Các xã thuộc huyện quế võ bắc ninh

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Thế kỷ VI, Triệu Việt Vương dời kinh đô của nhà nước Vạn Xuân từ Long Biên về Vũ Ninh, nay là Quế Võ. Năm 1086 đến năm 1094: xây chùa Dạm.Thời 12 sứ quân, vùng đất thuộc châu Vũ Ninh do Dương Huy rồi Nguyễn Thủ Tiệp cai quản. Thời Lý, địa phận huyện Quế Võ ngày nay thuộc châu Vũ Ninh. Thời thuộc Minh là huyện Vũ Ninh thuộc châu Vũ Ninh, phủ Bắc Giang.

Thời Lê Thánh Tông, là các huyện Quế Dương và Võ Giàng, là hai trong năm huyện của phủ Từ Sơn, thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Đến đầu đời Lê Trung Hưng (năm 1533), vì kiêng húy của vua Lê Trang Tông (Lê Duy Ninh) nên đổi huyện Vũ Ninh thành Vũ Giang, sau lại kiêng húy của Uy Nam vương Trịnh Giang nên đọc chệch âm là Vũ Giàng hay Võ Giàng.

Năm 1962, sáp nhập hai huyện Quế Dương và Võ Giàng thành huyện Quế Võ. Khi mới hợp nhất, huyện Quế Võ gồm có 24 xã: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Châu Phong, Chi Lăng, Cộng Lạc, Đại Phúc, Đại Xuân, Đức Long, Đức Thành, Hán Quảng, Kim Chân, Mộ Đạo, Nam Sơn, Ngọc Xá, Nhân Hòa, Phù Lãng, Phù Lương, Phượng Mao, Quốc Tuấn, Tân Dân, Vân Dương, Việt Hùng, Việt Thống. Riêng xã Võ Cường được tách về huyện Tiên Sơn, từ năm 1985 chuyển về trực thuộc thị xã Bắc Ninh (nay là phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh).

Năm 1972, một số xã đã đổi tên trong các năm 1948-1949 tiến hành đổi lại tên: Năm 1969 xã Quốc Tuấn đổi là xã Phương Liễu, xã Cộng Lạc đổi là xã Quế Tân, xã Tân Dân đổi là xã Yên Giả, xã Đức Thành đổi là xã Đào Viên. Huyện Quế Võ có 24 xã: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Châu Phong, Chi Lăng, Đại Phúc, Đại Xuân, Đào Viên, Đức Long, Hán Quảng, Kim Chân, Mộ Đạo, Nam Sơn, Ngọc Xá, Nhân Hòa, Phù Lãng, Phù Lương, Phương Liễu, Phượng Mao, Quế Tân, Vân Dương, Việt Hùng, Việt Thống, Yên Giả.

Ngày 03/5/1985, xã Đại Phúc thuộc huyện Quế Võ sáp nhập vào thị xã Bắc Ninh. Tại thời điểm đó, huyện Quế Võ có 23 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các xã: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Châu Phong, Chi Lăng, Đại Xuân, Đào Viên, Đức Long, Hán Quảng, Kim Chân, Mộ Đạo, Nam Sơn, Ngọc Xá, Nhân Hòa, Phù Lãng, Phù Lương, Phương Liễu, Phượng Mao, Quế Tân, Vân Dương, Việt Hùng, Việt Thống, Yên Giả.

Ngày 07/10/1995, thành lập thị trấn Phố Mới – thị trấn huyện lỵ huyện Quế Võ trên cơ sở 77 ha diện tích đất tự nhiên và 1.863 người của xã Việt Hùng; 197 ha diện tích đất tự nhiên và 2.469 người của xã Phượng Mao. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, xã Việt Hùng còn lại 830 ha diện tích đất tự nhiên và 8.416 người; xã Phượng Mao có 382,72 ha diện tích tự nhiên và 3.342 người. Tại thời điểm đó, huyện Quế Võ có 24 đơn vị hành chính trực thuộc.

