19 quyển sách văn học Nga này có sức ảnh hưởng lớn lao đối với sự phát triển của văn học Xô Viết và Tây Âu nói riêng, văn học thế giới nói chung
Anh Em Nhà Karamazov
Anh em nhà Karamazov, tác phẩm cuối cùng của Dostoevsky, chính là kiệt tác vĩ đại nhất mà ông để lại cho hậu thế sau hơn bốn chục năm miệt mài lao động văn học. Bằng ngòi bút thiên tài của mình, Dostoevsky đã phản ánh tình trạng hỗn loạn xã hội của nước Nga nửa sau thế kỷ 19 qua sự tan rã và những bi kịch trong nhà Karamazov, cùng với đó là cuộc “tìm kiếm ý nghĩa tồn tại” ở những con người thuộc các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai của nước Nga, về những đau khổ vô lượng, và những con đường có thể giúp đưa tới hòa đồng xã hội.
Với phần đông mọi người, đọc Dostoevsky chính là diễu qua lịch sử ngắn gọn những bi kịch chung nhất của nhân loại, là leo lên những đỉnh cao tư tưởng, và đôi khi, thâm nhập vào những vỉa tầng sâu nhất trong nội tâm con người mà trước ông, không mấy khi có ánh sáng rọi đến chốn ấy. Bởi thế, dù đó là chuyến phiêu lưu tâm trí của tuổi trẻ hay phút chiêm nghiệm khi đọc sách và nhìn lại đoạn đời dày dặn đã qua, thiết nghĩ cuốn sách này sẽ đem lại cho chúng ta ít nhiều dư vị nào đó.
Sông Đông Êm Đềm
Sông Đông êm đềm là bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhà văn Nga Mikhail Aleksandrovich Sholokhov. Với tác phẩm này, Sholokhov đã được tặng Giải Nobel văn học năm 1965.
Sông Đông êm đềm miêu tả một giai đoạn lịch sử mười năm từ 1912 đến 1922 trong phạm vi địa lý rộng lớn: mặt trận miền Tây nước Nga trong Thế chiến thứ nhất, Ukraina, Ba Lan, România cho đến Sankt-Peterburg, Moskva nhưng chủ yếu diễn ra ở hai bờ sông Đông và tập trung vào một làng Cossack ven sông. Trong phần đầu của tiểu thuyết, Sholokhov đã quay lại quá khứ của gia đình Melekhov từ thời người ông nội với cô vợ người Thổ Nhĩ Kì bị người dân Cossack xa lánh và dị nghị do lối sống kì lạ. Gregori Melekhov là con thứ hai trong một gia đình ông nội là người Cossack, bà nội là người Thổ Nhĩ Kỳ. Gregori đem lòng yêu Aksinia, vợ một người hàng xóm và nhằm ngăn cản mối quan hệ này, gia đình Melekhov cưới Natalia cho chàng. Để được tiếp tục sống bên nhau, Gregori và Aksinia cùng bỏ nhà đi làm thuê. Tủi nhục, phẫn uất, Natalia đã quyên sinh nhưng không chết..
Bác Sĩ Zhivago
Tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago được Pasternak viết xong năm 1956, nhưng do nội dung không thích hợp với đời sống văn học, chính trị Liên Xô lúc bấy giờ, nên đã bị Viện Văn học Moskva và Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt phản đối, các nhà xuất bản ở Liên Xô từ chối xuất bản, còn bản thân Pasternak bị Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt lên án, đả kích.
Dù không được xuất bản trong nước và bị lên án dữ dội, nhưng tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago vẫn tìm được đường đến với độc giả các nước phương Tây. Năm 1957, bản thảo truyện được in thành sách tiếng Nga tại Ý. Năm sau có ấn bản tiếng Ý và tiếng Anh. Pasternak nhờ đó mà được đề nghị nhận giải Nobel văn chương năm 1958, nhưng chính quyền Xô viết bấy giờ ép ông phải từ chối nhận giải thưởng này. Mãi đến 1988, tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago mới được cho in và xuất bản tại Nga.
