Áp xe hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Áp xe hậu môn là tình trạng thường gặp, gây đau đớn và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày. Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, biểu hiện bằng các triệu chứng dễ nhận biết, có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị sớm. Vì vậy, ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

bị áp xe hậu môn

Áp xe hậu môn là gì?

Áp xe hậu môn là tình trạng các khoang gần hậu môn hoặc trực tràng chứa đầy mủ, gây đau đớn cho người bệnh. Phần lớn các trường hợp đều do các tuyến bên trong bị nhiễm trùng cấp tính. Đôi khi, vi khuẩn, phân hoặc vật lạ cũng có thể làm tắc nghẽn tuyến hậu môn, xâm nhập vào mô xung quanh sau đó tụ lại trong khoang, gây ra hiện tượng áp xe.(1)

Phân loại áp xe

Áp xe được phân loại dựa theo vị trí hình thành, liên quan đến cấu trúc xung quanh trực tràng và hậu môn, bao gồm:

    • Áp xe quanh hậu môn: Đây là loại phổ biến nhất, chiếm đến 60% các trường hợp mắc phải. Áp xe quanh hậu môn thường xuất hiện ở dạng mủ dưới da, sưng đau, có màu đỏ và cảm giác ấm khi chạm vào.
    • Áp xe hố ngồi – trực tràng: Đây là loại áp xe phổ biến thứ hai, hình thành do sự chèn ép xuyên qua cơ thắt hậu môn bên ngoài, đi vào bên trong trực tràng. Trong một số trường hợp, áp xe có thể lan sang khoang sâu phía sau hậu môn, đi vào phía bên cạnh tạo thành áp xe móng ngựa.
    • Áp xe giữa các cơ thắt: Đây là kết quả của sự chèn ép giữa cơ thắt bên trong và ngoài hậu môn. Loại áp xe này có thể nằm hoàn toàn trong ống hậu môn, gây triệu chứng đau dữ dội, chỉ được phát hiện khi khám trực tràng hoặc nội soi kỹ thuật số.
    • Áp xe trên cơ thắt: Đây là loại ít phổ biến nhất, gây đau vùng chậu và trực tràng, thường được chẩn đoán bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT).

áp xe hậu môn là bệnh gì

Đối tượng dễ bị áp xe hậu môn

Áp xe hậu môn thường dễ xảy ra ở các đối tượng nằm trong các nhóm nguy cơ sau:

  • Nam giới (nam giới có nguy cơ mắc bệnh áp xe hậu môn cao gấp 2 lần nữ giới).
  • Người mắc các bệnh lý sau: bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, viêm ruột, tiểu đường, táo bón, tiêu chảy.
  • Hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng do nhiễm HIV/AIDS.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
  • Sử dụng thuốc Prednisone hoặc các Steroid khác.
  • Người đã từng hoặc đang trong quá trình hóa trị.
  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Thói quen hút thuốc.
  • Đái tháo đường.

Nguyên nhân áp xe hậu môn

Áp xe hậu môn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do nhiễm trùng, cụ thể như sau:(2)

  • Nhiễm trùng tuyến hậu môn do sự xâm nhập của vi khuẩn hiếu khí (Staphylococcus aureus, Streptococcus và Escherichia coli) và vi khuẩn kỵ khí (Acteroides fragilis, Peptostreptococcus, Prevotella, Fusobacterium, Porphyromonas và Clostridium).
  • Chấn thương.
  • Mắc các bệnh lý sau: Crohn, bệnh lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm ruột, ung thư…
  • Tắc nghẽn tuyến hậu môn.
  • Sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh lý hậu môn trực tràng không đúng cách hoặc dùng trong thời gian dài gây viêm nhiễm các mô.
  • Hậu môn, trực tràng, niệu đạo… từng trải qua tiểu phẫu nhưng dụng cụ y tế không được vô trùng dẫn đến nhiễm trùng và hình thành áp xe.

nguyên nhân bị áp xe hậu môn

Triệu chứng áp xe hậu môn

Áp xe hậu môn có thể dễ dàng được nhận biết thông qua một số triệu chứng phổ biến sau:

  • Đau nhói liên tục hoặc âm ỉ ở vùng hậu môn, có thể kèm theo hiện tượng sưng tấy, đau dữ dội khi đi vệ sinh.
  • Táo bón.
  • Trực tràng tiết dịch bất thường hoặc chảy máu.
  • Sưng hoặc đau vùng da xung quanh hậu môn.
  • Cơ thể mệt mỏi, sốt, ớn lạnh.
  • Sờ thấy khối u sưng đỏ và mềm ở vành hậu môn.
  • Đau hoặc khó chịu ở vùng bụng (thường xảy ra ở người bị bệnh viêm ruột).
  • Ở trẻ sơ sinh, áp xe thường xuất hiện dưới dạng nốt sưng đỏ, mềm ở rìa hậu môn, khiến trẻ quấy khóc, cáu kỉnh vì khó chịu, ngoài ra không có các triệu chứng bất thường khác.

triệu chứng áp xe hậu môn

Áp xe vùng hậu môn rất dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ vì cả hai đều gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu. Tuy nhiên, cơn đau do tình trạng này thường xảy ra đột ngột, nhanh chóng trở nên trầm trọng hơn chỉ sau 1 – 2 ngày. Vì vậy, việc áp dụng các phương pháp điều trị thông thường của bệnh trĩ hoàn toàn không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, áp xe cũng có xu hướng đi kèm các triệu chứng nhiễm trùng, bao gồm sốt và ớn lạnh về đêm.

