Nghiêm trọng hơn, thủ đoạn lừa đảo này đã và đang bùng phát, lây lan với tốc độ chóng mặt khắp từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi lên miền ngược…
Lãi được 10 nghìn đồng – mất ngay bạc tỷ
Đối với nhiều “bà mẹ bỉm sữa” cũng như một số người dân ham việc nhẹ lương cao, thời gian qua có rất nhiều người đã tham gia “chốt đơn” với các đối tượng tự xưng là nhân viên của các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada… Họ đều “ngây thơ” tin rằng có loại công việc chỉ cần đặt hàng, trả tiền rồi sẽ được ăn hoa hồng 10-20%. Khi họ nhận ra miếng pho-mat trong bẫy chuột thì đã quá muộn.
Chúng tôi gặp vợ chồng chị Mai H. (sinh năm 1983, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) tại phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội – là bị hại trong vụ lừa đảo tuyển CTV online. Đến nay đã là gần một tháng trôi qua mà chị H. vẫn còn khóc nức nở khi nhắc đến mấy ngày “quỷ ám”, khiến chị bị mất số tiền lên đến hơn một tỷ đồng. Đó là số tiền hai vợ chồng chị mất gần chục năm trời mới tích cóp được, định mua nhà – nay đã tan thành mây khói.
Được các cán bộ động viên, chị H. kể lại. Khoảng đầu năm 2022, trong một lần lướt mạng xã hội, chị thấy trong một group toàn các mẹ bỉm sữa có thông tin tuyển CTV cho trang thương mại điện tử Shopee. Vì thường xuyên mua hàng tại trang này nên chị H. cảm thấy tin tưởng, và bấm vào đường link để tìm hiểu. Cũng bởi thời gian này chị đang nghỉ sinh cháu thứ hai nên có nhiều thời gian rảnh rỗi.
Sau khi kết nối với một đối tượng nữ, chị H. được biết công việc của chị khá đơn giản. Chỉ việc vào link đặt một món hàng, sau đó thanh toán tiền cho shop thông qua chuyển khoản. Thực hiện xong, chị H. sẽ được công ty trả đủ số tiền món hàng cộng với 10% hoa hồng. Ban đầu chị thắc mắc vì tại sao lại có việc dễ ăn như thế? Nhân viên công ty giải thích rằng công ty cần có nhiều đơn cũng như “đánh giá” của khách hàng nhằm tăng doanh số.
Nghe có vẻ xuôi tai, chị H. đã đồng ý làm việc và chuyển tiền để thanh toán một đơn hàng trị giá 100 ngàn đồng như đối tượng yêu cầu. Ít phút sau đối tượng đã chuyển lại đủ 100 ngàn cho chị cùng 10% hoa hồng (là 10 ngàn đồng). Chị H. đã thực hiện thêm hai đơn nữa, được lần lượt 12% và 15% tiền hoa hồng… Ngày hôm đó chị H. rất vui, vì kiếm được gần một trăm ngàn đồng.
Hôm sau, đối tượng yêu cầu chị H. thực hiện thêm nhiều đơn khác, trị giá mấy chục triệu đồng song không thanh toán tiền ngay mà nói “hệ thống đang lỗi, mai sửa xong sẽ thanh toán cả gốc lẫn 20% lãi”. Tiếp đó, đối tượng nhắn chị H. chuyển tiền để thanh toán thêm rất nhiều đơn hàng khác, lên đến cả trăm triệu đồng. Khi chị H. có ý định từ chối thì đối tượng “dọa” sẽ không chuyển lại số tiền gốc và lãi của những đơn hôm trước.
Lúc đó do tiếc tiền và vẫn nuôi hy vọng các đối tượng sẽ chuyển lại tiền gốc và lãi cho mình nên chị H. rút sạch số tiền tiết kiệm trong ngân hàng để thực hiện thêm nhiều đơn hàng. Cho đến khi chuyển cho bọn chúng cả tỷ bạc mà tịnh không nhận được xu nào, chị H. nhắn tin van xin, lạy lục chúng trả lại tiền cho chị, thậm chí xin lại một nửa thôi cũng được thì chỉ nhận được những icon mặt cười cùng câu nói: “tham thì thâm, ngu thì chết”!
Chị H. sốc mất cả tuần liền, không ăn không uống gì được, người héo như tàu lá phơi nắng. Được chồng động viên, chị đã lên cơ quan công an trình báo.
