Sáng sớm, hàng chục người dân mang theo cuốc, thùng nhựa và sợi dây thép gắn lò xo rời nhà. Họ lên thuyền thúng đi qua sông Trường, đến cánh đồng Nà Su rộng hơn 30 ha. Cuối tháng 11, hoa màu đã thu hoạch hết, cỏ lên xanh tốt.
Dưới cái nắng mùa đông dịu nhẹ, chị Mai Thị Thúy (thôn 3, xã Trà Giang) vừa bước nhẹ vừa quan sát mặt ruộng tìm hang dế. Sau hơn chục bước chân, chị thấy một đống đất mới đùn lên trên mặt cỏ.
“Chắc chắn phía trong có dế, hang này không sâu lắm vì đất ùn ra còn mới”, người phụ nữ 32 tuổi nói. Ban đêm dế chui ra khỏi hang đi ăn, đến sáng vào trú ẩn và sẽ bới đất bịt cửa.
Sau vài nhát cuốc, hang dế to hơn ngón tay lộ thiên, chị Thúy dùng sợi dây thép dài một mét, phía dưới gắn lò xo, một tay luồn lò xo vào, tay còn lại xoay sợi thép. Sau gần một phút, chị kéo ra con dế to bằng ngón tay nằm gọn trong lò xo, bắt thả vào thùng đựng. Công việc được lặp lại như vậy cho đến trưa thì kết thúc với thành quả mang về hơn 150 con dế.
Người dân xã Trà Giang đào bắt dế (Video: Đắc Thành):
Theo chị Thúy, trước đây người dân dùng cuốc đào, từng nhát cuốc bổ xuống lần theo hang cho đến khi gặp nơi trú ẩn thì dùng tay bắt. “Cách làm này tốn sức, bởi hang dế sâu từ 30 cm đến hơn 50 cm. Ngoài ra còn gặp nguy hiểm, vì trong hang thường có rắn, lúc cho ngón tay vào có thể bị cắn”, chị nói và cho biết nhiều lúc cuốc trúng con dế làm đứt đôi.
Hai năm trở lại đây dế được nhà hàng, quán nhậu thu mua giá cao để chế biến món ăn. Cứ đến tháng 8-11 âm lịch, người dân xã Trà Giang lại rủ nhau săn bắt. Bộ đồ nghề được thợ chế từ dây công tơ mét xe máy hỏng, gắn với một cái lò xo. Từ ngày có đồ nghề, nông dân bắt được nhiều dế hơn.
Đào bắt từ sáng sớm đến gần trưa, ông Dương Hiển Mười (56 tuổi, thôn 3, xã Trà Giang) bắt được hơn 120 con dế, bán cho thương lái thu 150.000 đồng. “Đây là khoản tiền tương đối lớn đối với nông dân, so với công việc khác cao gấp nhiều lần”, ông Mười nói. Buổi chiều, ông lại tiếp tục bắt dế, bình quân mỗi ngày thu nhập hơn 300.000 đồng, có ngày 500.000 đồng.
Theo ông Mười, bắt dế còn góp phần bảo vệ mùa màng. Những cây ngô, sắn, đậu xanh, lạc… dế rất thích ăn, thường cắn ngang cây. Ngoài việc đào bắt dế ở địa phương, đến mùa người dân xã Trà Giang đi nhiều nơi khác hành nghề.
Mỗi ngày đến Trà Giang thu mua dế, bà Trần Thị Lành mua được vài nghìn con, đưa về làm ruột, rửa sạch và nhập cho các quán nhậu, nhà hàng giá 1.500 đồng một con. Dế sẽ được chế biến thành nhiều món ăn, như: xào sả ớt, chiên bột, nướng, rang muối ớt và kho tiêu. Ở Quảng Nam, món ăn được mọi người ưa chuộng nhất là chiên với dầu mỡ.
Dế là loài côn trùng thuộc bộ cánh thẳng, có râu dài, cặp chân sau to, khỏe, đào hang sống dưới đất. Trên thế giới ước tính có 1.000 loài dế, chủ yếu thuộc các họ dế mèn gryllidae và dế trũi gryllotalpidae.
Dế ăn các vật hữu cơ, cây cỏ non, rễ cây nhỏ, ăn các phần cây non của cây, gây phá hoại cho rau, cây lương thực… Ở Việt Nam, hiện có nhiều người nuôi dế bán làm món ăn, vì có nhiều chất dinh dưỡng.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!