Nếu bạn đã từng tham dự một sự kiện thể thao, bạn có thể nhận thấy một nhóm người đang hô vang và thực hiện các pha nhào lộn, xếp tháp nguy hiểm trong khi cổ vũ cho đội của họ. Đó chính là những hoạt náo viên (Cheerleaders).
Cheerleading là một môn thể thao kết hợp giữa nhảy, xếp tháp và nhào lộn để giải trí cho đám đông trong các sự kiện thể thao. Bộ môn này thường được coi là một môn thể thao bên lề (không chính thức), nhưng hiện nay đã phát triển lên các cuộc thi và giải đấu chuyên nghiệp. Cheerleading được coi là một phần biểu tượng của văn hóa Mỹ, và được mở rộng ra khắp thế giới.
Lịch sử hình thành
Mặc dù Cheerleading được coi là một bộ môn khá nữ tính, nhưng ban đầu nó lại là một môn thể thao chỉ toàn nam giới. Trong những năm 1880, Princeton đã thành lập một câu lạc bộ pep toàn nam để giúp tiếp thêm tinh thần cho đội thể thao thi đấu và đám đông. Thomas Peebles, tốt nghiệp Princeton, sau đó đã mang những hoạt động cổ vũ đó đến Đại học Minnesota, nơi các bài hát bóng đá đang trở nên phổ biến. Phụ nữ không được phép trở thành hoạt náo viên cho đến năm 1923 tại Đại học Minnesota.
Trong suốt thập kỷ tiếp theo, các điệu nhảy và nhào lộn đã được đưa vào chu trình biểu diễn của cheerleading. Từ đó trở đi, môn thể thao này đã thay đổi mãi mãi. Trong những năm 1980 và 1990 là khi All Star Cheering bắt đầu. Điều này đã kết hợp các màn trình diễn và thi đấu cạnh tranh vào môn thể thao này.
Tháng 7/2021, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã chính thức công nhận cheerleading là một môn thể thao. Liên đoàn Cheerleading Quốc tế (ICU), đã cho biết họ sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể để đảm bảo các đội Cheerleading sẽ có thể tranh tài tại Thế vận hội Los Angeles vào năm 2028.
Dụng cụ thiết yếu để biểu diễn/thi đấu Cheerleading
Danh sách những thứ quan trọng nhất bao gồm:
- Giày Cheerleading: Thường là loại giày đế mỏng, không quá mềm hay quá cứng.
- Đồng phục biểu diễn Cheerleading.
- Nơ buộc tóc.
- Băng cổ tay và đầu gối để tránh chấn thương. (Tùy chọn)
- Bông biểu diễn. (Tùy chọn)
Các vị trí trong Cheerleading
Trong hoạt náo có các vị trí và trách nhiệm khác nhau khi thực hiện các pha nguy hiểm. Mỗi vị trí đều đóng vai trò quan trọng đối với sự an toàn của các hoạt náo viên, và việc thực hiện các pha nguy hiểm. Dưới đây là ba vị trí chính:
- Base: Base là người ném flyer lên không trung và giữ họ. Các base thường cao và chắc khỏe, đồng thời phải đồng bộ với nhau để nâng và đỡ flyer đúng cách.
- Flyer: Là người được nâng lên và ném lên không trung, và đôi khi là thực hiện các pha nhào lộn.
- Spotter: Spotter chịu trách nhiệm giữ thăng bằng cho tháp và bắt flyer nếu họ rơi.
Một số kỹ thuật trong Cheerleading
Bất kỳ ai đã xem một cuộc thi hay biểu diễn Cheerleading đều biết rằng có nhiều kỹ thuật khác nhau mà người ta luyện tập và thành thạo để hoàn thành một bài diễn tuyệt vời. Dưới đây là danh sách một số kỹ thuật đó:
- Aerial: Lộn bánh xe được thực hiện mà không cần chạm tay xuống đất.
- Backflip: Dùng lực của đùi vào bụng kéo người lên xoay 180 độ trên không vào tiếp đất bằng chân.
- Back handspring: Lùi lại lộn tiếp đất bằng tay, sau đó chuyển từ tay xuống chân.
- Stunt: Tháp đơn.
- Pyramids: Các tháp liên kết đứng cạnh nhau.
- Basket toss: Khi 2 base và spotter ném flyer lên không trung và 2 base đan liên kết các cánh tay để tung và bắt flyer.
Một số kỹ thuật/dáng đứng trên tháp của flyer
- Liberty: Một chân đứng thẳng, chân còn lại rút lên vuông góc.
- Heel Stretch: Tương tự như Liberty nhưng một chân đá ra trước, một tay bắt và giữ lại phía trước ngực.
- Arabesque: Một chân duỗi thẳng và chân kia hướng ra sau 90 độ.
- Scale: Một chân duỗi thẳng và tay kéo chân còn lại lên sát người, người và chân tạo gần thành hình chữ V.