Tương tự như chị H., tháng 6-2022, qua mạng xã hội Zalo, Trần Thị L. (trú tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai) nhận được yêu cầu kết bạn từ một người có nick zalo “Hoàng Oanh”. Người này giới thiệu là nhân viên tư vấn của Công ty Shopee Mall và giới thiệu về công việc làm có thêm thu nhập, cụ thể công việc là tham gia mua hàng để tăng lượng truy cập cho trang web (càng nhiều người xem thì sẽ có nhiều tiền). Chị L. chỉ cần làm theo hướng dẫn sẽ được nhận tiền hoa hồng từ 10% đến 30%.
Để tạo niềm tin, tài khoản “Hoàng Oanh” cung cấp cho chị L. một đường link để đăng nhập vào tài khoản online cùng một tài khoản ngân hàng BIDV của một người tên là Đức cho chị L. nộp tiền vào để thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó tài khoản “Hoàng Oanh” hướng dẫn chị L. cách thức nạp tiền vào tài khoản, thực hiện nhiệm vụ và rút tiền về tài khoản ngân hàng.
Sau khi truy cập vào đường link, chị L. tải về điện thoại một ứng dụng có tên là “VNDI…” rồi đăng ký tài khoản để thực hiện nhiệm vụ. Để thực hiện nhiệm vụ đầu tiên, chị L. nộp vào tài khoản của Đức số tiền 150 ngàn đồng. Khoảng 30 phút sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ và thực hiện lệnh rút tiền thì tài khoản của chị L. được cộng thêm số tiền 200 ngàn (trong đó tiền gốc là 150 ngàn đồng, tiền lãi là 50 ngàn đồng).
Thấy việc thực hiện nhiệm vụ đơn giản, lại được hưởng % tiền hoa hồng cao, nên chị L. tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo với số lượng tiền nhiều hơn, theo các gói cao cấp hơn như gói Vip 2, Vip 3 và thực hiện từ 2 đến 3 đơn hàng xong thì mới rút được tiền. Sau khi thực hiện các nhiệm vụ xong, tài khoản “Hoàng Oanh” tiếp tục yêu cầu L. phải nộp thêm tiền vào để xác minh tài khoản lần 1, lần 2.
Chỉ trong hai ngày, chị L. đã chuyển vào tài khoản của Đức số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Sau khi chuyển xong, không thấy được hưởng tiền hoa hồng như trước, chị L. nghi ngờ bản thân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã làm đơn tố giác.
Tháng 3-2022, chị Trần Thị N.M (trú tại TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) nhận được kết bạn trên mạng xã hội Facebook và nhắn tin với tài khoản “Tùng Huyền”. Quá trình nhắn tin, tài khoản “Tùng Huyền” giới thiệu với chị M. về công việc chốt các đơn hàng trên nền tảng Lazada để được hưởng % tiền hoa hồng, đồng thời cho chị M. số điện thoại (của đối tượng Quốc Hoàng) để chị kết bạn và nhận việc.
Quốc Hoàng giới thiệu với chị M. là chuyên viên chăm sóc khách hàng của nền tảng Lazada Vip 2022, công việc làm cộng tác viên chốt đơn của các mặt hàng giảm giá, mục đích để kích cầu thị trường và quảng bá thương hiệu, mỗi đơn hàng chốt được hưởng từ 10% đến 50% tiền hoa hồng.
Tài khoản zalo “Quốc Hoàng” cung cấp cho chị M. đường một đường link và hướng dẫn chị M. cách thức truy cập, đăng ký tài khoản để làm cộng tác viên, đồng thời hướng dẫn chị M. cách chốt đơn hàng, nộp tiền vào tài khoản mang tên “Thanh Thuy” cùng cách thức rút tiền từ hệ thống về tài khoản ngân hàng của chị M.
Sau khi đăng ký tài khoản, chị M. được tặng số tiền 45 ngàn đồng vào tài khoản của mình trong hệ thống. Đơn hàng đầu tiên chị M. chốt trị giá 100 ngàn đồng, chị M. chuyển vào tài khoản “Thanh Thuy” số tiền 55 ngàn đồng (vì đã được khuyến mại 45 ngàn đồng). Khoảng 10 phút sau chị M. thực hiện lệnh rút tiền trên hệ thống thành công và tài khoản của chị được cộng thêm 118 ngàn đồng (trong đó có 100 ngàn đồng tiền gốc và 18 ngàn đồng tiền lãi).
