Cách thêu Tranh Chữ Thập
6 cách thêu tranh chữ thập phổ biến
Ngày đầu, tranh thêu chữ thập thêu trên nền vải trắng, vì thế người thêu tranh phải xác định tâm bức tranh sau đó mới thêu. Ngày nay, với công nghệ in hiện đại. Tranh thêu chữ thập đã in sẵn các bản vẽ với kí hiệu, màu tương ứng. Điều này rất dễ cho người thêu tranh và ngay cả người mới thêu lần đầu cũng dễ dàng bắt kịp.
Có rất nhiều cách thêu tranh thêu chữ thập, sau đây là 6 cách thêu phổ biến các anh chị em thường dùng. Chính xác hơn thì đây là 6 mũi thêu tranh chữ thập:
Cách thêu nguyên mũi (full stitch, X-stitch)
Thêu full stitch hay X-stitch (hay cách gọi dễ hiểu là thêu nguyên mũi) là kiểu thêu tạo ra các dấu “X” liền nhau.
Đầu tiên, bạn xác định vị trí ô vuông cần thêu mũi X (chữ thập). Lên kim tại góc dưới bên trái ô (vị trí số 1), xuống kim tại góc trên bên phải ô (vị trí số 2), tiếp tục lên kim tại góc dưới bên phải ô (vị trí số 3), xuống kim tại góc trên bên trái ô (vị trí số 4). Rút gọn lại: lên 1 – xuống 2 – lên 3 – xuống 4. Như vậy, bạn vừa hoàn thành xong mũi thêu chữ X. Tuy nhiên, cách thêu này chỉ áp dụng khi thêu chữ X đơn lẻ hoặc tranh thêu kích thước nhỏ.
Đối với tranh lớn, để tiết kiệm thời gian thêu, nên thêu theo từng hàng hoặc từng cột để hoàn thiện các mũi thêu chữ X. Các mũi để hoàn thiện chữ X nên theo cùng một hướng hoặc “/” hoặc “”. Ví dụ, mũi full stitch bắt đầu là mũi 1/2 hướng “” thì sau đó sẽ là mũi 1/2 hướng “/” hoặc ngược lại.
Ưu điểm của cách thêu mũi chữ X theo cách này giúp tiết kiệm thời gian, lên tranh đẹp hơn, mặt trái tranh rất gọn và đặc biệt nếu trong quá trình thêu bị nhầm màu chỉ thì việc tháo gỡ rất dễ dàng.
Cách thêu 1/2 mũi (half stitch)
Thêu half stitch là thêu nửa mũi, tạo ra các dấu /// hoặc \.
Nếu bạn đã biết thêu full stitch thì mũi half stitch khá đơn giản. Lên kim từ góc trái phía dưới của ô vải nơi bạn định thêu mũi 1/2 (vị trí số 1 trên hình), xuống kim ở góc phải bên trên – vị trí đối diện vị trí bạn vừa lên kim (vị trí số 2 trên hình). Tiếp tục lặp lại thao tác này, bạn sẽ có một dãy mũi thêu 1/2 như ý muốn.
Cách thêu 1/4 mũi (quarter stitch)
Với mũi thêu 1/4 bạn làm như sau: lên kim ở góc ô vuông (ví dụ ô vuông số 1). Nếu như mũi thêu bình thường, bạn xuống kim ở góc chéo đối diện với vị trí bạn vừa lên kim, thì mũi 1/4, bạn xuống kim đúng tâm ô vuông đó – tức một nửa đường chéo ô vuông bạn đang thêu. Như vậy bạn đã hoàn thành mũi 1/4 như hình minh họa….
Cách thêu 3/4 mũi (three-quarters stitch)
Cũng tương tự như mũi 1/4 thì mũi 3/4 có chút khác biệt. Sau khi bạn đã có mũi 1/4 như hướng dẫn phía trên. Bạn tiếp tục lên kim ở góc khác của ô vuông (chẳng hạn ô vuông số 3), xuống kim ở góc đối diện của ô vuông (chẳng hạn ô vuông số 4). Vậy là bạn đã hoàn thành xong mũi 3/4 rồi đó.
