Các tố chất để trở thành ca sĩ

Một trong những nghề danh vọng nhất mà cũng nhiều tranh cãi nhất là làm ca sĩ. Với giọng ca trời phú, thần thái biểu diễn và một chút may mắn, nhiều ca sĩ đã nổi tiếng vươn tầm thế giới và có ảnh hưởng không kém các doanh nhân, tỷ phú. Vậy ca sĩ là gì và cần những gì để có thể trở thành một ca sĩ thành công?

Tìm hiểu cùng Glints bạn nhé.

Ca sĩ là gì?

Ca sĩ là ngành nghề có tính nghệ thuật cao. Hát là kỹ năng tạo ra âm nhạc bằng giọng ca và âm thanh thì được phát ra với âm lượng lớn hơn so với nói chuyện bình thường. Và ca sĩ là người biểu diễn, phô diễn giọng hát của mình trong nhiều thể loại nhạc: từ nhạc ballad, rock, pop, R&B, v.v.

Ca sĩ tiếng Anh là singer. Họ có thể hoạt động solo, theo nhóm nhạc, ban nhạc, hoặc tham gia nhà hát kịch, dàn hợp xướng.

Vậy ca sĩ solo là gì? Bạn có thể hiểu solo là hoạt động riêng lẻ. Ca sĩ solo ở Việt Nam rất phổ biến và hoạt động thường thành công hơn hình thức nhóm nhạc, ví dụ như ca sĩ Mỹ Tâm, Hoàng Thuỳ Linh, Vũ Cát Tường.

Hoạt động nhóm nhạc lại phổ biến hơn ở môi trường nghệ thuật Hàn Quốc, ví dụ lớn nhất chính là các nhóm nhạc K-pop (BIGBANG, Seventeen, EXO, v.v.)

Công việc chi tiết của ca sĩ là gì?

Công việc của ca sĩ thường bao gồm thu âm các tác phẩm âm nhạc trong phòng thu và công bố qua các nền tảng nhạc trực tuyến hoặc album vật lý. Mỗi ca sĩ có thể hát nhiều thể loại nhạc và cũng có thể chọn cho mình một thể loại nhạc nhất định làm thế mạnh của mình.

Tuỳ vào tông giọng phù hợp và phong cách nhạc mà họ có thể chọn đi theo con đường nhạc pop, nhạc jazz hay opera.

Một ca sĩ có thể vừa sáng tác, vừa hát, và biên đạo, tạo ý tưởng cho sản phẩm của mình. Ngoài ra, họ còn tham gia các buổi chụp hình hoạ báo, phỏng vấn; tham gia các chương trình tạp kỹ, phim ảnh.

Họ có thể hát trên sân khấu, biểu diễn trên các chương trình truyền hình hoặc các sự kiện lớn nhỏ để quảng bá cho nhạc phẩm của mình, cũng như gây dựng tên tuổi cho bản thân.

Vậy mới nói, làm ca sĩ có phải chỉ hát không? Không hề.

Để làm một ca sĩ thành công, họ phải biết cách truyền tải tinh thần của bài hát của biểu cảm, bước nhảy. Họ còn phải tham gia nhiều hoạt động khác để có thể mang màu sắc cá nhân tới khan giả và người hâm mộ.

Các tố chất cần có để làm nghề ca sĩ

Một ca sĩ sẽ cần đến các kỹ năng và yếu tố nào để nổi bật và thành công?

  • Giọng hát hay, có kỹ thuật
  • Khả năng biểu diễn, trình diễn
  • Biểu cảm tốt, phong phú
  • Tự tin trước đám đông
  • Có đam mê với nghệ thuật
  • Khả năng ứng biến linh hoạt
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề
  • Luôn muốn học hỏi
  • Trí nhớ tốt
  • Có đạo đức nghề nghiệp
  • Khả năng giao tiếp

Tố chất của một ca sĩ tương lai có thể được thể hiện từ khá sớm. Chẳng hạn như khả năng hát tốt và đam mê nghệ thuật từ nhỏ. Tuy nhiên để có thể tiến xa và có chỗ đứng trong ngành, một ca sĩ cần nhiều hơn thế.

Chẳng hạn, bạn cần luyện tập để có ngôn ngữ hình thể, biểu cảm sân khấu tốt. Ngoài ra, khi biểu diễn sẽ có những trường hợp ít ngờ tới xảy ra, chẳng hạn như lỗi trang phục, lỗi kỹ thuật. Bạn cần khả năng giải quyết vấn đề và ứng biến nhanh nhạy để có thể làm chủ sân khấu.