Thấy việc chốt đơn hàng dễ dùng mà lại được hưởng % tiền hoa hồng cao, nên chị M. tiếp tục thực hiện chốt các đơn hàng tiếp theo với số lượng tiền nhiều hơn, theo các gói cao cấp hơn, gồm các gói Vip 2, Vip 3, Vip 4 với việc thực hiện xong từ 3 đến 5 đơn hàng xong thì mới rút được tiền. Sau khi thực hiện chối các đơn hàng xong, tài khoản “Quốc Hoàng” tiếp tục yêu cầu chị M. phải nộp thêm tiền vào với các lý do như để xác minh tài khoản, nộp tiền thuế thu nhập cá nhân, thuế chống rửa tiền…
Chỉ trong hai ngày cuối tháng 3-2022, chị M. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản tên Thanh Thuy với tổng số tiền hơn ba tỷ đồng. Mấy hôm sau chị M. không tài nào rút được tiền khỏi tài khoản. Biết mình bị lừa nên đã đi trình báo.
Đường dây lừa đảo có trụ sở bên kia biên giới
Mới đây công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã triệt phá một đường dây chuyên tuyển CTV làm việc online để lừa đảo. Đáng chú ý, “đại bản doanh” của ổ nhóm này là ở bên nước láng giềng Campuchia, do một nhóm đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Bọn chúng đã thiết lập mạng lưới tư vấn, hỗ trợ khách hàng một cách chuyên nghiệp để tạo lòng tin cho “con mồi”. Cuối cùng sẽ ra tay “giết khách” chiếm đoạt số tiền rất lớn của khách hàng.
Theo một chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng cũng như công tác tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của công dân trên địa bàn, Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện một băng nhóm đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh công ty Shopee.
Quá trình xác minh, Cơ quan công an xác định đây là ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất chuyên nghiệp. Các đối tượng đăng các bài viết trên mạng xã hội Facebook để tuyển cộng tác viên cho công ty Shopee, hướng dẫn bị hại kết bạn Zalo để trao đổi.
Ban đầu, các đối tượng yêu cầu bị hại thực hiện nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng có giá trị thấp, khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được hoàn tiền gốc cộng với “hoa hồng” là khoảng 10% giá trị đơn hàng.
Khi đã lấy được niềm tin của các nạn nhân, chúng nâng dần giá trị các đơn hàng và tìm lý do, tìm lỗi như nhắn tin sai cú pháp, chuyển chậm thời gian hệ thống yêu cầu… và đề nghị bị hại thực hiện mua đơn mới có giá trị lớn hơn thì sẽ chuyển trả lại tiền.
Sau nhiều lần thực hiện đến khi bị hại không thể còn tiền để làm nhiệm vụ, các đối tượng sẽ chặn Zalo và xóa liên lạc hòng chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Hoàn Kiếm xác định, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu và các đối tượng người Việt Nam thực hiện.
Chúng đặt trụ sở tại Đặc khu Mộc Bài thuộc tỉnh Bavet – Campuchia nằm sát biên giới tỉnh Tây Ninh – Việt Nam. Đơn vị đã báo cáo Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao triển khai kế hoạch triệt xóa.
Ngày 3-5-2022, lực lượng công an đã làm rõ, bắt giữ một số đối tượng trong băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó các đối tượng bao gồm: Đoàn Trần Lê Hoàng, sinh năm 2000 và Vũ Văn Khôi, sinh năm 1994 cùng trú tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang; Lê Văn Thành, sinh năm 1996, trú tại Vũ Thư, Thái Bình; Nông Văn Hưng, sinh năm 2005, trú tại Cư Jut, Đắk Nông; Nguyễn Ánh Hào, sinh năm 2001, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội và Phan Trí Đạt, sinh năm 1996, trú tại Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cơ quan công an làm rõ, đường dây này được phân tầng rất chuyên nghiệp từ F1 đến F5. Trong đó, F1 là đối tượng cầm đầu tổ chức người Trung Quốc, thường gọi là “Lão Đại”. F2 gồm hai đối tượng người Trung Quốc gọi là “A Trí” và “Đầu Khấc”. Hai đối tượng này chịu trách nhiệm quản lý lượng tiền thu chi hàng ngày, hồ sơ cá nhân của nhân viên. F3 gồm 3 đối tượng Trung Quốc thường gọi là “Thiên Mã” – tổ trưởng, “Oằng Phăng” và một đối tượng chưa có thông tin, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ số nhân viên người Việt Nam, nếu người nào vi phạm nội quy sẽ phạt tiền hoặc đưa đi chỗ khác đánh đập. F4 là tổ trưởng các tổ người Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát các nhân viên, hàng ngày báo cáo lại kết quả cho nhóm F3. F5 là các thành viên người Việt Nam được giao nhiệm vụ “Giết khách”, chịu trách nhiệm tiếp nhận khách được giao, tư vấn khách và yêu cầu khách thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền vào các tài khoản do nhóm người Trung Quốc yêu cầu.
(Còn nữa)
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!