Cách thêu mũi con bọ (French-knot)
Thêu French – knot là kiểu thêu con bọ, thêu thắt nút trên vải. Kiểu thêu này hay dùng để thêu nhụy hoa nổi, mắt của động vật hay các chi tiết hình tròn cần nổi bật trên tranh.
Cách thêu mũi con bọ như sau: lên kim từ 1 lỗ của 1 ô stitch, một tay bạn tỳ kim nằm ngang trên mặt vải, tay còn lại cuốn chỉ quanh đầu kim (số lượng vòng cuốn là 2-3 hoặc 4 tùy thuộc vào độ to, nhỏ của mũi con bọ bạn muốn thêu).
Tiếp theo, bạn kéo các vòng chỉ xuống sát tay bạn đang giữ kim và rút kim từ từ. Khi đã tạo một gút trên sợi chỉ, bạn đâm kim xuống mặt trái của vải và kéo từ từ để lại gút vừa tạo nằm lại trên mặt vải.
Lưu ý: thao tác kéo kim phải từ từ, bạn không nên kéo kim quá mạnh sẽ làm gút trên chỉ theo kim xuống mặt sau của vải
Cách thêu mũi viền (backstitch)
Back stitch là kiểu thêu mũi viền, đi nét, giống như khâu đột. Mũi thêu viền giúp cho mẫu thêu sắc nét hơn, thể hiện sự tinh tế của hình thêu.
Thêu mũi đột giống như may quần áo ta hay gặp. Đi mũi viền từng ô một để đường chỉ được sát với mặt vải hơn. Với các đường cong uốn lượn trên hình, có thể kéo chỉ tạo thành đường chéo qua 1, 2 hoặc 3 ô. Nếu mũi viền chéo ô thì nên thêu ô đó với mũi 3/4, như thế sẽ đẹp và nhìn sắc sảo hơn thêu nguyên mũi.
Đánh giá
Trong các mũi thêu tranh chữ thập, mỗi kỹ thuật thêu đều có một ưu điểm riêng. Tùy vào đặc điểm tranh bạn lựa chọn cho phù hợp. Không cần quá cứng nhắc theo nguyên tắc, hãy thêu theo cách mà bạn thấy thoải mái và hiệu quả nhất. Hãy kết hợp nhiều kiểu mũi thêu phù hợp để bức tranh đẹp hơn.
Bạn không nên quá lo lắng về việc làm sao để lựa chọn kiểu thêu phù hợp. Trong mỗi bức tranh thêu, nhà cung cấp luôn gửi kèm chart thêu (hướng dẫn thêu). Trên chart có in sẵn màu hoặc kí hiệu khác nhau thể hiện mã chỉ. Và bên cạnh mỗi mã chỉ sẽ ghi chú loại mũi thêu. Do đó, để có tác phẩm thêu hoàn hảo, đơn giản là bạn chỉ cần nghiêm túc tuân thủ theo.
Những cách để thêu tranh đẹp hơn
Cách thêu tranh chữ thập 1 chiều
Thêu tranh chữ thập 1 chiều tức là như nào? Bạn cũng biết rồi, mỗi chữ X sẽ gồm dấu sắc và huyền chéo nhau như này: /// \. Và khi thêu một mảng màu, thì chúng ta hãy đưa kim thêu 1 dấu cố định trước. Chẳng hạn thêu hết dấu sắc (/) trước. Sau khi kết thúc dấu sắc cho cả mảng màu, thì mới chuyển sang thêu dấu huyền ().
Tất nhiên không chỉ có vậy! Quan trọng nữa đó là bạn phải nhất quán. Đã thêu dấu sắc trước, thì toàn bộ bức tranh đều thêu dấu sắc trước. Như vậy chữ thập (dấu X) trên toàn bộ bức tranh mới đều, đẹp, thuận mắt. Nếu không nhìn sẽ khá là lởm chởm! Và khi đó, bị gọi là lỗi thêu 2 chiều (xem thêm ở bài Các lỗi thêu tranh chữ thập). Và hơn thế, nếu bạn đang thêu thuê, việc thêu chiều nào trước cũng phải hỏi rõ xưởng tranh thuê bạn. Bởi các xưởng thường có quy định riêng.
