Khi bạn đã cố gắng nhất để tôn trọng cảm xúc của người khác trong khi vẫn thành thật nhất với mong muốn của bản thân thì cảm giác áy náy sẽ không còn nữa. Có thể nói lời từ chối nhưng đối phương vẫn cảm nhận được sự tử tế, trân trọng, và tôn trọng.
Rõ ràng, không vòng vo nước đôi
Bạn có thể vui vẻ, thả lỏng nhưng thông điệp từ chối phải rõ ràng.
Một lời từ chối quá khéo và quá màu mè khiến cho cuộc đối thoại trở nên sượng sùng và người đối diện rối bung không biết rốt cuộc là có được đồng ý hay không. Người đối diện có thể hiểu nhầm thông điệp thành: “Có phải họ cần được đưa ra lợi ích hấp dẫn hơn thì mới đồng ý hay không?” hoặc “Có phải họ cũng muốn đồng ý nhưng muốn bàn lại về lợi ích hay không?”.
Những cụm từ rõ ràng nhưng tử tế:
– Tiếc quá mình không nhận lời được.
– Cám ơn đã rủ rê/ đề nghị nhưng cái này không hợp với mình.
– Xin lỗi nha nhưng cái này mình làm không được/ cái này mình không biết làm.
– Tiếc quá mình bận hôm đó rồi.
Những cụm từ màu mè gây hiểu lầm nên tránh:
– Mình cũng chưa biết nữa/ để coi sao.
– Mình cũng chưa chắc lắm.
– Lẽ ra mình có thể nhận lời được nhưng …
Bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với người đưa ra lời đề nghị
Từ chối không có nghĩa là không trân trọng, bạn cần hiểu rõ điều này và bày tỏ cho đối phương hiểu bằng thái độ.
Lời từ chối thật sự rất khó, đặc biệt còn khó hơn nếu người đề nghị hoặc cơ hội được đề nghị thật sự rất có ý nghĩa, được đề nghị bạn thật sự rất mừng. Khi phải từ chối bạn cảm thấy rất tệ, đó là một cảm xúc tự nhiên. Thế nên thể hiện sự trân trọng là rất cần thiết nhưng vẫn giữ vững và rõ ràng thông điệp từ chối của bản thân.
Một vài cách thể hiện trân trọng:
– Cám ơn vì nghĩ đến mình.
– Được mời mình hãnh diện lắm!
– Lần này không được nhưng lần sau nhớ rủ nữa nha!
Nếu muốn, bạn có thể đưa lý do nhưng thật ngắn thôi
Người bị từ chối chỉ muốn nghe lời giải thích ngắn gọn.
Người nghe thật sự chỉ muốn biết kết quả là lời đề nghị của mình có được nhận lời hay không thôi, cho nên những lý do chỉ là phần phụ, vì thế đừng phân trần lê thê. Nên nói ra ngắn gọn dễ hiểu nhất: “Hôm đó bận rồi” / “Mình vướng cuộc hẹn sắp xếp cả tháng mới được” / “Mình đang bị dồn nợ việc do chuyến du lịch trước đó” …
Đưa ra đề nghị thay thế nếu bạn muốn
Bạn có thể đưa ra thời gian khác mà bạn có thể đồng ý, hoặc đề xuất một người bạn khác có thể phù hợp với lời đề nghị.
Đôi lúc bạn phải từ chối chỉ vì thời điểm, và bạn sẵn lòng nhận lời ở thời điểm khác, bạn có thể đưa ra đề nghị thay thế:
– Hôm đó thì mình bận nhưng nếu bạn dời được 2 ngày nữa thì mình rất mừng.
– Nghe cậu đang buồn tớ cũng buồn lắm, cuối tuần này thật sự không qua ngủ được, nhưng bây giờ tớ có thể chạy ra gặp cậu liền, cậu đang có thời gian không?
Bạn cũng có thể giới thiệu người phù hợp thay thế để có thể giúp người vừa hỏi nhờ nếu bạn có mạng lưới mối quan hệ và bạn biết việc này mang lợi ích lại cho các bên.
Những lúc câu trả lời trì hoãn hoặc chưa quyết là phù hợp
Bạn có quyền đề nghị thời gian để bản thân suy nghĩ.
Không phải lúc nào cũng cần dứt khoát từ chối ngay, bạn có thể trả lời “Để tớ xem lại rồi báo cậu” hay “Cho tớ suy nghĩ nhé!”, hoặc “Cũng có thể làm được, để tớ xem rồi báo lại cậu”. Đây là trường hợp bạn thật sự rất thích cơ hội này, công việc này, nhưng cần xem lại thời gian và năng lực bản thân. Hoặc bạn thật sự muốn giúp đỡ bạn mình nhưng đây là một đề nghị quá sức một chút nên bạn cần coi mình có thể dời lịch được không, hoặc huy động nguồn lực được không.
Không cần phải đưa ra quyết định ngay nếu bạn chưa thoải mái, hoàn toàn có thể hỏi người đề nghị có gấp không, có thể để bạn suy nghĩ được không, cứ thoải mái xin thời gian mà bạn cần.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!