- Bow and arrow: Kéo một chân sang ngang lên sát với đầu, giữ bằng một tay và tay còn lại duỗi mở 90 độ bắt ngay chân tạo thành hình gần giống chiếc cung tên.
- Needle: Hai tay kéo chân từ phía sau và giữ lên sát với đầu, hai chân tạo thành một đường thẳng.
Các cấp độ thi đấu
Có những hoạt náo viên ở nhiều độ tuổi khác nhau và để giữ an toàn, luật chơi được chia thành nhiều cấp độ khác nhau. Điều này hạn chế các kỹ năng ở cấp độ khó hơn không được trẻ nhỏ tuổi thực hiện vì chúng có thể bị thương khi thực hiện các kỹ năng khi chưa đủ cứng cáp và sẵn sàng.
Các cấp độ của Cheerleading được phân chia giữa Youth Rec Sideline, Junior High School / Middle School, High School, College và All Star Cheerleaders. All Star là nhóm câu lạc bộ chuyên nghiệp chỉ tập trung vào việc thi đấu. Tất cả các đội All Star có ở mọi lứa tuổi và được chia thành 7 cấp độ. Mỗi bộ phận này có những quy tắc riêng cho việc biểu diễn tại các trận đấu hoặc trong các cuộc thi.
Các quy tắc cơ bản
Như đã đề cập trước đó, các quy tắc cụ thể khác nhau theo từng cấp độ. Tuy nhiên, có một số quy tắc chung áp dụng cho tất cả các cuộc thi.
Tất cả các đội đều phải có huấn luyện viên có chuyên môn, đảm bảo tuân thủ các quy tắc hoạt động cổ vũ trong luyện tập cũng như thi đấu. Huấn luyện viên phải đảm bảo rằng các vận động viên hoặc đội không chuyển sang một kỹ năng khó hơn cho đến khi họ đã thành thạo các kỹ năng trước đó.
Ngoài ra, hoạt náo viên chỉ được phép thực hiện các pha nguy hiểm được liệt kê là được phép đối với cấp độ của họ hoặc những pha nguy hiểm được cho phép ở cấp độ thấp hơn. Khi thực hành các kỹ năng mới, phải có người giám sát được huấn luyện để hoạt náo viên luyện tập cho đến khi họ tự tin, thành thạo với kỹ năng đó.
Trong quá trình luyện tập và thi đấu, các vận động viên phải thực hiện trên các bề mặt thích hợp để giữ an toàn. Không được phép sử dụng các bề mặt như bê tông, nhựa đường, bề mặt ẩm ướt hoặc không bằng phẳng. Ngoài ra, không được phép sử dụng bất kỳ thiết bị nào giúp vận động viên nhảy cao hơn trong quá trình luyện tập mà không có sự giám sát thích hợp.
Các quy tắc thi đấu
Trong các cuộc thi đấu còn có nhiều luật lệ khác mà các vận động viên phải tuân theo.
Hoạt náo viên phải đi giày đế mềm và chắc chắn khi thi đấu. Việc cho bất kỳ thực phẩm ăn được nào như kẹo cao su, kẹo hoặc thuốc ho vào miệng vận động viên khi thi đấu là vi phạm quy tắc để tránh nguy cơ nghẹt thở. Các hoạt náo viên cũng không được đeo bất kỳ đồ trang sức nào trong thời gian thi đấu vì những lo ngại về vấn đề an toàn.
Ngoài ra, không có hoạt náo viên hoặc đồng đội nào có thể được thay thế trong quá trình thi đấu. Ai bắt đầu màn biểu diễn cũng phải kết thúc với phần còn lại của đội.
Màn trình diễn phải dài 2 phút 30 giây. Thời gian sẽ bắt đầu sau động tác, giọng nói hoặc nhịp nhạc đầu tiên. Thời gian sẽ kết thúc sau chuyển động, giọng nói hoặc nhịp nhạc cuối cùng. Khi bắt đầu biểu diễn, tất cả các vận động viên phải có ít nhất một chân, tay hoặc bộ phận cơ thể khác chạm vào bề mặt biểu diễn.
Trong khi biểu diễn thì không bắt buộc phải có đạo cụ nhưng nếu đội nào muốn sử dụng thì phải được duyệt trước trước khi thi đấu. Đạo cụ không được là bất kỳ vật dụng sắc nhọn hoặc tiềm ẩn nguy hiểm nào có thể cản tầm nhìn hay ảnh hưởng đến vận động viên. Các trọng tài sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong quá trình phê duyệt trước về các vấn đề an toàn của trận đấu.
Xem thêm:
BỎ TÚI 6 LỢI ÍCH TUYỆT VỜI KHI TẬP LUYỆN THỂ THAO HÀNG NGÀY
Top 10 phương pháp rèn luyện sức khỏe mà bạn không thể bỏ qua
Đặng Khánh Linh – 19051120
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!