Cách thêu tranh chữ thập giấu chỉ
Việc giấu chỉ khi thêu sẽ giúp bức tranh nhìn sạch sẽ, đẹp đẽ, ngon lành hơn. Tranh thêu đạt chuẩn là các sợi chỉ luôn được giấu kể từ mũi bắt đầu tới mũi kết thúc. Sợi chỉ phải nằm dưới thớ vải.
Cách giấu chỉ khi thêu tranh chữ thập khá đơn giản. Bắt đầu thêu ở ô nào thì đánh dấu chỉ ở ô đó. Luồn chỉ qua ô đó và lật mặt sau. Luồn chỉ qua 3 thớ vải, tiếp đó đâm chỉ vào ô vừa đánh dấu ở mặt trước.
Cách thêu tranh chữ thập 2 mặt
Thêu tranh chữ thập 2 mặt tức là khi lật mặt sau của tranh, chúng ta vẫn có hình ảnh đẹp (nhưng ngược lại). Thông thường, nếu thêu 1 mặt thì mặt sau thường có dấu thắt chỉ nhìn rất xấu. Tuy nhiên khi đóng khung xong thì mặt sau cũng bị che đi nên chẳng quan trọng.
Thế nhưng, đôi khi thêu 2 mặt lại có tác dụng. Chẳng hạn bạn muốn đóng khung hai mặt kính để bàn, hoặc treo vách kính. Lúc này bạn sẽ có thể nhìn cả hai mặt đối xứng của bức tranh thêu. Dĩ nhiên, thêu hai mặt chỉ áp dụng với tranh không có chữ. Vì nếu tranh có chữ, mặt trái nhìn sẽ lộ và không được hay cho lắm. Và điều kiện bắt buộc là tranh phải thêu kín, bởi tranh 3D phía mặt sau sẽ khuyết hình in.
Vậy, làm sao để thêu tranh chữ thập 2 mặt? Câu trả lời là “hãy giấu chỉ” ở cả hai mặt và không thắt nút.
Việc thêu hai mặt trong thực tế không cần quan tâm cho lắm. Vì như đã nói ở trên, tranh chúng ta thường đóng khung treo, nên chỉ nhìn được từ một phía. Và khi thêu chữ, mặt sau sẽ có chữ ngược và xấu. Còn nếu bạn thực sự muốn làm tranh hai mặt thì có thể tham khảo hãng tranh Mona Lisa, nơi cung cấp phần lớn tranh thêu kín hiện nay.
Cách thêu tranh chữ thập hai màu chỉ
Cách thêu tranh chữ thập 2 màu chỉ không thường xuyên được sử dụng, tuy nhiên lại đem lại vẻ đẹp khác lạ. Trên chart hướng dẫn, những mã chỉ kép được ghi kiểu như Màu A+ Màu B. Khi đó, màu chỉ B sẽ dùng 1 sợi, còn lại là dùng chỉ màu A. Chẳng hạn thêu vải 11CT cần dùng 3 sợi chỉ cùng lúc. Thì sẽ dùng 1 sợi chỉ màu B và 2 sợi chỉ màu A để thêu.
Kết quả của việc thêu 2 màu chỉ là vùng tranh sẽ trộn các màu nhìn rất đẹp. Tuy nhiên, không nên tự ý trộn màu chỉ nếu không được chỉ định trong chart thêu. Trừ phi bạn là một người có khiếu nghệ sĩ thực sự.
Để biết quy định về số sợi chỉ sử dụng cho từng loại vải, bạn sẽ được đọc ở đoạn phía dưới viết về chỉ thêu.
