Bạn có biết có đến tận 8 loại bàn phím? | Bàn phím cơ

Bàn phím là thiết bị ngoại vi không thể thiếu trong công nghệ máy tính, dù là PC hay laptop hay các dạng rút gọn như notebook… vì không có bàn phím thì bạn không thể làm các hoạt động từ căn bản tới phức tạp như: điều hướng, gõ ký tự, tính toán, lập trình… Nhưng cuộc đời không đơn giản, và chúng ta không chỉ có bàn phím cơ, không cơ hay giả cơ như mọi người thường nghĩ mà có tới tận 8 loại bàn phím khác nhau.

Vì sao có đến 8 loại bàn phím?

Vì nhiều lý do mà người ta thường lầm tưởng các bảng điều khiển đơn giản không phải là bàn phím. Thực chất tất cả mọi hình thức mà mình sắp kể dưới đây đa phần chúng ta đều đã biết, đã dùng và thậm chí dùng rât nhiều lần trong ngày. Về bản chất, chúng có cùng mục đích và đều được gọi là “Bàn phím”.

Có đến 8 loại bàn phím khác nhau dùng những công nghệ và mục đích khác nhau để giao tiếp với máy tính hay các thiết bị công nghệ khác. Vì sao lại có nhiều loại đến thế?

Đầu tiên là vì mục đích sử dụng, khi có nhiều mục đích dùng khác nhau để giao tiếp với máy tính, có nhu ắt có cầu, các nhà sản xuất đã nhanh chóng nắm bắt thị trường và cho ra nhiều dòng bàn phím khác nhau.

Sau nữa là vì túi tiền của người dùng. Mỗi nhóm người dùng sẽ có những ngân sách khác nhau dành cho bàn phím, với mỗi phân khúc giá, nhà cung cấp sẽ phải dùng những công nghệ, chất liệu và quy trình tương ứng nhằm tạo ra những loại bàn phím khác nhau tùy theo quỹ tiền mà người tiêu dùng có trong tay.

Loại 1: Bàn phím đa phương tiện – Multimedia keyboard

Đây là một trong những loại bàn phím phổ biến nhất hiện nay. Nó là một bảng bao gồm các nút đa phương tiện giúp bạn điều chỉnh phương tiện của mình một cách nhanh chóng, trực quan và hiệu quả nhất. Thông thường bàn phím đa phương tiện bao gồm các nút hoặc phím bổ sung như: Play, Rewind, Forward, Pause, Stop, Next, Previous, Volume up, Volume down, và một vài nút đặc biệt để chạy trình duyệt media trên máy tính. Nói chung, tiện lợi ngắn gọn điều khiển các phương tiện giải trí nói chung là điểm nổi bật của loại bàn phím này.

Loại 2: Bàn phím cơ – Mechanical keyboard

Bàn phím cơ được xem là loại bàn phím nguyên thủy và luôn được mọi người yêu thích cho đến tận hôm nay. Bàn phím cơ sử dụng các công tắc nằm bên dưới mỗi phím, hoạt động theo nguyên tắc cơ học với lò xo và một số thành phần khác.

Khi bạn ấn một phím, mạch điện đóng lại, tín hiệu điện được truyền đi đến PC và thực hiện ký tự/ lệnh vừa gõ. Bàn phím cơ mang lại cảm giác gõ tuyệt vời, vừa là xúc giác vừa là cảm giác nảy khi ấn phím, đôi khi với một loại switch tương ứng bạn còn có thể nghe được âm thanh click click đầy hào hứng.

Nói chung nếu muốn tìm một loại bàn phím kết nối máy tính đầy đủ, công nghệ hiện đại, cảm giác gõ hoàn hảo, chất lượng và tuổi thọ cực cao, mang đến cảm hứng tuyệt vời khi chơi game hay làm việc thì bàn phím cơ là lựa chọn không còn nghi ngờ gì nữa.

Trong nhóm bàn phím cơ còn những loại nào?

Trong đây lại có thêm hai nhánh nhỏ nhưng thuộc dạng cắt giảm để có giá thành phù hợp hơn là bàn phím không cơ (ví dụ bàn phím màng) và bàn phím giả cơ.

  • Bàn phím cao su: Khi bạn nhấn một phím, bộ phận tiếp xúc sẽ chạm vào bảng mạch bên dưới và lập tức phím bấm sẽ được cơ chế đàn hồi phía dưới đẩy lại vị trí cũ chờ lượt bấm tiếp theo. Ở các bàn phím bình thường, cơ chế đàn hồi là miếng màng cao su (rubber dome), cho độ nảy kém, độ xúc giác kém và không tạo ra âm thanh khi bấm. Ưu điểm của công nghệ này là giá rẻ. Nhược điểm đi kèm các cảm giác bấm không êm tay là độ bền kém, tuổi thọ thấp, tốc độ phản hồi phím cũng thấp, phải dùng lực bấm mạnh nên làm cản trở tốc độ gõ và lâu dài có thể gây ra hội chứng viêm và ống cổ tay.
  • Bàn phím giả cơ: là bàn phím tạo cho người dùng cảm giác như đang dùng bàn phím cơ (tất nhiên chỉ 60% sự thật), do dùng lớp màng đàn hồi cao su có độ dày và chất liệu cao cấp, tạo được độ nảy và độ xúc giác tương tự. Ưu điểm là giá thành rẻ nhưng vẫn đáp ứng được một số các nhu cầu căn bản của người dùng trong cảm giác bấm. Nhược điểm là chất lượng và tuổi thọ không cao, lâu ngày lớp màng mỏng dần và cảm giác bấm không còn được như ban đầu.