Ngày 09/4/2007, các xã Kim Chân, Vân Dương, Nam Sơn của huyện Quế Võ sáp nhập vào thành phố Bắc Ninh.

Huyện Quế Võ còn lại 21 xã: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Châu Phong, Chi Lăng, Đại Xuân, Đào Viên, Đức Long, Hán Quảng, Mộ Đạo, Ngọc Xá, Nhân Hòa, Phù Lãng, Phù Lương, Phương Liễu, Phượng Mao, Quế Tân, Việt Hùng, Việt Thống, Yên Giả và thị trấn Phố Mới như hiện nay.

II. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Chỉ tiêu phát triển kinh tế

Năm 2021 – năm đầu thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bao trùm, với không ít thách thức đan xen, nhất là “đại dịch” Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng đến các ngành kinh tế và đời sống xã hội. Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Huyện ủy, giám sát của HĐND huyện, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có hiệu quả của UBND huyện, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự phối hợp của các đoàn thể và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Huyện Quế Võ đã tập trung thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

a) Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện năm 2021 đạt 10.980,3 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2020. Trong đó: Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 6.918,4 tỷ đồng, chiếm 61,8%; thương mại – dịch vụ – du lịch đạt 3.348,2 tỷ đồng, chiếm 30,7%; giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản đạt 713,7 tỷ đồng, chiếm 7,5% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

b) Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2019 – 2021 đạt 6,31%. Trong đó, sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 7,20%; thương mại – dịch vụ – du lịch tăng 6,10%; giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản giảm 0,80%.

c) Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện Quế Võ năm 2021 đạt 2.663,2 tỷ đồng, tăng 51,09% so với năm 2020; trong đó phần địa phương được hưởng là 1.354,8 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách trên địa bàn huyện năm 2021 là 2.317,4 tỷ đồng, tăng 47,74% so với năm 2020.

Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 64,2 triệu đồng (năm 2019) lên 69,2 triệu đồng/người/năm (năm 2021). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 1,25%; bình quân 3 năm 2019 – 2021 là 1,31% (năm 2019 là 1,51%; năm 2020 là 1,18%; năm 2021 là 1,25%), thấp hơn bình quân chung 3 năm của tỉnh Bắc Ninh.

Một trong những thành công lớn nhất của địa phương là đạt chuẩn nông thôn mới với tổng giá trị đầu tư 2.487,7 tỷ đồng và 529 công trình hạ tầng nông thôn. Đến hết năm 2021, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 20/20, vượt mục tiêu đề ra (10 xã) và về đích trước 2 năm; đã hình thành vùng sản xuất chuối, vùng nuôi cá siêu thâm canh trên sông Đuống; các sản phẩm được đăng ký thương hiệu như khoai tây Quế Võ, gạo tẻ thơm, gốm Phù Lãng,… tiếp tục được quan tâm quảng bá, giới thiệu và nâng cao chất lượng cũng như giá trị.

2. Phát triển ngành, lĩnh vực

a) Về phát triển công nghiệp, xây dựng

Với mục tiêu thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng đô thị, ngay từ năm 2016, huyện Quế Võ đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề huyện Quế Võ giai đoạn 2016 – 2020. Qua hơn 3 năm thực hiện, công nghiệp, TTCN và làng nghề Quế Võ đã có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của huyện nông thôn mới.

Theo thống kê, hiện tại số cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN ở Quế Võ (hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo) đã tăng từ 2.681 cơ sở năm 2016 lên 2.978 cơ sở vào năm 2021. Các cơ sở này đã giải quyết việc làm cho 4.950 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương toàn huyện năm 2019 (giá so sánh 2010) đạt 5.973,6 tỷ đồng tăng lên 6.918,4 tỷ đồng năm 2021.