Cách xỏ chỉ thêu tranh chữ thập
Xỏ chỉ tưởng chừng là công việc khó khăn. Với kim khâu thông thường cùng chỉ khâu quần áo rất nhỏ. Nhưng với kim thêu tranh chữ thập lại khác. Lỗ kim nó to, dài. Bạn chỉ cần tách ra đủ số sợi chỉ, và vuốt đầu chúng để luồn vào lỗ kim thôi. Tuy nhiên, không nên mút chỉ bằng miệng. Vì chỉ chưa giặt, phẩm màu sẽ không tốt khi mút.
Để xỏ chỉ nhanh, bạn có thể dùng cái xỏ chỉ chuyên dụng. Nó cũng rẻ thôi, cứ hỏi người bán tranh là có. Họ sẽ hướng dẫn trực quan luôn.
Cách thắt chỉ khi thêu tranh chữ thập
Để có bức tranh thêu đẹp, ngoài việc thêu đúng kỹ thuật thì khâu xử lý chỉ trong quá trình thêu cũng khá quan trọng. Thắt chỉ hay gút chỉ trước khi thêu và sau khi kết thúc như nào cho đẹp và gọn? Bạn hãy cùng tham thảo các cách sau đây nhé.
Cách xử lý chỉ khi bắt đầu thêu mũi đầu tiên
Cách 1: Kéo sợi chỉ phía sau ra một chút, luồn cây kim qua. Nếu kỹ hơn thì luồn qua thêm một mũi nữa, vậy là bạn đã thắt chỉ thành công rồi đó. Bạn có thể tiến hành thêu bình thường theo hướng dẫn của chart thêu.
Cách 2: Cách thắt chỉ thứ 2 cũng khá ổn, bạn nên thử xem sao nhé. Bắt đầu thêu mũi thứ nhất xong, bạn lấy tay giữ đầu sợi chỉ kia dưới mặt vải, cố ý kéo chừa lại một đoạn mặt dưới (khoảng 0.5cm-1cm). Sau đó, khi đâm kim xuống, lật mặt trái vải lên, ngón cái của bàn tay không cầm kim giữ chặt đầu chỉ đã để chừa, kéo sang bên trái hoặc bên phải tuỳ theo hướng các mũi chỉ tiếp theo sẽ đi về phía nào. Tiếp theo, đâm kim lên vào ô bên cạnh vòng chỉ qua phần chỉ tay kia đang giữ, sau đó lại đâm kim xuống để tạo những đoạn || hoặc = đè lên đoạn chỉ thừa đó. Cách làm này giúp thắt chỉ rất chắc chắn và mặt sau tranh gọn và rất đẹp.
Sau khi thêu xong, cách xử lý chỉ như thế nào?
Thay vì cột gút chỉ bạn có thể làm theo hướng dẫn sau. Rất đẹp và chắc chắn.
Nếu thêu theo từng hàng, ở mặt trái, bạn sẽ có các đường chỉ là những đường dọc song song (||). Còn khi kết thúc nếu thêu theo cột, ở mặt trái bạn sẽ có các đường ngang song song (=). Vì vậy khi muốn kết thúc đường chỉ đó, bạn không cần cột gút lại mà chỉ cần luồn cây kim dưới các sợi chỉ || hoặc = này, kéo qua là được. Nếu muốn chắc chắn hơn, bạn luồn kim lại một lần nữa.
Bài đọc thêm:
Hướng dẫn về Tranh Thêu Chữ thập cho người mới bắt đầu
Tổng quan về tranh thêu chữ thập
Ngày nay, nhu cầu trang trí không gian sống rất đươc chú trọng. Có nhiều cách trang trí khác nhau tùy vào sở thích của từng người.
Có người yêu thích không gian lộng lẫy của đèn họa tiết, có người lại thích cảnh mộc mạc đơn sơ của những bức tranh. Nhưng có lẽ, phổ biến hơn cả là cách sử dụng tranh, ảnh đề không gian thêm phần sống động.
Và không thể không nhắc đến tranh đính đá, tranh thêu chữ thập đã xuất hiện từ rất sớm ở Việt Nam. Với đặc điểm dễ làm, do đó dòng tranh này được rất nhiều người yêu thích.
Vậy tranh thêu chữ thập là gì? Bạn đã biết thêu tranh chữ thập chưa? Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây nhé!
