Nghe kém: nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh

Bạn bị nghe kém ở một hoặc hai tai và đang vô cùng lo lắng? Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn rõ hơn về vấn đề nghe kém. Qua đó giúp bạn có quyết định điều trị đúng đắn và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

1. Đại cương

Nghe kém, hay thường gọi là lãng tai, là một tình trạng thường gặp ở những người có tuổi. Nghe kém có xu hướng ngày càng phổ biến hơn. Đây là sự giảm khả năng nghe do nhiều nguyên nhân gây ra. Biết được các nguyên nhân này có thể giúp bạn phần nào phòng ngừa được nghe kém.

Nghe kém được chia làm 3 loại sau đây:

  • Dẫn truyền (liên quan đến tai ngoài và tai giữa) (hình bên dưới).
  • Tiếp nhận (liên quan đến tai trong).
  • Hỗn hợp (cả 2 loại trên).

Quá trình lão hóa hay tiếp xúc tiếng ồn trong thời gian dài đều có thể làm giảm thính lực. Các yếu tố khác như tích tụ nhiều ráy tai, cũng có thể tạm thời làm giảm khả năng truyền âm thanh của tai.

Đa số các trường hợp nghe kém thường không thể phục hồi hoàn toàn sức nghe. Tuy nhiên, có một số cách điều trị có thể cải thiện khả năng nghe của bạn.

Âm thanh truyền qua các phần của tai
Âm thanh truyền qua các phần của tai

2. Nghe kém có thể biểu hiện như thế nào?

Nghe kém có thể biểu hiện dưới các dạng sau:

  • Tiếng nói hay các âm thanh khác bị nghe nhỏ lại.
  • Khó hiểu lời nói của người khác, đặc biệt ở những chỗ đông đúc ồn ào.
  • Nghe lẫn lộn (khó phân biệt) các phụ âm.
  • Thường xuyên yêu cầu người khác nói chậm hơn, nói to rõ hơn.
  • Cần phải tăng âm lượng tivi hay đài, điện thoại.
  • Thường tự rút ra khỏi các cuộc trò chuyện vì nghe kém.
  • Né tránh các hoạt động xã hội.
Người nghe kém thường phải yêu cầu người khác nói to, rõ hơn
Người nghe kém thường phải yêu cầu người khác nói to, rõ hơn

3. Khi nào bạn cần đến khám bác sĩ?

Nếu bạn bị nghe kém đột ngột, đặc biệt chỉ xuất hiện ở một tai, bạn nên đến khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời. Vì một số bệnh điếc đột ngột khi được điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao.

Bạn cũng nên đến khám bác sĩ nếu tình trạng nghe kém làm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Nghe kém do tuổi tác (lão thính) xảy ra một cách từ từ nên thời gian đầu bạn có thể khó nhận ra.

4. Nghe kém có thể do những nguyên nhân nào?

Đầu tiên, để hiểu được các nguyên nhân gây nghe kém, chúng ta sẽ đề cập đến chức năng nghe của tai.

a. Chúng ta nghe được âm thanh bằng cách nào?

Tai người được chia làm ba phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Âm thanh truyền qua tai ngoài đến màng nhĩ và làm rung màng nhĩ. Sau đó, màng nhĩ và chuỗi xương con phóng đại âm thanh và truyền đến tai trong (chuỗi xương con là các xương nhỏ nằm trong tai giữa làm nhiệm vụ truyền âm thanh). Ở tai trong, sự rung động âm thanh truyền qua chất dịch trong một cấu trúc có hình dạng như con ốc (gọi là ốc tai).