Cho đến tận ngày nay, Bác sĩ Zhivago vẫn được xem là cuốn tiểu thuyết gây sóng gió bậc nhất, là tác phẩm văn học điển hình nhất của cuộc chiến tư tưởng giữa hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh.
Anna Karenina
Anna Karenina (tiếng Nga: Анна Каренина, đọc là An-na Ca-rê-nhi-na) là một tiểu thuyết của nhà văn Nga Lev Nikolayevich Tolstoy, được đăng tải nhiều kỳ trên tờ báo Ruskii Vestnik (tiếng Nga: Русский Вестник, “Người đưa tin”) từ năm 1873 đến năm 1877 trước khi xuất bản thành ấn phẩm hoàn chỉnh.
Anna Karenina được xem như là một đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực. Nhân vật chính trong truyện Anna Karenina được Tolstoy sáng tác dựa vào Maria Aleksandrovna Hartung, người con gái lớn của đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin. Sau khi gặp cô ở một bữa ăn tối, ông bắt đầu đọc truyện viết dở dang của Puskin: Những người khách họp mặt trong biệt thự, Tolstoy nảy ra ý định viết Anna Karenina.
Theo một cuộc thăm dò gần đây, dựa trên ý kiến của 125 nhà văn nổi tiếng đương thời, tiểu thuyết Anna Karenina là tác phẩm có số phiếu bầu cao nhất trong danh sách 10 tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại.
Chiến Tranh Và Hoà Bình
“Chiến Tranh Và Hoà Bình” – đại tiểu thuyết của đại văn hào Lev Tolstoy – sớm vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ để được thế giới thừa nhận là thiên tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại bởi những vấn đề lớn lao của cả nhân loại hiện lên sinh động và xúc động qua từng từ, từng câu bởi ngòi bút nghệ thuật trác việt của tác giả.
“Chiến Tranh Và Hoà Bình” đã có ảnh hưởng lớn lao đối với sự phát triển của văn học Xô Viết và Tây Âu nói riêng, văn học thế giới nói chung. Bởi từ khi ra đời tới nay, bộ tiểu thuyết đã được xuất bản hàng nghìn lần bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Tại Việt Nam, “Chiến Tranh Và Hoà Bình” được dịch và xuất bản lần đầu tiên vào khoảng năm 1961 -1962. Kể từ đó cho đến nay, tác phẩm vẫn giữ nhiều kỉ lục tái bản đáng ngưỡng mộ đối với một tác phẩm văn học dịch.
Nghệ Nhân Và Margarita
“M.Bulgakov – Bản thảo không bị cháy
Từng chương, từng trang sách, đều ẩn chứa trong đó những hàm ý triết học được “phổ” vào ngay cả những sự kiện xoàng xĩnh, khôi hài đến thảm hại của một hiện thực rã nát trong thế giới văn nhân. Và toàn thể tiểu thuyết là một tuyên ngôn nghệ thuật mà cho đến ngày nay các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục khám phá không ngưng nghỉ.
Nghệ Nhân là nhà văn vừa hoàn thành tiểu thuyết, viết về hai nhân vật Lesua và Ponti Pilat: Một là nhà triết học lang thang và một là quan tổng trấn quyền uy. Lesua đã bị gài bẫy, bị bắt và bị hành hình vì những rao giảng của mình. Cái chết của Lesua đã trở thành nỗi ám ảnh kéo dài suốt hai nghìn năm, không để cho Ponti Pilat được yên, bởi quan tổng trấn đã không thể “cứu” được Lesua khỏi án chết, như ước muốn bí mật chỉ riêng ông biết.
Số phận của Nghệ Nhân cũng không hề may mắn hơn: Tác phẩm của anh bị nguyền rủa và khai tử bởi các đồng nghiệp ngay từ lúc chưa công bố, dẫn đến việc anh bế tắc, tuyệt vọng, tự đốt bản thảo và tìm đến nhà thương điên, trốn chạy cả tình yêu định mệnh của Margarita…
Lolita
“Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, khẽ đập vào răng ba tiếng. Lo. Li. Ta.
Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.”