Trong lĩnh vực làng nghề, nổi bật là sản xuất gốm tại thôn Phù Lãng và thôn Thủ Công xã Phù Lãng với gần 180 hộ làm nghề, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 800 lao động địa phương và các vùng phụ cận. Giá trị sản xuất (giá hiện hành) năm 2019 đạt 80,3 tỷ đồng, năm 2020 đạt 85,5 tỷ đồng, năm 2021 đạt 88,2 tỷ đồng, tăng so cùng kỳ 2020 là 3,1%. Hiện tại Phù Lãng đã có 10 hộ chuyển đổi mô hình lò đốt từ củi sang lò gas chuyên làm các sản phẩm gốm mỹ nghệ, giá trị mỗi lò từ 130 – 350 triệu đồng. Việc đầu tư đưa công nghệ mới vào sản xuất không chỉ làm gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần giảm tải tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra.

Không chỉ có làng nghề gốm Phù Lãng, Quế Võ còn có làng nghề mây tre đan thôn Quế Ổ xã Chi Lăng với 500/703 hộ làm nghề, theo mùa vụ 1 hộ làm ra từ 30 40 sản phẩm/ngày, thu nhập từ 80 đến 150 nghìn đồng/ngày với các sản phẩm chủ yếu là đan mây tre hàng mã; nghề đan bị cói, chiếu lót ở Quế Ổ với khoảng 200 hộ làm nghề, trung bình mỗi hộ làm ra từ 10 – 15 sản phẩm/ngày, thu nhập từ 80 đến 120 nghìn đồng/ngày. Tại xã Hán Quảng cũng có 500 hộ làm nghề mây tre đan (chủ yếu là hàng mã), thu nhập trung bình mỗi hộ từ 80 đến 120 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra tại xã Đại Xuân còn có một số nghề truyền thống lâu đời như làm bánh đa, làm mỳ; xã Việt Thống có nghề rèn dao kéo làng Vát…, song quy mô nhỏ lẻ, phân tán, việc duy trì sản xuất chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong xã.

Điểm nổi bật ở Quế Võ là sự phát triển của các khu công nghiệp, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương ngày càng vững mạnh. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 04 khu công nghiệp, tổng diện tích hơn 1.000 ha, thu hút hàng trăm doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong đó khu công nghiệp Quế Võ 1 mở rộng (quy mô 618 ha, diện tích thuộc huyện Quế Võ mở rộng là 200,1 ha) đã đi vào hoạt động hiệu quả. Khu công nghiệp Quế Võ 2 (quy mô 269,48 ha) đang đầu tư hạ tầng, đã thu hút trên 20 doanh nghiệp hoạt động. Khu công nghiệp Quế Võ 3 (quy mô 530 ha) đang đầu tư hạ tầng, đã có 05 doanh nghiệp hoạt động. Khu công nghiệp An Việt – Quế Võ 6 (quy mô 78,6 ha) đang lập quy hoạch chi tiết. Ngoài các khu công nghiệp tập trung, Quế Võ hiện có 02 cụm công nghiệp là cụm Châu Phong – Đức Long diện tích trên 50 ha và cụm công nghiệp hỗ trợ Cách Bi diện tích 72 ha. Sự phát triển mở rộng của các khu công nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế công nghiệp toàn tỉnh.

Thực hiện chương trình khuyến công, hỗ trợ đào tạo phát triển ngành nghề, từ năm 2016 đến nay Quế Võ đã mở 112 lớp đào tạo nghề cho người lao động, với một số nghề chủ yếu như trồng hoa cây cảnh, nấu ăn, mây tre đan, mộc dân dụng, may công nghiệp…, tổng số học viên được đào tạo là 4.102 người. Qua các lớp đào tạo đã có 60 – 70% học viên tìm được việc làm ổn định trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, số còn lại tự mở cơ sở cho riêng mình.

b) Về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch

Dọc Quốc lộ 18 từ thành phố Bắc Ninh về trung tâm thị trấn Phố Mới (Quế Võ) dễ dàng nhận thấy sự phát triển đa dạng các ngành nghề kinh doanh thương mại, dịch vụ. Mạng lưới chợ nông thôn được quy hoạch và xây dựng mở rộng theo tiêu chí Nông thôn mới; dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà trọ phát triển, tạo nên bước tiến mới, đột phá trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Trung tâm thương mại Trung Thành tại thị trấn Phố Mới đi vào hoạt động từ năm 2011, đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Trong đó, thu hút nhiều loại hình dịch vụ từ các mặt hàng thời trang, may mặc, đồ dùng thiết yếu đến các dịch vụ vui chơi giải trí… Qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm chất lượng ngay tại địa phương. Nhiều hộ kinh doanh tận dụng lợi thế ở gần Quốc lộ 18, chợ, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh thương mại dịch vụ. Nhiều hộ mở rộng quy mô và đa dạng hóa mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.