Các tế bào thần kinh ở trong ốc tai có gắn hàng ngàn sợi lông nhỏ giúp chuyển đổi rung động âm thanh thành tín hiệu điện. Sau đó các tín hiệu này sẽ được truyền đến não bộ. Tại đây, não sẽ chuyển các tín hiệu này thành âm thanh để chúng ta có thể hiểu được.

b. Những nguyên nhân gây nghe kém

Các nguyên nhân gây nghe kém bao gồm:

  • Tổn thương tai trong. Sự lão hóa và tiếp xúc với tiếng ồn có thể làm tổn hại các tế bào lông trong ốc tai. Khi những sợi lông và tế bào bị tổn thương, tín hiệu truyền đi không hiệu quả, dẫn đến nghe kém. Lúc đó bạn sẽ khó nghe được các tiếng có âm sắc cao hơn. Đồng thời, bạn cũng sẽ khó nghe được lời nói khi xung quanh ồn ào.
  • Tích tụ ráy tai. Ráy tai nhiều có thể làm tắc ống tai ngoài và ngăn sự truyền âm thanh. Trong những trường hợp này, lấy ráy tai ra có thể phục hồi được sức nghe. Bạn nên đến các cơ sở y tế để lấy ráy tai, tránh làm tổn thương ống tai và màng nhĩ.
  • Viêm nhiễm, khối u ở tai ngoài hay tai giữa. Những tình trạng này đều có thể gây nghe kém.
  • Thủng màng nhĩ. Màng nhĩ có thể bị thủng do: Tiếng nổ lớn, thay đổi áp suất đột ngột (ví dụ như bị đập mạnh vào tai) hay do chọc vào màng nhĩ. Viêm nhiễm ở tai cũng có thể khiến màng nhĩ bị thủng, gây ảnh hưởng đến sức nghe.
Màng nhĩ bình thường (bên trái) và màng nhĩ bị thủng (bên phải)
Màng nhĩ bình thường (bên trái) và màng nhĩ bị thủng (bên phải)

5. Yếu tố gây tăng nguy cơ nghe kém

Những yếu tố có thể làm tăng khả năng tổn thương các tế bào lông ở tai trong và gây nghe kém bao gồm:

  • Lớn tuổi. Sự thoái hóa của các cấu trúc tai trong theo thời gian.
  • Âm thanh lớn. Tiếp xúc với âm thanh lớn có thể làm tổn thương tế bào lông. Tổn thương có thể xảy ra do tiếp xúc tiếng ồn kéo dài, hay sau tiếng nổ lớn, ví dụ như tiếng súng.
  • Di truyền. Có những người mang gen di truyền khiến họ dễ bị tổn thương tai sau tiếng động hay dễ thoái hóa cấu trúc tai trong do lớn tuổi.
  • Tiếng ồn nghề nghiệp. Những nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn như công nhân xây dựng, nhà máy, nghề làm mộc… có thể dẫn đến tổn thương tế bào lông của tai trong.
  • Tiếng ồn giải trí. Tiếp xúc với tiếng ồn lớn, như từ súng và động cơ phản lực, có thể gây điếc vĩnh viễn ngay lập tức. Các hoạt động giải trí khác với cường độ âm thanh lớn bao gồm: trượt tuyết, đua xe, hoặc nghe nhạc với âm lượng lớn.
  • Một số loại thuốc. Một số thuốc như là kháng sinh gentamicin, thuốc Viagra và một số loại thuốc trong hóa trị có thể làm tổn thương tai trong. Bạn cũng có thể bị ù tai hay nghe kém tạm thời nếu bạn sử dụng liều cao aspirin. Một số loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sốt rét hay thuốc lợi tiểu quai cũng có thể gây nghe kém.
  • Một số bệnh lý. Bệnh làm sốt cao có thể làm ảnh hưởng đến ốc tai, ví dụ viêm màng não.
Nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn có thể gây nghe kém
Nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn có thể gây nghe kém

6. Tác hại của việc nghe kém

Nghe kém có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Mất thính giác có thể làm cho cuộc trò chuyện trở nên khó khăn. Những người lớn tuổi bị nghe kém có thể dễ dẫn đến trầm cảm. Người nghe kém có thể cảm thấy bị cô lập. Nghe kém cũng liên quan đến suy giảm nhận thức.