Lolita, hiện tượng bất thường bậc nhất của văn chương thế kỷ 20, được xuất bản lần đầu vào năm 1955 tại Paris, mặc dù viết bằng tiếng Mĩ. Cũng như mọi tác phẩm kỳ vĩ và có độ lệch chuẩn lớn, như tiểu thuyết của D. H. Lawrence hay của Anthony Burgess, khởi đầu của Lolita không hề suôn sẻ.
Giờ đây khi thực sự được đọc Lolita, ta hiểu tại sao Vladimir Nabokov nâng niu nó đến vậy. Thoạt tiên bị nhìn nhận một cách giản đơn quá mức, Lolita dần thoát khỏi cái định kiến coi nó là tác phẩm thuần túy gợi dục, bởi Lolita chứa đựng nhiều, rất nhiều hơn thế: nó tinh vi dò xét tâm lý con người (dù không cần viện tới tâm phân học, mà thậm chí Nabokov còn luôn luôn tìm cách bài xích Sigmund Freud), và nó còn là những nước cờ ngôn từ kiệt xuất của một trong những thiên tài văn chương lớn nhất.
Đến giờ, dù cho bao năm tháng đã qua đi, Lolita vẫn cứ là một hiện tượng bất thường, và cô bé Lolita, “ánh sáng của đời tôi, tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi” trong trí tưởng của Humbert. Và Lolita, vẫn bất tử trong dáng đứng thẳng cao chưa đầy một mét rưỡi và toàn bộ đặc tính của một “tiểu nữ thần” vĩnh viễn bất kham.
Đêm Trắng
Đêm trắng là cuốn truyện tình cảm lãng mạn của nhà văn Phedor Dostoievsky – một cây đại thụ trong văn học Nga thế kỷ thứ 19 – viết về mối tình lãng mạn, cao thượng và trong sáng trong những đêm trắng thơ mộng bên bờ sông Neva, thành phố Sankt Peterburg.
Đêm trắng là khoảng thời gian mặt trời có mặt trên bầu trời lâu nhất trong năm, và đêm chỉ là một ranh giới rất mỏng, rất mơ hồ giữa hai khoảnh khắc hoàng hôn và bình minh đan xen kẽ vào nhau. Những đêm trắng ở Saint Petersburg, luôn luôn được kỷ niệm với những cuộc dạo đêm đầy chất thơ và tràn đầy tiếng hát”. Dostoievsky đã chuyển sự kỳ diệu, lãng mạn của khoảng thời gian này vào Đêm trắng – tác phẩm có sức lôi cuốn nhiều thế hệ bạn đọc trên thế giới.
Cuốn tiểu thuyết chỉ có hai nhân vật, một người đàn ông 26 tuổi, tự gọi mình là một người mơ mộng. Nhân vật thứ 2 là cô gái Nachenka, mồ côi từ nhỏ, sống với một người bà mù lòa, thế giới của cô là một thế giới những ước mơ xen lẫn với những câu chuyện cổ tích bà kể. Hai người vô tình gặp nhau trong 5 đêm mùa hè đặc biệt. Cả hai được thoát ra khỏi thế giới cô độc của mỗi người, được chia sẻ, thương yêu và hiểu rằng cuộc đời thật là thú vị và hạnh phúc.
Tội Ác Và Trừng Phạt
Tội ác và trừng phạt là tác phẩm nổi tiếng của một trong những cây bút tiểu thuyết bậc thầy của nước Nga F. Dostoevsky (1821-1881).
Chuyện kể về chàng sinh viên nghèo Raxkônnikốp vì quá lạc lối mà đã giết chết hai chị em bà lão cầm đồ.
Những ngày sau đó, Raxkônnikốp rơi vào một bi kịch mới, khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Anh càng cố gắng che giấu tội lỗi thì càng tỏ ra lúng túng. Tình yêu sâu sắc, sự hy sinh cao cả và tấm lòng nhân hậu của cô gái Xônya cùng sự quan tâm, yêu thương giúp đỡ của mọi người đã thức tỉnh Raxkônnikốp. Chấm dứt những giằng xé nội tâm, anh đưa ra quyết định: thà bị giam cầm về thể xác còn hơn bị tù đày về tâm hồn…
Với nội dung tư tưởng sâu sắc, Tội ác và trừng phạt đã được đánh giá là một kiệt tác chứa chan tình yêu thương giữa con người với con người.
