Một số lý thuyết Xã hội học trong nghiên cứu biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp

Biến đổi cơ cấu xã hội là sự thay đổi từng bước của cơ cấu xã hội về thành phần, quy mô, vai trò và mối liên hệ giữa các yếu tố trong từng phân hệ cơ cấu xã hội.

Biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp là những biến đổi về kết cấu và hình thức tổ chức bên trong của mỗi hệ thống ngành nghề nhất định, được biểu hiện bằng sự biến đổi của các mối quan hệ giữa các ngành nghề, các kiểu loại nghề. Sự biến đổi này có thể là sự thay đổi từ nghề này sang nghề khác, từ nghề giản đơn đến nghề có yêu cầu trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao hoặc từ nghề đơn sang nghề kết hợp. Nó cũng có thể là sự thay đổi trong từng ngành hướng đến sự phù hợp với thị trường lao động.

Có nhiều cách tiếp cận, lý thuyết khác nhau để nghiên cứu, phân tích về cơ cấu xã hội – nghề nghiệp. Tuy nhiên, một số lý thuyết xã hội học sau đây được cho là phù hợp khi nghiên cứu về cơ cấu xã hội – nghề nghiệp.

1. Lý thuyết đoàn kết xã hội và phân công lao động của E.Durkheim

E.Durkheim (1858-1917) là nhà xã hội học người Pháp. Ông là một trong những người đặt nền móng cho trường phái chức năng luận và cấu trúc luận trong xã hội học hiện đại. Công trình luận án tiến sĩ Nghiên cứu về tổ chức của các xã hội tiên tiến của ông sau này được xuất bản thành sách với tiêu đề Phân công lao động trong xã hội (1893). Trong cuốn sách này, E.Durkheim đã nghiên cứu sự phân công lao động theo cách tiếp cận xã hội học. Ông đã chỉ ra chức năng đoàn kết xã hội của sự phân công lao động. Theo đó, sự phân công lao động thể hiện ở sự chuyên môn hóa công việc, chuyên môn hóa các chức năng, nhiệm vụ lao động và sản phẩm lao động, đã luôn tạo ra sự khác biệt xã hội. Chỉ có điều, những khác biệt này không những không loại trừ nhau mà còn bổ sung cho nhau. Nhờ vậy, sự phân công lao động có chức năng xã hội là tạo ra sự đoàn kết xã hội([1]1), tạo ra sự trật tự, ổn định và hội nhập xã hội. Cụ thể là, trong quá trình cùng nhau lao động, các cá nhân phải hợp tác trên cơ sở của sự phân công mỗi người một việc, do vậy phải “đoàn kết” với nhau chủ yếu là vì chức năng xã hội, tức là phải gắn bó chặt chẽ với nhau thành một hệ thống xã hội để có thể cùng nhau đấu tranh vì sự sinh tồn trong môi trường sống đầy khó khăn và luôn thay đổi. Cũng chính trong sự phân công lao động và hợp tác lao động mà các cá nhân không những có thể trao đổi được sản phẩm, hàng hóa với nhau, mà còn tạo ra được hệ thống các quyền lợi, nghĩa vụ, các quy tắc, luật pháp và đạo đức để gắn kết với nhau một cách lâu dài tạo thành xã hội(2[1]).

Cùng với sự biến đổi hình thức phân công lao động là sự xuất hiện kiểu xã hội mới. Với trình độ phân công lao động ngày càng cao thì vai trò và nhiệm vụ lao động càng bị phân hóa và chuyên môn hóa sâu sắc. Kết quả là các cá nhân càng phải tương tác với nhau, phụ thuộc lẫn nhau, quan hệ với nhau một cách chặt chẽ và đó chính là sự đoàn kết hữu cơ(3[1]).