Thống kê trên địa bàn, toàn huyện có 04 siêu thị và 01 trung tâm thương mại, 1 chợ trung tâm thị trấn Phố Mới đang thực hiện thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm, 13 chợ nông thôn và gần 9.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động, gần 20 cửa hàng kinh doanh xăng dầu phân bổ ở hầu hết các xã, thị trấn. Điều này cho thấy hoạt động thương mại phát triển thu hút một lượng lớn lao động, tạo nhiều việc làm, góp phần nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện tăng từ 3.108,5 tỷ đồng năm 2019 lên 3.348,2 tỷ đồng năm 2021.

Tận dụng lợi thế gần Quốc lộ 18, tỉnh lộ, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư kết nối các xã với trung tâm huyện và đường sông với các tuyến giao thông thủy trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình, hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách ở Quế Võ luôn đạt mức tăng trưởng khá. Các loại hình dịch vụ khác như bưu chính viễn thông, ngân hàng, điện lực,… được đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Mục tiêu Quế Võ đặt ra năm 2022 là nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 4.810 tỷ đồng, tăng bình quân 14,8%/năm, tỷ trọng chiếm 32,4% cơ cấu kinh tế, phấn đấu đến năm 2025 mỗi xã, thị trấn có ít nhất một cơ sở kinh doanh dịch vụ theo hướng văn minh hiện đại.

c) Về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

– Trồng trọt

Huyện Quế Võ chủ động quy hoạch, ban hành nghị quyết và tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ của huyện Quế Võ (Bắc Ninh) luôn đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, song Quế Võ xác định phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng, là “trụ đỡ” đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Với diện tích gieo trồng bình quân hàng năm đạt trên 17.800 ha, trong đó 13.500 ha lúa, Quế Võ đã lựa chọn cây khoai tây, cây lúa là cây trồng chủ lực, từ đó huyện chủ động quy hoạch, ban hành nghị quyết và tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Chỉ đạo các địa phương, đơn vị, hộ nông dân lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa và tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu cho hai sản phẩm chủ lực của huyện là khoai tây Quế Võ và gạo tẻ thơm Quế Võ.

Nắm bắt xu thế chung trong phát triển nông nghiệp bền vững, Quế Võ đã chỉ đạo xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản như: sản xuất rau an toàn trong nhà kính, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sản xuất khoai tây giống sạch bệnh từ cây nuôi cấy mô, hệ thống tưới phun mưa trong sản xuất rau màu, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái.

Xây dựng và triển khai Dự án ứng dụng công nghệ khí canh sản xuất khoai tây giống sạch bệnh nhằm chủ động nguồn giống và giảm chi phí nhập khẩu, đảm bảo cho việc trồng trên 1.700 ha khoai tây vụ đông mỗi năm; ứng dụng công nghệ chuồng kín, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, sử dụng đệm lót sinh học, bể biogas trong chăn nuôi, hệ thống quạt nước, chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường thủy sản,…

Đến nay, toàn huyện đã hình thành 30 vùng trồng khoai tây thương phẩm và khoai tây giống an toàn, diện tích trên 1.500 ha được ứng dụng cơ giới hóa các khâu, làm đất, trồng, vun xới và thu hoạch; 69 vùng sản xuất lúa hàng hóa, diện tích 764,7 ha (trong đó có 1 vùng sản xuất lúa tẻ thơm theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 10ha tại thôn Quế Ổ xã Chi Lăng); 3 vùng trồng cà rốt quy mô 45 ha; 37 mô hình tích tụ ruộng đất, trong đó có 9 mô hình trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích 26,3 ha, 4 vùng trồng chuối quy mô 69 ha,…