Biện pháp chẩn đoán áp xe hậu môn

Đối với tình trạng áp xe hậu môn, ban đầu bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi liên quan đến mức độ cơn đau, thời gian xuất hiện triệu chứng… để hỗ trợ lên kế hoạch điều trị thích hợp. Sau đó, một số phương pháp chẩn đoán có thể được chỉ định tiến hành, bao gồm:

  • Nội soi: Sử dụng ống soi để quan sát bên trong ống hậu môn và trực tràng dưới (đối với trường hợp áp xe không xuất hiện trên bề mặt da xung quanh hậu môn).
  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI, siêu âm, trong đó MRI có cản từ là phương tiện chẩn đoán tốt nhất.

Biến chứng của áp xe hậu môn

Áp xe hậu môn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như sau:

  • Lỗ rò hậu môn: Bệnh xuất hiện với một đường hầm nhỏ nằm dưới da, thông từ ổ áp xe đến tuyến bị nhiễm khuẩn, tiết nhiều dịch mủ và gây đau nhức.
  • Nhiễm trùng huyết: Đây là một dạng phản ứng của cơ thể với nhiễm trùng, có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Hội chứng Fournier: Đây là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa đến tính mạng.

Áp xe hậu môn có nguy hiểm không?

Áp xe vùng hậu môn có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời (nhiễm trùng huyết, lỗ rò hậu môn…). Ngoài ra, tình trạng này cũng rất hiếm khi tự khỏi mà không cần đến can thiệp y tế. Vì vậy, ngay khi nhận thấy dấu hiệu đau nhức bất thường, người bệnh nên chủ động liên hệ sớm với bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán, tránh tái phát nhiều lần cũng như biến chứng nghiêm trọng.

Điều trị áp xe hậu môn

Phương pháp điều trị đơn giản và phổ biến nhất đối với áp xe hậu môn là hút mủ ra khỏi vùng bị nhiễm trùng. Cụ thể, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê, sau đó tiến hành hút để làm giảm đau nhức, khó chịu và làm lành các mô.

Nếu áp xe có kích thước lớn, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật gây mê. Sau dẫn lưu, vết thương sẽ để hở và không cần khâu. Trong trường hợp người bệnh đang bị tiểu đường hoặc suy giảm hệ miễn dịch, bác sĩ có thể yêu cầu ở lại bệnh viện vài ngày để theo dõi nhiễm trùng (nếu có). Ngoài ra, một số điều trị sau dẫn lưu bao gồm:

  • Dùng thuốc kháng sinh đối với trường hợp người bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc nhiễm trùng lan rộng.
  • Dùng thuốc nhuận tràng hoặc bổ sung chất xơ để tránh táo bón.
  • Tắm nước ấm để giảm sưng.
  • Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình trạng tái phát.
  • Tình trạng áp xe hậu môn hình móng ngựa, trên cơ nâng, lan qua lỗ bịt, hoại tử Fournier cần bệnh viện và phẫu thuật viên có kinh nghiệm điều trị.

điều trị bệnh áp xe hậu môn

Cách phòng ngừa áp xe hậu môn

Áp xe hậu môn gây đau đớn, khó chịu và thậm chí có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, việc áp dụng các giải pháp phòng ngừa ngay từ ban đầu là thực sự cần thiết, bao gồm:

  • Chủ động kiểm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục (sử dụng bao cao su khi quan hệ, hạn chế tối đa việc quan hệ qua đường hậu môn…).(3)
  • Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ.
  • Điều trị các bệnh lý có nguy cơ dẫn đến áp xe vùng hậu môn như: bệnh Crohn, táo bón, viêm loét đại tràng…
  • Thay tã thường xuyên để phòng ngừa bệnh áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh.

Các câu hỏi thường gặp

1. Áp xe hậu môn có tự khỏi không?

Áp xe hậu môn rất hiếm khi tự khỏi mà không cần đến điều trị y tế. Ngay cả khi triệu chứng được cải thiện sau chăm sóc tại nhà, người bệnh cũng cần liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán, tránh tái phát hoặc biến chứng nguy hiểm.

2. Áp xe hậu môn có tái phát không?

Áp xe hậu môn có khả năng tái phát hoặc phát triển thành lỗ rò ngay cả khi đã qua điều trị y tế. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tái phát có xu hướng tỷ lệ thuận với chỉ số khối cơ thể (BMI). Vì vậy, kể cả sau khi đã điều trị, người bệnh cũng nên thực hiện tái khám định kỳ để được theo dõi và kiểm tra chính xác.

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về gan từ nhẹ đến nặng (gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp tính, mạn tính, xơ gan, ung thư gan…) và bệnh lý hậu môn (áp xe hậu, viêm hậu môn, ngứa hậu môn, rò hậu môn, ung thư hậu môn,..). Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về gan với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến áp xe hậu môn. Hy vọng với những chia sẻ này, người bệnh đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động phòng ngừa, theo dõi, phát hiện sớm để điều trị hiệu quả.