Nghĩ đến sa mạc có lẽ hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu chúng ta là những đồi cát bất tận, nhưng trận bão cát khô rát và một bầu trời chỉ có ánh nắng mặt trời gay gắt. Trong nhiều năm, dưới tác động của tự nhiên và chủ yếu là con người, tỉ lệ sa mạc hóa ngày càng lớn.
Có rất nhiều những sa mạc nguyên thủy là cánh rừng hay nơi sinh sống của con người, tuy nhiên giờ chúng đã trở thành một nơi mà chỉ có những động/ thực vật gai góc nhất mới có thể sinh tồn. Bài viết này xin được liệt kê, giới thiệu về 10 sa mạc lớn nhất trên thế giới hiện nay.
10. Sa mạc Chihuahua
Diện tích của sa mạc này ước tính là khoảng 282.000 km vuông (175.000 dặm vuông). Sa mạc Chihuahua nằm dọc theo biên giới Mexico – Mỹ. Diện tích của nó thậm chí còn lớn hơn cả tiểu bang California (theo thống kê của Đại Học New Mexico). Sa mạc có tên như vậy là do nó bao phủ phần lớn bang Chihuahua của Mexico, ngoài ra nó còn thuộc các bang Texas, New Mexico và Arizona của Mỹ. Lượng mưa trung bình mỗi năm trên sa mạc này là ít hơn 228 mm.
Giống như nhiều sa mạc khác trên thế giới, sa mạc Chihuahua được bao bọc bởi dãy núi Sierre Madre Occidental ở phía Tây và dãy Sierra Madre Oriental ở phía Đông, ngăn hơi nước từ Thái Bình Dương và vịnh Mexico vào sâu trong đất liền.
Bên dưới sa mạc và dãy núi Guadalupe thuộc New Mexico có tới hơn 300 hang động. Tại khu vực này, Công viên quốc gia Carlsbad Caverns được xây dựng sau khi axit sunfuric xâm nhập vào núi đá vôi.
9. Sa mạc Great Basin
Diện tích của sa mạc này lên tới 490.000 km vuông (khoảng 190.000 dặm vuông). Không giống như hầu hết các sa mạc khác, đặc điểm khác biệt ở nơi đây chính là phần lớn lượng mưa rơi xuống đây đều ở dạng tuyết. Phạm vi bao phủ của sa mạc này gồm hầu hết Nevada, một phần của Utah và một vài bang khác. Hàng năm lượng mưa trung bình trong khu vực chỉ vào khoảng 150 đến 300 mm.
Sa mạc này được hình thành bên sườn ít mưa của dãy núi Sierra Nevada ở phía Đông California. Các khu vực xung quanh cũng chịu nhiều ảnh hưởng của sa mạc. Có những đợt gió mạnh được gọi là Santa Ana thường thổi về phía nam California sau khi được hình thành ở vùng khí áp cao trong sa mạc Great Basin.
Trong khu vực sa mạc Great Basin có rất nhiều các loại đá kì lạ hình thành. Ví dụ như một vài loại đươc tìm thấy ở trung tâm Nevada vào năm 2009, hình dáng của chúng được miêu tả là đang “nhỏ giọt như mật ong”. Sự biến dạng này diễn ra do các thay đổi trong vỏ Trái đất mà nguyên nhân là do áp suất lớn và nhiệt độ cao dưới bề mặt Trái đất. Những vật chất nặng trong lớp thạch quyển khi nóng lên sẽ tràn qua các lớp phủ mỏng hơn, kéo theo vật chất đằng sau.
8. Sa mạc Syria
Diện tích của sa mạc này là vào khoảng 518.000 km vuông (khoảng 200.000 dặm vuông). Nơi đây đích thực là một vùng đất chết khi được miêu tả là hoang tàn và khô cằn. Sa mạc Syria bao phủ phần lớn Irac, Jordan, Ả Rập Saudi và Syria, nơi đây được “đánh dấu” bởi dung nham– một rào cản không thể vượt qua đối với con người cho đến thập kỉ gần đây. Hiện nay, chúng ta đã có đường cao tốc và các ống dẫn dầu đã được xây dựng dọc khu vực này. Lượng mưa trung bình hằng năm ở khu vực này rơi vào khoảng 125mm.
Ngay từ thời kì cổ đại, con người đã đặt chân đến sa mạc Syria. Một vài khám phá hiện đại đã khẳng định điều đó. Khu vực khảo cổ có tên gọi “vòng tròn đá Stonehenge của Syria” đã được phát hiện vào năm 2009. Một báo cáo năm 2012 của Discovery cho biết nơi này chứa rất nhiều vòng tròn đá và các khu lăng mộ.
Núi lửa Es Safa gần Damascus là núi lửa lớn nhất của Ả Rập.Các lỗ thoát dung nham đã hoạt động vào khoảng 12.000 năm về trước trong Đại kỉ nguyên Holocene. Gần đây hơn, một hồ dung nham sôi đã được tìm thấy quanh khu vực này vào năm 1850.