Cơ chế tương tác giữa nghe kém, suy giảm nhận thức, trầm cảm và cô lập đang được nghiên cứu tích cực. Nghiên cứu ban đầu cho thấy điều trị nghe kém có thể có tác động tích cực đến khả năng nhận thức, đặc biệt là trí nhớ.

7. Phòng ngừa nghe kém bằng cách nào?

Những bước liệt kê dưới đây có thể giúp bạn ngăn ngừa nghe kém do tiếng ồn và làm giảm mức độ nghe kém do tuổi già:

  • Bảo vệ tai của bạn. Giới hạn thời gian và cường độ tiếp xúc với tiếng ồn là cách bảo vệ tốt nhất. Ở nơi làm việc ồn ào, nên sử dụng nút bịt tai nhựa chống tiếng ồn.
  • Kiểm tra sức nghe. Thường xuyên đến bệnh viện kiểm tra sức nghe nếu bạn làm trong một môi trường nhiều tiếng ồn. Nếu phát hiện được giảm sút khả năng nghe, bác sĩ có thể đưa ra các giải pháp giúp ngăn ngừa nghe kém diễn tiến nặng hơn.
  • Tránh các hoạt động giải trí nguy cơ. Những hoạt động như chạy xe trượt tuyết, săn bắn sử dụng súng, hay nghe các buổi nhạc rock có thể làm ảnh hưởng đến sức nghe theo thời gian. Sử dụng các dụng cụ bảo vệ tai hoặc có những khoảng nghỉ giữa các khoảng tiếp xúc tiếng ồn có thể giúp bảo vệ phần nào. Giảm âm lượng tai nghe cũng có thể giúp ích.
Hãy bảo vệ tai khi tiếp xúc với tiếng ồn
Hãy bảo vệ tai khi tiếp xúc với tiếng ồn

8. Chẩn đoán nghe kém

Bác sĩ sẽ chẩn đoán nghe kém bằng những cách sau:

  • Thăm khám. Bác sĩ sẽ quan sát tai để tìm nguyên nhân có thể gây nghe kém. Ví dụ như ráy tai hay viêm nhiễm ở tai. Hoặc có thể tìm kiếm bất thường cấu trúc ở tai gây nghe kém.
  • Khám tầm soát nghe kém. Bác sĩ sẽ thực hiện nghiệm pháp nói thì thầm. Bằng cách yêu cầu bạn che một tai lại. Bác sĩ sẽ kiểm tra khả năng nghe của bạn qua các âm thanh có độ lớn khác nhau. Tính chính xác của nghiệm pháp này còn giới hạn.
  • Kiểm tra sức nghe bằng ứng dụng. Hiện đã có các ứng dụng trên điện thoại dùng để tầm soát nghe kém mức độ vừa.
  • Sử dụng âm thoa. Âm thoa là dụng cụ kim loại có 2 nghạnh tạo ra âm thanh khi gõ vào. Kiểm tra đơn giản bằng âm thoa có thể giúp bác sĩ phát hiện bệnh nhân nghe kém. Trong quá trình đánh giá cũng có thể phát hiện vị trí của tổn thương làm ảnh hưởng sức nghe.
  • Đo thính lực. Là một xét nghiệm kiểm tra thính lực kỹ lưỡng hơn được thực hiện bởi các chuyên gia thính học. Bạn sẽ đeo tai nghe và nghe âm thanh, tiếng nói hướng đến từng tai. Mỗi âm thanh sẽ được lặp lại ở mức âm lượng thấp hơn. Mục đích để tìm ra được mức âm lượng thấp nhất mà bạn có thể nghe thấy.
Bác sĩ kiểm tra tai để tìm nguyên nhân có thể gây nghe kém
Bác sĩ kiểm tra tai để tìm nguyên nhân có thể gây nghe kém

9. Điều trị nghe kém như thế nào?