Thép Đã Tôi Thế Đấy
Thép Đã Tôi Thế Đấy không phải là một tác phẩm văn học chỉ nhìn đời mà viết. Tác giả sống nó rồi mới viết nó. Nhân vật trung tâm Pa-ven chính là tác giả: Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp- xki. Là một chiến sĩ cách mạng tháng Mười, ông đã sống một cách nồng cháy nhất, như nhân vật Pa-ven của ông. Cũng không phải một cuốn tiểu thuyết tự thuật thường vì hứng thú hay lợi ích cá nhân mà viết. A-xtơ-rốp-xki viết Thép Đã Tôi Thế Đấy trên giường bệnh, trong khi bại liệt và mù, bệnh tật tàn phá chín phần mười cơ thể.
Chưa bao giờ có một nhà văn sáng tác trong những điều kiện gian khổ như vậy. Trong lòng người viết phải có một nhiệt độ cảm hứng nồng nàn không biết bao nhiêu mà kể. Nguồn cảm hứng ấy là sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ cách mạng bị tàn phế, đau đớn đến cùng cực, không chịu nằm đợi chết, không thể chịu được xa rời chiến đấu, do đó phấn đấu trở thành một nhà văn và viết nên cuốn sách này. Càng yêu cuốn sách, càng kính trọng nhà văn, càng tôn quí phẩm chất của con người cách mạng.
Hãy đọc Thép đã tôi thế đấy để biết từng có một thời người ta sống:
“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”
Ruồi Trâu
Nữ tiểu thuyết gia người Ireland Ethel Lilian Voynich (1864 – 1960) đã viết “Ruồi trâu” bằng tất cả ngọn lửa đam mê thổi hồn vào nhân vật trong bức tranh “Chân dung người không quen biết” của họa sĩ thế kỷ XVI Franciabigio mà bà được chiêm ngưỡng tại Bảo tàng Louvre (Pháp) vào năm mười bảy tuổi. Tác phẩm xuất bản lần đầu tại Anh và Hoa Kỳ năm 1897, và thực sự tạo tiếng vang rộng khắp sau khi được dịch sang tiếng Nga (1898). Vào thời điểm đó, “Ruồi trâu” là cuốn sách bán chạy nhất tại Nga và rất được ưa chuộng tại Trung Quốc.
Truyện xoay quanh nhân vật trung tâm là chàng thanh niên Arthur – bí danh “Ruồi trâu”, một thanh niên hiền lành, thánh thiện, hiến dâng tất cả tình cảm riêng tư cho lý tưởng cách mạng. Những thăng trầm trong cuộc sống, quá trình chiến đấu vì lý tưởng đã tôi luyện chàng thanh niên trở thành một con người bản lĩnh, mạnh mẽ và luôn tràn đầy nhiệt huyết. Một trái tim rực cháy lý tưởng nhưng không quên tình yêu sâu đậm dành cho cô gái mà anh yêu thương – Emma.
Bằng nghệ thuật chuyển ngữ mềm mại, linh hoạt, súc tích mà vẫn giàu hình ảnh của dịch giả tài hoa Hà Ngọc, truyện cuốn độc giả đi sâu vào những tình tiết hấp dẫn, những giằng xé nội tâm quyết liệt trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa người cha – Đức Hồng y Montaneli và cậu con trai ngoài giá thú Arthur. Cho đến tận lúc chết, hai con người đại diện cho hai lý tưởng sống và hai tôn giáo hoàn toàn đối lập nhau, vẫn kiên trung với con đường đã chọn, từ bỏ tình cảm ruột thịt thiêng liêng để sống theo lý trí. Để rồi, khi gấp sách lại, còn đọng lại mãi trong tâm trí mỗi người đọc là mấy câu thơ về “Ruồi trâu”:
Vẫn là ta
Chú ruồi sung sướng
Sống xứng đáng
Chết chẳng vấn vương.
