Rạn da sau sinh – Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục

Trong số 1001 vấn đề mà sản phụ gặp phải sau sinh thì rạn da luôn là nỗi lo lắng hàng đầu bởi việc khắc phục tình trạng này không dễ dàng, cần sự kiên trì và đúng phương pháp. Vậy chị em hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây rạn da ở phụ nữ sau sinh cũng như cách khắc phục hiệu quả qua bài viết dưới đây.

Rạn da sau sinh là gì?

Trong quá trình mang thai, các bộ phận trên cơ thể mẹ buộc phải phát triển lớn hơn để tạo điều kiện cho thai nhi phát triển, đặc biệt là phần bụng. Trong khi đó, bên dưới da là các mô hỗ trợ cho việc đàn hồi, khi các mô này bị kéo căng để thích nghi với sự phát triển thai nhi theo từng giai đoạn thì gây ra hiện tượng rạn da.

Các vết rạn xuất hiện do làn da không theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của cơ thể mẹ. Bụng là vị trí dễ bị rạn da nhất, sau đó là mông, ngực, hông, đùi, cánh tay.

Màu của vết rạn sẽ khác nhau ở mỗi bà bầu do sắc tố da của mỗi người không giống nhau, có người màu hồng nhạt, có người màu nâu đỏ, tím hay nâu sẫm.

Kích thước của vết rạn có thể to hay nhỏ, ít hay nhiều tùy thuộc vào mức tăng cân của mẹ khi mang thai. Với mức độ tăng cân thông thường vào khoảng 10-12kg thì diện tích rạn da sẽ thấp hơn so với mẹ mang thai tăng từ 15-20kg hoặc hơn.

Nguyên nhân rạn da sau sinh

Tăng cân quá nhanh

Tăng cân quá nhanh là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng rạn da sau sinh của các mẹ.

Khi mang thai, cân nặng và kích thước các bộ phần trên cơ thể người mẹ sẽ tăng lên nhanh chóng. Khi đó, bề mặt da đột ngột bị kéo giãn, chưa thích nghi kịp với tốc độ phát triển của cơ thể. Các sợi collagen và elastin dưới da bị đứt gãy, gây nên tình trạng rạn da khi mang thai.

Tính di truyền

Nếu trong gia đình có người bị rạn da từ nhỏ thì khả năng mẹ bị rạn sau sinh là khá cao. Đây là yếu tố thuộc về di truyền và cấu trúc da bẩm sinh. Trên thực tế, có những người khi còn trẻ da đã xuất hiện vết rạn trắng.

Độ tuổi mang thai

Độ tuổi mang thai cũng là một trong những nguyên nhân gây rạn da sau sinh mà chị em cần lưu ý.

Khi mang thai ở độ tuổi quá trẻ, cấu trúc da chưa ổn định, vì thế, những vết rạn sẽ rất dễ xuất hiện. Trong khi đó, nếu mang thai khi đã lơn tuổi thì da đã bị lão hoá, độ đàn hồi của da cũng sẽ kém.

Da khô và thiếu dưỡng chất

Những chị em có da khô dễ bị rạn hơn so với da dầu do cấu trúc các sợi collagen và elastin rất yếu. Vì thế mà tốc độ lão hoá của da khô nhanh hơn so với da dầu.

Thông thường, các mẹ chỉ chú ý chăm sóc da mặt mà bỏ qua việc dưỡng ẩm toàn thân. Khi vùng da bụng, da ngực, mông và đùi không có đủ độ ẩm cần thiết, độ đàn hồi của da sẽ kém hơn, dễ dẫn tới rạn da.

Ít vận động

Những mẹ bầu tập thể dục đều đặn trước và trong quá trình mang thai có tỷ lệ rạn da ít hơn so với người không luyện tập. Khi cơ thể vận động, máu được lưu thông đều đặn, cơ và da được giãn nở liên tục, sẽ dễ dang thích ứng với việc cơ thể mẹ tăng cân. Mẹ bầu có thể lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng khi mang thai như yoga và đi bộ.