Tranh thêu chữ thập là gì?
Tranh thêu chữ thập là bức tranh được tạo ra từ kiểu thêu chữ thập.
Tranh thêu chữ thập xuất hiện từ hàng ngàn năm về trước và ở rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Người ta tìm thấy các họa tiết thêu chữ thập trên trang phục của thổ dân da đỏ Châu Mỹ, trên long bào của vua chúa Trung Quốc hay các họa tiết trên gấu váy của các cô gái H’Mông Việt Nam. Ở Jelusalem, tấm trang trí bàn thờ Chúa cũng có đường nét của thêu chữ thập.
Thời kì mới phát triển, tranh thêu chữ thập rất khó thêu. Người thêu tranh dựa trên bản in trên giấy có sẵn, sau đó đánh dấu, kẻ vẽ lên vải tranh (vải aida màu trắng, chưa có họa tiết). Quá trình này rất kỳ công, tỷ mỉ đòi hỏi sự chính xác cao.
Sau khi đã có được bản phác thảo tranh, người thêu mới bắt tay vào thêu tranh. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho người thêu.
Trong những năm gần đây, với công nghệ in tiên tiến. Các hình vẽ, ký hiệu màu sắc được in một cách chuẩn xác trên chất liệu vải thêu. Tranh thêu chữ thập đã có bước cải tiến vượt bậc. Nhờ vải tranh in màu đánh dấu sẵn, người thêu tranh chỉ cần thêu theo đúng các kí tự, màu được đánh dấu là có thể hoàn thành bức tranh. Quả thực rất đơn giản và dễ dàng.
“Thêu chữ thập” có nghĩa là gì?
Thêu tranh thì đã quá phổ biến trong nghệ thuật tranh của các quốc gia châu Á. Nhưng thêu chữ thập thì vẫn còn là mới mẻ, nhiều người chưa biết đến. Vậy thêu chữ thập là gì?
Thêu chữ thập tiếng anh là Cross Stitch hay X- Stitch. Do cách thêu là tạo ra các dấu + (hay X) bằng mũi chỉ trên vải, nên được gọi là thêu chữ thập (dấu +)
Tranh thêu chữ thập hiện đại được chia thành các ô vuông nhỏ đều. Bức tranh thêu chữ thập được tạo nên bởi rất nhiều mũi thêu chữ X. Nhờ việc chia ô như vậy, các mũi chữ X sẽ đẹp và đều đặn giúp bức tranh trở lên hoàn hảo.
Các thành phần để tạo ra tranh chữ thập
Vải thêu
Tranh thêu chữ thập không kén vải thêu, tuy nhiên phổ biến hơn cả là vải Aida. Aida là loại vải được cấu tạo 100% cotton, được dệt đan phên tạo nên các ô vuông nhỏ đều đặn rất phù hợp với kiểu thêu chữ thập (cross stitch).
Tùy vào mật độ các ô vuông mà hình thành các tên vải thêu khác nhau: aida 9ct, aida 11ct, aida 12ct, aida 14ct,….
Mỗi loại vải thêu tương ứng với loại kim và số lượng chỉ thêu khác nhau.
Kim thêu
Kim thêu có rất nhiều loại phụ thuộc vào loại vải thêu tranh. Cấu tạo chung kim thêu là đầu tròn và lỗ xỏ chỉ dài. Việc này giúp bạn tránh được việc bị kim thêu đâm vào tay như kim khâu bình thường và xỏ được rất nhiều sợi chỉ.
Hiện này có 2 loại kim thông dụng:
+ Kim thêu thường: cây kim to, lỗ xỏ chỉ to phù hợp với các tranh có lỗ thêu to như vải thêu aida 11ct, aida 9ct
+ Kim thêu nhanh: cây kim nhỏ, lỗ xỏ chỉ nhỏ. Kim thêu nhanh thường dùng cho tranh 5D với lỗ thêu nhỏ
Chỉ thêu
Chỉ thêu được làm từ 100% cotton. Các loại chỉ thông dụng hiện nay là: DMC, Anchor, DC, Cherish, Rosace … Chỉ thêu chữ thập có 447 màu thông dụng, mỗi màu có mã số riêng. Thông thường người ta hay dùng bảng màu của chỉ DMC để làm tiêu chuẩn. Đọc tới đây, bạn đã hiểu cái DMC trong tranh thêu chữ thập là gì rồi đó.