Những Con Ngựa Gỗ
Trong truyện Những con ngựa gỗ, chồng hy sinh, người phụ nữ Nga tái giá với người thương binh bạn chồng, cậu con trai Vaxca định bỏ nhà ra đi, nhưng rồi cậu đã ở lại, cùng mọi người xây dựng quê nhà sau chiến tranh. Cậu vẫn giữ mãi những con ngựa gỗ bố đã đẽo cho mình, trước khi ông ra trận..
Thời Thơ Ấu
Maksim Gorky (1868 -1936) là nhà văn lớn của nước Nga, mở đầu trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa và cũng là nhà hoạt động văn hoá – xã hội nổi tiếng thế giới.
Trong Thời Thơ Ấu, tác giả phác họa chân dung cậu bé Aleksyei một mình, đơn độc bước vào đời mà không có bàn tay cha đưa dắt, không có sự theo dõi theo sát sao của mẹ. Nhưng hành trang mà cậu mang theo thật phong phú: Đó là những ký ức về gia đình, tuy đau buồn nhưng ấm áp tình cảm của bà, của cha cậu, của mẹ và của cả người ông tuy bề ngoài dữ dằn nhưng đã dạy cho cậu tính tự lập…
Người Mẹ
Là tác phẩm viết về hiện thực xã hội nước Nga trong những năm đầu thế kỷ 20, khi giai cấp vô sản Nga đang chuẩn bị tiến hành cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất. Tác phẩm vẽ ra trước mắt chúng ta bức tranh rộng lớn của xã hội Nga những năm đầu thế kỷ 20 với cái quá khứ nặng nề trong đời sống của vợ chồng bác công nhân Mi-khai-in, với cái hiện tại đấu tranh gian khổ và anh dũng của mẹ con anh công nhân Pa-ven… Đồng thời, tiểu thuyết còn gợi lên niềm tin chắc chắn về thắng lợi tất yếu cũa những người lao động chân chính với chế độ chuyên chế. Hình ảnh kết thúc của tiểu thuyết, “cảnh người mẹ bị bắt cầm tù” gợi nên trong lòng người đọc nhiều ám ảnh, nhiều xót xa nhưng nó làm cho người đọc lạc quan, tin tưởng ở ngày mai.
Giamilia – Truyện Núi Đồi Và Thảo Nguyên
Là sáng tác tiêu biểu của Chingiz Aitmatov, một trong những nhà văn xuất sắc nhất thế kỉ 20. Đọc tác phẩm, chúng ta như được sống lại giai đoạn lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy biến động; chìm đắm trong bức tranh phong cảnh núi đồi và thảo nguyên bao la, hùng vĩ; mến phục, thương cảm những con người anh hùng, những câu chuyện tình lay động tâm can…
Bột Mì Vĩnh Cửu
A.Beljaev được đánh giá là “một trong những người đặt nền móng cho loại truyện khoa học viễn tưởng Xô-viết”, với những tác phẩm như: Người bay Ariel, Người cá, Bột mì vĩnh cửu, Đầu giáo sư Dowel… Các tác phẩm đặc sắc của ông đều mang một nội dung xã hội sâu sắc, trong đó có cả tính khoa học, tính hấp dẫn và tính hài hước. Tác giả đã đề cập đến những vấn đề khoa học và kỹ thuật trong tương lai, chinh phục vũ trụ, sinh vật học, sinh lý học, y học ..v..v và có những dự kiến hết sức táo bạo.