7. Sa mạc Great Victoria
Diện tích của sa mạc này lên tới 647.000 km vuông ( 250.000 dặm vuông). Quả là một vùng đất rộng lớn. Sao mạc Great Victoria bao phủ gần hết nước Úc chủ yếu dưới dạng cồn cát song song và một số hồ muối. Những đụn cát chủ yếu là cát đỏ đến từ phía Đông nước úc, chúng chuyển sang màu trắng khi di chuyển xuống phía Nam do trộn lẫn với cát từ các bãi biển.
Khu vực này được miêu tả là một nơi với lượng mưa thay đổi biến hóa khó dự đoán trước. Theo dõi dữ liệu từ năm 1890 đến 2005, lượng mưa trung bình ở đây chỉ vào khoảng 162 mm mỗi năm. Do môi trường khắc nghiệt, sa mạc chủ yếu chỉ có các vùng đất của thổ dân, khu bảo tồn thiên nhiên hoặc đất trống, không có thành phố.Một trong những mối đe dọa sinh thái lớn nhất của khu vực này đến từ những chú lạc đà. Tổ tiên của chúng được nhập khẩu từ Ấn Độ, Afghanistan và Ả Rập trong thế kỷ 19 để phục vụ việc di chuyển trong sa mạc. Một báo cáo gần đây của BBC cho biết ước tính có khoảng 750.000 con lạc đà hoang dã đang sử dụng một nguồn nước lớn và phá hủy cơ sở hạ tầng. Chúng được coi như là một phương tiện hữu hiệu ngắn hạn nhưng lại đem lại hậu quả lâu dài.
6. Sa mạc Patagonia
Những tưởng sa mạc Great Victoria đã rộng lắm rồi nhưng chúng ta hãy ghé thăm sa mạc Patagonia với diện tích khổng lồ lên tới 630.000 km vuông ( 260.000 dặm vuông). Sa mạc này thuộc về Argentina. Khu vực sa mạc và bán sa mạc kéo dài từ Đại Tây Dương đến dãy Andes, chủ yếu là vùng đồng bằng không cây (theo bách khoa toàn thư Britannica).
Giống như Thung lũng Chết ở California, sa mạc Patagonia nằm ở sườn ít mưa của dãy núi Andes. Sự khắc nhiệt ở nơi đây cũng không kém thung lũng chết là mấy. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây chỉ có từ 160 đến 200 mm.
Theo bà Susan Woodward , một giáo sư địa lý sư danh dự tại Đại học Radford Virginia môi trường khắc nghiệt ở đây chủ yếu là do sự ảnh hưởng của địa hình. Khi các khối không khí bị ép di chuyển vòng qua núi và các vùng trũng sâu,chúng trở nên nóng hơn và khả năng giữ hơi nước cũng tăng. Ở bên sườn ít mưa của một dãy núi, nước bốc hơi rất nhanh, do đó tạo nên một môi trường sa mạc khô cằn.
5. Sa mạc Kalahari
Đứng thứ 5 trong danh sách đó chính là một sa mạc có diện tích lên tới 930.000 km vuông (360.000 dặm vuông). Sa mạc Kalahari bao phủ một vùng rộng lớn của Nam Phi, Botswana và Namibia. Theo một cuốn sách xuất bản năm 1991 nghiên cứu về môi trường của Kalahari thì lượng mưa trung bình ở sa mạc này ít hơn 500 mm một năm. Tuy nhiên có một số nơi chỉ nhận được 200 mm nước mưa hàng năm.
Kalahari được miêu tả là “không có gì đặc biệt”. Nơi đây bị bao phủ bởi cát, có thể đã được hình thành từ 2,6 triệu đến 11.700 năm về trước, do hoạt động mạnh của gió và mưa. Sa mạc Kalahari cũng là nơi từng có nhiều hoạt động của con người nhiều ngàn năm về trước.
Trong một khu vực khai quật- hang động Wonderwerk thuộc Nam Phi- các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy lửa đã cháy tại đây khoảng 1 triệu năm về trước. Họ cũng khám phá được các thứ đồ chế tác ở đồi Tsodilo, Botswana, cho thấy nơi này đã từng diễn ra hoạt động cúng tế khoảng 70.000 năm trước.
4. Sa mạc Gobi
Sa mạc Gobi là một trong những sa mạc nổi tiếng nhất. Diện tích của sa mạc này vào khoảng 1,3 triệu km vuông ( 800.000 dặm vuông). Gobi bao trùm cả một khu vực lớn của Trung Quốc và Mông Cổ. Tuy nhiên không phải nơi nào trên Gobi cũng khô cằn. Một vài nơi trong sa mạc còn có dạng thời tiết chia ra hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 50 đến 200 mm tùy theo địa điểm. Khu vực phía Đông có khá nhiều mưa vào mùa hè, gió mùa hoạt động cũng mạnh hơn.