– Chăn nuôi

Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản có 5 mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm và lợn nái quy mô trên 1.000 con ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn máng uống tự động; 4 mô hình nuôi thỏ và nuôi chim bồ câu với quy mô trên 2.500 con. Hình thành 3 vùng thủy sản thâm canh và vùng nuôi cá lồng trên sông Đuống, quy mô 215 lồng. Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, nâng cao giá trị, tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, việc tạo dựng các mô hình liên kết sản xuất cũng được Quế Võ chú trọng. Toàn huyện hiện có 48 HTX nông nghiệp (10 HTX dịch vụ nông nghiệp và 38 HTX nông nghiệp chuyên ngành), 97 HTX dịch vụ nông nghiệp chuyển đổi hoạt động theo hình thức tổ hợp tác. Huyện luôn quan tâm chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân

III. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể dục thể thao

Trong thời gian qua, huyện Quế Võ đã thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về nếp sống văn minh, chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Năm 2021, có 92,11% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 93,63% làng, khu phố đạt danh hiệu làng văn hóa, khu phố văn hóa. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT), tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. Đến nay, trên địa bàn huyện có 41 di tích được xếp hạng, trong đó có 9 di tích cấp Quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh.

2. Công tác y tế

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thủ tục khám chữa bệnh được nâng cao, cải thiện; chủ động phòng, chống, phát hiện và khống chế dịch bệnh; công tác quản lý hoạt động ngành y, dược ngoài công lập, quản lý thị trường thuốc tân dược, thực phẩm chức năng được tăng cường. Các trường học có cơ sở vật chất đồng bộ, khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo; quan tâm, thăm hỏi, chăm sóc các đối tượng người cao tuổi, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời tích cực thực hiện tốt các công tác bình đẳng giới và bảo vệ chăm sóc trẻ em. Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Quế Võ đạt chuẩn các tiêu chí về văn hóa – xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

3. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững, những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Quế Võ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Trên cơ sở chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm của huyện giai đoạn 2021 – 2025, Quế Võ đã chỉ đạo rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, đồng thời triển khai hiệu quả các chính sách dạy nghề cho người nghèo, người tàn tật, khuyến khích phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Cơ quan chức năng huyện chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động đẩy mạnh hoạt động tư vấn, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, cung cấp thông tin các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động, tư vấn hỗ trợ đi xuất khẩu lao động,… tạo thuận lợi cho người lao động có nhu cầu đăng ký tuyển dụng và tìm được việc làm phù hợp.

Trong 3 năm (2019 – 2021), toàn huyện đã tổ chức 119 lớp đào tạo nghề cho 3.560 lao động, trong đó Trung tâm dạy nghề Âu Lạc đã tổ chức 62 lớp cho 1.848 lao động. Việc đào tạo nghề tập trung vào 3 nhóm chủ yếu như đào tạo các nghề chuyển đổi lao động nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn tạo việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập với các nghề mây tre đan, thêu ren, chế biến nông sản thực phẩm,… Kết quả sau đào tạo nghề đã có khoảng 70% có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động luôn được huyện tập trung chỉ đạo. Ba năm qua cơ quan chức năng huyện đã phối hợp tổ chức 374 lớp với 31.026 người tham dự, tập trung vào các lĩnh vực như tập huấn và hội thảo đầu bờ về kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, phổ biến chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp,… Qua đó giúp người dân nắm bắt và vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro xảy ra.

Đối với lực lượng lao động trẻ tiềm năng là học sinh phổ thông, huyện chỉ đạo các trường THPT chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề và các doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh, qua đó giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân sau khi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là dịp để các bậc phụ huynh nhận thức đúng đắn trong việc giúp con em học văn hoá, học nghề phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh gia đình. Ba năm qua, Quế Võ đã có 5.372 học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, trong đó học lên đại học là 2.805 em, cao đẳng 750 em và theo học Trung học chuyên nghiệp 500 em.