Sự đoàn kết xã hội cũng phụ thuộc vào sự phân công lao động. E.Durkheim chỉ ra các yếu tố xã hội của sự phân công lao động. Ông cho rằng sự di cư và tích tụ dân cư, đô thị hóa và công nghiệp hóa đã làm tăng mật độ tiếp xúc, quan hệ và tương tác giữa các cá nhân, nhóm và tổ chức trong xã hội. Mật độ năng động tăng lên làm cho mức độ cạnh tranh cũng tăng lên trong xã hội buộc các cá nhân muốn tồn tại thì phải “đấu tranh”, cạnh tranh với nhau thông qua sự phân công lao động tức là sự chuyên môn hóa chức năng, nhiệm vụ([1]4).

E.Durkheim chỉ ra rằng sự phân công lao động tỷ lệ thuận với quy mô và mật độ xã hội. Sự phân công lao động càng tinh vi, chuyên môn hóa chức năng xã hội càng cao thì các cá nhân, các nhóm xã hội càng tương tác chặt chẽ với nhau và càng phụ thuộc lẫn nhau. Kết quả là sự phân công lao động trong xã hội thực hiện chức năng tạo ra sự đoàn kết xã hội và củng cố tinh thần đoàn kết xã hội, nói theo ngôn ngữ khoa học xã hội học hiện đại là tạo ra sự hội nhập xã hội. Khi nào sự phân công lao động không làm tròn chức năng đoàn kết xã hội thì có nghĩa xã hội rơi vào trạng thái bất bình thường, khủng hoảng. Do đó, nhà xã hội học, giống như thày thuốc, có nhiệm vụ nghiên cứu tình trạng khủng hoảng, “bệnh tật” của xã hội để góp phần đưa ra các giải pháp cứu chữa nhằm giúp cơ thể xã hội trở lại trạng thái bình thường, “lành mạnh”([1]5).

Xuất phát từ quan niệm cho rằng sự phân công lao động bình thường là sự phân công bảo đảm thực hiện chức năng một cách bình thường, tức là tạo ra được sự đoàn kết xã hội, E.Durkheim chỉ ra ba hình thức phân công lao động bất bình thường do không thực hiện được chức năng đoàn kết xã hội như sau:

(1) Hình thức phi chuẩn mực. Đây là sự phân công lao động một cách tùy tiện, tự phát, rối loạn do thiếu sự kiểm soát và điều tiết từ phía hệ các giá trị, chuẩn mực xã hội. Sự phân công phi chuẩn mực diễn ra dưới tác động của “bàn tay vô hình” theo cách nói của Adam Smith. Theo E.Durkheim, sự quản lý và điều chỉnh từ phía xã hội mà cụ thể là nhà nước rất cần thiết đối với sự phân công lao động bình thường trong xã hội, nếu khác đi thì có thể xảy ra tình trạng phân công lao động bất bình thường dưới hình thức phi chuẩn mực(6[1]).

(2) Hình thức cưỡng bức – bất công. Đây là sự phân công lao động một cách bắt buộc và bất bình đẳng xảy ra khi các cá nhân buộc phải chấp nhận những vị trí lao động, nghề nghiệp không phù hợp với năng lực, phẩm chất cá nhân, nhưng lại phù hợp với lợi ích của một nhóm khác dẫn đến tình trạng bất công trong phân phối theo kiểu “làm nhiều hưởng ít”. Hình thức phân công lao động cưỡng bức bất bình đẳng diễn ra phổ biến trong hệ thống xã hội có chế độ người bóc lột người([1]7).

(3) Hình thức thiếu đồng bộ. Đây là sự phân công lao động thái quá dẫn đến tình trạng “siêu chuyên môn hóa” làm cho sự điều phối không theo kịp tốc độ chuyên môn hóa, dẫn đến trạng thái lệch lạc, trục trặc, “cọc cạch”, thiếu sự hợp tác, thậm chí mâu thuẫn, xung đột xã hội(8[1]).

