Tăng cường phát triển dựa vào cộng đồng tại khu vực Đông Á, Nam Á và Thái Bình Dương

Hơn 90 chuyên gia về phát triển dựa vào cộng đồng (CDD) từ 14 quốc gia trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã tới dự hội nghị lần 3 về CDD tại thị trấn miền núi Sapa, Việt Nam, hồi tháng 6. Tại đây, họ đã trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau về cách thức sử dụng CDD để phát huy sức mạnh cộng đồng – trong đó bao gồm cả các nhóm thiểu số và phụ nữ bị thiệt thòi – và tăng cường tác động phát triển.

“Phát huy quyền phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, là một trong những thành tựu của dự án mà tôi cảm thấy tự hào nhất”, bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Giám đốc BQL Dự án Giảm nghèo Vùng núi phía Bắc (NMPRP II), chia sẻ.

Bà Nghĩa cũng chia sẻ câu chuyện về chị Lò Thị Me, một phụ nữ người Mông 31 tuổi đã xuống Hà Nội để tham gia một buổi thảo luận với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim. Chị Me đã kể cho Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nghe về cuộc sống của chị và bản làng nơi chị sinh sống tại tỉnh Lào Cai xa xôi, về câu lạc bộ thêu thổ cẩm đã tạo công ăn việc làm và giúp chị có thêm thu nhập. Bà Nghĩa cho biết rằng chỉ một vài năm trước đây, chị Lò Thị Me thậm chí đã không được chồng cho phép đi ra khỏi xã hay có bất cứ tiếng nói nào trong các vấn đề gia đình. Cuộc sống của chị Me và nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh đã thay đổi nhờ vào cách tiếp cận CDD trong dự án NMPRP II do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

“CDD là phương pháp tiếp cận từ dưới lên, trong đó phần lớn trách nhiệm và quyền hạn được giao cho cộng đồng và địa phương để họ tự phân tích các vấn đề của mình và tự quyết định việc sử dụng các nguồn lực được giao một cách hợp lý nhất”, ông Sean Bradley, Chuyên gia Phát triển Xã hội Cao cấp của Ngân hàng Thế giới nói. “CDD cho phép người dân và các nhóm dân tộc thiểu số tự quyết định và quản lý các hoạt động phát triển của chính họ.”

Khoảng 1,5 triệu người đã được hưởng lợi từ NMPRP II kể từ khi dự án đi vào hoạt động năm 2011. Phụ nữ chiếm khoảng 50% tổng số thành viên của gần 12.000 nhóm đồng sở thích (CIG) do dự án hỗ trợ. Trong số này có khoảng 5.000 nhóm CIG do phụ nữ lãnh đạo. Nhìn chung, các đối tượng hưởng lợi từ dự án này cho biết thu nhập bình quân đầu người của họ đã tăng 16%.

Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển đang ngày càng tập trung hỗ trợ cho các chương trình CDD trong những năm gần đây. Phương pháp tiếp cận CDD đã được áp dụng tại một loạt các quốc gia thu nhập từ thấp đến trung bình, và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột để giải quyết các nhu cầu cấp thiết như cấp nước, vệ sinh, giáo dục và y tế, tái thiết sau xung đột, chương trình dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, giao thông nông thôn và hỗ trợ các doanh nghiệp vi mô.

Hiện nay Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ 60 dự án với tổng trị giá lên tới 9,8 tỷ USD tại 15 quốc gia khu vực Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương. Nhiều chương trình CDD ban đầu là những hoạt động riêng lẻ nhưng sau đó đã mở rộng dần ra phạm vi toàn quốc gia và trở thành một bộ phận trong chiến lược phi tập trung hóa cấp quốc gia.