Bột mì vĩnh cửu là sản phẩm “tự nở” bước ra từ phòng nghiên cứu của một nhà bác học đầy tâm huyết với quê hương. Để thử nghiệm, ông đưa cho một người đánh cá nghèo sử dụng với những lời căn dặn cẩn mật. Tuy nhiên, sáng chế chưa hoàn chỉnh của ông đã bị những người đánh cá nghèo sử dụng vô tội vạ, bị bọn đầu cơ trục lợi… và cuối cùng trở thành một thảm họa đe dọa sự tồn vong của toàn nhân loại. Nhà bác học phải đau đầu tìm cách hủy đi phát minh của mình, trong sự sục sôi căm hận của những người từng tung hô mình lên mây xanh…
Người Cá
Dân làng ven vịnh Plata xôn xao về chuyện con quỷ biển xuất hiện, ai nấy đều sợ đến mức không dám ra khơi. Tin đồn lan tới tận thủ đô Buenos Aires, thu hút giới báo chí chuyên săn lùng những tin giật gân thỏa mãn độc giả hiếu kì. Nhưng vẫn không ai biết thực hư như thế nào. Mọi chuyện có thể sẽ chỉ còn được nghe như là tin đồn nếu một chủ thuyền ngọc trai đang làm ăn trên vịnh là Zurita không cố công tìm kiếm dấu tích của con quỷ để bắt nó mò ngọc trai cho lão. Theo sự lần dấu của Zurita người đọc cũng dần dần khám phá thực sự quỷ biển là ai. Mọi chuyện bắt đầu xấu đi khi chàng “quỷ biển” lần đầu biết yêu!
Câu chuyện được viết hấp dẫn, gợi trí tò mò của bạn đọc. Bên cạnh ước mơ được làm chủ biển cả của con người, truyện còn ca ngợi những tấm lòng nhân hậu, trung thực, phụng sự hết mình cho khoa học để cứu giúp nhân loại và bà mẹ tự nhiên. Truyện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên toàn thế giới.
Kiếm Sống
Trong tác phẩm, Gorky bộc lộ niềm khao khát tự do và ca ngợi ý chí hào hùng, bất khuất của con người, phơi bày tính chất tàn bạo của chế độ xã hội – chính trị trước cách mạng, cái chế độ giết chết mọi cái có sức sống trong con người; quá trình trăn trở, tự ý thức đầy gian khổ của các tầng lớp “dưới đáy” để vươn tới sự đổi đời; đề cao và thi vị hoá lao động: phê phán lối sống và tâm lý ươn hèn của tầng lớp trí thức tiểu tư sản và tư sản; những truyện ngắn triết lý, những truyện có tính chất tự thuật…
Cánh Buồm Đỏ Thắm
Ở một làng chài nọ có Longren, người thuỷ thủ goá vợ sống lầm lũi cùng cô con gái Assol. Cả làng ai cũng xem hai bố con là kẻ khác người; mà đúng vậy, Assol như đang sống trong một thế giới khác: ngày qua ngày cô chờ cái số phận đẹp như mơ mà có người đã tiên tri từ khi cô còn nhỏ, rằng một ngày kia, có chàng trai sẽ đến tìm cô, mang cô đi trên một con tàu với những cánh buồm đỏ thắm…
Longren làm nghề thủy thủ nên thường xuyên vắng nhà, nhưng vợ anh đã đột ngột qua đời sau khi sinh đứa con gái đầu lòng Assol và anh phải từ bỏ công việc của mình để ở nhà chăm sóc, nuôi dạy con. Hàng ngày, anh làm những con thuyền đồ chơi dành cho trẻ con bằng gỗ trắng nhỏ, có cánh buồm đỏ thắm rồi mang lên phố bán.
Một hôm, trên đường lên phố giao hàng, Assol mải mê đuổi theo cánh buồm với những ước mơ tưởng tượng và đi lạc vào rừng lúc nào không hay. Cô bé gặp ông già Ê-gơn – người chuyên sưu tầm thơ ca dân gian và được ông tiên đoán, sau này sẽ có một chàng hoàng tử tuấn tú đi trên chiếc thuyền có cánh buồm đỏ thắm đến rước nàng Assol xinh đẹp… Assol đã đi qua tuổi thơ với niềm tin và sự chờ đợi cánh buồm đỏ thắm. Niềm tin cũng được truyền sang người cha cô độc, giúp họ vượt qua những năm tháng khó khăn, bỏ qua lời đồn đại của dân làng Ca-péc-na, cho rằng cha con Assol là những kẻ “dở hơi”, không bình thường với những câu chuyện được thêu dệt hết sức vô lý và tàn nhẫn… Một ngày nọ, lời tiên đoán và niềm tin đã trở thành sự thật. Assol được chàng hoàng tử Grây đến đón trên chiếc thuyền có cánh buồm đỏ thắm trước sự ngạc nhiên, sửng sốt của mọi người trong làng.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!