Như vậy, quá trình phân công lao động bất bình thường với ít nhất ba hình thức trên, theo quan điểm của E.Durkheim sẽ dẫn đến một cơ cấu xã hội phi chuẩn mực, bất bình đẳng, mâu thuẫn và thậm chí có thể xảy ra xung đột. Còn phân công lao động bình thường là hình thức phân công hợp lý, phù hợp với các tiền đề, điều kiện, đặc điểm của người lao động, góp phần phát triển cá nhân và xã hội một cách lành mạnh và chuẩn mực. Đó là hình thức phân công lao động phù hợp với trình độ, yêu cầu khách quan những luôn biến động của xã hội. Nó được thể hiện qua cách nói “ai giỏi nghề gì, làm nghề nấy”. Phân công lao động bình thường là quá trình chuyên môn hóa lao động theo năng lực cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần tích cực vào việc hình thành, củng cố và ổn định cơ cấu, trật tự xã hội. Điều này tất nhiên sẽ dẫn đến những biến đổi khách quan và phù hợp về cơ cấu xã hội – nghề nghiệp trong xã hội.

2. Lý thuyết mâu thuẫn xã hội của C.Mác và Ph.Ăngghen

Chưa khi nào C.Mác nhận mình là nhà xã hội học nhưng đóng góp của ông cho khoa học xã hội học thì thật sự vĩ đại. Ông đã tìm ra quy luật xã hội, đem lại chìa khóa để tìm hiểu xã hội từ những vấn đề lớn nhất của nhân loại đến những vấn đề thường ngày của mỗi cá nhân([1]9). Một trong những đóng góp lớn của C.Mác chính là việc cùng Ph.Ăngghen sáng tạo ra chủ thuyết mâu thuẫn xã hội (hay còn gọi là thuyết xung đột xã hội) trong xã hội học hiện đại.

Nếu các tác giả của trường phái lý thuyết cấu trúc – chức năng nhấn mạnh tính trật tự, cân bằng thì thuyết mâu thuẫn xã hội nhấn mạnh sự mâu thuẫn, xung đột và sự biến đổi xã hội. Theo quan điểm của C.Mác – Ăngghen, các bộ phận, thành tố của xã hội không chỉ cùng tồn tại, tác động qua lại lẫn nhau mà còn luôn mâu thuẫn, thậm chí đối kháng, xung đột nhau. Đó là nguồn gốc thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Theo C.Mác – Ph.Ăngghen, xã hội có giai cấp bao gồm các tập đoàn xã hội có lợi ích khác nhau. Toàn bộ sự phát triển của xã hội từ buổi đầu thời đại văn minh cho đến tận ngày nay luôn diễn ra trong mối quan hệ mâu thuẫn giữa giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột. Theo các ông, cơ sở vật chất của các xã hội văn minh hiện đại chính là sự bóc lột của giai cấp này với giai cấp khác. Và chính sự mẫu thuẫn, đấu tranh giai cấp là nguồn gốc và động lực của sự biến đổi, vận động của lịch sử xã hội loài người. Thuyết mâu thuẫn của C.Mác – Ph.Ăngghen cho rằng phải phân tích đặc điểm xã hội, động cơ của các bên tham gia mâu thuẫn và bản chất của mối quan hệ mâu thuẫn thì mới đưa ra được các giải pháp thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Thuyết mâu thuẫn xã hội của C.Mác – Ph.Ăngghen coi sự căng thẳng xã hội, phân hóa xã hội cùng với sự mâu thuẫn, cạnh tranh, xung đột và biến đổi xã hội… là những chủ đề nghiên cứu chủ yếu. Những luận điểm chính của thuyết này cho rằng, do sự khan hiếm các nguồn lực, sự phân công lao động và sự bất bình đẳng trong phân bổ nguồn lực nên quan hệ giữa các cá nhân, các nhóm xã hội luôn ở trong tình trạng cạnh tranh, mâu thuẫn nhau. Những mẫu thuẫn này chủ yếu xuất phát từ lợi ích kinh tế, từ sản xuất kinh tế mà ra. Bởi “Trong mỗi thời kỳ lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra – cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”(10[1]).