Biểu hiện của rạn da sau sinh

Biểu hiện rõ nét nhất của vết rạn là đường rãnh màu tím và đỏ

Các vết rạn thường kèm theo ngứa ngáy da do tình trạng da khô và căng quá mức. Đôi khi vùng da bị rạn bị bong vảy trắng. Những vảy trắng này chính là các tế bào da tổn thương bị đẩy lên bề mặt, tạo thành các vảy khô.

Thông thường sau sinh, các vết rạn đều có màu đỏ hoặc tím sẫm chạy dọc theo chiều dài bụng. Các vết rạn này khá dày và sát nhau.

Phòng ngừa rạn da sau sinh

Mặc dù khó có thể phòng tránh hoàn toàn được các vết rạn da nhưng vẫn có một số cách giúp bạn giảm mức độ nghiêm trọng của nó:

– Dưỡng ẩm cho da: Da không được dưỡng ẩm thường xuyên sẽ bị khô và làm tăng nguy cơ xuất hiện các vết rạn. Các mẹ có thể sử dụng các loại dầu dưỡng ẩm và uống đủ nước hằng ngày t để làn da ngậm nước.

– Nuôi dưỡng làn da từ bên trong: Mẹ có thể sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, vitamin E sẽ giúp làn da khỏe mạnh, săn chắc và có độ đàn hồi ít hơn. Làn da khỏe sẽ giúp bạn hạn chế sự ảnh hưởng của vết rạn lên da.

– Kiểm soát cân nặng: Trong quá trình mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ là rất lớn nhưng me nên lưu ý rằng: ăn nhiều để cung cấp dinh dưỡng cho 2 người nhưng không có nghĩa là ăn gấp đôi, gấp ba. Hãy tạo cho mình một chế độ ăn uống khoa học để giữ cơ thể được cân đối và giảm tình trạng rạn da sau sinh.

Gợi ý 7 phương pháp khắc phục rạn da sau sinh vô cùng hiệu quả

Dưới đây là một số cách chữa rạn da sau sinh đơn giản mà hiệu quả, giúp giảm, làm mờ các vết rạn da mà mẹ có thể thực hiện tại nhà.

Mẹ cũng cần lưu ý rằng thời gian điều trị vết rạn hữu hiệu nhất là khi vết rạn có màu hồng hay đỏ nhạt, tức là các vết rạn còn mới.

Dầu oliu

Dầu ô liu được coi là trợ thủ đắc lực trong việc chữa trị rạn da cho mẹ sau sinh. Trong dầu ô liu có nhiều vitamin có công dụng dưỡng ẩm, loại bỏ da chết, tái tạo làn da mới, cải thiện tuần hoàn máu giúp làm mờ các vết rạn da.

Mẹ thoa dầu oliu lên vùng da bị rạn trong khoảng 5-10 phút. Sau đó, dùng một chai chứa nước nóng lăn trên da khoảng 30 phút rồi rửa lại bằng nước.

Hơi nóng từ chai nước sẽ làm lỗ chân lông mở ra và khi đó, dầu ô liu được hấp thu vào da tốt hơn giúp làm giảm, mờ các vết rạn. Mẹ nên kiên trì áp dụng phương pháp này trong vòng 1 tháng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Nha đam (lô hội)

Nha đam hay còn gọi là lô hội với đặc tính làm mát giúp chữa trị hiệu quả các bệnh liên quan đến da nhất là tình trang rạn da sau sinh.

Nhựa của cây nha đam có công dụng tuyệt vời trong việc làm dịu da, giảm các vết rạn hiệu quả. Mẹ chỉ cần bôi trực tiếp nhựa nha đam lên vùng da bị rạn trong khoảng 15 phút và rửa lại với nước ấm.

Bên cạnh đó, mẹ có thể trộn vitamin A hoặc E cũng nhựa nha đam để bôi lên da cũng có tác dụng làm giảm, mờ vết rạn.