Chỉ thêu được xoắn 6 sợi 1 bó, vì thế khi thêu bạn cần rút từng sợi một cách khéo léo để sợi chỉ không bị rối. Dùng 2 đầu ngón tay cầm vào 1 sợi chỉ và rút thẳng tay sẽ khiến sợi chỉ lấy ra không bị rối.
Mỗi loại vải thêu tương ứng với số chỉ thêu phù hợp. Bạn nên tham khảo hoặc hỏi người bán trước khi thêu. Mà thôi, mình sẽ chia sẻ luôn sau đây:
Dùng bao nhiêu sợi chỉ để thêu tranh thêu chữ thập?
Thêu tranh mấy sợi chỉ? Phần lớn các bạn thêu tranh ít khi quan tâm đến số chỉ thêu khi mua tranh, cho đến khi bắt tay vào thêu. Mỗi loại vải thêu quy định số lượng chỉ thêu phù hợp, bạn nên tuân thủ theo.
Vậy thì nên dùng bao nhiêu sợi chỉ để thêu tranh thêu chữ thập? Số lượng sợi chỉ dùng cho các loại vải như thế nào? Hãy tiếp tục tìm hiểu trong đoạn dưới đây để biết thêu tranh chữ thập mấy sợi chỉ nhé.
Số lượng chỉ thêu phù hợp với thiết kế kích cỡ của ô thêu trên tranh thêu chữ thập. Tranh thêu chữ thập có bao nhiêu loại vải thì có bấy nhiêu cách dùng chỉ. Sau đây là những cách dùng chỉ cho một số loại vải thêu phổ biến hiện nay.
Đối với vải aida 9ct thường dùng 4 sợi chỉ để thêu. Còn vải Aida 11CT thêu mấy sợi chỉ? Với vải aida 11ct, kích thước ô thêu nhỏ hơn vì thế thường dùng 3 sợi chỉ. Vải aida 12ct, 14ct thường dùng 2 sợi chỉ trong một lần thêu. Số sợi được tính là sợi đơn, không được gấp đôi chỉ như khâu quần áo.
Bạn nên ghi chú lại để sử dụng cho những lần thêu tiếp theo, hoặc hỏi người bán tranh tư vấn chi tiết nhé.
Tranh thêu chữ thập bị lem màu thì phải làm sao?
Nếu tranh thêu chữ thập bị lem màu sẽ không thể thêu được nếu không có sách hướng dẫn. Lúc này cần liên hệ người bán để hỗ trợ hình ảnh các vị trí thêu. Hiện tượng này chỉ xảy ra với tranh thêu kín, do bất cẩn để nước (hoặc mồ hôi) dính vào khu vực chưa thêu.
Đối với tranh thêu 3D, 5D sẽ không lo hiện tượng lem màu. Bởi loại mực in trên toàn bộ tranh đều là in cứng, không thể giặt bay màu. Loại tranh thêu chữ thập này cũng không sợ ẩm ướt như tranh thêu kín. Tuy nhiên, cần lưu ý khi thêu tranh 3D, 5D là tránh xoắn chỉ. Có vậy thì chỉ màu mới che kín hoàn toàn các ký tự màu phía dưới. Như vậy khi lên tranh sẽ đẹp hơn.
Tranh thêu chữ thập thêu xong có phải giặt không?
Tranh thêu chữ thập có được giặt không? Đó là câu hỏi chung của hầu hết các “nghệ nhân” khi cầm trên tay tấm tranh thêu thành phẩm đầu đời. Cũng bởi vì thêu tranh rất kì công. Bức tranh chứa đựng bao nhiêu tâm huyết, tình cảm của người làm cơ mà. Nhỡ không may làm hư thì cũng khổ tâm lắm! Tuy nhiên cũng đừng lo lắng quá. Việc giặt là cần thiết. Nó sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, sợi vải thừa còn sót lại trên tranh giúp bức tranh trở nên sáng đẹp hơn.