Vào năm 2011, những mô hình có dạng hình zigzag ngoằn nghèo tại Gobi đã xuất hiện trong các bức ảnh chụp bởi Google, tạo nên một loạt các giả thuyết, thậm chí có cái liên quan đến người ngoài hành tinh. Nhưng theo nhà nghiên cứu Jonathon Hill tại Đại học bang Arizona, những vệt này chủ yếu để giúp vệ tinh gián điệp của Trung Quốc định hướng cho tàu vũ trụ.
Sa mạc Gobi là nơi lý tưởng để khai quật những hóa thạch khủng long. Một bộ xương khủng long bạo chúa Tyrannosaurus Rex đã được khai quật tại khu vực này và đem bán đấu giá với giá 1 triệu đô.
3. Sa mạc Ả Rập
Diện tích của sa mạc Ả Rập là 2,3 triệu km vuông (khoảng 900.000 dặm vuông). Sa mạc Ả Rập bao phủ Ả Rập Saudi, Oman và một phần của Irac. Tùy vào địa điểm mà độ khô nóng trên sa mạc này khác nhau. Tại vùng trung tâm sa mạc nhiệt độ có thể lên tới 54 độ C. Những khu vực gần rìa sa mạc hoặc trên các cao nguyên thì ẩm hơn, đôi khi còn có sương và sương mù.
Lượng mưa trung bình hàng năm tại đây nhỏ hơn hơn 100 mm, nhưng tùy thuộc vào địa điểm, nó có thể dao động từ 0 đến 500 mm. Nhờ hoạt động tưới tiêu của con người, nhiều phần sa mạc đã được phủ xanh. Đây quả là một tín hiệu đáng mừng trong thực trạng trái đất bị sa mạc hóa ngày càng nhiều.
Tuy nhiên có những vấn đề cần phải được cân nhắc. Việc trồng cây theo vòng tròn trở nên phổ biến tại Ả Rập Saudi trong ba thập kỉ qua. Các kĩ sư đào sâu xuống dưới mạch nước ngầm 20.000 năm tuổi để lấy nước tưới tiêu. Dự tính nếu tiếp tục với tốc độ sử dụng nước như hiện nay, mạch nước sẽ cạn kiệt trong vòng 50 năm tới.
2. Sa mạc Sahara
Sa mạc Sahara có diện tích lên tới 8,6 triệu km vuông, con số còn lớn hơn diện tích 8 sa mạc trên cộng lại. Ngoài việc rộng lớn hơn các sa mạc khác thì lượng mưa ở đây cũng ít hơn hẳn. Lượng mưa hàng năm tại đây thấp hơn 25 mm, ở phía Đông sa mạc, lượng mưa hàng năm có thể giảm xuống chỉ còn 5 mm. Nước không thường rơi trực tiếp xuống tạo mưa tại Sahara mà thường tạo ra sương mù. Ở Sahara không có nhiều thảm thực vật để giữ nhiệt sau khi Mặt trời lặn, do đó nhiệt độ có thể trở nên rất lạnh vào buổi tối. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngày và đêm tạo ra sương mù.
Sahara cũng có một ngọn núi lửa cao với tên gọi Emi Koussi nằm tại Chad, về phía Đông Nam của dãy Tibesti. Nó nằm ở độ cao 3.415 mét so với mực nước biển, những dòng dung nham núi lửa vẫn còn rất “trẻ”, khoảng 2 triệu năm tuổi. Theo quan niệm bình thường thì chúng ta luôn coi Sahara như là sa mạc lớn nhất thế giới, tuy nhiên không thực sự như vậy và chúng ta sẽ khám phá điều đó ở vị trí số 1.
1. Nam Cực
Vâng, hoang mạc rộng lớn nhất thế giới chính là châu Nam Cực của chúng ta với diện tích lên tới 14,2 triệu km vuông (khoảng 5,5 triệu dặm vuông).
Nam Cực là nơi lạnh nhất trên thế giới, nhiều tháng không nhận được ánh mặt trời. Không mang đặc trưng của những sa mạc bình thường như nóng, bão cát, … thật khó để cho rằng một nơi lạnh lẽo như Nam Cực mà lại được coi là sa mạc. Nhưng do lượng mưa quá ít nên nơi đây được coi như một sa mạc, lượng mưa trung bình hàng năm của Nam Cực chỉ ở mức 50 mm và tồn tại chủ yếu dưới dạng tuyết. Lý do chi có rất ít tuyết nhưng tận 99% bề mặt của Nam Cực được bao phủ bởi sông băng là do nhiệt độ trung bình tại Nam Cực là âm 48 độ C. Và nó làm chậm quá trình bay hơi.
Do sự biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, nhiều phần của Nam Cực đang có dấu hiệu nóng lên. Nhiệt độ trong vòng 50 năm qua ở Nam Cực đã tăng lên 2,5 lần – gấp 5 lần so với phần còn lại của cả trái đất. Nếu nước biển ấm lên, băng ở Nam Cực sẽ tan chảy từ bên dưới – những nơi tiếp xúc với nước biển.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!