Sự khan hiếm nguồn lực tất yếu sẽ tạo ra những dòng lao động chuyển cư tự phát làm thay đổi một cách cơ học bộ mặt cơ cấu xã hội – nghề nghiệp. Sự thay đổi “cơ học” này, một mặt có vai trò điều hòa một cách hợp lý hơn sự phân bố lao động, nhưng mặt khác nó cũng để lại những hệ lụy xã hội, hay nói cách khác, nó góp phần tạo ra sự biến đổi xã hội theo hướng tiêu cực. Sự phân công lao động cũng có tính hai mặt, một mặt nó “sắp đặt” những cá nhân với kỹ năng, tay nghề phù hợp vào những công việc phù hợp, góp phần nâng cao năng suất lao động và tính đồng thuận, đoàn kết xã hội, tạo ra một cơ cấu xã hội – nghề nghiệp hài hòa, năng động. Nhưng sự phân công lao động gắn với lợi ích vị kỷ thì không phải lúc nào cũng mang lại những điều tích cực như vậy. Sự ganh đua vào những vị trí công việc, nghề nghiệp tốt – đồng nghĩa với lợi ích tốt – sẽ không còn khách quan, lành mạnh giữa các cá nhân trong xã hội. Những người có lợi ích cao sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc duy trì, thăng tiến vị trí nghề nghiệp của không chỉ bản thân họ mà cả những người thân của họ. Điều này sẽ dẫn đến một cơ cấu xã hội – nghề nghiệp trì trệ, xơ cứng và bất hợp thức, đồng nghĩa với việc gia tăng những bất ổn xã hội.

3. Lý thuyết hành động xã hội của M.Weber

M.Werber(1864-1920) là nhà xã hội học người Đức. Một trong những khái niệm quan trọng nhất của ông cho xã hội học là “Hành động xã hội”. Theo đó, hành động xã hội là những hành động được chủ thể gắn cho nó một ý nghĩa chủ quan nào đó, là hành động có tính đến hành vi của người khác, và vì vậy được định hướng tới người khác, trong đường lối, quá trình của nó([1]11), và xã hội học có nhiệm vụ lý giải, thông hiểu động cơ, ý nghĩa của hành động xã hội.

Trong lý thuyết của mình, M.Weber đã phân chia hành động xã hội ra thành bốn loại(12[1])để lý giải sự vận hành của xã hội, trong đó có biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp. Cụ thể như sau:

Hành động duy lý – công cụ:là hành động được thực hiện với sự cân nhắc, tính toán, lựa chọn công cụ, phương tiện, mục đích sao cho có hiệu quả cao nhất. Điều này cho thấy dù trong bất kỳ một xã hội nào, truyền thống hay hiện đại thì người lao động – một cách tự nhiên – luôn có sự tính toán, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, trình độ của họ và với điều kiện thực tế của xã hội (tức là có tính đến người khác) để đạt được năng suất, chất lượng, hiệu quả và lợi ích cao nhất. Đây là sự lựa chọn hành động khôn ngoan, hợp lý và cũng là nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến sự biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp trong xã hội hiện nay.

Hành động duy lý giá trị:là hành động được thực hiện vì bản thân hành động (mục đích tự thân). Thực chất loại hành động này có thể nhằm vào những mục đích phi lý nhưng lại được thực hiện bằng những công cụ, phương tiện duy lý. Điều này hàm ý rằng, người lao động có những đặc điểm cá nhân riêng (trình độ học vấn, năng lực, kinh nghiệm và địa vị xã hội…) khi lựa chọn nghề nghiệp nhưng khi thực hiện nghề nghiệp thì chưa chắc họ đã đạt hiệu quả cao, bởi trong nhiều trường hợp, họ mới chỉ đề cao giá trị cá nhân chứ chưa đề cao giá trị nghề nghiệp nên có thể dẫn đến sự biến đổi nghề nghiệp một cách khiên cưỡng.