Khi thêu xong, bạn nên giặt qua bằng nước (bột) giặt trung tính. Mình thì hay dùng dầu gội để giặt tranh thêu và cảm thấy khá ổn. Sau đó, xả sạch lại với nước ấm hoặc nước lạnh.
Lưu ý nhỏ:
- Trước khi thêu, cần đảm bảo rằng tay bạn luôn sạch và khô, tránh lấm lem bẩn vào tranh sẽ khó thêu.
- Tranh thêu kín, tranh 3D, tranh 5D đều cần phải giặt. Mặc dù chỉ tranh thêu kín mới có thể giặt bay được màu vải. Nhưng sau khi thêu, tranh nào cũng sẽ nhiễm bẩn và mồ hôi từ đôi tay.
- Không được giặt tranh thêu chung với các món đồ khác. Tránh vò, chà xát mạnh lên mặt vải và không giặt khô.
Sau khi giặt xong, bạn nên trải tranh lên tấm lót bông rồi cuộn lại nhằm hút hết nước còn dư trong tranh. Hoặc có thể mang phơi luôn. Tuy nhiên, chỉ hong khô trong bóng râm nơi thoáng gió.
Đối với tranh thêu của các hãng phổ thông, việc giặt không làm tranh thêu bị lem màu. Nên bạn yên tâm giặt tranh sau khi thêu xong nhé.
Có được dùng bàn là để ủi tranh thêu chữ thập không?
Bạn có thể dùng bàn ủi, ủi phẳng từ “mặt sau” tranh. Như vậy, bức tranh của bạn sẽ phẳng phiu và các mũi thêu không bị ảnh hưởng. Có điều, hãy cẩn thận khi sử dụng bàn ủi phải cẩn thận, không để cháy. Quần áo có thể mua lại, chứ tranh thêu lại mất công lắm.
Sau khi tranh đã thêu, giặt, phơi. Hãy mang ra tiệm đóng khung, lựa chọn khung thật chất, và hợp với không gian phòng.
Cách giặt tranh thêu chữ thập bị mốc (hoặc tẩy vết ố trên tranh thêu)
Tẩy tranh thêu chữ thập bị mốc:
Nếu tranh thêu chữ thập bị mốc do ẩm gây ra. Thì cách giặt tranh thêu chữ thập bị mốc như sau:
- Lấy tranh ra khỏi tường, vặn ốc vít ở mặt sau tranh, bóc nẹp và vải khỏi khung và kính. Sau đó, dùng tua vít 2 cạnh loại nhỏ hoặc vật nhọn để tháo ghim, rồi lấy tấm vải tranh ra.
- Giặt tranh lần 1 bằng xà bông trung tính, dầu gội. Nếu đã sạch thì bỏ qua bước 3.
- Ngâm tranh thêu bị mốc với 1 trong các hỗn hợp sau rồi giặt lại bằng xà bông trung tính (dầu gội):
- Nước nóng pha giấm trắng tỉ lệ 2 nước + 1 giấm: Ngâm 30 phút;
- Khoai tây xay nhuyễn: Phết lên các khu vực mốc 10 phút;
- Baking soda pha nước: Ngâm 60 phút;
- Kem đánh răng: Dùng kem đánh răng để giặt, ngâm 5-10 phút rồi vò lại;
- Oxy già: Ngâm 30 phút;
- Thuốc tím + nước: Ngâm 30 phút tranh sẽ bị nâu. Sau đó vắt sạch, dùng nước cốt chanh hoặc axit chanh để tẩy lại. (Phương pháp này tẩy khá mạnh, không khuyến khích sử dụng).
- Phơi khô tránh nắng. Các biện pháp giặt tẩy đã có tác dụng diệt khuẩn nên không cần phơi nắng. Việc phơi dưới nắng trực tiếp ảnh hưởng không tốt cho màu tranh.