Nhờ làm tốt các giải pháp kết hợp giữa đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm gắn với các Chương trình phát triển kinh tế – xã hội của huyện, 3 năm qua Quế Võ đã giải quyết việc làm cho 9.185 lao động, trong đó số lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là 5.326 người, lao động làm việc tại các danh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp 2.801 người, xuất khẩu lao động 685 người; chương trình vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm 373 lao động, chương trình vay vốn cho 861 hộ nghèo với dư nợ 42.707 triệu đồng, vay vốn hộ cận nghèo 651 hộ với dư nợ 32.194 triệu đã góp phần giải quyết việc làm ổn định và tạo nhiều việc làm mới.

4. Công tác giáo dục

Trong 3 năm qua, Quế Võ mở được 15 lớp bồi dưỡng chính trị hè cho cán bộ, giáo viên, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức, nắm vững quan điểm, chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, từ đó vận dụng vào quá trình quản lý, chỉ đạo và giảng dạy. Huyện cũng chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, các khoản thu trong nhà trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lí nghiêm các vụ việc tiêu cực phát sinh. Thực hiện nghiêm túc quy định “3 công khai, 4 kiểm tra”, quy chế “Dân chủ ở cơ sở”, giữ vững mối đoàn kết trong môi trường sư phạm.

Hiệu quả từ phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được khẳng định. Bậc giáo dục mầm non 100% trẻ được đánh giá đạt theo quy định. Đối với giáo dục tiểu học, huyện chủ trương tiếp tục thực hiện dạy học TV1.CGD ở 4 trường, chỉ đạo các trường áp dụng thành tố tích cực của mô hình trường học mới VNEN tại 12 trường. Bậc THCS thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng nhằm phát huy tư duy, sáng tạo tích cực của học sinh; bảo đảm phát triển hài hòa cả về đức, trí, thể, mỹ, xác định mục tiêu lấy chất lượng đầu ra của từng cấp học là thước đo đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục.

Trong lĩnh vực ngoại ngữ, tin học, Quế Võ có 100% giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường tiểu học, THCS đạt chuẩn về chuyên môn, trong đó 92,3% giáo viên được công nhận đạt chuẩn chất lượng (theo khung tham chiếu Châu Âu). Việc thu hút giáo viên nước ngoài về dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông mang lại hiệu quả tích cực. Toàn huyện có 10/22 trường THCS, 22/22 trường Tiểu học có giáo viên người nước ngoài về giảng dạy trực tiếp. Bậc mầm non có 17/22 trường tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ. Riêng trường THCS Nguyễn Cao có giáo viên người nước ngoài giảng dạy từ nhiều năm nay. Nhờ vậy chất lượng dạy và học ngoại ngữ chuyển biến rõ rệt, nhất là kỹ năng nghe, nói.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học trong các nhà trường được đầu tư thỏa đáng, 100% các trường đều được trang bị ít nhất 01 phòng học ngoại ngữ, 01 phòng học tin học, hệ thống máy tính kết nối mạng internet. 100% học sinh từ lớp 3 được học ngoại ngữ và tin học.

Để giảm áp lực thi cử cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học, từ năm học 2014 – 2015 Quế Võ không tổ chức kiểm tra khảo sát học sinh giỏi khối 3, 4, 5. Các nhà trường chỉ tham gia các cuộc giao lưu, các hội thi do Sở, Bộ GD&ĐT tổ chức. Học sinh THCS không tổ chức khảo sát đầu năm, kiểm tra giữa kỳ I và giữa kỳ II. Duy trì tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp THCS. Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia những năm qua Quế Võ đều nằm trong tốp giữa của tỉnh.