Nếu bạn nghe kém, có những giải pháp có thể hỗ trợ việc nghe của bạn. Lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghe kém. Bao gồm các giải pháp sau:

9.1 Lấy cục ráy tai tắc nghẽn

Nút ráy tai là một nguyên nhân gây nghe kém mà có thể giải quyết triệt để. Nên đến các cở sở y tế để lấy ráy tai một cách an toàn, tránh làm tổn thương ống tai và màng nhĩ.

9.2 Phẫu thuật

Một vài loại nghe kém có thể điều trị bằng phẫu thuật. Bao gồm các bất thường ở màng nhĩ hay chuỗi xương con. Ngoài ra, nếu bạn bị viêm tai giữ tái phát nhiều lần hay dịch trong tai giữa dai dẳng, bác sĩ có thể đặt một ống thông giúp dẫn lưu dịch từ trong tai giữa ra ngoài.

Nếu nghe kém do nguyên nhân tổn thương tai trong, máy trợ thính có thể có ích. Máy trợ thính phóng đại âm thanh và hướng âm thanh vào ống tai. Bác sĩ có thể thảo luận với bạn về các lợi ích có thể của máy trợ thính và lựa chọn máy trợ thính phù hợp nhất với bạn.

Các loại máy trợ thính
Các loại máy trợ thính

9.3 Cấy điện ốc tai

Nếu bạn bị nghe kém nặng và dùng máy trợ thính không cải thiện được khả năng nghe thì ốc tai điện tử có thể được chọn lựa. Khác với máy trợ thính, ốc tai điện tử được cấy vào thay thế tai trong bị tổn thương. Qua đó nó trực tiếp kích thích thần kinh thính giác. Bạn có thể thảo luận về nguy cơ và lợi ích của cấy điện ốc tai với bác sĩ.

10. Các biện pháp hỗ trợ cho người nghe kém

Những mẹo dưới đây giúp bạn giao tiếp dễ dàng hơn khi bạn không may bị giảm sức nghe:

  • Nói với bạn bè và người thân. Nên nói cho họ biết rằng bạn đang có vấn đề về khả năng nghe.
  • Chỉnh tư thế khi nghe. Đối mặt trực tiếp với người bạn đang nói chuyện.
  • Tắt đi tiếng ồn xung quanh. Ví dụ như tiếng ồn từ tivi có thể gây ảnh hưởng đến cuộc đối thoại.
  • Yêu cầu người khác nói rõ ràng hơn, không phải là nói to hơn. Đa số mọi người đều sẽ giúp đỡ nếu họ biết bạn có vấn đề về nghe.
  • Cố gắng lấy được sự chú ý của người khác trước khi nói chuyện với họ. Tránh việc cố gắng nói chuyện với một người đang ở một căn phòng khác.
  • Chọn nơi yên tĩnh. Chọn nơi nói chuyện yên tĩnh, tránh xa những khu vực ồn ào.
  • Cân nhắc sử dụng các thiết bị hỗ trợ nghe. Thiết bị trợ giúp nghe ví dụ như thiết bị phóng đại âm thanh điện thoại. Các ứng dụng giúp làm giảm những tiếng ồn xung quanh giúp bạn nghe rõ hơn.
Chọn nơi yên tĩnh để nói chuyện giúp tăng hiệu quả giao tiếp.
Chọn nơi yên tĩnh để nói chuyện giúp tăng hiệu quả giao tiếp.

Nghe kém là một tình trạng ngày càng phổ biến, nhất là ở những người lớn tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghe kém. Quá trình lão hóa và tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài là những nguyên nhân phổ biến gây nghe kém không hồi phục. Bạn có thể phòng ngừa nghe kém bằng cách bảo vệ tai khi làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn. Đến khám bác sĩ khi bị nghe kém để chọn ra những cách điều trị phù hợp nhất.