- Mang cả khung cũ và tranh ra tiệm đóng khung. Có thể đóng khung mới nếu khung cũ bị mục. Giá đóng lại thỏa thuận với xưởng khung.
Tẩy tranh thêu chữ thập bị ố màu:
Với tranh bị ố màu do dính phải các các loại nhựa cây, mực, rượu vang,… Thì cũng có thể áp dụng cách tương tự tẩy mốc tranh. Riêng đối với việc dính rượu vang, áp dụng thuốc tím như trên có thể xử lý được. Nhưng có thể phải ngâm 1 tiếng và tẩy 2 lần với những vùng màu trắng.
Cách bảo quản tranh thêu chữ thập đúng cách
Đối với tranh chưa thêu:
Tranh chưa thêu cần được để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Đặc biệt với tranh thêu kín, nếu để ở nơi ẩm thấp có thể làm loang màu khiến việc thêu khó khăn.
Đối với tranh thành phẩm:
Giặt sạch tranh thêu trước khi đóng khung là một công việc quan trọng trong khâu bảo quản. Tiếp theo, việc chọn khung tranh cũng không kém phần quan trọng.
Bạn hãy chọn khung đảm bảo lớp vải tranh không quá gần tường. Và có một lớp gỗ/ mica cách ẩm với mặt tường.
Về phần tường nhà, hãy chống ẩm tốt để bảo vệ ngôi nhà của bạn. Đồng thời cũng giữ cho tranh được khô ráo, bền lâu.
Có một số bạn sử dụng diêm sinh đốt lên xông tranh để chống mốc cho tranh. Đây cũng có thể là một biện pháp có thể nghiên cứu nếu nhà bạn quá ẩm thấp.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của Lavender muốn gửi đến bạn đọc về cách thêu tranh chữ thập nhanh, đều và đẹp. Cách thêu các mẫu tranh 3D, 5D cũng giống như vậy.
Bài viết là toàn bộ những đúc rút kinh nghiệm thêu tranh nhiều năm của người thêu tranh. Hy vọng rằng, sau bài viết này bạn có thể tự tin hoàn thiện bức tranh thêu đẹp như ý.
Ngay sau bài viết này, bạn có thể tìm cho mình một bức tranh để thêu. Cách thêu tranh chữ thập Phong cảnh, Con Công, Con ngựa, Đồng hồ, Hoa sen, chữ Phúc Lộc Thọ, hình phật Quan Âm, mã đáo thành công, non nước hữu tình, phật Di Lặc, tùng hạc diên niên, Hoa khai Phú quý, cá chép, khổ lớn hay nhỏ đều chỉ xoay quanh 6 kỹ thuật thêu trên mà thôi.
Cách thêu tranh 1 chiều và cách thêu tranh 2 mặt mình định giới thiệu cho các bạn ở bài viết khác vì bài viết này đã quá dài rồi. Nhưng sau cùng lại quyết định chia sẻ luôn tại bài này, dài quá đọc cũng dễ mỏi mắt ha. Chỉ cần làm đúng, đảm bảo thêu tranh 2 mặt đẹp như 1, hai mặt đẹp chẳng khác gì nhau luôn.
Nếu bạn cần Lavender hỗ trợ, hãy liên hệ hotline hoặc inbox cho chúng tôi nhé
Hotline 0345315822
Một số mẫu tranh thêu chữ thập cho người mới tập thêu
Sau đây là một số mẫu tranh thêu chữ thập cho người mới tập thêu tranh chữ thập tại nhà. Sở dĩ nó dành cho người mới tập, vì kích thước nhỏ, làm sẽ nhanh, và dù lỗi cũng không mất quá nhiều công sức.
Việc thêu tranh chữ thập tại nhà đang là trào lưu trong xã hội. Bởi ngoài việc tránh lãng phí thời gian vô ích vào điện thoại, nhiều người lựa chọn thêu tranh chữ thập. Đặc biệt, nó có tác dụng lớn lao trong giai đoạn xã hội cùng ở nhà để chống dịch bệnh Covid19.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!