấy và thụ hưởng nhưng tiêu cực thì khó thấy nhưng ảnh hưởng của nó thì thầm lặng và lâu dài. Truyền hình, DVD, Internet, Điện thoại di động, Computer, Máy tính, Thức ăn nhanh, vv… đã đóng góp vào hiện tượng béo phì và trí óc thụ động của một số thanh thiếu niên trong xã hội hiện nay.

Bộ não con người có khoảng 100 tỉ (hay 1011) tế bào thần kinh (neurons). Mỗi tế bào nối với khoảng từ 1,000 đến 25,000 – trung bình là 7,000 – tế bào thần kinh khác bằng những khớp thần kinh (synapses). Những khớp thần kinh nầy sẽ tàn dàn và chết đi nếu không được hoạt động. Một bé trai 3 tuổi có khoảng 1,000 nghìn tỉ (hay 1015) khớp thần kinh, số nầy giảm dần theo tuổi cho đến khi ổn định ở tuổi trưởng thành, chỉ còn từ 1 dến 5 lần 100 nghìn tỉ (hay 1014). Để làm chậm lại sự tuột dốc đó, không gì bằng phải tìm cách bắt các khớp thần kinh đó hoạt động.

Sự luyện tập trí não thường xuyên sẽ giúp tăng trí nhớ, sự suy luận sẽ thêm sắc bén, linh hoạt và làm chậm lại hiện tượng lảo hóa của tâm thần.

Cũng giống như thân thể, một bộ não khỏe mạnh cũng cần một nếp sống lành mạnh. Ăn uống, ngủ nghỉ phải đúng cách và điều độ. Giấc ngủ rất cần thiết cho một trí não minh mẩn. 85% máu trong cơ thể là nước và uống từ 6 đến 8 ly nước tinh khiết mỗi ngày sẽ giúp tẩy sạch độc chất trong người, cải thiện năng lực và sự chú tâm. Uống rượu quá độ lâu dài sẽ làm cho não co rút lai, hại đến các thùy não phía trước (front lobes) và gây nên nhiều vấn đề cho sức khỏe. Hút thuốc không giúp ích cho sự tập trung như người ta thường nghĩ, trái lại, hút thuốc làm giảm lượng oxy đi đến não và dùng cạn sinh tố B rất cần cho trí lực.

Lời khuyên của các chuyên viên về sức khỏe tâm thần là hãy luôn luôn cố gắng giử cho trí óc được linh hoạt bằng những hoạt động trí tuệ như đọc sách, đánh cờ, chơi Ô Chử, giải câu đố, giải toán, giải những trò chơi về sắp chử hay điền số, vv…

Ô Chử (crossword) là một trò chơi rất hay và phổ biến, rất cần để giúp cho trí nhớ được linh hoạt. Tuy nhiên, Ô Chử bằng tiếng Anh thường chỉ thích hợp cho những ai có một trinh độ Anh văn đến một mức nào đó mà thôi.

Một trò chơi khác rất tiện lợi, đơn giản, không đòi hỏi đến những kiến thức về toán học hay sinh ngử và có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào là SUDOKU. Mặc dầu đơn giản, Sudoku là một trò chơi điền số rất hay, phổ biến trên toàn cầu và rất cần để đào luyện sự chú tâm và óc suy luận cho tuổi trẻ, sự nhạy bén và linh hoạt trí óc cho ngườ lớn tuổi.

Trò chơi Sudoku là một mạng gồm 81 ô vuông chia ra làm 9 hàng, 9 cột và 9 khối 3×3. Mỗi hàng, cột hay khối chứa 9 ô vuông. Một số ô vuông đã được điền sẵn với những số từ 1 đến 9. Mục đích là người chơi phải điền số vào những ô trống sao cho mỗi hàng, mỗi cột và mỗi khối của mạng đều chứa đủ các số từ 1 đến 9, không bỏ sót cũng như không lập lại số nào.

Theo Will Shortz, Sudoku dường như đã đươc Howard Garns, một kiến trúc sư 74 tuổi đã về hưu và là một nhà thiết kế trò chơi tự do ở Indiana, sáng chế và đăng lần đầu tiên năm 1979 ở Tạp chí Dell Magazines dưới tên trò chơi ‘Điền số’ (Number Place). Trò chơi được Nikoli giới thiệu ở Nhựt Bản vào tháng 4 năm 1984 trong báo ‘Monthly Nikolist’ và dưới tên ‘Suuji wa dokushin ni kagiru’ có nghĩa là ‘mỗi số chỉ xuất hiện một lần’. Sau đó, tên trò chơi đươc viết tắt lại là ‘SUDOKU’ bởi Maki Kaji, có nghĩa là ‘Số đơn’ (SU = số, DOKU = đơn), tức là một số chỉ hiện diện một lần trong một hàng, một cột hay một khối của mạng mà thôi. Điều trái ngược là người không biết tiếng Nhật thích gọi trò chơi nầy bằng tiếng Nhật ‘Sudoku’ trong lúc người Nhật vẫn thích gọi trò chơi nầy bằng tên tiếng Anh ‘Number Place’. Ngày nay, gần như mỗi tờ báo và tạp chí ở Mỹ, Anh và Úc hàng ngày đều có đăng ô số Sudoku để độc giả tự giải.

Số lời giải của tất cả 9×9 Sudoku là 6,670,903,752,021,072,936,960 tìm đươc bởi Bertram Felgenhauer và Frazer Jarvis năm 2005.

Ô số Sudoku thường có 4 trinh độ: Dễ (Easy), Trung bình (Moderate), Khó (Hard) và Thử thách (Challenging). Mặc dầu ô số Sudoku càng khó khi những số cho sẵn càng it, nhưng đó chỉ là tương đối thôi. Thực sự, độ khó của ô số Sudoku tùy thuôc nơi giá trị và sự phân phối của các số cho sẵn.

Còn ảnh hưởng của trò chơi Sudoku đối với tâm trí của con người thì như thế nào? Gần đây, các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng những người lớn tuổi nếu được huấn luyện một trò chơi trí tuệ chỉ từ 10 đến 18 giờ, sẽ giữ được sự linh hoạt của tâm trí mình trong nhiều năm sau khi được huấn luyện. Các nhà nghiên cứu còn khuyến cáo nên xem Sudoku như là một trong những sinh hoạt cần thiết trong việc huấn luyện.

Một khảo cứu khác thực hiện với 2,800 người tuổi trung bình 73 từ năm 1998 đến 2004 đã thấy rằng những trò chơi thử thách như Sudoku có khả năng làm chậm sự phát triển của bịnh ‘lú lẩn’ (Azheimer’s disease).

Ở Úc, đi đâu cũng dễ thấy có người tay thì cầm viết, còn đầu óc thì suy nghĩ, cố moi trong ký ức của mình một từ nào đó để điền vào một Ô Chữ (crosswrod) trong báo hay tạp chí. Đó là một thói quen luyện tập trí nhớ rất tốt mà chúng ta nên học hỏi. Nếu vì trình độ Anh văn của chúng ta chưa đủ để chơi Ô CHỮ (bằng Anh ngữ) thì cũng chả sao, đã có SUDOKU.

Người viết rất mong cộng đồng Việt nam chúng ta, nhứt là những vị lớn tuổi, nên bắt đầu ý thức được sự hửu ích của Sudoku, một trò chơi tuy đơn giản nhưng rất cần thiết để giữ cho trí tuệ của mình đươc luôn luôn minh mẩn vả linh hoạt.

Mong thay. Thuận Hòa