Hành động cảm tính (cảm xúc):là hành động do trạng thái xúc cảm hoặc tình cảm bột phát, mà không có sự cân nhắc, xem xét, phân tích mối quan hệ giữa công cụ, phương tiện và mục đích hành động. Điều này lý giải rằng, trong một số trường hợp, hành động lựa chọn nghề nghiệp của người lao động còn dựa vào cảm tính chủ quan, theo trào lưu xã hội… chứ chưa đi sâu phân tích bản chất nội tại bên trong của mỗi ngành nghề, khả năng phù hợp giữa năng lực thực hiện nghề nghiệp với nghề nghiệp được chọn và khả năng thích ứng với thị trường. Điều này cũng góp phần tạo ra sự biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp.

Hành động theo truyền thống: là loại hành động tuân thủ những thói quen, nghi lễ, phong tục tập quán được truyền từ đời này sang đời khác. Điều này chỉ ra rằng, trong một số trường hợp, người lao động muốn giữ nghề nghiệp của mình, thực hiện nghề theo kinh nghiệm có sẵn, ngại tiếp cận với những ngành nghề mới, kỹ năng thực hiện nghề nghiệp mới và hiện đại. Hành động này cản trở sự thay đổi từ nghề nghiệp này sang nghề nghiệp khác khi thị trường và xã hội thay đổi.

Mặc dù phân loại hành động xã hội như trên, nhưng theo M.Weber, xã hội học hiện đại tập trung nghiên cứu loại hành động duy lý – công cụ vì đặc trưng quan trọng nhất của xã hội hiện đại là hành động xã hội của con người ngày càng trở lên duy lý, thận trọng, chính xác về mối quan hệ giữa công cụ/phương tiện và mục đích/kết quả. Do vậy, việc nghiên cứu sự biến đổi cơ cấu xã hội -nghềnghiệp cũng cần được tập trung theo hướng này, hướng của sự lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp một cách thực dụng trên cơ sở tính toán hiệu quả.

4. Lý thuyết sự lựa chọn duy lý của George Homans

George Homans (1910-1989)là nhà xã hội học người Mỹ, một trong các tác giả nổi tiếng của lý thuyết trao đổi xã hội. G.Homans được bầu làm Chủ tịch Hội Xã hội học Hoa Kỳ năm 1964 và được phong giáo sư danh dự của Đại học Havard năm 1988.

Khi nghiên cứu về hành vi xã hội, G.Homans đã đưa ra khái niệm “hành vi xã hội sơ đẳng”được hiểu là những hành vi mà con người lặp đi lặp lại không phụ thuộc vào việc nó có được hoạch định trước hay không. Hành vi xã hội sơ đẳng được diễn ra dưới nhiều hình thức, từ phản xạ có điều kiện, đến kỹ năng, kỹ xảo đến thói quen. Theo G.Homans, hành vi sơ đẳng là cơ sở của sự trao đổi giữa hai hay nhiều người.

G. Homans chỉ ra ba đặc trưng cơ bản của hành vi xã hội. Một là,hiện thực hóa – hành vi phải được thực hiện trên thực tế chứ không phải trong ý niệm. Hai là, hành vi đó được khen thưởng hay bị trừng phạt từ phía người khác. Ba là,người khác ở đây phải là nguồn củng cố trực tiếp đối với hành vi chứ không phải là nhân vật trung gian của một cấu trúc xã hội nào đó([1]13).

Khi nghiên cứu về hành vi, Homans đã đưa ra sáu định đề của hành vi duy lý bao gồm: (1) định đề phần thưởng (hành động nào hay được khen thưởng thì càng có khả năng được lặp lại); (2) định đề kích thích (nếu một kích thích nào đó đã từng khiến một hành động được khen thưởng thì một kích thích mới càng giống kích thích đó bao nhiêu thì càng có nhiều khả năng làm cho hành động tương tự như trước đây lặp lại bấy nhiêu); (3) định đề giá trị (giá trị của hành động càng cao thì chủ thể càng có xu hướng lặp lại hành động đó bấy nhiêu); (4) định đề duy lý (cá nhân sẽ lựa chọn những hành động mà giá trị hoặc khả năng đạt kết quả là lớn nhất); (5) định đề giá trị suy giảm (giá trị của phần thưởng sẽ giảm nếu thường xuyên nhận được phần thưởng đó); và (6) định đề mong đợi (chủ thể hành động sẽ hài lòng nếu mong đợi của họ được thực hiện và ngược lại).