Mật ong

Mật ong có tính sát trùng cao, giúp làm giảm các vết rạn trên da. Tuy nhiên mẹ cần lưu ý là sử dụng đúng mật ong nguyên chất.

Mẹ lấy một miếng vải mỏng đắp lên vùng da bị rạn, rồi bôi mật ong đều khắp miếng vải. Đợi đến khi mật ong khô thì mẹ rửa lại bằng nước ấm.

Rượu gừng nghệ

Làm đẹp sau sinh bằng rượu gừng nghệ không còn xa lạ với các sản phụ vừa sinh con. Nó vừa có tác dụng giảm cân, loại bỏ lớp mỡ thừa vừa giúp đánh bay vết rạn da cực kỳ hiệu quả.

Để có mẹo trị rạn da sau sinh bằng rượu gừng nghệ, trước sinh khoảng 3 tháng, mẹ sử dụng 1 kg gừng, 1 kg nghệ, rửa sạch, để nguyên vỏ, xay hoặc giã nhỏ rồi ngâm với 5 lít rượu trong bình sứ hoặc bình thủy tinh và để nơi thoáng mát.

Nếu chôn được dưới đất càng tốt nhé. Sau khi sinh, bạn chỉ cần lấy rượu gừng nghệ này thoa đều lên những vùng da bị rạn 2 – 3 lần 1 ngày

Không những có tác dụng đánh bay vết rạn mà rượu gừng nghệ còn giúp da trắng hồng mịn màng và loại bỏ mỡ thừa sau sinh cực kỳ tốt.

Lòng trắng trứng

Lòng trắng trứng có tác dụng làm giảm, mờ vết rạn hiệu quả vì có chứa nhiều protein – chất giúp trẻ hóa cho làn da.

Mẹ dùng hai lòng trắng trứng, đánh tan rồi bôi lên vị trí da bị rạn. Mẹ cũng đợi đến khi khô mới rửa lại bằng nước.

Chanh và sữa tươi

Hỗn hợp chanh tươi và sữa tươi sẽ giúp mẹ tẩy tế bào chết, làm mờ những vùng da thâm nám.

Mẹ chỉ cần sử dụng nước cốt chanh tươi trộn với sữa tươi hoặc sữa chua không đường theo tỷ lệ 1: 5 – 1 thìa nước cốt chanh tươi bạn trộn với 5 thìa sữa tươi rồi thoa hỗn hợp này massage lên những vùng da bị rạn hàng ngày.

Thực hiện liên tục trong 1 tháng những vết rạn sẽ mờ đi rõ rệt và biến mất, trả lại cho bạn làn da trắng hồng rạng rỡ.

Dầu dừa

Dầu dừa với khả năng dưỡng ẩm cao cùng hàm lượng vitamin E tự nhiên có tác dụng nuôi dưỡng làn da mịn đẹp.

Mẹ chỉ cần sử dụng dầu dừa nguyên chất để massage nhẹ nhàng lên vùng da bị rạn 2 – 3 lần/ ngày, mỗi lần 20 phút. Sau một thời gian ngắn, các sẽ cảm nhận được sự khác biệt, các vết rạn sẽ mờ dần và biến mất hẳn.

Tốt nhất nên trộn đều dầu dừa và viên nang vitamin E để mang lại hiệu quả tối ưu.

Trên đây là những cách trị rạn da sau sinh đơn giản, hiệu quả và an toàn. Các mẹ sau sinh nên kiên trì áp dụng khoảng 1 tháng, những vết rạn da sẽ mờ dần rồi biến mất. Thay vào đó làn da sẽ săn chắc, mềm lại, mịn màng, hồng hào hơn.

Ngoài các phương pháp tự nhiên trên, các mẹ có thể tham khảo thêm các phương pháp hiện đại để trị rạn ra sau sinh tại các thẩm mỹ viện uy tín.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/