Loại 3: Bàn phím không dây – Wireless keyboard

Bàn phím này không dùng dây để kết nối với các loại máy tính hay thiết bị công nghệ mà dùng kết nối Bluetooth, Radio frequency, hoặc Infra-Red technology. Loại bàn phím này có tính di động cao, tiện lợi cho việc kết nối nhiều phương tiện khác nhau trong cùng một không gian, thuận tiện khi di chuyển nhiều và đòi hỏi tính làm việc liên tục. Đa số các bàn phím không dây có trọng lượng nhẹ hơn so với bàn phím cơ truyền thống, và được xem như một nhánh biến thể của bàn phím cơ.

Loại 4: Bàn phím ảo – Virtual keyboard

Bàn phím ảo không có cấu trúc vật lý như các loại bàn phím khác, nó có thể là phần mềm hoặc một phần của một phần mềm. Một ví dụ cụ thể của virtual keyboard chính là bàn phím ảo đang hiển thị trên điện thoại di động của bạn, khi bạn cần bàn phím sẽ hiện ra theo lệnh và khi không dùng nữa, lại một lần lệnh và chúng biến mất. Bàn phím này có ưu điểm là hiện đại, không tốn không gian đặt để, không phiền toái với đầu vào đầu ra, nhưng khuyết điểm là phụ thuộc hoàn toàn vào phần mềm cũng như thiết bị hiển thị ra bàn phím, nếu một trong hai thứ này có vấn đề thì bàn phím coi như không xuất hiện nữa.

Loại 5: Bàn phím USB

Đây là giao thức của Universal Serial Bus hay còn gọi là USB, được xem là bước nhảy vọt trong lịch sử phát triển công nghệ máy tính. Loại bàn phím này dùng giao diện USB để kết nối với máy chủ. Nghĩa là chúng ta sẽ có một dây với một đầu USB ở cuối bàn phím, chỉ cần cắm nó vào cổng USB của máy tính và a lê hấp bàn phím bắt đầu làm việc rồi! Trước đó chúng ta có bàn phím PS2 là một loại cổng đặc biệt dành cho chuột và bàn phím, và đây cũng chính là tiền đề cho sự ra đời của bàn phím USB sau này.

Loại 6: Bàn phím công thái học – Ergonomic keyboard

Là những bàn phím được xây dựng đặc biệt theo các tiêu chuẩn và công nghệ công thái học, mang lại tính tiện dụng, thoải mái, hiệu quả và lành mạnh nhất cho cả người dùng và người sản xuất. Chính vì đặc điểm công thái học cao, nên bất kể những hình dáng dị thường mà các dòng bàn phím này mang trên mình thì đại đa số người dùng có điều kiện vẫn tán dương đón nhận không ngại ngần.

Về lâu về dài bàn phím công thái học sẽ giúp bạn giảm thiểu các hội chứng ống cổ tay, căng cơ, đau vai, nhức mỏi cánh tay. Khuyết điểm duy nhất của bàn phím loại này là hơi tốn một khoảng thời gian ban đầu để làm quen với hình thức và cách dùng mới (nhưng khi đã quen bạn hầu như sẽ bị nghiện), và giá chát quá chát so với túi tiền trung bình của người dùng phổ thông.

Loại 7: Bàn phím QWERTY

Đây có lẽ là loại bàn phím quen thuộc nhất với tất cả chúng ta và là loại lâu đời nhất, có từ thời những chiếc máy đánh chữ đầu tiên xuất hiện. Đây đơn thuần là bàn phím (như các loại kia) nhưng có thứ tự các ký tự không theo trật tự bảng chữ cái ABC để hạn chế tình trạng dính phím thường thấy, mà sắp theo trật tự hoàn toàn khác đi dựa vào thói quen và tần suất xuất hiện nhiều ít của các ký tự, cuối cùng cho ra hàng ký tự trên cùng là Q.W.E.R.T.Y nên gọi tắt là bàn phím QWERTY.

Phát hiện này của Cristopher Latham Sholes đã làm thay đổi toàn bộ thói quen của người dùng bàn phím máy tính, đặt một cột mốc quan trọng cho lịch sử bàn phím và thiết bị ngoại vi nói chung. Hãy nhìn vào chiếc bàn phím bạn đang có trên bàn, không phải nó làm theo cấu trúc QWERTY quen thuộc này sao.

Loại 8: Bàn phím chuyên game – Gaming keyboard

Đây xem như phiên bản mở rộng của bàn phím truyền thống. Bạn có thể tìm thấy một số phím đặc biệt dành riêng cho gamers trên các bàn phím chuyên game này, kể cả một số hiệu ứng ánh sáng Led RGB đặc biệt để đánh dấu các phím cho game hành động mà người dùng bình thường không mấy quan tâm hay đặt nặng lắm. Hầu hết các bàn phím chuyên game đều có vẻ ngoài hiện đại bắt mắt, đôi khi góc cạnh đôi khi lại rất tinh tế và chất, nói chung mình có “đổ” vì em ấy từ cái nhìn đầu tiên. Giá các em này cũng khá cao so với các loại bàn phím dùng cho mục đích phổ thông khác.

Trong tương lại chúng ta sẽ có hy vọng thu thập được nhiều loại bàn phím hơn nữa với những công nghệ hiện đại khi đã chính thức hoàn chỉnh như 3D laser keyboard, Voice keyboard… Rất đáng để kỳ vọng và trông chờ phải không anh em?