Thực hiện tốt việc xây dựng ma trận đề kiểm tra cho mỗi chương và cả chương trình môn học, đáp ứng chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, bám sát nội dung sách giáo khoa. Chú trọng kiểm tra mức độ thông hiểu và vận dụng, đảm bảo mức độ nhận biết; kiểm tra đánh giá theo hướng “mở” đối với các môn khoa học xã hội. Trong công tác kiểm định chất lượng, 100% các trường đều triển khai tự đánh giá để nhằm hoàn thiện các tiêu chí, để cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục. Tính đến hết năm học 2020 – 2021, toàn huyện có 100% các trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, trong đó 53/66 đạt chuẩn về kiểm định chất lượng.

Tính đến năm 2021, 100% các trường học công lập được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, vượt mục tiêu Đại hội đề ra trước 2 năm, trong đó có 5/22 trường Mầm non, 17/22 trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

IV. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG

1. Hệ thống hạ tầng xã hội

a) Nhà ở

Nhà ở của dân cư đô thị ngày càng được quản lý tốt hơn cả về quy hoạch, kiến trúc. Diện tích nhà ở được cải thiện ngày một rộng hơn, hình thức kiến trúc ngày càng đẹp theo hướng văn minh hiện đại. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực nội thị đạt 29,92 m2/người, riêng thị trấn Phố Mới đạt 37,12 m2/người.

Tỷ lệ nhà kiên cố, khá kiên cố và bán kiến cố khu vực nội thị chiếm 97,46%. Nhà ở trong các thôn hầu hết đã được xây dựng kiên cố từ 2 – 3 tầng theo dạng nhà vườn, biệt thự khang trang. Dọc các trục đường tỉnh như đường tỉnh 279, các tuyến đường kết nối với Quốc lộ 18, đường huyện và các ô phố cũ phổ biến là nhà ở dạng chia lô, nhiều hộ dân kết hợp kinh doanh dịch vụ. Các khu vực phát triển đô thị mới mật độ đất xây dựng đã lấp đầy trên 50%, do các hộ tự xây dựng theo đúng quy hoạch. Các khu dân cư mới đều đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng và trồng cây xanh.

b) Trụ sở Cơ quan hành chính

– Công trình cơ qua hành chính huyện Quế Võ: Các cơ quan hành chính huyện được quy hoạch và xây dựng tập trung trong khu vực trung tâm của thị trấn Phố Mới, gồm Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quế Võ và nhiều phòng, ban của huyện, tất cả đều được xây dựng kiên cố cao 2 – 4 tầng có kiến trúc đẹp, đủ diện tích sàn đáp ứng nhu cầu làm việc. Cảnh quan khu trung tâm hành chính khá đẹp có hệ thống đường giao thông rộng, điện chiếu sáng và trang trí, trồng cây xanh tạo bóng mát và cảnh quan.

– Công trình hành chính thị trấn Phố Mới, các xã: Trụ sở làm việc của UBND đều được cải tạo hoặc xây mới bảo đảm diện tích mặt bằng và chất lượng công trình, thuận lợi cho điều hành công việc và tiếp đón nhân dân.

c) Cơ sở y tế

Huyện Quế Võ có 01 trung tâm y tế huyện, quy mô diện tích 3,6 ha, quy mô 172 giường bệnh, với số lượng cán bộ là 214 người và 23 trạm y tế của các xã và thị trấn với tổng số giường bệnh là 105 giường, số cán bộ là 136 người;

Ngoài ra trên địa bàn còn có 15 cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập với tổng số 298 cán bộ y tế; trong đó có 05 phòng khám đa khoa và 10 phòng khám chuyên khoa. Công tác y tế trường học cũng được nâng cao, đẩy mạnh; Năm 2021, học sinh 3 bậc Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đã có 27.525 học sinh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 100% học sinh tham gia BHYT; Trung tâm y tế huyện Quế Võ với cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, ứng dụng nhiều kỹ mới, tiên tiến trong công tác khám chữa bệnh, cùng đội ngũ y bác sĩ có năng lực, tinh thần trách nhiệm cao đã đáp ứng các nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân.