Ngoài ra, trí nhớ tốt, sự ham học hỏi, và đạo đức nghề nghiệp cũng sẽ giúp một ca sĩ tiến xa trong sự nghiệp.

Cái lợi khi làm ca sĩ

Những yếu tố dưới đây là phần nào lý do ngành ca sĩ thu hút rất nhiều sự quan tâm và ngưỡng mộ.

Được nổi tiếng

Một trong những đặc điểm của nghề ca sĩ là bạn sẽ trở thành người của công chúng. Có sản phẩm được ra mắt và nhận được sự ủng hộ thì ca sĩ sẽ được biết đến nhiều hơn và dần trở nên nổi tiếng.

Sự nổi tiếng là một trong những cái mục tiêu lớn nhất của những người muốn gia nhập thế giới showbiz. Bắt đầu với vị trí của một giọng ca, khi độ nổi tiếng đi lên, bạn sẽ nhận được các lời mời quảng cáo, các hợp đồng hợp tác mới để làm KOL, người đại diện cho các nhãn hàng từ nhỏ đến lớn.

Một ca sĩ có nhiều fan hâm mộ và người theo dõi mình, lấy mình làm nguồn cảm hứng thì sẽ dần càng trở nên nổi tiếng một cách bền vững.

Thu nhập cao

Làm nghề ca sĩ có thể đem đến thu nhập rất khủng.

Khi chưa quá nổi, ca sĩ có thể nhận cát-xê vài triệu đồng từ các show diễn nhỏ. Nhưng khi danh tiếng đã lớn mạnh hơn, cát-xê cho một màn trình diễn có thể lên đến hàng chục, trăm triệu, thậm chí đạt đến cả tỷ đồng.

Ngoài ra, nguồn thu nhập đến từ việc làm người mẫu ảnh, quảng cáo cũng lớn không kém. Những con số đáng ngưỡng mộ này là lý do khiến nghề ca sĩ trở nên hấp dẫn không kể xiết.

Mối quan hệ rộng

Giới nghệ thuật có rất nhiều diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ, giám đốc nghệ thuật, nhiếp ảnh gia, v.v, tài năng. Nếu bạn làm ca sĩ, bạn có cơ hội gặp và làm quen với họ. Họ không chỉ truyền cảm hứng mà còn giúp bạn mở rộng vòng tròn quan hệ xã hội.

Từ đây mà cơ hội phát triển của bạn cũng lớn mạnh hơn. Và hãy tưởng tượng bạn được gặp người bạn đã luôn thần tượng bấy lâu nay trong giới nghệ thuật, cảm giác này chắc hẳn rất khó tin và cũng rất đáng mong chờ.

Đọc thêm: 7 Loại Hình Nghệ Thuật & Nghề Nghiệp Phù Hợp Với Từng Bộ Môn Nghệ Thuật

Khó khăn nghề ca sĩ

Ngoài hào quang sân khấu và thế giới hào nhoáng của showbiz, nghề ca sĩ cũng có những vất vả và thử thách. Để tồn tại trong ngành nghệ thuật, ca sĩ cần đối mặt với những yếu tố như:

Áp lực công việc rất lớn

Điều thường thấy trong công việc của một ca sĩ nổi tiếng là lịch trình dày đặc. Họ phải tập luyện liên tục để chuẩn bị ra mắt sản phẩm, sau đó là đi nhiều nơi để trình diễn.

Công việc đi sớm về muộn và tần suất liên tục sẽ gây ra sự căng thẳng cũng như ảnh hưởng sức khoẻ khá lớn.

Các ca sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam và thế giới đều đã gặp phải vấn đề này. Và họ cần cố gắng rất nhiều để có thể làm việc trơn tru và năng suất hết sức có thể.

Áp lực dư luận

Mỗi sản phẩm được ra mắt bao gồm một quá trình từ sáng tác cho đến lên ý tưởng. Sản phẩm được đón nhận là niềm vui lớn và cũng chính là sự thở phào dành cho ca sĩ.

Tuy nhiên, các ca sĩ sẽ luôn có sự lo lắng và áp lực rằng nhạc phẩm sẽ không tạo được tiếng vang hay không đủ để chạm tới khán giả.

Ngoài ra, bạn cũng sẽ bị bàn tán từ hình thể cho tới biểu cảm. Bạn cần chú ý tới các chi tiết nhỏ nhất để có thể “vừa mắt” khán giả. Đây là yếu tố tạo áp lực rất lớn cho nghề ca sĩ.