Từ các định đề trên, Homans chỉ ra rằng hành vi lựa chọn nghề nghiệp của con người đều có tính quy luật, tức là chịu sự chi phối có tính tất yếu bên trong của mỗi thành phần và mỗi kiểu loại nghề nghiệp khác nhau. Vì các hoạt động nghề nghiệp của con người được thúc đẩy bởi khát vọng để đạt được những phần thưởng và tránh các chi phí vô ích, đồng thời kích thích nghề nghiệp phát triển theo hướng vi mô và nâng cao giá trị nghề nghiệp trong xã hội. Nếu trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, con người thực hiện một cách có khoa học, mang tính chuyên môn hóa cao và nhiệt tình với nghề nghiệp thì kết quả hoạt động nghề nghiệp của con người sẽ được nâng cao hơn, từ đó giúp con người hòa nhập vào các quan hệ xã hội thuận lợi hơn, đây là sự mong đợi của con người trong thực hiện nghề nghiệp mà họ đã chọn và không muốn phải biến đổi. Tuy nhiên, với sự tương tác của con người trong các quan hệ xã hội, nếu hoạt động nghề nghiệp bị suy giảm giá trị, gây thiệt thòi cho người lao động và không đem lại lợi ích tối ưu cho họ thì chủ thể có xu hướng thay đổi nghề nghiệp. Đây là một hành vi lựa chọn hiện thực trên thực tế chứ không phải trên ý niệm, vì bản chất của con người luôn có xu hướng nhân bội giá trị kết quả hành động của mình thông qua hoạt động nghề nghiệp.

Bốn chủ thuyết trên chưa phải là hầu hết các chủ thuyết xã hội học, càng không phải là hầu hết các lý thuyết khoa học xã hội ứng dụng trong nghiên cứu biến đổi xã hội nói chung và biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cũng đã thừa nhận rằng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nghiên cứu về biến đổi xã hội, biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp mà không sử dụng ít nhất một trong bốn chủ thuyết trên.

Mỗi lý thuyết đều đưa ra những quan điểm và cách tiếp cận khác nhau của mình, nhưng các lý thuyết đều có một hệ thống luận điểm khá chặt chẽ, logíc và khá hoàn chỉnh theo cách tiếp cận của mình, tạo cơ sở khoa học cho những cắt nghĩa về sự biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp. Việc cắt nghĩa, giải thích, thông hiểu được bắt đầu từ những biến đổi của các thành phần, mối quan hệ cá nhân – xã hội, mạng lưới nghề nghiệp, kiểu loại nghề nghiệp, vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành nghề trong mạng lưới của từng nhóm xã hội… đến sự biến đổi trong những quyết định lựa chọn nghề nghiệp ngày càng hợp lý (duy lý) của con người trong xã hội hiện đại.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2015

(1) Lê Ngọc Hùng: “Lý thuyết về phân hóa xã hội: Từ Emile Durkheim đến Peter Blau”, Tạp chí Xã hội họcsố 1, 2014, tr.95.

(2), (3), (4), (5), (6), (7),(8), (11), (12) (13) Lê Ngọc Hùng: Lịch sử và lý thuyết Xã hội học, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.156, 156, 157, 157, 158, 158, 158, 199, 199-200, 365.

(9) Vũ Khiêu: “Các Mác, người thày vĩ đại của Xã hội học”, Tạp chí Xã hội học, số 1/1983.

(10) C.Mác – Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.1, Nxb Sự thật, Hà Nội 1980, tr.559.

TS Phạm Minh Anh

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Min