d) Cơ sở văn hóa, thể dục thể thao

– Công trình văn hóa: Hiện nay tại thị trấn Phố Mới có Nhà Văn hóa huyện nơi tổ chức hội nghị các sự kiện chính trị xã hội và Thư viện huyện Quế Võ phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân. Ngoài ra còn có 20 nhà văn hóa của tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn để phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao những năm qua được đẩy mạnh phát triển nhờ đó đã có tác động tích cực đến đời sống tinh thần của nhân dân và trật tự an toàn xã hội. Các hình thức tổ chức ngày càng đa dạng cùng hướng tới các sự kiện chính trị của đất nước. Chất lượng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng lên. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, phục dựng các lễ hội được quan tâm, tổ chức tốt.

– Công trình thể thao: Huyện Quế Võ hiện có 04 công trình thể thao cấp đô thị (SVĐ trung tâm VH-TT Huyện, Nhà thi đấu đa năng huyện và 03 sân bóng Phù Lang, Mao Yên, Hà Liễu tại xã Phù Lương, Phượng Mao và Phương Liễu). Ngoài ra còn có Nhà thi đấu đa năng Huyện ủy, Nhà thi đấu đa năng Huyện đội, Nhà thi đấu đa năng Công an Huyện và 02 Nhà thi đấu trong trường Trung học cơ sở và một số sân tennis và sân bóng chuyền, sân cầu lông, bể bơi. Tại trung tâm các xã đều xây dựng sân tập thể thao quy mô nhỏ; trên địa bàn thị trấn và một số xã còn có 10 câu lạc bộ thể hình – phòng tập GYM nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu luyện tập thể thao của người dân.

đ) Giáo dục và đào tạo

Hiện nay, quy mô trường lớp trên địa bàn đang tiếp tục được nâng cao; 100% các trường học từ Mầm non đến THCS đã được công nhận đạt chuẩn Quốc Gia; 53/66 cơ sở đạt cơ sở đạt chuẩn chất lượng, đạt tỷ lệ 80,3%; Công tác xã hội hóa giáo dục đạt kết quả tốt, tỷ lệ huy động trẻ trong các độ tuổi đến lớp ở các cấp học đạt cao. Đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS được duy trì vững chắc. Số lượng cán bộ giáo viên cơ bản đáp ứng được hoạt động của ngành. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ đổi mới công tác quản lý, giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục. Trên địa bàn đô thị Quế Võ có 08 cơ sở giáo dục đào tạo từ cấp Phổ thông trung học trở lên bao gồm: 05 trường Trung học phổ thông (Quế Võ 1, Quế Võ 2, Quế Võ 3, Phố Mới và THPT Trần Hưng Đạo), 01 trung tâm đào tạo nghề Nhân Đạo, 01 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Ninh và 01 Trường Trung cấp nghề Âu Lạc, cơ bản đáp ứng nâng cao trình độ dân trí và lao động có có trình độ cho địa phương.

e) Công trình dịch vụ thương mại – dịch vụ bưu chính viễn thông

Địa bàn hiện có 04 siêu thị (Siêu thị Dabaco xây dựng nằm bên trục QL18 có diện tích 2,2 ha, siêu thị Giang Nam, Siêu thị điện máy xanh, siêu thị Nam Giang) và 14 chợ trong đó có Chợ trung tâm thị trấn Phố Mới là chợ đầu mối lớn kinh doanh đa dạng các mặt hàng là nơi bán buôn, bán lẻ, phân phối phát luồng hàng hóa đến nhiều thị trường trong và ngoài huyện; và một hệ thống cửa hàng tiện ích, cửa hàng tạp hóa, chuyên doanh phát triển rộng khắp đã góp phần thúc đẩy giao thương, mua bán hàng hóa đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu về sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân.

Dich vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, điện lực,… được đầu tư và đổi mới công nghệ, chất lượng hoạt động được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Hiện nay trên địa bàn có 02 hãng viễn thông là Viettel và viễn thông VNPT đã phủ sóng thông tin di động 100% địa bàn huyện.