Scandal, tin đồn vô căn cứ

Với tính chất là người của công chúng, ca sĩ thường dễ gặp phải những tin đồn và scandal. Từ những việc này mà dư luận sẽ chỉ trích, phê phán, thậm chí quay lưng với ca sĩ nếu như không được minh oan.

Cuộc sống riêng tư bị ảnh hưởng

Làm người nổi tiếng là bạn phải chấp nhận rằng mình sẽ không có được sự riêng tư như người thường. Nhất cử nhất động của bạn sẽ bị theo dõi bởi cánh nhà báo, săn tin, đến cả những người theo dõi bạn qua màn hình.

Ngoài ra, hiện tượng fan cuồng cũng không hề hiếm gặp. Bạn sẽ phải bảo vệ bản thân và cả gia đình, người thân của mình, tránh những trường hợp phiền toái.

Muốn làm ca sĩ: bắt đầu từ đâu?

Quá trình để làm ca sĩ là gì? Cùng Glints điểm qua các bước cơ bản nhé.

Học kỹ thuật hát

Kể cả khi bạn đã có giọng hát hay, điều đầu tiên cần làm là trau dồi kỹ thuật hát chuyên nghiệp. Khi đã có cơ bản, bạn cần trau dồi và phát triển thêm, vì làm ca sĩ không đơn giản là cầm mic lên và hát.

Làm ca sĩ có cần bằng cấp không cũng là một câu hỏi được quan tâm. Nhiều ca sĩ có xuất thân từ gia đình nghệ thuật hoặc đã được học qua trường lớp. Đây là một điểm mạnh trong quá trình chuyển mình thành ca sĩ.

Tuy nhiên, cũng không ít cá nhân chưa đạt đến mức bằng cấp cao nhưng vẫn có thể thành công với nỗ lực học tập qua kinh nghiệm và cải thiện mình.

Do đó, có bằng cấp là điểm cộng nếu bạn muốn trở thành ca sĩ. Nhưng, kể cả không có bằng cấp, bạn vẫn có thể trở thành một hiện tượng nếu bạn có đủ đam mê và nỗ lực.

Luyện thanh

Ngoài giọng hát, luyện thanh cũng rất quan trọng vì nó quyết định sức bền và giọng hát của ca sĩ trên sân khấu.

Luyện thanh là cách giúp bạn tránh lạc giọng. Bạn sẽ biết được mình có thể hát tốt ở quãng nhạc nào, cũng như luyện tập để hát được lâu và chất lượng hơn.

Phong cách cá nhân

Định hình phong cách cá nhân đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp ca sĩ. Bạn có thể thử nghiệm nhiều loại nhạc và phong cách biểu diễn khác nhau. Chọn ra được thể loại phù hợp với bản thân sẽ giúp bạn phát huy tốt nhất có thể.

Tuy nhiên, một ca sĩ biết cách biến hoá “như tắc kè hoa” cũng sẽ gây ân tượng tốt với khán giả. Điều này cũng chứng tỏ đam mê của bạn với nghề và tinh thần làm mới bản thân.

Vì vậy, cũng đừng ngại thể hiện mình và thử nghiệm để có thể trở nên khác biệt.

Rèn luyện thần thái, sự tự tin

Nhiều ca sĩ mới vào nghề thường khá ái ngại và nghiệp dư trong show diễn. với tính chất nghề nghiệp cần tiếp xúc với nhiều người, bạn cần có được sự tự tin và sự thoải mái. Từ đó, bạn mới có thể truyền bá nhạc phẩm của mình và tạo một hình ảnh cá nhân xuất sắc trước khán giả.

Trên sân khấu hay trong các hoạt động nghệ thuật khác, hãy cố gắng tự tin và ứng xử thông minh. Đừng ngại học hỏi từ các tiền bối để có thể tạo nên sức ảnh hưởng của riêng mình.

Lời kết

Cũng như bao nghề khác, ca sĩ là một nghề mang lại nhiều mong đợi và cơ hội không tưởng. Tuy vậy, hiểu được nghề ca sĩ là gì cùng những thuận lợi, khó khăn nhất định, rồi từ đó học tập và không ngừng cố gắng thì bạn mới có thể thành công.

Hy vọng bài viết của Glints Việt Nam đã giúp bạn hiểu kỹ hơn về nghề ca sĩ. Đừng quên cập nhật với các bài viết và thông tin hữu ích khác nhé!

Tác Giả